Do có nền văn hoá đa dạng nên ẩm thực Trung Quốc cũng thường được chia thành 8 trường phái khác nhau, phân bố đều trên khắp cả nước: Tứ Xuyên, Hồ Nam, Sơn Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, An Huy, Quảng Đông, Giang Tô.
1. Sườn xào chua ngọt quốc dân
Món sườn xào chua ngọt có màu đỏ cam bắt mắt và vị chua ngọt thơm ngon. Đây là một món ăn rất được người dân Trung Quốc yêu thích, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức của mùa hè nhờ nước sốt chua ngọt tươi mát kết hợp với phần thịt sườn tuyệt hảo.
Nếu đã là tín đồ của món sườn xào chua ngọt thì đừng bỏ qua một phiên bản khác của nó khi đến vùng Phúc Kiến – thịt lợn vải (lychee pork). Có thể món ăn này còn khá mới đối với người Việt chúng ta nhưng lại rất phổ biến với hội sành ăn ở Trung Quốc bởi vị ngọt tự nhiên đến từ vải thiều và phần thịt siêu mềm của nó. Để có được cảm giác đặc biệt đó, người ta phải cắt nhẹ trên bề mặt các miếng thịt để vị ngọt được thấm đều và làm mềm đến từng thớ thịt.
Thêm một sự thật khác là ban đầu, món ăn này cũng chỉ dừng lại ở việc xào thịt heo thông thường. Tuy nhiên, qua thời gian, độ hot của nó đã lan rộng khắp Trung Hoa, thậm chí cũng đã phổ biến ở các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, nên sườn xào chua ngọt cùng đã có nhiều “biến thể” gây thương nhớ khác như gà xào chua ngọt, bò xào chua ngọt…
2. Vịt quay Bắc Kinh
Vịt quay Bắc Kinh là món ăn nổi tiếng thế giới của thủ đô Bắc Kinh và được xem là một trong những món ăn “quốc dân” của Trung Quốc. Món ăn này được yêu thích bởi phần thịt ngọt đậm đà và lớp da giòn ấn tượng. Người ta thường ăn vịt quay Bắc Kinh cùng với bánh tráng, bún, các loại rau thơm và chấm nước tương tỏi ớt. Với tất cả những hương vị đặc sắc, quyến rũ từ hương vị đó, vịt quay Bắc Kinh đã trở thành một món ăn mà bất kì ai cũng phải nếm thử khi đặc chân đến thủ đô Trung Quốc.
Vịt quay Bắc Kinh từng là món ăn được phục vụ trong cung đình Trung Quốc thời xưa. Kể từ những năm 1970, nó đã trở thành “món ăn ngoại giao” sau khi được dùng trong các yến tiệc đón các đoàn khách nước ngoài quan trọng của Thủ tướng Chu Ân Lai (Thủ tướng Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa). Một trong những lí do cho sự “ưu ái” đó chính là do các nguyên thủ quốc gia và quan chức chính phủ đã dành nhiều sự tán thưởng cho hương vị đặc sắc của món ăn này.
3. Gà Kung Pao Tứ Xuyên
Gà Kung Pao là món đặc sản nổi tiếng mang phong cách Tứ Xuyên, được cả người dân và khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng. Nguyên liệu chính của món ăn này gồm có thịt gà thái hạt lựu, ớt khô, dưa leo và đậu phộng rang (hoặc hạt điều rang).
Có nhiều câu chuyện khác nhau kể về nguồn gốc của món gà Kung Pao, nhưng nhiều người tin rằng món ăn này được lấy cảm hứng từ một cựu thống đốc vùng Tứ Xuyên cuối thời Thanh. Người ta đồn rằng ông từng rất thích món gà sốt chua ngọt khi công tác ở tỉnh Sơn Đông. Sau khi chuyển đến vùng đất cay nồng Tứ Xuyên, ông đã yêu cầu đầu bếp thêm một ít ớt, đậu phộng và một số gia vị đặc trưng để tạo nên món ăn “mê hoặc” này.
