Áo Dài Việt Nam, Hơn 5 Điều Thú Vị Có Thể Bạn Chưa Biết

Áo dài Việt Nam là trang phục truyền thống, mang nét đặc trưng của văn hóa người Việt. Đã từ lâu, khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế thường nghĩ tới tà áo dài, nón lá. Không chỉ mang lại vẻ duyên dáng, áo dài Việt Nam đẹp còn là trang phục phù hợp với cả nam và nữ.

Ngày nay, dù ngành công nghiệp thời trang đã có những bước tiến vượt bậc nhưng áo dài vẫn là một trong những trang phục không thể thay thế được. Trong những dịp lễ hội, các cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước hay các cuộc gặp gỡ quan hệ quốc tế, tà áo dài Việt Nam vẫn được lựa chọn là quốc phục thể hiện sự tôn nghiêm trong tinh thần dân tộc Việt. 

Áo dài Việt Nam
Vẻ đẹp của áo dài Việt Nam không thể lẫn trên bất cứ đường phố nào

Áo dài việt nam qua các thời kỳ

1. Lịch sử của áo dài cho phụ nữ

Áo dài việt nam bắt nguồn từ đâu? Áo dài việt nam có từ bao giờ? Không có ghi chép hoặc nghiên cứu cụ thể chỉ ra chính xác về thời điểm và hình dáng của áo dài thuở sơ khai. Tuy nhiên, theo những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm thì hình ảnh người phụ nữ đã xuất hiện trong trang phục áo dài hai tà. 

Trải qua những biến đổi của thời đại, áo dài Việt Nam mang nhiều dáng vẻ khác nhau với những tên gọi khác nhau nhưng dù hình dáng nào, áo dài vẫn tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Dưới đây là những kiểu áo dài phụ nữ qua từng thời kỳ lịch sử.

♦ Áo dài tứ thân (TK XVII-TK XX)(H4) 

Sở dĩ có tên gọi tứ thân bởi áo dài này được may với 4 tà, 2 tà phía trước và hai tà phía sau. Theo các nhà nghiên cứu và các hiện vật còn được lưu giữ tại bảo tàng thì để thuận tiện trong việc lao động sản xuất, áo dài được may rời 2 tà trước để có thể buộc vào nhau, 2 tà phía sau được may liền lại thành vạt áo. 

Loại áo dài tứ thân là trang phục dành cho những người phụ nữ lao động thuộc tầng lớp bình dân nên được may từ vải sẫm màu. 4 vạt áo còn mang ý nghĩa tượng trưng cho 4 đấng sinh thành của hai vợ chồng.

Áo dài tứ thân (TK XVII-TK XX)(H4) 
Áo dài tứ thân (TK XVII-TK XX)(H4) 

♦ Áo dài Lemur (1939 – 1943)

Kiểu áo này được cải biến từ áo ngũ thân do họa sĩ Cát Tường sáng tạo vào năm 1939. Đây cũng là bước đột phá táo bạo góp phần tạo nên thiết kế áo dài ngày nay. Áo dài Lemur được đặt tên theo tên tiếng Pháp của bà. Áo chỉ có 2 vạt trước và sau, ôm sát vào cơ thể làm tôn lên những đường cong quyến rũ của phụ nữ thay vì may rộng như những kiểu áo dài truyền thống trước đó.

Tuy nhiên tại thời điểm đó, áo dài Lemur bị chỉ trích nặng nề nên chỉ có giới sành điệu mới dám mặc. Đến năm 1943 thì áo dài Lemur dần bị lãng quên.

Áo dài Lemur (1939 – 1943)
Áo dài Lemur (1939 – 1943)

♦ Áo dài bà Nhu (1960 – 1965)

Đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, bà Trần Thị Xuân, phu nhân cố vấn tổng thống Ngô Đình Nhu đã thiết kế một mẫu áo dài táo bạo thời bấy giờ với phần cổ hở, bỏ cổ áo. Và cũng giống như áo dài Lemur, chiếc áo dài mang tên bà Nhu đã vấp phải sự phản ứng gay gắt vì không phù hợp với truyền thống và thuần phong mỹ tục.

