Bao Thanh Thiên - Biểu Tượng Cho Sự Công Bằng Và Thanh Liêm

Là một trong những nhân vật lịch sử được đưa lên phim thành công, nhân vật Bao Thanh Thiên trong các phiên bản phim cùng tên nhiều năm qua đã trở thành một biểu tượng cho công lý, lẽ phải, không chỉ trong lịch sử Trung Quốc mà còn trong tâm thức của không ít khán giả Việt.

Tuy nhiên, nguyên mẫu Bao Thanh Thiên thực tế như thế nào, không phải là điều ai cũng rõ.

THÂN THẾ

Bao Công (11/4/999 - 20/5/1062), húy là Bao Chửng, tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh thiên, Bao Đãi chế, Bao Hắc tử, Bao Học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình" dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063).

Bao Công là người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang.

Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, sống mực thước. Đến năm 1027, ông bộc lộ tài năng của mình, thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới bắt đầu phục vụ triều đình.

Tiếng lành đồn xa, nhà vua biết được Bao Công là một vị quan thanh liêm, liền triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế.

Trong suốt thời gian làm quan, ông luôn nỗ lực làm việc chống lại nạn tham nhũng, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, thẳng tay trừng phạt những tên tham quan, lợi dụng chức quyền làm điều sai trái.

bao cong 4

Ông nhận được sự tôn trọng của hầu hết nhân dân thời bấy giờ. Chính sự thẳng thắn, vị tha cũng như thái độ phán xét vô tư của ông giúp nhân dân tôn ông là Bao Thanh Thiên (Bầu trời thanh bạch).

Năm 1052, vì giúp đỡ người thân là Trương Nghêu Tá nên ông đã làm phật lòng Hoàng đế và bị thuyên chuyển công tác, 4 năm sau mới được trở về.

Chức vụ cao nhất là Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức Phó tể tướng.

Theo sử sách thống kê, trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông trừng trị không dưới 30 người thuộc dòng dõi quyền quý, hoàng thân quốc thích, thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá - bố đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức.

HÌNH TƯỢNG

Nếu trên phim, hình tượng Bao Công do Kim Siêu Quần thủ vai là một người đàn ông khá to cao, da đen và có đặc điểm nổi bật nhất là vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán, thì ngoại hình của Bao Công thật hoàn toàn khác.

Dựa vào hài cốt đã khai quật được ở mộ phần của Bao Công, các nhà khoa học cho biết Bao Thanh Thiên cao khoảng 1m65, sở hữu làn da trắng và trông có vẻ thư sinh.

bao cong 5

Theo nghệ thuật tạo hình trong Kinh Kịch Trung Quốc, mặt trắng đại diện cho tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho quân tử, công chính liêm minh. Có lẽ bởi vậy mà chúng ta thấy trên màn ảnh một Bao Thanh Thiên da đen do dụng ý của đạo diễn nhằm khắc họa rõ nét tính cách cương trực, quân tử của vị quan liêm chính nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa này.

Ngoài đời thực, Bao Chửng không có vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán. Việc tạo hình nhân vật Bao Thanh Thiên trong phim sở hữu "vầng trăng khuyết" vì theo truyền thuyết, Bao Công là một vị thần một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ. Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH

Bao Công sống với cha mẹ cho tới khi họ qua đời, không phải bị bỏ rơi và ở với Tẩu nương như trong phim. Cha của ông là Bao Nghi, một đại phu trong triều đình. Sau khi qua đời, ông được phong Hình bộ thị lang. Thuở còn thơ, Bao Chửng được biết đến là đứa trẻ ngon ngoãn, biết vâng lời và có lòng hiếu thảo với cha mẹ.

Ngoài ra, Bao Công ngoài đời thật không hề sống độc thân. Ông có một vợ và một thiếp cùng hai đứa con trai. Khi khai quật mộ của ông, người ta phát hiện ông được chôn cùng với người vợ thứ hai.