4. Lẩu tê cay Trùng Khánh – Tứ Xuyên
Tuy chúng ta có thể ăn lẩu ở bất kì đâu ở Việt Nam cũng như trên thế giới nhưng nếu muốn thưởng thức vị cay nồng chính hiệu thì lẩu tê cay của Trùng Khánh hoặc Tứ Xuyên ở Trung Quốc là lựa chọn số một. Như tất cả những món lẩu khác, bí quyết làm nên hương vị đặc trưng của món ăn huyền thoại của Trùng Khánh - Tứ Xuyên chính là nước lẩu. Phần nước dùng của món ăn này thường được nêm gia vị “siêu đậm, siêu cay”, ăn cùng với các thành phần quen thuộc khác như thịt bò, hải sản, rau thơm…
Ngày xưa, người Trung Quốc thường chuộng ăn món lẩu đặc biệt này vào những ngày mùa đông lạnh giá, nhưng ngày nay, món lẩu này sẽ xuất hiện quanh năm và luôn đóng vai trò quan trọng trong những dịp tụ tập, đoàn tụ của gia đình và bạn bè. Ăn lẩu nói chung là một cách tuyệt vời để tất cả mọi người có thể quây quần bên nhau và bắt đầu trò chuyện, ăn uống vui vẻ sau quãng thời gian chăm chỉ làm việc, học tập.
5. Đậu hủ sốt cay Tứ Xuyên (Đậu hủ Ma Po)
Lại một đại diện nổi tiếng khác đến từ vùng đất Tứ Xuyên cay nồng, chính là đậu hủ Mapo. Món ăn có lịch sử hơn 100 năm này thường được nấu từ đậu hủ non, thịt băm và nước sốt cay làm từ đậu đen lên men và tương ớt.
Theo tương truyền, người sáng tạo ra món đậu hủ Ma Po là một bà lão họ Trần sống ở Thành Đô, Tứ Xuyên. Cái tên “Ma Po” được ghép từ chữ “ma” có nghĩa là rỗ và chữ “po” có nghĩa là bà vì người ta đồn rằng trên mặt bà Trần có khá nhiều vết rỗ. Món ăn cay thơm này sau đó đã rất nhanh chóng trở thành một trong những món ngon được ưa chuộng ở nhiều nơi và có nhiều phiên bản sáng tạo độc đáo. Đừng chần chờ mà hãy thử ngay món đậu phụ “cay xuýt xoa” này khi đi du lịch Trung Quốc nhé!
6. Thịt kho Đông Pha Hàng Châu
Thịt kho Đông Pha là món thịt ba chỉ om truyền thống của Hàng Châu được sáng tạo bởi nhà thơ và nhà ẩm thực nổi tiếng thời Tống, Tô Đông Pha. Để có được món thịt kho Đông Pha đúng chuẩn, người nấu phải hết sức cẩn thận tỉ mỉ từ khâu chọn, cắt thái thịt đến lúc nêm gia vị và canh thời gian dùng lửa.
Khi đã hoàn thành, món thịt kho Đông Pha sẽ hiện ra với hình ảnh một miếng thịt ba chỉ đậm đà được ninh nhừ và tan ngay trong miệng mà không hề béo ngậy. Chính vì hương vị độc đáo đến từ rượu vàng “hoàng tửu” và nhiệt độ lửa vừa phải, món thịt kho này đã chinh phục hàng triệu người và trở thành một trong những món ăn huyền thoại.
7.Tiểu Long Bao Vô Tích (Giang Tô)
Tiểu Long Bao là một loại bánh bao nhỏ của Trung Quốc được nấu trong giỏ tre và gói với phần nước súp bên trong. Phần nhân bên trong phổ biến nhất của Tiểu Long Bao là thịt lợn và cũng có nhiều phiên bản khác với thịt bò, hải sản và rau củ. Thoạt nghe thì món ăn này không quá đặc biệt và có vẻ giống như loại bánh bao hay sủi cảo thông thường nhưng thực sự món ăn này là một nghệ thuật đòi hỏi sự khéo léo từ cả khâu chế biến đến lúc lên bàn ăn.