Áo dài bà Nhu (1960 – 1965)
Áo dài bà Nhu

♦ Áo dài thắt eo (1960-1970)

Vào đầu thập niên 60, bên cạnh thiết kế áo dài do bà Nhu sáng tạo ra thì còn một thiết kế áo dài khác đã thách thức những quan niệm truyền thống để trở thành mốt. Đó chính là áo dài thắt eo hay còn gọi là áo dài Raglan do nhà may Dung ở ĐaKao- Sài Gòn sáng tạo ra. 

Điểm khác biệt của chiếc áo dài này là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ tạo cho người mặc cảm giác thoải mái. Hai tà của áo dài được nối với nhau bằng nút bấm ngang hông. Áo dài thắt eo đã góp phần định hình cho thiết kế áo dài Việt Nam sau này và có thể coi là một xu hướng mới của duyên dáng áo dài Việt Nam.

Áo dài thắt eo (1960-1970)
áo dài thắt eo

♦ Áo dài hiện đại (1970 – nay)

Sau những năm 1970, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kéo theo những thay đổi trong lối sống, phong cách thời trang khiến cho áo dài dần bị quên lãng.

Tuy nhiên trong vài thập kỉ trở lại đây, áo dài đã hồi sinh mạnh mẽ với nhiều kiểu dáng và chất liệu khác nhau qua những bộ sưu tập của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng. Áo dài Việt Nam còn được biến chuyển thành áo dài cưới, áo dài cách tân. Nhưng dù có phá cách thế nào, áo dài Việt Nam nói chung vẫn giữ được nét uyển chuyển, kín đáo.

Áo dài hiện đại (1970 – nay)
Áo dài hiện đại (1970 – nay)

2. Lịch sử của áo dài nam

Áo dài việt nam cho nam với quần và khăn đóng trở thành loại quốc phục của nam giới. Khác với trang phục áo dài của phụ nữ, áo dài nam thường được may với tông màu đen, trắng hoặc những màu sẫm. Theo chỉ dụ của chúa Nguyễn Vũ Vương, trang phục áo dài của nam giới rộng rãi, ít gò bó hơn. Từ năm 1952, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã chỉ định quốc phục cho các quan chức chính phủ. Nếu nghi lễ là tôn giáo hoặc lịch sử, thì khăn màu đen và quần lụa màu trắng.

Áo dài Việt Nam cho nam ít phổ biến hơn áo dài cho  phụ nữ. Thường nam giới mặc áo dài nam tại các lễ hội mang đậm nét truyền thống Việt Nam hoặc các dịp trọng đại như lễ đính hôn, lễ cưới. Đặc biệt, tại Tuần lễ cấp cao APEC 2006 được tổ chức tại Việt Nam, trong lễ ra mắt Tuyên bố chung, lãnh đạo các quốc gia trong nền kinh tế APEC đã mặc áo dài- trang phục truyền thống của nước chủ nhà.

Áo dài nam thường được mặc với quần được may chấm gót và rộng. Ống quần được làm bằng vải cứng cáp, ngày nay thường được may bằng vải mềm. Màu phổ biến nhất là màu trắng. Nhưng xu hướng thời trang ngày nay, quần thường được may tiệp với màu áo. 

Lịch sử của áo dài nam
Lịch sử của áo dài nam

Áo dài Việt Nam ngày nay trong đời sống nhân dân 

Không chỉ là quốc phục thể hiện bản sắc dân tộc Việt Nam, áo dài còn tôn lên vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ và có tính ứng dụng rất cao. Chính bởi điều nay nên có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tà áo dài ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hiện nay nhiều trường học vẫn quy định đồng phục của nữ sinh là áo dài trắng.

Trang phục áo dài không rườm rà mà ngược lại: đơn giản nhưng tinh tế. Bạn có thể phối áo dài với một chiếc quần lụa mềm mại, một đôi giày cao gót, guốc hoặc bất cứ thứ gì bạn thích. Trong những dịp trang trọng bạn có thể khoác thêm một chiếc áo choàng truyền thống, hoặc có thể là một chiếc mấn đội đầu kiểu phương Tây. Dù phối với phong cách nào, áo dài tân thời luôn tôn lên vẻ đẹp của bạn một cách rất riêng.

Nhiều người cho rằng mặc áo dài khá gò bó và vướng víu. Tuy nhiên trên thực tế, dù phần thân trên ôm sát cơ thể nhưng phần dưới được xẻ tà rất rộng rãi. Thiết kế này vừa mang lại cảm giác thoải mái cho người mặc, lại gợi lên vẻ nữ tính, khép nép của người phụ nữ. Với những ưu điểm đó, áo dài luôn là lựa chọn hàng đầu của phụ nữ Việt Nam. Hãy cùng xem phụ nữ Việt Nam đã ứng dụng áo dài trong cuộc sống như thế nào nhé!