Dù là một người được lòng vạn dân, nhưng Bao Công là một người rất nghiêm khắc với gia đình. Dưới ảnh hưởng và sự dạy dỗ của cha, các con của ông cũng sống rất giản dị, đúng chuẩn mực. Bao Công từng tuyên bố với các con của ông rằng: “Nếu bất kỳ ai trong các con vi phạm luật lệ, đều không được chôn cất trong lăng mộ của tổ tiên”.

SỰ THẬT VỀ "BAO THANH THIÊN PHÁ ÁN"

Do ảnh hưởng quá lớn của những truyền thuyết, tiểu thuyết, dã sử, hý khúc… nhân vật Bao Công trong lịch sử đã trở thành một nhân vật truyền kỳ. Hý khúc đời Nguyên cứ 10 vở thì có 7 vở liên quan đến Bao Công.

Đặc biệt là các sách đời Minh như “Tỉnh thế hằng ngôn” của Phùng Mộng Long, “Phách án xưng kỳ” của Lăng Mông Sơ; sách đời Thanh như “Tam hiệp ngũ nghĩa” của Thạch Ngọc Côn, “Thất hiệp ngũ nghĩa” của Du Việt… đã khắc họa một Bao Thanh Thiên phá án như thần, ngày xử dương gian, đêm phán âm phủ, như một Diêm La Vương tái thế. Những câu chuyện này lan truyền rộng khắp đã khiến hình tượng Bao Công càng lúc càng xa sự thực.

Từ tiểu thuyết, sân khấu đến phim ảnh đều gắn liền hình tượng Bao Công phá các đại án với thời gian làm Phủ doãn phủ Khai Phong. Kỳ thực Bao Công chỉ giữ chức này trong khoảng thời gian hơn một năm và trong chính sử không hề chép chuyện phá án nào của Bao Công trong giai đoạn này. Công lao lớn nhất của Bao Công khi đứng đầu phủ Khai Phong (tương tự Thị trưởng Bắc Kinh ngày nay) là cải cách hành pháp và quy hoạch lại kinh thành để khỏi nạn ngập nước.

Về phá án, trong chính sử chỉ chép hai vụ liên quan đến Bao Công nhưng một ở thời điểm làm tri huyện Thiên Trường và một khi đã đứng đầu Tri gián viện.

Vụ Lãnh Thanh mạo danh Thái tử

Đây là vụ án có thật làm chấn động triều dã, là gốc tích để truyền thuyết dân gian, tiểu thuyết, sân khấu tái chế thành “Ly miêu tráo thái tử”, “Đả long bào” hay “Bao Công xử án Quách Hòe” nổi tiếng mà ai cũng nghe qua.

Nguyên là Vua Tống Nhân Tông Triệu Trinh lên ngôi năm Càn Hưng nguyên niên (1022) lúc 13 tuổi, tại vị đến 42 năm, trong hậu cung lập phi tần mỹ nữ vô số nhưng đáng buồn là không có con nối dõi. Nhân Tông thờ thần Xích Đế trong cung, ngày đêm cầu đảo. Sau đó hậu cung có Lưu Mỹ nhân sinh một trai nhưng không sống được mấy ngày, rồi Miêu Mỹ nhân sinh một trai, cả triều đình vui mừng, Nhân Tông đặt tên hoàng tử là Triết, ý nghĩa là “mặt trời sắp mọc”. Đáng tiếc, Triệu Triết chỉ sống một năm rưỡi thì qua đời. Mãi sau Chu Tài nhân lại sinh một nam, Nhân Tông đặt tên là Hy, ý nghĩa là “ánh thái dương lúc ban mai” và phong hoàng tử bé làm Ngạc Vương. Nhưng Triệu Hy cũng chỉ sống được 3 tuổi rồi qua đời. Triệu Trinh vô cùng đau khổ, và chuyện có hoàng tử nối nghiệp trở thành đại sự của triều đình.

