Nuclear Wintour" (Bom hạt nhân Wintour) là cụm từ mà những người trong giới thời trang miêu tả Anna Wintour. Hình ảnh người phụ nữ với mái tóc cắt ngắn, đeo một cặp kính râm đen to bản là thương hiệu của Anna.
Không phải là một nhà thiết kế nhưng mọi tín đồ thời trang đều phải tôn kính người phụ nữ này, Anna Wintour - người phụ nữ đầy quyền lực. Được những tín đồ thời trang trên khắp thế giới biết đến là Tổng biên tập của tạp chí thời trang Vogue từ năm 1988 cho đến nay. Bà có ảnh hưởng không nhỏ tới các xu hướng thời trang trên thế giới.
Tiểu sử
Anna Wintour (3/11/1949) từng làm biên tập viên thời trang cho các tạp chí như Bazaar, Viva, Savvy, New York.Sinh ra tại London (Anh), trong một gia đình có truyền thống làm báo, từ nhỏ Anna Wintour đã quen những khái niệm liên quan đến tạp chí. Bố cô, Charles Wintour là Tổng biên tập tờ báo London Evening Standard nổi tiếng lúc bấy giờ. Chính vì vậy, những công việc như dàn trang, thiết kế tờ báo đã ăn sâu trong tiềm thức của cô bé tóc vàng. Anna có hứng thú với thời trang từ khi còn rất trẻ.
Năm 1970, lúc ấy Anna 21 tuổi. Bà quyết định bỏ học, khởi đầu sự nghiệp làm tạp chí với công việc trợ lý biên tập cho tờ Harpers & Queen. Làm việc ở đây không được bao lâu, bà bị trục xuất khi thực hiện bộ ảnh thời trang tái hiện bức tranh của Renior và Manet mà ở đó bởi những người mẫu mặc go-go boots.
Trước khi chèo lái cho tạp chí Vogue, Anna Wintour đã từng bước tự thân vươn lên trên nấc thang sự nghiệp. Từ New York cho đến London, các nhà xuất bản dường như đã quen với sự xuất hiện của bà. Anna Wintour đã từng làm biên tập thời trang cho Harper’s Bazaar (New York) và bị sa thải khỏi đây vì lý do phong cách quá châu Âu so với hướng đi của tạp chí. Từ đó, Wintour càng nung nấu trong tim lòng đam mê với thời trang bất tận để cho ra đời những thước hình hoàn toàn khác biệt với xu hướng chung, cũng như có cơ hội nắm giữ vị trí Giám đốc sáng tạo của Vogue và nay là tổng biên tập quyền lực nhất thế giới.
Anna Wintour và đế chế thời trang Vogue
Bước ngoặt để đưa một bà cô khó tính đi từ nhiều tờ tạp chí khác nhau đến "bà đầm thép quyền lực nhất làng thời trang" là vào năm 1985. Bà trở thành biên tập viên thời trang cho tờ Vogue Anh thay thế cho Beatris Miller, một nhân vật lão làng của giới tạp chí. Trong thời gian này, bà nghiên cứu một số xu hướng và cố gắng đưa vào hiện thực nhưng không thành công.
Năm 1988, Anna Wintour chính thức là người nắm cương vị Tổng biên tập của Vogue, tạp chí thời trang danh tiếng hàng đầu thế giới từ thập niên 1960. Tuy nhiên, Vogue lúc đó đang trong nguy cơ mất đi vị trí thượng tôn vào tay Elle, một tạp chí khác mới ra đời được ba năm.
Anna Wintour đã vực dậy phong độ của Vogue không ngừng trong suốt hơn hai thập kỉ từ đó đến nay. Chính Anna là người đã góp phần định hướng cho xu thế thời trang hiện đại bằng những gì bà thể hiện trong tạp chí của mình. Để ý tới hình ảnh của các ngôi sao thay vì tập trung vào những cô siêu mẫu, sử dụng những món đồ giá bình dân xen lẫn những món hàng hiệu,... đó chỉ là số ít trong số hàng trăm ý tưởng tuyệt vời của Anna Wintour. Bà đã xây dựng Vogue không chỉ là một tạp chí thời trang với vẻ ngoài lấp lánh mà còn là một hình mẫu cho phụ nữ hướng tới và tự làm chủ cuộc sống của mình.