1. Mặc áo dài đi chơi Tết 

Tết là một trong những dịp được mong chờ nhất trong năm của người Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Đây là dấu mốc đánh dấu một năm vừa qua đi, và năm mới lại tới. Không chỉ vậy, Tết còn mang ý nghĩa đoàn viên, sum họp, mang dấu ấn trong văn hóa Việt. Và trong những thời khắc thiêng liêng này, quốc phục áo dài vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.

Trong những ngày Tết, bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên phố những tà áo dài thướt tha. Những năm gần đây, Áo dài Tết không chỉ còn là áo dài truyền thống mà đã được cách tân rất trẻ trung và hiện đại. Áo dài Việt Nam cách tân được may với hai tà dài đến gối hoặc qua gối, mặc cùng  quần ôm sát vừa năng động, hiện đại vừa khoe được những đường cong cơ thể. 

Áo dài Tết thường có những gam màu tươi sáng, rực rỡ như màu vàng, đỏ để mang lại sự tươi vui và may mắn trong những ngày đầu năm mới. Màu đỏ vừa thể hiện sự quyến rũ, thời thượng, vưa nổi bật, sang trọng. Nếu không muốn diện cả bộ áo dài màu đỏ, bạn có thể bắt đầu với các món đồ nhỏ như giày, nón hoặc túi xách.

Mặc áo dài đi chơi Tết 
Mặc áo dài đi chơi Tết 

2. Mặc áo dài trong tiệc đính hôn và đám cưới

 Áo dài cô dâu

Trong những dịp trọng đại, nhất là lễ đính hôn và lễ cưới, cô dâu nào cũng muốn mình thật nổi bật và xinh đẹp trong những khoảnh khắc có thể sẽ chỉ diễn ra một lần duy nhất trong đời. Mặc dù đám cưới truyền thống không bắt buộc về kiểu trang phục cũng như số bộ trang phục cô dâu mặc trong đám cưới nhưng hầu hết các cô dâu vẫn lựa cho mình một bộ áo dài truyền thống và một hoặc vài váy cưới hiện đại. 

Áo dài cưới có thể may nhiều tông màu tùy theo sở thích của cô dâu. Những chiếc áo dài cưới hoặc áo dài đính hôn thường được may rất tỉ mỉ, trang trí những hoa văn tinh tế để tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong ngày cưới.

Áo dài cô dâu
Áo dài cô dâu

♦ Áo dài mẹ cô dâu, chú rể

Trong dịp trọng đại nhất trong đời của con mình, đấng sinh thành cũng muốn mình trở nên trang trọng và đẹp hơn ngày thường. Và lựa chọn của họ là áo dài. Áo dài mẹ cô dâu, chú rể được thiết kế thoải mái nhưng vẫn lộng lẫy, sang trọng để phù hợp với tuổi tác.

Áo dài mẹ cô dâu, chú rể
Áo dài mẹ cô dâu, chú rể

♦ Áo dài phù dâu

Dàn phù dâu xinh xắn chính là điểm nhấn cho một đám cưới đáng nhớ. Vì vậy cô dâu chú rể cũng không thể quên chỉnh chu cho phù dâu của mình từ những tiểu tiết nhỏ nhất từ trang phục, cách trang điểm, hoa tay hay phụ kiện sao cho phù hợp với không gian tiệc.

Nắm bắt được nhu cầu này, các thương hiệu thời trang cưới trong nước tung ra nhiều mẫu thiết kế áo dài đẹp dành cho phù dâu bên cạnh váy cưới.

Áo dài phù dâu
Áo dài phù dâu

♦ Mặc áo dài trong những dịp đặc biệt

Trong một số dịp đặc biệt và quan trọng như lễ hội, hội họp, phụ nữ diện áo dài như một cách thể hiện sự tôn trọng của mình. Đặc biệt, trong các buổi họp cấp quốc gia, các nhân viên và phu nhân của các quan chức mặc áo dài để không khí cuộc họp trang trọng và lịch sự hơn.