Vào tháng 4 năm Hoàng Hựu thứ hai, cả kinh thành bỗng trở nên vô cùng náo nhiệt, ở đâu cũng bàn tán chuyện hoàng tử lưu lạc trong nhân gian giờ đi tìm gặp hoàng đế. Theo đó có một thanh niên tên là Lãnh Thanh, tự xưng là hoàng tử, cùng đi với một đạo sĩ ở Lư Sơn tên Cao Kế An, pháp hiệu Toàn Hỏa Đạo đến khắp lục bộ đòi vào cung gặp vua để nhận tông thân. Lãnh Thanh nói rằng mẹ là Vương thị, vốn là cung nữ trong cung, từng được Vua Nhân Tông lâm hạnh và ban cho “Long phụng tú” tức tấm lụa che bụng lúc ân ái. Lãnh Thanh tướng mạo khôi ngô tuấn tú, cử chỉ khoáng đạt, ăn nói dõng dạc, đến đâu cũng xưng thái tử, lúc nào cũng có đám đông hiếu kỳ vây quanh, thậm chí nhiều quan viên thấy phong thái của Lãnh Thanh cũng sinh lòng nể sợ, cho là “long chủng”?

Lúc ấy, Phủ doãn phủ Khai Phong là Tiền Minh Dật nghe chuyện này bèn cho quân ra bắt về phủ xét hỏi. Nhưng khi vào công đường, Lãnh Thanh nghi biểu đường đường, lớn tiếng quát bảo, Tiền Minh Dật khiếp uy, bất giác cũng đứng lên thi lễ… Lúc này Vua Nhân Tông và các đại thần đã nghe chuyện nhưng nửa tin nửa ngờ, chưa biết xử lý thế nào. Vua vốn có 3 hoàng nam đều đã yểu tử, sao nay lại có hoàng tử nào đây? Số cung nữ nhập và xuất cung hằng năm đều rất đông, ngay hoàng đế cũng không thể xác quyết có hay không trường hợp “lọt sổ” hy hữu này. Vua lại đang khao khát hoàng nam. Nếu đúng là có thì đây là phúc lớn của hoàng triều nhà Tống.

bao cong 6

Sau khi suy xét, Tống Nhân Tông truyền chỉ chuyển vụ án này cho quan chưởng quản Tri gián viện là Bao Chửng cùng Hàn Lâm học sĩ Triệu Khái nhanh chóng điều tra.

Bao Công thẩm sát án tình, lập tức cho thân tín giả làm hiệp khách tiếp cận Lãnh Thanh rồi mời đến tửu quán tỏ lòng ngưỡng mộ, dần dần phục rượu cho say để dò hỏi thân thế. Sau đó, Bao Công về đến quê nhà Lãnh Thanh, thăm hỏi những người hàng xóm để xác định nhân thân rồi dựng lại chân dung sự việc này. Đúng như Lãnh Thanh nói, mẹ y là Vương thị vốn là cung nữ, nhập cung năm Thiên Thánh nguyên niên, 3 năm sau thì xuất cung, sau đó kết hôn với một người bán thuốc tên là Lãnh Tự, sinh đứa con gái đầu là Lãnh Diễm, sinh con trai tiếp theo là Lãnh Thanh. Bao Công thẩm vấn Vương thị mới biết Lãnh Thanh từ nhỏ không chịu học hành, ăn chơi lêu lổng, lớn lên không nghề nghiệp, chẳng biết đi phiêu du nơi đâu. Hỏi về tấm “long phụng tú” vua ban, Vương thị tìm không thấy, mới biết là Lãnh Thanh đã cầm đi. Nhưng Bao Công nghi hoặc, Lãnh Thanh là đứa chẳng có học hành, sao có thể nghĩ đến chuyện mạo xưng thái tử là tội khi quân, chắc chắn phía sau có kẻ giật dây. Bèn bí mật điều tra đạo sĩ Toàn Hỏa Đạo - kẻ luôn đi cùng Lãnh Thanh…