Khi gói món bánh này, người đầu bếp phải hết sức cẩn thận làm đông nhẹ phần nước súp và gói nó vào trong giỏ bánh, rồi sau đó mang đi hấp trên nhiệt độ thích hợp. Trong quá trình này, việc dùng lửa là rất quan trọng vì nếu lửa quá lớn sẽ làm bể lớp vỏ, còn lửa quá nhỏ sẽ khiến cho lớp nhân bên trong bị sống.
Còn khi đến tay thực khách, mọi người phải thực sự cẩn thận di chuyển “bọc nước” này lên miệng và húp phần nước súp thơm ngon mà không làm bể vỏ bánh mềm mỏng. Thật cầu kì phải không? Chưa dừng lại ở đó, còn có một lí do “hết hồn” khiến Tiểu Long Bao nổi tiếng là vì đây là món ăn khiến vua Càn Long say đắm. Chính vì vậy, đừng bỏ lỡ món bánh đặc biệt này khi bạn đi tour Trung Quốc đến vùng Giang Tô hoặc Thượng Hải nhé!
8. Phật nhảy tường Phúc Kiến
“Phật nhảy tường”, một cái tên thật ấn tượng đúng không? Bạn không nghe lầm đâu! Đây chính xác làm một món ăn đặc sản của tỉnh Phúc Kiến, Trung quốc đã làm mưa làm gió trong giới quý tộc vào lúc nó vừa được sáng tạo nên. Đây là một món súp xa hoa với quá trình nấu phức tạp, đòi hỏi mất khoảng 3 ngày để chuẩn bị với hơn 30 nguyên liệu quý hiếm như vi cá, bào ngư, hải sâm, sò điệp, rượu Thiệu Hưng, chân dê,…
Chính vì là một món ăn được nấu từ toàn những nguyên liệu quý hiếm nên nó nhanh chóng được truyền tai nhau là một món ăn bổ dưỡng, cực phẩm đến nỗi đã có một bài thơ ca ngợi sự tuyệt hảo của nó. Có một câu thơ trong bài là “Ngay cả chính Phật cũng sẽ nhảy tường để đến để ăn”, và từ đó cái tên “Phật nhảy tường” đã ra đời. Có một lưu ý “dở khóc dở cười” thường được nhắc cùng món ăn này chính là không nên ăn nó vào mùa hè do nó bổ đến mức khiến người ta… chảy máu cam.
9. Đậu hủ thối Chiết Giang
Nhắc đến ẩm thực Trung Quốc thì không thể quên món Đậu phụ thối độc đáo của vùng Chiết Giang. Đây là một món ăn khá “kì dị” do nó được để lên men cho đến khi có mùi vớ thối rồi mới được mang đi chế biến thành các thành phẩm khác nhau như đậu phụ thối chiên, đậu phụ thối Mala,…
Món ăn đặc biệt này được người phương Tây ví như pho-mát xanh của Ý vì mọi người thường thấy khó chịu khi ngửi mình của nó nhưng hội sành ăn thì lại mê mẩn với tiêu chí “càng thối càng ngon”.
10. Kẹo hồ lô huyền thoại
Kẹo hồ lô luôn được cả thế giới xem là “quốc hồn quốc tuý” của người dân Trung Hoa bởi nó luôn xuất hiện trong các bộ phim cổ trang nước này và cũng có mặt khắp trên các con phố hiện đại ở Trung Quốc. Đây là một món ăn vặt đường phố với nguyên liệu chủ yếu là trái cây được phủ một lớp đường và xiên vào que tre dài, tạo nên một món ẩm thực bắt mắt.
Với người Trung Hoa, món ăn tuổi thơ này có ý nghĩa rất đặc biệt. Nó được cho là biểu tượng của may mắn, điều tốt lành và sẽ mang lại một cuộc sống đầy ấm no, hạnh phúc cho người ăn.
bởi Quốc Cường vào | 149 lượt xem