Áo dài chính là quốc phục trong quan hệ quốc tế. Hầu hết cả nam giới và phụ nữ Việt Nam đều chọn mặc áo dài truyền thống tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Áo dài Việt Nam

3. Mặc áo dài trong sinh hoạt thường ngày

Càng ngày áo dài càng trở nên gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Nếu như trước đây áo dài chỉ để trình diễn thời trang hoặc dùng trong các dịp lễ, tết ​​thì ngày nay, phụ nữ mặc áo dài cả khi đi làm, đi chơi, đi học. Để phục vụ nhu cầu về áo dài Việt Nam, càng ngày càng có nhiều mẫu mã thiết kế được ra đời với nhiều biến tấu để phù hợp với thời đại và thuận tiện trong sinh hoạt.

Mặc áo dài trong sinh hoạt thường ngày
Mặc áo dài trong sinh hoạt thường ngày

Áo dài trong nghệ thuật Việt Nam

1. Áo dài trong thi ca Việt Nam

Tà áo dài thường xuyên xuất hiện trong thơ ca Việt Nam như một khởi nguồn cảm xúc. Áo dài thể hiện vẻ đẹp, tinh thần của người phụ nữ Việt vừa duyên dáng, kín đáo, vừa tôn nghiêm, thần thái. Nhiều nghệ sĩ đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với tà áo dài, nổi bật nhất là trong thơ ca, nhạc họa.

Bài thơ nổi tiếng về áo dài có thể kể đến là “Áo lụa Hà Đông” của Nhà thơ Nguyên Sa, bài thơ này được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng và là nguồn cảm hứng cho bộ phim cùng tên.

2. Áo dài trong phim ảnh Việt

Thành công vang dội của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” đã tạo nên một làn sóng trong phong cách thời trang của nhiều người Việt và thêm vào từ điển thời trang một cụm từ mới: “áo dài cô Ba”. Phim thu hút người xem bởi câu chuyện giản dị xoay quanh tiệm may Thanh Nữ ở Sài Gòn thời bấy giờ và những thăng trầm của tà áo dài mang hồn dân tộc. Bộ trang phục “tân thời” của “Cô Ba Sài Gòn” từ màu sắc đến kiểu dáng đều khiến khán giả bất ngờ và thích thú.

Ký ức về thời trang Việt Nam qua bộ phim điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn” khiến chúng ta nhớ về Sài Gòn xưa với tà áo dài in những họa tiết nổi bật, kết hợp với quần dài đen, kiểu tóc phi bóng, chải bồng nhẹ nhàng đã từng là mốt một thời được phụ nữ Sài Gòn ưa chuộng.

Áo dài trong phim ảnh Việt
Áo dài trong phim ảnh Việt

Áo dài của phụ nữ Sài Gòn xưa không khỏi khiến người ta rung động bởi gu thời trang phóng khoáng mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Dù bị chi phối bởi nhiều luồng văn hóa từ phương Tây nhưng hồn dân tộc vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Vẫn còn đó những cảm xúc nghẹn ngào từ người bà, người mẹ của chúng ta, tình cờ họ thoáng thấy hình bóng của chính mình năm ấy. Những quý cô thanh lịch với trang phục áo dài cách tân, băng đô, tóc xoăn, kính mắt dạo phố trong những năm Sài Gòn đầy biến động.

Năm 2008, bộ phim truyền hình “Bỗng Dưng Muốn Khóc” của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thu đã gây tiếng vang lớn trong nền phim ảnh Việt. Với nội dung phim mới lạ, lãng mạn chưa từng có trước đó, bộ phim đã được khán giả đón nhân nồng nhiệt. Bộ phim nói về câu chuyện tình yêu giữa cô bạn gái mồ côi tên Trúc và một chàng công tử ăn chơi nhưng chân chất tên Nam.

Phim được đầu tư kỹ lưỡng cả về nội dung và hình ảnh, đặc biệt là trang phục của diễn viên. Đối với nữ diễn viên chính, cô gần như mặc áo dài trắng trong hầu hết các cảnh quay của phim. Hình ảnh Trúc trong tà áo dài trắng với những cuốn sách cũ cùng chiếc xe đạp đã trở thành một phần kí ức của nhiều khán giả.