Sau khi đã lập thế phá án, Bao Công cho bắt hai thầy trò Lãnh Thanh tách riêng ra để thẩm vấn. Khi gặp Bao Công, Lãnh Thanh vẫn dõng dạc xưng mình là hoàng tử. Bao Công hỏi: “Mẹ ngươi đúng là từng ở trong cung, nhưng ngươi rõ ràng là có một chị gái, sao chị ngươi không xưng là công chúa mà ngươi lại dám nhận là hoàng tử?”. Lãnh Thanh cứng họng. Bao Công tiếp tục truy vấn, Lãnh Thanh khiếp uy đành cúi đầu nhận tội là đã nghe theo lời của Cao Kế An. Thì ra khi Lãnh Thanh lang thang đến Lư Sơn, Cao Kế An thấy y dáng vẻ sang cả, lại có trong tay tấm lụa “Long phụng tú” mà vua lại đang khao khát có con nối dõi, bèn nghĩ ngay đến trò đại bịp: giả làm hoàng tử. Nếu sự việc trót lọt, Lãnh Thanh được Vua Nhân Tông nhận trở thành thái tử rồi kế vị hoàng đế thì Cao Kế An chắc chắn sẽ là nhất phẩm đại thần trong triều. Từ đó Cao Kế An huấn luyện cho Lãnh Thanh cách đi đứng, ăn nói thật giống bậc vương giả, ngày ngày đều tập diễn luyện đóng vai hoàng tử cho thuần thục. Lại dặn dò Lãnh Thanh nếu vạn nhất chuyện không thành thì cứ giả dạng điên cuồng là xong. Không ngờ gặp phải Bao Công quá cao tay đã sớm lật tẩy màn kịch.

Chân tướng vụ án đã rõ, Bao Công tấu lên Vua Nhân Tông, Lãnh Thanh và Cao Kế An bị tội chém, còn tri phủ Khai Phong là Tiền Minh Dật bị giáng làm tri phủ Sái Châu.

Vụ án “chiếc lưỡi bò”

Khi Bao Công mới ra làm quan, nhậm tri huyện Thiên Trường, một hôm có người họ Lý đến công đường thưa là tối qua con bò nhà mình bị kẻ nào đó cắt mất lưỡi sắp chết? Theo luật triều Tống lúc ấy, kẻ tự ý giết bò trâu sẽ bị nghiêm trị vì ảnh hưởng đến sức kéo. Trong tiểu thuyết “Thủy Hử” mô tả các hảo hán Lương Sơn vào quán thường kêu mấy cân thịt bò chính là hình thức thể hiện một thái độ xem thường luật pháp đương triều lúc bấy giờ. Bao Công bảo họ Lý cứ về nhà làm thịt để bán kiếm ít tiền, nhưng không được tiết lộ là quan phủ đã cho phép. Người kia về làm theo lời dặn. Đến sáng hôm sau có người họ Trương đến huyện nha tố cáo người họ Lý tự ý giết thịt bò, phạm vào phép nước, đề nghị phải xử. Bao Công liền vỗ án kêu tả hữu bắt ngay tra vấn. Quả nhiên họ Trương chính là hung thủ đã cắt lưỡi bò nhà họ Lý để vu họa nhằm trả mối thù hiềm khích giữa hai nhà.

Còn những vụ xử án nổi tiếng khác của Bao Công như “Chém Bao Miễn”, “Xử án Trần Thế Mỹ”, “Trảm Bàng Dục”… thì đều là tuồng tích “diễn dịch”, kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Như tra hết gia phả cũng như khu mộ gia tộc họ Bao không thấy có ai tên Bao Miễn. Bao Công lại là con một, không có anh em nên không thể có cháu ruột. Còn Trần Thế Mỹ là nhân vật có thật nhưng lại ở vào đời Thanh, cách Bao Công đến hơn 600 năm.

Tiểu thuyết, sân khấu dân gian cũng làm điên đảo trắng đen, ngay gian lẫn lộn. Khiến cho người đời sau không biết đâu mà lần? Chẳng hạn như nhân vật phản diện “Bàng Thái sư” tuy được lấy nguyên hình từ gian thần Trương Nghiêu Tá, nhưng tai tiếng thì Bàng Tịch lãnh đủ. Bàng Tịch (988-1063) là trung thần, tài giỏi, đậu tiến sĩ năm 1015, là thầy của Địch Thanh, Tư Mã Quang, bạn của Phạm Trọng Yêm, Hàn Kỳ, làm quan đến Khu mật sứ - tương đương tể tướng, nhiều lần thẳng thắn can gián vua và ái phi, được gọi là “Thiên tử Ngự sử”. Ông có con là Bàng Nguyên Anh, cháu là Bàng Cung Tôn đều làm quan, không có ai là Bàng Dục phạm tội bị Bao Công chém cả?

