Vào thập kỷ 30 của thế kỷ trước, phong trào mặc áo tân thời Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường khởi xướng từ Hà Nội đã góp phần thay đổi quan niệm mỹ thuật đối với y phục phụ nữ, đặc biệt là chiếc áo dài Việt Nam ngày nay.
Tà áo dài tượng trưng cho vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Hiếm có trang phục nào vừa kín đáo, chuẩn mực, lại vừa tôn lên dáng vẻ thướt tha, mềm mại, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam như chiếc áo dài truyền thống.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, cho đến đầu thế kỷ XX, phần đông phụ nữ thành thị đều may áo dài theo thể năm thân, hay năm tà. Áo lùng thùng, quần đũng thấp, chỉ có màu nâu hoặc đen. Trong Nam thì có những lối mặc khác, áo nhiều màu hơn, nhưng thường thì màu vẫn không được tươi lắm.
Khi kỹ thuật dệt vải được cải tiến và khổ vải được tăng chiều rộng từ 40cm lên ít nhất gấp đôi, nhiều nhà thiết kế áo dài lúc ấy, hầu như là họa sĩ, đã giản lược đi phần nối giữa sống áo để chỉ còn có ba thân. Áo dài ba thân ra đời từ đó.
Trên báo Phong Hóa, số Xuân (11-2-1934), chủ bút Nhất Linh cho mở một mục mới có tên “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” do Nguyễn Cát Tường – một họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1928-1933) phụ trách. Ông đã có nhiều bài viết hướng dẫn việc làm đẹp của chị em như cách đánh phấn, tô son, cách sơn móng tay, cách tập thể thao để giữ vóc dáng đẹp..., nhưng quan trọng là ông xướng lên cuộc cải cách y phục phụ nữ và đã có một cuộc cải cách táo bạo cho áo dài Việt Nam.
Trước tiên, ông phân tích và trình bày những ưu, khuyết điểm của y phục phụ nữ đương thời, sau đó, ông đưa ra những đề nghị đổi mới cho thích hợp với thời tiết, thoải mái khi cử động, rộng rãi cho máu huyết lưu thông và tôn cao vẻ đẹp sang trọng, yêu kiều của người phụ nữ. Những mẫu y phục do ông thiết kế được đặt tên theo bút danh tiếng Pháp của ông: "Áo Lemur".
Trên tuần báo “Phong hóa” số 86, ra ngày 23-2-1934, với tựa đề “Y phục của phụ nữ”, họa sĩ Cát Tường đã đưa ra quan niệm của ông về cải cách áo dài:
“Bộ áo các bạn gái rồi đây phải như thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài… Các bạn thử để ý nhận xem cái áo hiện thời của các bạn có điều gì bất tiện và thừa không?...
Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật chứ chẳng phải là trơn tuột như cái hộp kẹo sìu hay ống bột Nestle. Bởi vậy áo mặc phải ăn với người, phải có đường lối văn minh thì vẻ đẹp ấy mới có thể để lộ ra ngoài được. Sau nữa kiểu mẫu phải tùy theo từng người mà thêm bớt. Ví dụ như áo người gầy phải nhiều nếp chếp (xếp ly) thêm mà áo người mập mạp phải cho lẵn thì trông mới mất vẻ khẳng khiu hay sồ sề. Muốn các bạn hiểu được những sự sửa sang hay thêm bớt đó thì từ kỳ sau, tôi sẽ lần lượt phô bầy những kiểu mẫu tôi đã nghĩ được…”.
Chính thức xuất hiện trên Phong hóa số ra ngày 23-3-1934, áo dài Lemur được thiết kế dựa trên dáng áo dài ba thân đã ra đời trước đó. Áo dài Lemur có cổ tròn hay cổ lá sen, nhún bèo, hay khoét rộng để hở cổ, viền đăng ten. Vai áo may bồng hoặc không có tay, lưng để hở đến eo. Chiếc quần lĩnh dải rút được thay bằng quần loa cài khuy bên hông hoặc có dải buộc; ống quần bó sát từ hông đến đầu gối rồi từ đó xuống tới gấu thì xòe ra như hình cái loa.
Về màu sắc, ông chủ trương từ bỏ màu thâm nâu truyền thống. Áo Lemur thường mang những gam màu dịu nhẹ, thanh nhã và tươi sáng theo thẩm mỹ tinh tế của người châu Âu.
Trong mỗi kiểu áo, ông đều ghi chú cẩn thận về loại vải, thời tiết, thích hợp với màu da hay dáng người nào. Qua từng kỳ báo, ông chỉ dẫn cho các chị em về cách ăn mặc hợp mốt, thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày. Để cổ vũ, ông phát động phong trào phụ nữ “Khỏe và đẹp”, khuyến khích chị em trong nước tập thể dục và chỉ dẫn cách trang điểm. Ông cũng tổ chức các chuyến trình diễn thời trang xuyên Việt, khắp từ Bắc vào Nam.
Năm 1937, để việc đổi mới y phục có kết quả tốt đẹp, những người phụ nữ muốn mặc áo dài tân thời được hài lòng, thấy mình đẹp hơn, duyên dáng hơn, mỹ miều hơn, họa sĩ Cát Tường khai trương Hiệu may LEMUR.
Cải cách trang phục áo dài của Lemur đã thực sự mở ra một chương mới cho áo dài hiện đại, khiến nó trở nên quyến rũ, sang trọng hơn rất nhiều.
Thành công lớn nhất của Lemur Nguyễn Cát Tường là đã góp phần thay đổi quan niệm mỹ thuật nói chung đối với y phục nữ giới. Sau này, nhiều họa sĩ tiếp tục cải tiến áo dài, dung hòa với kiểu áo cổ truyền dân tộc để tôn vinh nét đẹp duyên dáng của phụ nữ. Áo dài dần tìm được hình hài chuẩn mực của nó như ngày nay.
bởi Quốc Cường vào | 708 lượt xem