Áo dài Việt Nam
Hình ảnh Trúc trong tà áo dài trắng nữ sinh đã trở thành một hình ảnh thân quen với nhiều người hâm mộ phim Việt

3. Áo dài trong các chương trình thời trang quốc tế & Việt Nam

Đã có rất nhiều buổi trình diễn áo dài được tổ chức tại Việt Nam cũng như nước ngoài. NTK Minh Hạnh, người từng giữ ngôi vị cao nhất trong nhiều Tuần lễ thời trang Việt Nam là một trong những người gặt hái được nhiều thành công khi giới thiệu và quảng bá BST áo dài.

♦ Áo dài trong các buổi trình diễn thời trang quốc tế

Các thiết kế áo dài mang hơi hướng thời trang Nhật Bản dựa trên chất liệu vải lụa hai da, cổ và tay áo được xếp thành nhiều lớp kimono. Màu chủ đạo là hồng phấn và hồng đào được lấy cảm hứng từ hoa anh đào- quốc hoa của xứ Phù Tang. Hay bộ sưu tập tại Anh với 100 chiếc áo dài được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trang phục của nước Anh và kết hợp với màu sắc của quốc phục Việt Nam.

Bộ sưu tập sang Mỹ của Lan Hương nằm trong bộ sưu tập quần jean và hoa sen kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt- Mỹ. Cô cũng là người thiết kế trang phục áo dài cách tân cho hãng hàng không Vietnam Airline với những cách tân táo bạo gây tranh luận nhiều chiều. 

Tại các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ thế giới như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, các đại diện Việt Nam luôn đầu tư và chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần thi trang phục. Trang phục truyền thống mà các người đẹp lựa chọn dự thi luôn là chiếc áo dài Việt Nam. Mỗi năm lại có những thiết kế mới với những phá cách để gây ấn tượng với khán giả quốc tế.

Áo dài Việt Nam
Hoa Hậu Diễm Hương lộng lẫy trong trang phục áo dài Việt nam trong cuộc thi Hoa hậu hoàn Vũ năm 2012

♦ Áo dài trong chương trình thời trang Việt Nam

Bộ váy “Tru Tiên Việt Nam” với thiết kế hai lớp áo của Hoàng hậu Nam Phương đã giúp Hoa hậu Thùy Lâm lọt top 10 người đẹp trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất tại Miss Universe 2008. Lấy cảm hứng từ rồng phương Đông, với họa tiết thổ cẩm đặc trưng của miền núi phía Bắc Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ 2012 cũng lọt top 10 trang phục dân tộc được chuyên trang sắc đẹp Missosology bình chọn đẹp nhất.

Á hậu Trương Thị May tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 khoác trên mình bộ áo dài được lấy cảm hứng từ hoa sen được bình chọn đứng đầu danh sách trang phục đẹp nhất. Và trong phần thi này, trang phục này cũng đứng thứ 4 trong top 10 trang phục dân tộc đẹp nhất.

Áo dài trong chương trình thời trang Việt Nam
Áo dài trong chương trình thời trang Việt Nam

Những lưu ý khi mặc áo dài Việt Nam

Áo dài Việt Nam là một trong những trang phục khá kén người mặc. Chính vì thiết kế ôm sát để tôn lên những đường cong của phụ nữ nên những người hơi “mũm mĩm” hoặc quá gầy sẽ dễ lộ nhược điểm khi mặc áo dài. Hãy lưu ý những điều sau để có thể diện áo dài một cách đẹp nhất.

1. Mẹo mua áo dài Việt Nam đẹp

♦ Đối với người gầy, thân hình mảnh mai

Với những người hơi gầy nên chọn áo dài có cổ cao từ 3 phân nhưng không quá 4,5 cm. Cổ áo cao vừa phải sẽ giúp giấu đi phần xương cổ khiến bạn tự tin và năng động hơn. Bạn cũng nên lựa chọn một chiếc áo dài vừa vặn, tránh chọn áo dài quá rộng hoặc quá ôm sát sẽ dễ lộ nhược điểm cơ thể.

Về chất liệu thì loại vải mềm mại, co giãn nhẹ và không quá mỏng như lụa tổng hợp, gấm, satin sẽ phù hợp với bạn. Bạn cũng có thể lựa chọn loại áo dài may hai lớp để tạo cảm giác thân hình đầy đặn hơn.

