Canh Khổ Qua Món Ăn Quốc Dân Của Người Việt Nam Ngày Tết

Ý nghĩa của món canh khổ qua ngày Tết

Người dân tại các tỉnh Nam Bộ thường chuộng các món ăn có thể gọi tên hoặc mang đến hình ảnh gợi lên sự sung túc, tốt lành, may mắn. Vì thế, vào ngày Tết, trong các gia đình Nam Bộ thường chưng mâm ngũ quả với các loại trái như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung để đọc thành “cầu vừa đủ xài, sung” hay nấu thịt kho hột vịt thì thịt cắt miếng vuông to, hột vịt phải lựa hột thật tròn để mang đến sự vuông tròn toàn vẹn, dưa hấu thì phải chọn quả thật đỏ thì cả năm mới rực rỡ, may mắn,…

Và với lối suy nghĩ độc đáo này, trong những ngày đầu năm mới, người dân Nam Bộ thường chọn nấu món canh khổ qua với mong muốn mọi điều “khổ”, mọi vận hạn xui rủi, mọi điều chưa được may mắn, mọi vất vả gian lao sẽ qua đi. Như vậy, năm mới sẽ khởi đầu với những điều tốt lành nhất, hạnh phúc nhất, mọi thứ đều suôn sẻ, thuận lợi.

canh khổ qua ngày tết món canh quốc dân
canh khổ qua ngày tết món canh quốc dân

Một tô canh khổ qua để trên mâm cơm ngày Tết sẽ giúp con người thêm an tâm, trông chờ vào những điều may mắn bình an trong năm mới. Không chỉ có vậy, món canh khổ qua còn có vị mát, giúp thanh nhiệt, giải độc, hạn chế tình trạng nóng trong người do uống nhiều rượu bia và ăn thức ăn nhiều dầu mỡ trong  ngày Tết.

Cách nấu món canh khổ qua truyền thống

Tuy là một món ăn truyền thống nhưng canh khổ qua chưa bao giờ “lỗi thời” trong Tết hiện đại mà vẫn luôn giữ được vị thế của mình. Vào mỗi dịp Tết thì không thể nào thiếu được món canh với trái khổ qua xanh mướt này. Cách chế biến món khổ qua nhồi thịt nấu canh cũng vô cùng đơn giản.

Nguyên liệu:

Để nấu món canh khổ qua nhồi thịt, cần chuẩn bị các nguyên liệu:

  • 3 trái khổ qua
  • 30 gram nấm hương
  • 200 gram thịt xay
  • 30 gram nấm mèo
  • 50 gram nấm rơm
  • 20 gram ngò rí
  • 50 gram hành lá
  • 40 gram miến (bún tàu)
  • Gia vị: 2 muỗng cà phê đường trắng, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê muối

Cách nấu canh khổ qua

Bước 1: Đầu tiên, rửa sạch các nguyên liệu đã chuẩn bị. Sau đó lấy nấm hương khô, nấm mèo và miến ngâm qua nước ấm cho nở rồi cắt nhỏ. Sau đó cắt đầu và lá hành để riêng, băm nhỏ 1/2 đầu hành cùng với gốc ngò.

Bước 2: Lấy nấm mèo, nấm hương, miến tàu, thịt xay, hành ngò cùng băm nhỏ rồi thêm vào các gia vị cần thiết (2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê muối, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 2 muỗng cà phê tiêu xay). Ướp thịt trong vòng 15-30 phút để thịt được thấm đều gia vị.

món ăn truyền thống ngày tết của người dân Việt Nam
món ăn truyền thống ngày tết của người dân Việt Nam

Bước 3: Cắt khúc khổ qua rồi nạo bỏ hết phần ruột bên trong, hãy nạo sạch phần ruột trắng để tránh khổ qua đỡ đắng hơn. Lấy thịt đã ướp nhồi vào bên trong khổ qua. Có thể lấy muỗng nén chặt nhân vào bên trong khúc khổ qua để có thể cố định được phần nhân này, tránh việc nhân thịt rơi ra trong lúc nấu.

Bước 4: Cho 800ml nước vào nồi, thêm khổ qua nhồi thịt, 50 gram nấm rơm và phần đầu hành còn lại vào nấu cùng. Trong lúc nấu, trước tiên cần mở lửa lớn, đợi khi canh sôi lên thì vớt hết bọt rồi bắt đầu chỉnh nhỏ lửa lại, nêm nếm gia vị cho vừa miệng và hầm trong khoảng 1 tiếng để khổ qua được mềm, làm cho món canh khổ qua thêm ngon.

Bước 5: Sau khoảng 1 tiếng, dùng nĩa để xiên qua khúc khổ qua, nếu thấy khổ qua mềm, xiên dễ dàng thì xem như đã hoàn thành. Lúc này, có thể cho thêm hành ngò, đợi 1-2 phút rồi tắt bếp. Cho khổ qua ra tô, dùng kèm với cơm và nước mắm ớt cùng các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết để không khí gia đình vào mùa xuân thêm ấm áp, hạnh phúc.

bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 530 lượt xem

Có thể bạn muốn xem