Có rất nhiều phong tục tại Nhật Bản mà người nước ngoài sẽ thấy nó thật là kỳ lạ. Nhìn chung, người Nhật rất dễ chịu với người nước ngoài và sẽ hiếm khi chỉ trích khi họ không tuân thủ các phong tục độc đáo của Nhật Bản, nhưng nếu bạn biết cách ứng xử chuẩn mực trước khi bạn đến Nhật Bản thì đó sẽ là lợi thế dành cho bạn.
1. Khi tiễn người đồng hành của mình, bạn phải đợi cho đến khi không thể nhìn thấy họ nữa rồi mới có thể rời đi.
Ở Nhật Bản, thường các nhà hàng, nhà trọ và các doanh nghiệp kinh doanh ngành dịch vụ khác đều sẽ cúi chào khách hàng và dõi theo cho đến khi không còn nhìn thấy khách hàng nữa.
Ngay cả trong môi trường kinh doanh, thường mọi người sẽ cúi đầu và chờ đợi tại thang máy ngay cả sau khi đối phương đã bước vào và cánh cửa thang máy đã khép lại.
Ngoài ra, đối với bạn bè hoặc bạn cùng lớp, họ có thể không cúi đầu nhưng mọi người thường đợi cho đến khi không thể nhìn thấy bạn của họ nữa.
Mặc dù phải cúi đầu cho đến khi bạn không thể nhìn thấy bạn đồng hành của mình, nhưng tại sao người Nhật lại chờ đợi quá lâu như vậy?
Đầu tiên, theo sự nhạy cảm của người Nhật Bản, cúi chào càng lâu là một dấu hiệu thể hiện sự tôn trọng và chu đáo với người đối diện và cũng giúp họ thấy được sự hiếu khách của gia chủ. Mặt khác, nếu bạn rời đi ngay lập tức khi họ còn chưa rời đi, bạn sẽ làm họ cảm thấy như bạn đang xem thường họ.
Điều này cũng dễ hiểu, bởi theo văn hóa tinh thần của người Nhật, các cuộc gặp gỡ một lần trong đời được xem như là như duyên số và sự chia ly chỉ là điều bất đắc dĩ. Vì vậy, việc tiễn họ cho đến khi không còn nhìn thấy họ nữa là cách thể hiện sự hiếu khách, cũng như cảm giác hối tiếc của bạn khi chia tay. Trong hầu hết các trường hợp, có vẻ như lời tạm biệt dài không phải là một phong tục phổ biến ở các quốc gia, vì vậy đây chính là một trong những phong tục mà người nước ngoài thấy khá kỳ lạ.
Ở Nhật Bản, khi chào hỏi hay cảm ơn, mọi người đều sẽ cúi đầu. Ngay cả khi bạn vừa đi ngang qua một người quen, việc gật đầu nhẹ cũng là điều bình thường.
Ngoài ra, không chỉ khi bạn chào hỏi ai đó mà khi bạn bày tỏ lòng biết ơn hay trong trường hợp bạn gọi với theo một ai đó để họ dừng lại thì bạn cũng phải nói “Sumimasen”. Bản thân từ "Sumimasen" có nghĩa là xin lỗi, và chắc có không ít người thắc mắc “tại sao họ lại xin lỗi mặc dù không làm gì sai?”
Tuy nhiên, người Nhật đánh giá rất cao sự khiêm tốn. Tự hạ thấp bản thân là một hành động thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với đối phương và nó đã trở thành một phần của văn hóa Nhật Bản trong nhiều thế kỷ qua. Đó là lý do vì sao người Nhật có cách thể hiện sự tôn trọng và khiêm tốn có thể gây khó khăn cho người nước ngoài khi tìm hiểu về ngôn ngữ này.
Cúi đầu và nói "Sumimasen" sẽ thể hiện rằng bạn đang tôn trọng người đối diện.
Khi con người khiêm tốn quá mức và xóa bỏ hoàn toàn cái tôi, điều này được coi là tiêu cực, tự ti, nhưng mức độ khiêm tốn vừa phải được người dân Nhật Bản coi là một đức tính tốt. Nếu bạn có cơ hội đến Nhật Bản, hãy lưu ý điều này nhé.
3. Ngồi bắt chéo chân bị xem là hành động thô lỗ
Ở Nhật Bản, ngồi bắt chéo chân tại những nơi trang trọng hoặc trong môi trường kinh doanh được coi là hành động thô lỗ vì sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang có thái độ hoặc bạn đang tự nghĩ mình là người quan trọng.
Từ nhỏ, người Nhật đã dạy trẻ con phải ngồi thẳng lưng, hai chân khép vào nhau và đặt tay lên đầu gối. Tư thế này thể hiện rằng “Tôi đang khiêm tốn lắng nghe cuộc trò chuyện của bạn”.
Có vẻ như ở hầu hết các quốc gia khác, việc ngồi bắt chéo chân được xem là hành động bình thường. Tư thế này còn có nghĩa là bạn đang thư giãn, tự tin và bạn đang tận hưởng cách mà mọi thứ đang diễn ra.
Vậy thì tại sao hành động này lại bị coi là thô lỗ ở Nhật Bản?