CÁI CHẾT BÍ ẨN

Bao Công sống trong thời nhà Tống bắt đầu suy yếu, thù trong giặc ngoài là những mối nguy lớn. Theo chính sử và dã sử, vai trò của Bao Thanh Thiên ở giai đoạn này như tấm gương có một không hai, đến kẻ thù cũng phải nể sợ.

Năm 1602, ông lâm bệnh và qua đời ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi khi đang giữ chức Khu mật phó sứ, được vua Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, ban thụy hiệu là “Hiếu Túc”. Sau đó, Bao Chửng được đưa về quê cũ Lư Châu an táng.

Hiện nay, khu mộ táng Bao Công nằm ở Đại Hưng Tập, ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Mộ chí có dòng chữ: “Năm Gia Hựu thứ bảy, tháng 5, ngày Kỷ Mùi (tức ngày 12/5/1062) ra làm việc, phát bệnh nên quay về. Hoàng thượng sai sứ ban cho thuốc tốt, đến ngày Tân Mùi (tức ngày 24/5/1062) thì không dậy được nữa”.

Như vậy, Bao Công từ lúc phát bệnh đến khi chết chỉ có 13 ngày. Thời gian này, ông có sử dụng “thuốc tốt” của vua ban. Chính điều đó đã gây ra nhiều tranh luận, nghi vấn trong giới sử học Trung Quốc.

Sinh thời, Bao Thanh Thiên nổi tiếng cương trực, không sợ quyền thế, can gián cả vua. Bọn tham quan ô lại cùng hoàng thân quốc thích hư đốn xem ông như kẻ thù. Do đó, khi ông bất ngờ qua đời, dư luận không khỏi nghi ngờ: Bao Công quả thật chết vì bệnh hay bị trúng độc lâu ngày, khi phát bệnh là mất mạng ngay?

bao cong 9

Theo sách Bí sử hậu cung, từ năm 1973, Phòng nghiên cứu động vật có xương sống và người cổ, Viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành giám định phân loại xương của Bao Công trong khu mộ gia tộc ở Đại Hưng Tập. Tại đây, ngoài mộ Bao Công, các nhà khoa học còn nghiên cứu mộ người vợ chính, con và con dâu của ông. Họ đã thu nhặt được 35 mảnh xương được xác định của Bao Công và quan tài bằng gỗ nam mộc cực quý.

Các nhà khoa học Trung Quốc phối hợp Viện Bảo tàng tỉnh An Huy xét nghiệm những mảnh xương được cho là của Bao Chửng bằng phương pháp đồng bộ bức xạ với máy Electron- Positron Collider. Kết quả cho thấy, hàm lượng các nguyên tố thủy ngân, sắt và canxi trong xương của Bao Thanh Thiên cao hơn nhiều so với xương của người hiện đại. Trong khi đó, hàm lượng chì và thạch tín lại thấp hơn người thường.

Theo chuyên gia Hồ Hân Dân, Viện trưởng Viện bảo tàng tỉnh An Huy khi đó, kết quả này sơ bộ loại trừ khả năng "Bao đại nhân" bị trúng độc cấp tính do uống thuốc có chứa thạch tín.

Về vấn đề hàm lượng thủy ngân cao trong xương của Bao Công, các nhà khoa học đưa ra hai khả năng. Một là khi an táng ông, người ta đã cho vào quan tài nhiều chu sa để ướp giữ thi thể. Chất này xâm thực vào xương dẫn đến hàm lượng thủy ngân tăng cao. Hai là, Bao Chửng từng uống thuốc hay ăn loại thực phẩm có chứa thủy ngân với hàm lượng nhỏ khiến ngộ độc mãn tính.

GS Trình Như Phong, chuyên gia Văn - Sử, Phó hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công ở thành phố Hợp Phì, cho biết qua kết quả xét nghiệm có thể kết luận Bao Công không chết vì trúng độc. Rất có thể, ông bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ nên mới phát bệnh và chết nhanh như vậy.

