Tiếng Lóng Là Gì? Một Số Tiếng Lóng Mà Giới Trẻ Hay Sử Dụng
Tiếng Lóng Là Gì? Một Số Tiếng Lóng Mà Giới Trẻ Hay Sử Dụng

1. Tiếng lóng là gì?

Tiếng lóng là cách giao tiếp bằng loại ngôn ngữ riêng được áp dụng trong một nhóm người hoặc một cộng đồng nhất định. Tiếng lóng thường không mang nghĩa trực tiếp mà chỉ được hiểu theo ý nghĩa tượng trưng mà cụ thể thì chỉ những người sử dụng mới hiểu.

tieng-long-la-gi-voh-0

Tiếng lóng là ngôn ngữ đã được biến thể và sáng tạo dựa vào loại ngôn ngữ đã có sẵn. Hầu như các quốc gia đều có tiếng lóng, và Việt Nam thì đa dạng hơn bởi ngoài tiếng lóng tiếng Việt, thì còn xuất hiện thêm tiếng lóng tiếng Anh, tiếng Hán. Tiếng lóng khác với ngôn ngữ chính thức đang được mọi người sử dụng hằng ngày. Ngôn ngữ chính thức thì ai cũng hiểu, còn tiếng lóng chỉ có thể áp dụng trong một nhóm người mà thôi.

Ở thời đại ngày nay, giới trẻ cũng hay sáng tạo những từ lóng riêng và được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày, hoặc trên các trang mạng xã hội. Tiếng Việt là ngôn ngữ toàn dân nhưng tiếng lóng thì có một số đặc thù riêng như chỉ có tính tạm thời, được sử dụng trong phạm vi hẹp, không có tính hệ thống và thường xuất hiện trong văn nói.

Các loại tiếng lóng đã ra đời từ rất lâu, thường được lưu truyền trong dân gian. Thời điểm tiếng lóng mới xuất hiện, thường được dùng để che giấu những nội dung không cho người khác biết. Bởi vậy mà trước đây tiếng lóng có thể bị xem là xấu. Tuy nhiên, tiếng lóng ở Việt Nam hiện nay mang tính gợi mở, sáng tạo cũng như giúp cho câu chuyện hằng ngày trở nên vui nhộn và thú vị hơn.

Tiếng lóng xấu hay tốt còn tùy thuộc vào đối tượng sử dụng với nội dung, ý nghĩa muốn truyền tải là gì. Mỗi nhóm người trong xã hội đều có hệ thống tiếng lóng riêng. Do đó, mỗi người cần biết cách sử dụng tiếng lóng một cách phù hợp và tránh hiện tượng lạm dụng quá nhiều. Đặc biệt, tiếng lóng chỉ nên dùng trong giao tiếp hằng ngày, và hạn chế xuất hiện trong các văn bản trang trọng.

Tiếng Việt là niềm tự hào của dân tộc ta. Bởi vậy bên cạnh việc ứng dụng tiếng lóng để giao tiếp phù hợp với từng hoàn cảnh, chúng ta cũng nên có ý thức giữ gìn vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt.

2. Tiếng lóng là gì và một số ví dụ thường gặp trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay

Tiếng lóng mang tính chất dành riêng cho từng nhóm xã hội. Vì vậy mà nó chỉ phổ biến ở những thời điểm, phạm vi nhất định. Bên cạnh việc tìm hiểu tiếng lóng là gì, chúng ta hãy cùng điểm qua một số ví dụ thường gặp trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay. Chắc hẳn sẽ có những từ quen thuộc mà bạn biết đấy!

tieng-long-la-gi-voh-2

  1. Bánh bèo: nghĩa gốc là tên một loại bánh của miền Trung, nhưng nó đã được gắn thêm ý nghĩa là miêu tả các cô gái yểu điệu, thích làm nũng, ra vẻ tiểu thư.
  2. Vãi: được sử dụng để nhấn mạnh mức độ của hành động, tính chất, cũng như khi đứng một mình thì từ “vãi” thể hiện sự ngạc nhiên.
  3. Toang: miêu tả sự đổ vỡ, hỏng, hoặc sai lầm của kế hoạch đã định trước.
  4. Xu cà na: là một từ lóng đang được các bạn trẻ sử dụng thường xuyên với ý nghĩa chỉ cho việc hay gặp những chuyện xui xẻo, không may mắn.
  5. Đào mộ: là hành động đào bới những thông tin cũ, hình ảnh xưa của người nào đó.
  6. Bão: thể hiện hành động ăn mừng dành cho một sự kiện nào đó.
  7. Quẩy: cũng là tên một món ăn nhưng cũng được sử dụng với ý nghĩa là chơi hết mình, vui hết mình.
  8. Thả thính: ý chỉ hành động lôi cuốn, quyến rũ người khác.
  9. Gấu: không chỉ đơn thuần là tên một loài vật, mà còn được dùng để chỉ người yêu.
  10. Trẻ trâu: dùng để miêu tả những người với cách ứng xử rất trẻ con, hay thu hút sự chú ý của người khác qua những hành động nghịch dại.
  11. Gà: ý chỉ bạn quá ngây thơ, chưa hiểu biết về một vấn đề nào đó.
  12. GATO: ban đầu là tên gọi của một loại bánh ngọt trong các bữa tiệc. Nhưng đây cũng là viết tắt của “ghen ăn tức ở”. GATO được dùng để miêu tả, bộc lộ những cảm xúc ghen tị, khát khao có thứ người khác có mà bản thân mình không có.

Đến nay, khái niệm “tiếng lóng là gì?” đã dần trở nên quen thuộc, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tiếng lóng ra đời với nhiều mục đích khác nhau, tùy vào từng nhóm người đã sáng tạo nên nó. Nếu chúng ta biết sử dụng đúng nơi, đúng lúc thì từ lóng sẽ giúp cho cuộc trò chuyện trở nên bớt nhàm chán hơn. Và đặc biệt, đừng lạm dụng tiếng lóng quá nhiều mà quên đi tiếng Việt của chúng ta bạn nhé!

bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 300 lượt xem

Có thể bạn muốn xem