Gậy Như Ý có thể thu nhỏ, phóng to, phân thân biến hóa khôn lường nhưng chẳng phải là vũ khí lợi hại nhất trong Tây Du Ký.
Truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một trong Tứ đại danh tác của lịch sử văn học Trung Quốc. Được chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển, bộ phim Tây Du Ký trở thành bộ phim kinh điển của lịch sử điện ảnh Trung Hoa. Là một trong những tác phẩm truyền hình "làm mưa làm gió" khắp châu Á nhưng Tây Du Ký 1986 cũng có những bí ẩn ít ai biết:
1. Hình tượng 4 thầy trò Đường Tăng
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng cùng 3 đồ đệ là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng cùng nhau đi Tây thiên thỉnh kinh. Thông qua các diễn viên, hình tượng nhân vật đã được thể hiện thành công, mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc thú vị.
So với bản nguyên tác, Tôn Ngộ Không không lanh lợi, đáng yêu như trong phim. Có thể nói Lục Tiểu Linh Đồng đã thổi một luồng gió mới vào vai diễn Tôn Ngộ Không, giúp cho vai diễn thành công và nhận được nhiều yêu mến từ khán giả.
Trên thực tế Tôn Ngộ Không được miêu tả có phần miệng nhô ra giống như loài vượn nên mỗi lần xuất hiện đều khiến người dân chạy tán loạn. Không những thế, Tôn Ngộ Không có thể thoải mái biến lớn biến nhỏ, khi bị yêu quái chế giễu thân hình gầy nhỏ, Ngộ Không lập tức dùng phép thuật biến mình cao đến 10 trượng.
Còn Sa Tăng là một tên yêu quái ăn thịt người, thân cao 4m, dáng vẻ to lớn, trên vòng cổ của Sa Tăng đáng sợ hơn còn treo 9 cái đầu người. Hơn nữa, 9 đầu người này có thể chính là 9 kiếp trước của Đường Tăng, 9 kiếp đầu thai cuối cùng đều bị Sa Tăng ăn thịt.
Trư Bát Giới, tuy không cao nhưng thân hình rất to béo, vì vậy công việc gánh đồ, mở đường cho bốn thầy trò được giao cho Trư Bát Giới.
2. Tôn Ngộ Không bao nhiêu tuổi?
Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ được sinh ra từ tảng đá ngoài biển. Thế nhưng khi ở Địa Phủ đã được 342 tuổi, Tôn Ngộ Không chuyển qua làm Bật Mã Ôn (phụ trách trông coi ngựa) trên thiên đình nửa tháng. Nếu tính một ngày trên trời bằng một năm dưới hạ giới, chính là 15 năm. Sau đó, Tôn Ngộ Không lại tiếp tục làm thêm nửa năm chức Tề Thiên Đại Thánh, tức 177 năm.
Ở trong lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân bảy bảy bốn chín ngày, nghĩa là thêm 49 năm nữa, thêm 500 năm bị phong ấn dưới núi Thái Hành, 14 năm đi lấy kinh, tổng cộng tuổi của Tôn Ngộ Không khi đó là hơn 1097 tuổi.
Vì vậy, Tôn Ngộ Không thường kiêu ngạo nói: "Ta chính là ông ngoại của ngươi".
3. Tuổi của Hồng Hài Nhi
Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công Chúa. Tuyệt chiêu của Hồng Hài Nhi là Tam Muội Chân Hỏa, ngọn lửa không thể bị dập tắt bởi nước thông thường.
Hồng Hài Nhi từng thổi lửa khiến Hành Giả hồn lìa khỏi xác, trôi lềnh bềnh trên sông, may nhờ Bát Giới mới hồi tỉnh được. Tuy rằng trong phim Hồng Hài Nhi chỉ là một đứa trẻ nhưng cũng đã 300 tuổi. Lanh lợi, mưu mô, thực lực của Hồng Hài Nhi không hề thua kém Tôn Ngộ Không.
4. Kim Cô Chú
Kim Cô chú chính là một trong những điểm yếu của Tôn Ngộ Không mà người hâm mộ nào cũng biết. Kim Cô chú được làm bằng vàng, là bảo bối của Phật Tổ Như Lai truyền lại cho Quan Âm.
Phật Tổ giao cho Quan Âm 3 chiếc vòng là Khẩn Cô chú, Cẩm Cô chú, Kim Cô chú để đeo cho ba đồ đệ của Đường Tăng nhưng Bồ Tát chỉ đưa Kim Cô chú cho Tôn Ngộ Không.
Tôn Ngộ Không là một con khỉ ngông cuồng, Kim Cô chú giúp kìm hãm bản tính ngang tàng, khiến Tôn Ngộ Không ngày càng trưởng thành, chín chắn và bản lĩnh hơn cả trong nhận thức và hành động. Vì vậy, Kim Cô chú được đeo trên đầu Tôn Ngộ Không để giúp Đường Tăng giáo huấn đại đồ đệ.
Mỗi lần Đường Tăng niệm “Khẩn cô nhi chú” là một lần Ngộ Không “đau tưởng chết đi được, quằn quại lăn lộn, đỏ mặt tía tai, hai mắt trợn ngược, thân mình tê dại”. Nỗi đau này ẩn dụ cho nỗi giày xéo tâm can của con người trên hành trình tu luyện.
