Văn Hóa Tặng Sách Vào Dịp Giáng Sinh
Văn Hóa Tặng Sách Vào Dịp Giáng Sinh

Bên cạnh những giá trị đặc biệt, sự thay đổi trong văn hóa, tôn giáo và kinh tế đã góp phần biến sách trở thành món quà không thể thiếu trong các mùa lễ, theo The New York Times.

 
tang sach dip giang sinh anh 1

Một gian trưng bày sách Giáng sinh tại hiệu sách với dòng chữ "sách làm nên món quà tuyệt vời". Ảnh: Lawrence Specker/AL.

Ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, mỗi kỳ lễ đến cũng là dịp để người dân mua và tặng cho nhau những cuốn sách. Thói quen này được hình thành qua thời gian dài trong các Giáng sinh - một dịp nghỉ lễ mà các gia đình thường quây quần và tặng quà cho nhau.

Vào năm 1895, tờ New York Times đưa tin về các hiệu sách ngày càng đông đúc trong dịp lễ Giáng sinh: “Họ đến với số lượng lớn hơn mỗi ngày: những người đang mua sách, những người đang nghĩ đến việc mua sách”.

Nguồn gốc của thói quen tặng sách dịp lễ

Trên thực tế, văn hóa tặng sách trong các ngày lễ có nguồn gốc từ xa xưa gắn với sự thay đổi trong văn hóa và kinh tế. Trong các xã hội nông nghiệp sơ khai, sau mỗi vụ thu hoạch là một khoảng thời gian nhàn rỗi với nhiều sản phẩm và thịt tươi. Vì vậy trong các mùa lễ Yuletide, người dân thường thoải mái và khuyến khích sự hào phóng. Ở La Mã cổ đại thì có mùa lễ hội Saturnalia là dịp để mọi người cho đi. Và họ đã cho đi những cuốn sách theo cách riêng của họ.

Sau này, các mùa lễ hội ngoại giáo được chuyển thành một nghi thức tôn giáo vào cuối tháng 12. Văn hóa tặng quà vẫn tiếp tục xuất hiện trong các ngày lễ, nhưng phần lớn là những món quà được giới quý tộc ban tặng cho nông dân và thường là đồ ăn hoặc thức uống.

Vào đầu thế kỷ 19, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi Giáng sinh từ một sự kiện được tổ chức chung cho cả cộng đồng đã dần trở thành ngày lễ của gia đình. Họ vẫn giữ thói quen tặng quà cho nhau vào dịp này, nhưng cách họ chọn quà đã có sự thay đổi.

Nissenbaum, một giáo sư danh dự tại Đại học Massachusetts Amherst và là tác giả của The Battle for Christmas: A Social and Cultural History of Our Most Cherished Holiday (tạm dịch: Trận chiến Giáng sinh: Lịch sử văn hóa và xã hội của kỳ nghỉ được coi trọng nhất) giải thích: “Khi bạn thay đổi từ việc tặng quà cho nông nô hoặc người ăn xin thành quà cho con cái hoặc vợ/chồng của mình, bạn không thể chỉ tặng họ những thứ bạn đã có trong gia đình. Gia đình bạn luôn ăn những thứ ngon nhất mà nhà bạn có, vì vậy bạn phải cố gắng biến nó thành một món đồ xa xỉ”.

 
tang sach dip giang sinh anh 2

Năm 1976, người dân New York xếp hàng tại một trạm Bưu điện được dựng lên để xử lý các món quà và thư trong dịp Giáng sinh. Ảnh: D. Gorton/The New York Times.

Và vào đầu những năm 1800, sách vẫn còn là một món hàng xa xỉ, đắt đỏ và vì thế bỗng trở nên phù hợp với nhu cầu này. Các nhà sách cũng nhanh chóng tận dụng nhu cầu mua đang lớn dần này. Nissenbaum đã tìm thấy quảng cáo đầu tiên của người Mỹ về quà tặng Giáng sinh do một hiệu sách ở Salem đặt vào năm 1806. Vào giữa những năm 1800, nhiều nhà xuất bản bắt đầu phát hành những cuốn sách đặc biệt để làm quà tặng trong các ngày lễ.

