Nhắc đến bài Clow, bài Sakura chúng ta thường nghĩ đó là những bộ bài có nguồn gốc từ Manga/Anime.
Thực ra rất ít người biết được nhóm tác giả của Sakura – CLAMP đã xây dựng bộ bài Clow lấy cảm hứng từ những bộ bài Tarot. Bài Tarot xuất phát từ phương Tây khoảng thế kỷ 14, vận dụng kiến thức của chiêm tinh học, 12 cung hoàng đạo và 4 nguyên tố chính là Đất, Lửa, Nước, Khí. Tuy nhiên, CLAMP không dừng lại ở đó, họ đã kết hợp cả thuyết âm dương ngũ hành của phương Đông – Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào trong bộ bài Clow và tạo ra sự hòa hợp giữa hai nền văn hóa. Hẳn các bạn từng xem Sakura đều thấy rõ sự hòa hợp này qua việc người sáng tạo ra bộ bài – pháp sư vĩ đại Clow Reed mang hai dòng máu Anh & Hong Kong hay cách Sakura thu phục được thẻ bài Earthy bằng thẻ bài Woody nhờ dùng thuyết ngũ hành một cách ngẫu nhiên.
CLAMP thật sự rất đỉnh khi có thể vận dụng những yếu tố văn hóa, triết học, chiêm tinh, nghệ thuật của hai nền văn hóa khác biệt vào trong những tác phẩm của mình. Tạo ra một thể thống nhất luôn hài hòa, cân bằng và “bình đẳng”. Một nét riêng của bộ bài Clow trong vô vàn những bộ bài khác trên thế giới.
Giờ bạn đã thấy sự khởi đầu kì diệu của những thẻ bài Clow chưa, cách nó ra đời không hề đơn giản đâu và bạn nên nhớ rằng CLAMP sáng tạo ra tác phẩm nào cũng đều có một ý nghĩa riêng hay ẩn ý nằm trong đó, không có gì là thừa thãi cả. Thế nên mình lập ra bài viết này để các bạn hiểu rõ hơn và phân biệt bài Clow với những bộ bài khác.
Đầu tiên phải hiểu được vì sao bài Clow được CLAMP xây dựng lấy cảm hứng từ bài Tarot nhưng lại được xếp vào hệ thống bài Oracle? Vậy hệ thống bài Oracle là gì? Nó khác và giống như thế nào so với bài Tarot?
Về cơ bản hai hệ thống bài có điểm chung trong mục đích sử dụng: khám phá bản thân, tìm kiếm thông tin xoay quanh các sự kiện diễn ra trong cuộc sống và dự đoán tương lai.
Ta thường biết đến Tarot với nhiều hệ thống khác nhau nhưng cơ bản vẫn là hai hệ thống Rider Waite Smith & Marseilles. Cụ thể hơn cấu trúc bài Tarot thường bao gồm 22 lá ẩn chính, 16 lá hoàng gia, 40 lá ẩn phụ được chia thành 4 bộ Cups, Swords, Pentacles & Wands. Tarot hướng đến việc mang lại nhiều chi tiết hơn trong việc giải bài. Điều này có thể rất hữu ích khi bạn muốn làm rõ trong một tình huống cụ thể. Các biểu tượng trong Tarot cũng rất quan trọng vì những màu sắc, hình ảnh, con số cụ thể đều là một phần của ý nghĩa trong mỗi lá bài.
Trong khi đó cấu trúc của Oracle thường không bị gò bó vào một khuôn khổ nào. Có thể thấy rằng mỗi một bộ Oracle sẽ có những hệ thống riêng (về nguyên tố, nguyên lý), cách ứng dụng riêng và lấy ý nghĩa theo một chủ đề nhất định nào đó (chẳng hạn như manga, hoa cỏ…). Đa phần số lượng lá bài của Oracle sẽ không nằm trong khuôn khổ 78 lá như Tarot, có bộ nhiều lắm là 90 lá nhưng có bộ chỉ vỏn vẹn 10 lá. Thường thì Oracle sẽ hướng đến sự tổng quan, những mặt khách quan của vấn đề và đưa ra lời khuyên là nhiều. Vì vậy quan điểm cá nhân cho thấy Oracle sẽ khó sử dụng hơn Tarot, và nó đòi hỏi người sử dụng phải có khả năng nhất định cũng như cảm quan tốt để phát huy hiệu quả của bộ bài Oracle một cách tối đa.
Đọc đến đây hẳn bạn đã hiểu được phần nào vì sao bài Clow lấy cảm hứng từ bài Tarot nhưng lại thuộc hệ thống bài Oracle rồi đúng không. Tùy theo từng tường hợp hay từng mục đích bộ bài có thể dẫn bạn đi từ tổng quan đến chi tiết, trả lời câu hỏi vì sao và đưa ra lời khuyên tùy theo sự phức tạp của vấn đề. Hệ thống trải bài Clow cũng có đến 10 cách trải phù hợp với từng vấn đề, từng câu hỏi có thể được đặt ra.
Cấu trúc của bộ bài Clow như thế nào?
Theo nguyên tác truyện tranh trước khi dựng thành phim Sakura, bộ bài Clow chỉ có 19 lá bài, sau này được nhà sản xuất MadHouse đưa lên màn ảnh mới được vẽ thêm thành 52 lá. Bao gồm:
The Arrow, The Big, The Bubbles, The Change, The Cloud, The Create, The Dark, The Dash, The Dream, The Earthy, The Erase, The Fight, The Firey, The Float, The Flower, The Fly, The Freeze, The Glow, The Illusion, The Jump, The Libra, The Light, The Little, The Lock, The Loop, The Maze, The Mirror, The Mist, The Move, The Power, The Rain, The Return, The Sand, The Shadow, The Shield, The Shot, The Silent, The Sleep, The Snow, The Song, The Storm, The Sweet, The Sword, The Though, The Thunder, The Time, The Twin, The Voice, The Watery, The Wave, The Windy & The Wood.
Và sau Movie 2 của series được phát hành ngày 15/7/2000 thì bộ bài Clow được thêm vào lá bài thứ 53 – The Nothing. Tuy nhiên, vì có sự ảnh hưởng bởi thuyết Âm Dương của phương Đông nên bộ bài Clow được chia làm 2 phần là phần dương gồm 52 lá và phần âm chính là thẻ bài thứ 53 này. Thẻ bài này mạnh đến nỗi Clow Reed phải phong ấn nó dưới chiếc ghế của mình và nếu không có nó cân bằng phần âm của bộ bài thì 52 lá kia sẽ không thể sử dụng được hết sức mạnh.
Vậy là bạn đã hiểu được phần nào về bài Clow và hệ thống Oracle/Tarot như thế nào rồi đấy. Kỳ tới chúng ta sẽ tìm hiểu về hệ thống nguyên lí, phân loại 52 lá bài Clow nhé!
Bài viết có phần tham khảo từ website Black Cat Vision, các bạn copy xin ghi rõ nguồn nhé!
bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 161 lượt xem