Nhật Bản vốn là đất nước được biết đến với những chiếc chiếu cói tatami hay sàn rơm, vậy nên tư thế ngồi quỳ bằng đầu gối là kiểu ngồi chính thức ở đất nước này. Người Nhật xưa cho rằng "nếu bạn chĩa chân vào ai đó, họ sẽ không thể ngủ được", vì vậy mà việc đưa đôi chân của bạn hướng vào người khác là hành động bị xem là thô lỗ.
Tại Nhật Bản, nếu bạn thấy mình đang ở trong một môi trường trang trọng hoặc môi trường kinh doanh, hãy chú ý đến tư thế ngồi của mình nhé.
4. Nghi thức tiệc rượu kỳ lạ
Đây là một văn hóa dành cho mọi người khi tiếp rượu với sếp hay cấp trên của họ, một khi ly rượu của sếp cạn, bạn phải rót đầy ly cho họ ngay. Những nhân viên mới sẽ được đào tạo rất kỹ về nghi thức này (điều xảy ra khá thường xuyên ở các công ty truyền thống, kiểu cũ).
Bắt nguồn từ tập tục làng xã khi xưa, họ có xu hướng hưởng ứng "theo đám đông". Mặt khác, tập quán này cũng có thể là do ảnh hưởng của Nho giáo - quy định cấu trúc xã hội theo chiều dọc, nơi mà cấp trên rất được tôn trọng.
Tất nhiên, theo sự vận động của xã hội, trong những năm gần đây phong tục này không còn phổ biến như trước đó, nhưng nếu bạn sang Nhật, bạn cũng nên biết đến điều này.
5. Không nói chuyện điện thoại khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Ở Nhật Bản, có quy tắc là bạn không được nói chuyện điện thoại khi đi tàu hoặc xe buýt. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, hầu như không một ai nói chuyện điện thoại trên tàu. (Tuy nhiên đôi khi cũng có người làm điều này, thường thì họ sẽ bị mọi người bị nhìn bằng ánh mắt không mấy thiện cảm.)
Trong thang máy cũng vậy, người Nhật thường không nói chuyện điện thoại cũng như nói chuyện với nhau mặc cho bầu không khí im lặng bao trùm lên tất cả.
Người ta cho rằng về cơ bản đây là một thói quen rất tốt, vì bạn sẽ không mang chuyện cá nhân của mình ra chốn công cộng để cho mọi người biết.
Nhật Bản là một đất nước nơi mà mọi người luôn suy nghĩ cho cộng đồng, thế giới xung quanh và hành động, ứng xử một cách thấu đáo. Vì vậy, nếu bạn mang cuộc sống riêng tư của mình ra chốn công cộng, thế giới và cộng đồng xung quanh bạn sẽ vô tình bị thu hẹp thành trở thành không gian của riêng bạn và điều đó sẽ khiến mọi người khó chịu.
Xã hội Nhật Bản được hình thành dựa trên lối suy nghĩ này, nên bạn sẽ hiếm khi nghe thấy những tiếng la hét ở nơi công cộng. Vì vậy, tốt nhất là bạn không nên nói chuyện điện thoại di động khi bạn đang ở bên ngoài.
6. Nói không với vừa đi vừa ăn
Đây là hành động được cho là bất lịch sự, thậm chí thô lỗ, bởi vì bữa ăn ở Nhật Bản được coi là một nghi thức trang trọng, để có thể ngồi và thưởng thức bữa ăn của mình chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức. Khi McDonald's lần đầu tiên mở cửa tại Nhật Bản vào những năm 1970 và khái niệm đồ ăn nhanh dần ăn sâu vào xã hội Nhật Bản, nó bị xem là một xu hướng không phù hợp vì sản phẩm của McDonald's vừa đủ để dễ cầm trên tay và thưởng thức ngay cả khi chúng ta đang đi ngoài đường.
Không chỉ bị coi là không phù hợp, mà việc ăn uống trong lúc đi bộ ở Nhật Bản là khá bất tiện bởi vì có rất ít những thùng rác công cộng. Nếu may mắn, bạn sẽ bắt gặp một cửa hàng tiện lợi hoặc công viên, nơi bạn tìm được thùng rác, còn không bạn buộc sẽ phải giữ rác suốt cả ngày.
7. Luôn mang theo một chiếc khăn tay
Hầu hết các phòng vệ sinh công cộng ở Nhật Bản không có khăn tay hoặc máy sấy khô. Nếu bạn đi đến một trung tâm thương mại hoặc một nhà vệ sinh công cộng hiện đại như ở trong trung tâm mua sắm, thì có lẽ sẽ có một máy sấy khô tay tự động. Máy sấy khô tay xuất hiện phổ biến hơn ở những khu vực đông đúc nhộn nhịp tại Tokyo so với các khu vực khác của Nhật Bản. Hầu hết khi bước vào các phòng vệ sinh trong nhà ga và nhà vệ sinh công cộng kiểu cũ, bạn sẽ không thấy có bất cứ thiết bị hay vật dụng gì để làm khô tay. Để tự khắc phục điều này, bạn nên luôn mang theo một chiếc khăn tay nhỏ bên mình.
Khăn tay cũng khá là tiện dụng vào những ngày nắng nóng, khi bạn phải chạy quanh thành phố với mồ hôi nhễ nhại!
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 599 lượt xem