Những phiên bản đặc biệt này được thiết kế đẹp mắt. “Đây là mùa sách ra hoa, các ngày lễ tác động lên sách giống tháng tư tác động lên cây cối vậy”, tờ The Times đưa tin vào năm 1851. Bài báo tiếp tục, “có hàng nghìn người cho rằng món quà quý giá nhất mà họ có thể tặng cho một người bạn là một cuốn sách hay và theo lẽ tự nhiên, họ mong nó có vẻ ngoài đẹp mắt tương xứng với giá trị nội dung”.

Thông điệp từ những cuốn sách

Bất kỳ loại sách nào cũng là một thứ xa xỉ hiếm có đối với hầu hết người tiêu dùng thời đó, nhưng khi dùng nó làm quà tặng, nó lại mang nhiều ý nghĩa tình cảm của người mua đối với người nhận theo một cách đặc biệt. “Chúng được mua với mục đích duy nhất là cho đi. Tôi không biết bất cứ thứ gì trước đây được thiết kế như vậy”, Nissenbaum nói.

Các nhà xuất bản thế kỷ 19 đã khuyến khích nhu cầu này với việc thiết kế để người mua viết thêm lời nhắn của mình vào sách. Tờ The Times đưa tin vào năm 1923: “Hầu hết cuốn sách đều có thể là một món quà tuyệt vời nếu được trao cho đúng người, nhưng chính chữ ‘nếu’ đó lại tạo ra sự khác biệt”.

Văn học Mỹ cũng đưa ra các ví dụ điển hình. Ví dụ, tác phẩm Little Women (Những người phụ nữ nhỏ bé) của Louisa May Alcott đã mở đầu bằng tuyên bố của Jo March rằng: “Giáng sinh sẽ không phải là Giáng sinh nếu không có bất kỳ món quà nào”. Sau đó, cô rất vui khi thức dậy vào buổi sáng Giáng sinh và phát hiện ra dưới gối của mình có một cuốn sách màu đỏ, dành riêng cho cô.

“Cô ấy đánh thức Meg bằng một câu ‘Giáng sinh vui vẻ’, và bảo cô em xem có gì dưới gối không. Một cuốn sách bìa màu xanh lục xuất hiện, bên trong cũng có hình giống như vậy, và vài dòng chữ do mẹ họ viết, điều này khiến món quà của họ trở nên thật quý giá trong mắt họ”, Alcott viết.

 
tang sach dip giang sinh anh 3

Mùa Giáng sinh cũng là dịp để các nhà sách thu hút độc giả đến mua sách. Ảnh: Sevenoaks Bookshop.

Vào đầu thế kỷ 20, những cuốn sách đặc biệt được trang trí công phu của thời đại Victoria đã không còn hợp thời nữa, vì sự nổi lên của giấy làm từ bột gỗ khiến cho giá sách giảm đi nhiều.

Nhưng thói quen tặng sách trong dịp lễ không vì thế mà mất đi, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất. Tờ The Times đưa tin vào năm 1933, giữa thời kỳ Đại suy thoái: “Không có năm nào tốt hơn năm này để tặng sách nhân dịp Giáng sinh. Trong một thế giới đầy biến động với những thay đổi và khủng hoảng, việc đọc sách mang lại những giá trị hấp dẫn hơn bao giờ hết”.

Cho đến ngày nay, người tiêu dùng vẫn đổ xô đi mua sách ngày lễ và các nhà xuất bản vẫn tiếp tục cung cấp nhiều dịch vụ hấp dẫn để thu hút độc giả. Ở Iceland còn có một từ riêng dành cho hiện tượng cuối năm này với sự thích thú đặc biệt, đó là “jolabokaflod” hay “cơn lũ sách Giáng sinh”.

Mặc những ấn bản mạ vàng đã không còn phổ biến so với những năm 1850, việc mua sách bìa cứng được thiết kế đẹp mắt làm quà tặng, thay vì sách bìa mềm vẫn đang là xu hướng.

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 486 lượt xem

Có thể bạn muốn xem