5. Tạo hình của Trư Bát Giới
Trư Bát Giới là Thiên Bồng Nguyên Soái, giữ địa vị rất cao, là thủ lĩnh của Tứ Thánh Bắc Cực. Dưới trướng của Thiên Bồng Nguyên Soái còn có vài chục mãnh tướng.
Sau khi Thiên Bồng Nguyên Soái chuyển kiếp, biến thành Trư Bát Giới. Đầu của Trư Bát Giới có hình dáng gần giống như đầu lợn rừng. Đến khi xuất gia, ngoại hình Trư Bát Giới mới có chút cải thiện để bớt hưng dữ.
6. Kim Cô Bổng và Cửu Chỉ đinh ba
Tôn Ngộ Không lấy được Kim Cô Bổng (còn gọi là Đinh Hải Thần Châm hay gậy Như Ý) từ chỗ Đông Hải Long vương. Kim Cô Bổng có thể phóng to thu nhỏ tùy ý, còn có thể phân thân hoặc biến hình theo ý chủ nhân.
Tương truyền, nó vốn được sử dụng để Nguyên Thủy Thiên Tôn đo biển đo trời nhưng khi gặp Tôn Ngộ Không như gặp được chủ nhân thực sự, thu nhỏ thành Kim Cô Bổng cho Ngộ Không tùy ý sử dụng.
Tương truyền Kim Cô Bổng nặng tới 1 vạn 3 ngàn 5 trăm cân, thế nhưng theo Ngô Thừa Ân viết trong truyện thì Kim Cô Bổng nặng bằng số lần hít thở của một người trong ngày, dài thì là 13500 lần, ngắn thì là 84000 lần. Chính vì vậy, nhiều người vẫn cho rằng Kim Cô Bổng là vũ khí lợi hại nhất trong phim Tây Du Ký mà không hề biết rằng cây đinh ba 9 răng của Trư Bát Giới mới thật là bảo bối.
Cây đinh ba có trọng lượng là 5048 cân. Số cuốn kinh thư mà Như Lai đã ban cho Đường Tăng là 5048 cuốn. Số ngày thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh 14 năm, cộng thêm 8 ngày gặp Quan Thế Âm, tổng cộng là 5048 ngày, không phải ngẫu nhiên mà có sự trùng hợp này.
Ngoài ra, cây đinh ba này được Thái Thượng Lão Quân luyện một thời gian rất lâu trong lò, sau đó tự tay rèn ra. Đây là lý do vì sao khi vũ khí của ba đồ đệ bị trộm, yêu quái lại chỉ mở tiệc Đinh Ba, chứ không phải là tiệc Kim Cô Bổng.
7. Thái Thượng Lão Quân
Thái Thượng Lão Quân vốn dĩ không phải là thần tử của Ngọc Hoàng Đại Đế mà có địa vị cao hơn Ngọc Hoàng rất nhiều.
Khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, Ngọc Hoàng Đại Đế phải mời Thái Thượng Lão Quân đến giúp. Khi đó, Thái Thượng Lão Quân thu phục Tôn Ngộ Không, nhốt trong lò luyện đan 49 ngày.
Trên đường đến Tây Thiên, khi đồ đệ Ngân Giác và Kim Giác của Thái Thượng Lão Quân giao chiến với Tôn Ngộ Không, lấy ra bảo vật của Thái Quân, Tôn Ngộ Không cũng không thể chống đỡ nổi.
8. Ngọc Hoàng Đại Đế
Trong phim Tây Du Ký, nhiều người cho rằng Phật Tổ Như Lai có địa vị cao nhất, chính vì vậy khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, Ngọc Hoàng Đại Đế mời Phật Tổ giúp đỡ.
Thế nhưng trong nguyên tác, Ngọc Hoàng lại vô cùng bình tĩnh trước tình huống này. Không những thế, thiên cung nhiều cao thủ như vậy, một con khỉ ngông cuồng không đáng để lo ngại. Vậy nên trong phim có cảnh Ngọc Hoàng vì quá sợ hãi phải núp sau chiếc bàn, thực chất là chuyện không thể nào xảy ra.
9. Địa vị của Long Tộc
Trong Tây Du Ký, địa vị của Long tộc rất thấp. Từ chim đại bàng, đến Kim Mao Hống thú cưỡi của Bồ Tát cũng ưa thích ăn thịt rồng.
10. Tôn Ngộ Không có phải là đồ đệ được Đường Tăng yêu quý nhất?
Trong phim, Tôn Ngộ Không là đồ đệ được Đường Tăng ưu ái hơn cả. Thế nhưng trong nguyên tác, quan hệ của Đường Tăng và Tôn Ngộ Không không được hòa thuận, hai sư đồ thậm chí rất nhiều lần cãi vã nhau.
Đường Tăng lại rất yêu quý Bát Giới, do Đường Tăng nhận thấy Bát Giới có lòng hướng Phật. Bát Giới từng ngâm một bài thơ, tuy rằng không quá cao siêu nhưng lại khiến người nghe phải suy ngẫm, cảm thán về đạo lý ở đời.
bởi Quốc Cường vào | 594 lượt xem