Không phải Tôn Ngộ Không, đây mới là 3 'con khỉ' thần thông quảng đại nhất trời đất, sức mạnh cao cường qua mắt cả Bồ Tát
Trong hồi thứ 58 của Tây du ký, kiếp nạn "Thật giả Mỹ Hầu Vương", Tôn Ngộ Không thật và giả giao tranh bất phân thắng bại. Kính chiếu yêu cũng không thể phân ra thật giả, Địa Tạng Vương Bồ Tát không dám nói, ngay cả gậy Như ý cũng có hai cây. Tôn Ngộ Không thật và giả đánh vào Linh Sơn Đại Lôi Âm Tự, mời Như Lai Phật Tổ đến phân biệt.
Hầu Vương trong "Tây Du Ký" sinh ra từ viên đá vá trời của Nữ Oa, hấp thụ linh khí của trời đất, bồi bổ tinh hoa của nhật nguyệt. Mãi đến khi xuất hiện Lục Nhĩ Mỹ Hầu, chúng ta mới biết rằng ngoài Hầu Vương Tề Thiên Đại Thánh, còn có những con khỉ hùng mạnh khác, sở hữu thực lực thần thông quảng đại.
Tại Lôi Âm Tự, Như Lai đã nói: "Quan Âm Tôn Giả, hãy nhìn hai hành giả kia, ai là người thật?".
Bồ Tát nói: “Đệ tử cũng không thể phân biệt. Hắn đến Thiên cung, Địa phủ cũng không có kết quả. Cuối cùng đành bái kiến Như Lai, phân biệt thật giả cho bằng được”.
Như Lai nói: “Trời đất có Ngũ tiên gồm Thiên, Địa, Thần, Nhân, Quỷ. Có Ngũ trùng gồm Luy, Lân, Mao, Vũ, Côn; còn có Hỗn Thế Tứ Hầu không thuộc mười loại này”.
Vậy “Hỗn Thế Tứ Hầu” có thực lực ra sao? Tôn Ngộ Không có thuộc Tứ hầu không?
4. Linh Minh Thạch Hầu
Trong nguyên tác “Tây du ký” đã mô tả Linh Minh Thạch Hầu: “Thông biến hóa, biết thiên thời, hiểu địa lợi, di tinh hoán đẩu”.
Thạch hầu, tức là khỉ sinh ra từ đá. Mặc dù có thông tin Tứ hầu đều sinh ra từ đá, nhưng chỉ có Tôn Ngộ Không được khắc họa là con khỉ thần thánh gắn với hình tượng tảng đá tinh luyện của đất trời này. Nên giả thuyết Tôn Ngộ Không là Linh Minh Thạch Hầu có nhiều cơ sở nhất.
Thế nhưng, Tôn Ngộ Không bị xem là yếu nhất trong Tứ Hầu. Tề Thiên Đại Thánh cơ duyên bái Bồ Đề Tổ Sư làm sư, học được 72 phép biến hóa, lên Thiên cung đại náo lại luyện được Kim cang bất hoại nhờ ăn nhiều tiên đan và rèn luyện trong lò Bát Quái của Thái Thượng Lão Quân.
Từ đó, Linh Minh Thạch Hầu, hay Tôn Ngộ Không được nhận định là có thực lực yếu nhất trong Từ hầu. Đó là lý do vì sao Tôn Ngộ Không không thể đánh thắng Lục Nhĩ Mỹ Hầu trong kiếp nạn "Thật giả Mỹ Hầu Vương".
3. Lục Nhĩ Mỹ Hầu
Cũng trong kiếp nạn "Thật giả Mỹ Hầu Vương", Lục Nhĩ Mỹ Hầu đã giả dạng thành Tôn Ngộ Không, chiến đấu bất phân thắng bại, thật giả khó định.
Lục Nhĩ Mỹ Hầu giỏi lắng nghe âm thanh, biết quan sát, tinh tường vạn vật. Phép thuật biến hóa của Lục Nhĩ Mỹ Hầu cao thâm đến mức có thể qua mặt được Gương chiếu yêu của Thác Tháp Lý Thiên Vương Lý Tịnh và Tuệ nhãn của Quan Thế Âm Bồ Tát. Thậm chí người đứng đầu thiên giới là Ngọc Đế cũng không phân biệt được.
Tôn Ngộ Không thật và giả đánh xuống địa phủ, tuy Đế Thính và Địa Tạng Vương Bồ Tát có thể nhìn thấy trắng đen thị phi của Tam giới nhưng không dám tiết lộ chân tướng, chỉ đành chờ Như Lai đích thân xử lý. Nhiêu đây thôi cũng đủ thấy Lục Nhĩ Mỹ Hầu ghê gớm đến mức nào!
2. Xích Khào Mã Hầu
Xích Khào Mã Hầu biết âm dương, hiểu nhân sinh chuyện đời, giỏi xuất nhập, vượt ra khỏi ranh giới sinh và tử.
Xích Khào Mã Hầu còn là một thủy quái ở thời kỳ Bàn Cổ, xưng là Thủy Viên Đại Thánh, sở hữu khả năng điều khiển nước tuyệt đỉnh, ngay đến Đại Thánh Quốc Sư Bồ Tát cũng phải nhiều phần kiêng dè.
Nhĩ Tiều Bồ Tát cũng từng nói rằng: "Lúc dòng Hoài Thủy dâng cao đã thu nhận Thủy Viên Đại Thánh, sợ sau khi ta đi, không thần tiên nào có thể trị".
1. Thông Bích Viên Hầu
Bản lĩnh của Thông Bích Viên Hầu khó có thể hình dung: Chi phối nhật nguyệt, điều khiển thiên sơn, xoay chuyển càn khôn.
Thông Bích Viên Hầu không những học được Thiên Canh 36 biến, sở hữu "Hóa công đại pháp" có thể hấp thu tu vi (đạo hạnh tu luyện) của đối thủ rồi chuyển hóa thành của mình.
Trong trận đại chiến Phong Thần, Thông Bích Viên Hầu đã khuấy động thiên địa, Nữ Oa cũng không có cách trị. Cuối cùng Thông Bích Viên Hầu chết dưới Trảm Tiên phi đao của Lục Áp đạo nhân vì đã quá khinh địch.
bởi Quốc Cường vào | 385 lượt xem