Cơ thể quá gầy và mỏng có thể là một khó khăn trong việc lựa chọn trang phục nhưng nếu biết cách lựa chọn màu sắc bạn hoàn toàn có thể khắc phục được nhược điểm này. Bạn nên chọn màu trung tính như vàng nhạt, xanh bạc hà sẽ làm sáng da và trông bạn đầy đặn. Nếu da bạn trắng sáng thì những gam màu đỏ, hồng đậm, vàng, cam là những màu phù hợp với bạn, giúp bạn trông đầy sức sống.

Áo dài Việt Nam
Mẹo chọn áo dài cho thân hình mảnh mai là độ ôm vừa phải, chất liệu áo dài mềm mại, co giãn và có tông màu trung tính

♦ Đối với người có thân hình đầy đặn

Nếu cơ thể của bạn hơi “tròn trĩnh” thì nên tránh chọn áo dài có cổ tròn bởi cổ tròn sẽ để lộ phần cổ ngắn và đầy đặn của bạn. Lựa chọn thông minh dành cho bạn là một chiếc áo dài cổ V hoặc cổ thuyền duyên dáng.

Một mẹo chọn màu trang phục cho người đầy đặn là những gam màu trung tính hơi nghiêng về tone lạnh sẽ giúp người mặc có cảm giác gầy hơn. Bạn nên chọn loại vải mềm nhưng dày dặn để che khuyết điểm. Đặc biệt, bạn nên tránh những loại vải bóng, như satin, lụa.

Áo dài Việt Nam
Nếu thân hình bạn hơi đầy đặn, nên chọn một chiếc áo dài cổ V hoặc cổ thuyền để che đi khuyết điểm

♦ Đối với người có vóc dáng vừa vặn

Với thân hình cân đối vừa phải, bạn có thể chọn áo dài với mọi kiểu dáng, họa tiết hay màu sắc mà bạn thích. Bên cạnh việc lựa chọn kiểu dáng, chất liệu, cách trang điểm thì phong thái của người mặc qua từng cử chỉ, dáng đi, ngôn ngữ giao tiếp nhẹ nhàng sẽ tạo nên vẻ đẹp thực sự cho người phụ nữ Việt Nam.

Áo dài Việt Nam
Áo dài truyền thống Việt Nam trở nên nổi tiếng khắp thế giới

2. Những tip nhỏ để mặc áo dài Việt Nam đẹp nhất

♦ Chọn nội y phù hợp

Để nhấn mạnh vẻ đẹp nền nã, tinh tế của chiếc áo dài, bạn không nên mặc đồ lót có màu sắc quá nổi bật để tránh phản cảm khi nhìn vào. Bạn nên chọn nội y màu nude hoặc tiệp với màu của áo dài. Nếu muốn phần thân trên nhìn gọn gàng và tròn trịa hơn, hãy chọn áo ngực có phần đầu hơi nhọn và khoảng cách giữa hai bầu ngực gần nhau.

♦ Lựa chọn phụ kiện mix với áo dài

Nếu bạn yêu thích vẻ đẹp truyền thống, cổ điển thì một chiếc khăn quàng cổ mỏng, nhẹ thắt nơ sẽ là điểm nhấn tuyệt vời cho chiếc áo dài của bạn. Bạn cũng có thể kết hợp áo dài với những món đồ trang sức như dây chuyền, hoa tai, nhẫn sao cho phù hợp. Với những phụ kiện như túi xách, ví bạn nên lựa chọn những món nhỏ gọn, tinh tế với màu sắc “ton sur ton” với màu áo dài.

Lựa chọn phụ kiện mix với áo dài
Lựa chọn phụ kiện mix với áo dài

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một nền văn hóa riêng và họ bảo tồn văn hóa của dân tộc mình theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt qua trang phục truyền thống. Phụ nữ Nhật Bản tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại ấn tượng rất đặc biệt với Sari, còn phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn thể hiện nét đẹp với tà áo dài truyền thống và duyên dáng.

Cuộc sống ngày càng phát triển và thay đổi. Mặc dù nhu cầu và phong cách thời trang vẫn luôn chuyến biến theo thời đại nhưng áo dài Việt Nam vẫn và sẽ là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam mà không trang phục nào có thể thay thế được. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam duyên dáng với tà áo dài sẽ mãi là ấn tượng sâu sắc đối với du khách trong và ngoài nước và nó luôn là nét văn hóa truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

bởi Quốc Cường vào | 689 lượt xem

Có thể bạn muốn xem