Áo Nhật Bình ngày càng được yêu thích bởi giới trẻ và phụ nữ hiện đại, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống vô giá.
Trang phục cổ Việt không chỉ tồn tại trên những trang sách, trong viện bảo tàng, hay được ghi lại qua các bức ảnh cũ màu đen - trắng, mà còn được tái hiện, phục dựng bởi con người hiện đại. Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, xu hướng diện cổ phục đã được chính giới trẻ lan tỏa, góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống vô giá.
Nhắc đến cổ phục Việt Nam, không thể quên nói tới áo Nhật Bình. Đây là trang phục dành cho những người phụ nữ có địa vị tôn quý ở triều đại nhà Nguyễn, như hoàng hậu, công chúa hay các cung tần nhất, nhị, tam, tứ giai… Quy định về trang phục áo Nhật Bình được thiết lập từ năm Gia Long thứ 6 (1807) và duy trì cho đến cuối thời nhà Nguyễn.
Áo Nhật Bình được thiết kế theo kiểu đối khâm, tức là có hai vạt song song. Điểm nhấn quan trọng của áo Nhật Bình là phần cổ thêu hoa văn. Khi hai vạt áo Nhật Bình được cố định lại bằng dây buộc, họa tiết ở cổ áo sẽ tạo thành hình chữ nhật to bản trước ngực. Chi tiết này cũng chính là nguồn gốc của tên gọi áo Nhật Bình.
Trên thân và tay áo Nhật Bình được thêu hoa văn khung tròn, hình phượng ổ (hoặc loan ổ) - một kiểu họa tiết phổ biến trong mỹ thuật cung đình. Áo Nhật Bình còn được điểm xuyết thêm hình hoa lá, chữ Phúc, chữ Thọ… để tạo nên bộ trang phục nhiều màu sắc, nhưng vẫn vô cùng lộng lẫy, cao sang.
Màu sắc và hoa văn trang trí trên áo Nhật Bình có sự khác biệt, tùy theo địa vị của người mặc. Áo Nhật Bình dành cho hoàng hậu có màu vàng hoặc cam, trong khi trang phục Nhật Bình của công chúa thì mang sắc đỏ. Cấp bậc cung tần nhị giai mặc áo Nhật Bình màu xích đào, cung tần tam giai diện màu tím, cung tần tứ giai dùng màu tím nhạt. Ngoại trừ trang phục của hoàng hậu thì áo Nhật Bình mà các cung tần khác diện, đều có dải ngũ sắc ở tay áo.
Chất liệu của áo Nhật Bình cũng đều là loại vải quý, được dệt tỉ mỉ, tinh xảo. Áo Nhật Bình của hoàng hậu được may bằng sa sợi vàng, có độ óng ánh, sang trọng. Còn trang phục Nhật Bình của công chúa, cung tần nhị giai, tam giai cũng có chất liệu sa sợi, nhưng màu sắc nhuộm theo quy định.
Các phụ kiện đi kèm cũng góp phần giúp trang phục Nhật Bình của phụ nữ Hoàng tộc thời Nguyễn thêm lộng lẫy. Ở trung tâm phần cổ áo hình chữ nhật là chiếc cúc được nạm vàng, hoặc có chất liệu ngọc, đá quý. Ngoài ra, hoàng hậu, các phi tần và công chúa còn đội khăn vành, đeo kim ước, kim phượng, cài trâm… khi mặc áo Nhật Bình. Loại trang sức cùng số lượng đi kèm với áo Nhật Bình cũng được phân định rõ ràng theo thức bậc, cụ thể là:
- Hoàng hậu: 2 cửu long kim ước phát, 1 cửu phượng kim ước phát và 8 trâm phượng bằng vàng.
- Công chúa: 1 Thất phượng kim ước phát và 12 trâm hoa.
- Cung tần nhị giai: 1 chiếc ngũ phượng kim ước phát và 10 trâm hoa.
- Cung tần tam giai: 1 tam phượng kim ước phát và 8 trâm hoa.
- Cung tần tứ giai: 1 chiếc phượng kim ước và 8 trâm cài.
Về sau, số lượng phụ kiện diện cùng áo Nhật Bình được giảm dần theo hướng tối giản.
Trung tâm của cổ áo Nhật Bình thường có một chiếc cúc được chế tác tinh xảo
Cách phối áo Nhật Bình cũng có sự thay đổi theo các giai đoạn. Đầu thời Nguyễn, áo Nhật Bình thường được kết hợp với bộ xiêm y màu tuyết bạch, đội mũ phượng tùy theo thứ bậc. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, áo Nhật Bình được diện cùng quần trắng, và đầu đội khăn vành.
Sau khi chế độ quân chủ tại Việt Nam chấm dứt (1945), áo Nhật Bình trở thành trang phục phổ thông, ai cũng có thể mặc, chứ không chỉ dành riêng cho nữ nhân trong Hoàng tộc. Lúc ấy, áo Nhật Bình được phụ nữ Huế chọn làm trang phục hôn lễ.
Điều ấn tượng hơn là thời nay, áo Nhật Bình ngày càng được ưa chuộng bởi giới trẻ và phụ nữ hiện đại. Kiểu trang phục này không chỉ được diện vào những dịp lễ trọng đại, mà còn xuất hiện trong những bộ ảnh kỷ yếu, ảnh thời trang, hay trở thành lựa chọn trang phục không thể bỏ qua trong những dịp Tết.
Từ trang phục chỉ dành cho nữ nhân Hoàng tộc thời Nguyễn, áo Nhật Bình giờ đây đã trở thành xu hướng được phụ nữ hiện đại ưa chuộng.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 1119 lượt xem