"Tôi muốn Vogue trở nên thời thượng, sắc sảo và gợi cảm.Tôi không hứng thú với sự giàu có và nhàn hạ một cách vô hạn. Tôi muốn độc giả của mình là những con người tràn đầy sức sống, những phụ nữ năng động tự chủ trong tài chính và có nhiều sở thích cho bản thân"
- Anna Wintour -
Bà đã xây dựng đế chế Vogue một cách rất... Anna, không theo quy củ, chuẩn mực nào mà các tạp chí đương thời theo đuổi. Đỉnh điểm, vào tháng 11/1988, bà có quyết định táo bạo và giúp trang bìa số tạp chí này trở thành kinh điển của làng tạp chí. Người mẫu mới nổi Michaela Bercu mặc áo đính đá của Christan Lacroix giá 10.000 USD phối với quần jean giá... 50 USD.
Cú hích này ngay lập tức trở đưa tên tuổi Christan lên tầm cao mới. Số báo này đạt mức kỷ lục bán ra. Báo chí đánh giá: "Thời của Anna đã đến. Cô ấy đã tìm thấy đế chế của riêng mình". Thật vậy, Vogue dần lấy lại vị trí thượng tôn mà cho đến nay chưa một tờ tạp chí nào vượt qua được.
Tháng 9/1989, Anna Wintour "mạo hiểm" để người mẫu da màu Naomi Campbell lên trang bìa ấn phẩm quan trọng nhất của tờ Vogue. Đây là quyết định táo bạo nhất của bà đầm thép, bởi sự kỳ thị chủng tộc ở giai đoạn này trong làng mẫu rất gay gắt. Không ngờ, ấn phẩm này thành công ngoài mong đợi, mang lại doanh thu khổng lồ cho Vogue.
Anna tiếp tục thể hiện cái tôi phóng khoáng khi đưa người mẫu trẻ Claudia Schiffer để mặt mộc, gợi tình để lên trang bìa tháng 10/1989. Đây cũng là số báo để đời trong sự nghiệp người mẫu Đức Claudia.
Anna đã khéo phát hiện người tài, mà không bao lâu sau này cả Naomi Campbell và Claudia Schiffer đều trở thành những người mẫu thành công nhất thế giới, nằm trong "Big Six" huyền thoại của giới thời trang. Nhắc đến việc này, giới tạp chí đều thán phục khả năng nhìn người và phân tích tâm lý độc giả. Anna hiểu được tầm quan trọng đối với những tài năng trẻ, và luôn sẵn sàng cho những nhà thiết kế trẻ, nhiếp ảnh gia, nhà văn, người mẫu, một cơ hội để tỏa sáng và để lại dấu ấn. Qua đó, liên tục đổi mới bộ mặt của Vogue.
"Đây là một trong những yếu tố giúp Vogue liên tục được đánh giá cao qua các năm", Manohla Dargis, phóng viên của báo New York Times chia sẻ.
Trong khoảng thời gian từ 1989 đến 2007, bà đã nghiên cứu và phát triển nhiều ấn phẩm khác nhau như Teen Vogue, Vogue Living và cả Men's Vogue. Phiên bản online của Vogue Mỹ trở thành điểm truy cập hàng đầu của tín đồ thời trang khắp thế giới.
Có lẽ cá tính mạnh và sự lạnh lùng của Anna Wintour chính là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của người phụ nữ này. Bà nổi tiếng là con người làm việc rất nguyên tắc, đôi khi lạnh lùng đến thô lỗ nhưng nó lại là bằng chứng cho sự chuyên nghiệp khiến ai cũng phải kiêng nể. Anna Wintour luôn là một vị khách mời đáng quý của mọi buổi biểu diễn thời trang lớn nhỏ trên toàn thế giới.
bởi Quốc Cường vào | 515 lượt xem