Tuy nhiên, căn bệnh nào dẫn đến cái chết của vị phán quan nổi tiếng lịch sử này có lẽ vẫn mãi là điều bí ẩn.

MỘ THẬT VÀ VIỆC DÙNG 21 CHIẾC QUAN TÀI ĐỂ CHÔN CẤT DI THỂ BAO CÔNG

Bí ẩn xoay quanh 21 chiếc quan tài cùng được an táng trong ngày mất của Bao Công

Xung quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, hậu thế có lưu truyền nhiều giai thoại. Trong đó, có giai thoại kỳ lạ kể về việc 21 chiếc quan tài cùng lúc được đưa ra 7 cửa thành Lư Châu và an táng tại những vị trí khác nhau với hy vọng không kẻ địch nào tìm ra mộ thật của ông.

Khi còn làm quan, Bao Công nổi tiếng xử án thiết diện vô tư, không sợ quyền uy, không thiên vị người nhà, chấp pháp nghiêm minh, là một trong những vị quan liêm chính nhất trong lịch sử Trung Quốc và được con dân trăm họ đời đời yêu kính.

bao cong 8

Nhớ năm xưa, Bao Chửng từng nhậm chức Tri phủ ở Đoan Châu. Bấy giờ, nghiên mực Đoan Châu là nổi tiếng nhất. Vậy nhưng suốt quãng thời gian nhậm chức cho tới khi thuyên chuyển công tác, Bao Công thậm chí chưa từng cầm lấy một nghiên mực về nhà. Cả cuộc đời làm quan của mình, Bao Thanh Thiên đều coi nỗi khổ của muôn dân trăm họ là việc đại sự. Ông dành tất cả sức lực của mình để diệt trừ quan tham, miễn giảm sưu thuế, một lòng vì dân vì nước. Bất luận làm quan ở đâu, Bao Thanh Thiên đều xử án công bằng, chưa từng sợ đắc tội cường quyền, cũng chẳng thiên vị hoàng thân quốc thích hay quan gia quyền quý, càng không để việc tư xen vào việc công. Đây cũng là lý do khiến ông từng gây thù chuốc án với không ít kẻ quyền thế. Tới năm 1062, khi đang giữ chức vụ "Khu mật phó sứ" (tương đương với Tể tướng), Bao Công đột nhiên lâm bạo bệnh và qua đời.

Sau khi Bao Công qua đời, người thân sợ kẻ thù sẽ tìm cách trả thù lên di thể, xương cốt của ông nên đã dùng kế sách nhằm "tung hỏa mù" để đánh lạc hướng.

Sự ra đi của Bao Công cũng khiến dân chúng đau buồn không nguôi. Tại vị trí của những ngôi mộ này đều có người dân thường xuyên cúng bái, thay phiên trông coi. Vậy nhưng khi quân Kim tràn vào, Hợp Phì bị xâm chiếm, những ngôi mộ giả của Bao Chửng đều ít nhiều bị hư hại, vật tùy táng cũng bị lấy đi. Phải đợi đến mãi sau này, khi hòa bình lặp lại, hậu duệ của nhà họ Bao mới bí mật chuyển quan tài của Bao Công tới an táng gần ngôi mộ của phu nhân Đổng thị.

Sự thật về mộ Bao Thanh Thiên: Mộ táng một nơi, người chôn một nẻo?

Trước kia, hầu hết mọi người đều tin rằng mộ thật của Bao Công nằm tại Tống Lăng (huyện Củng, tỉnh Hà Nam). Nơi đây cũng thường xuyên được nhân dân cúng bái, tu sửa qua các triều đại. Không ai ngờ rằng ngôi mộ nghi ngút khói hương qua hàng thế kỷ ấy thực chất lại chỉ là một ngôi mộ giả để đánh lạc hướng người đời.

Mộ của Bao Công ngày nay nằm tại nghĩa trang Đại Hưng Tập, thuộc ngoại ô thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Từ năm 1956, phần mộ của vị quan thanh liêm này đã được liệt vào danh sách văn vật trọng điểm được bảo vệ cấp tỉnh.

Trước đó, để tìm được vị trí chính xác ngôi mộ thật của vị quan thanh liêm nổi tiếng ấy trong quần thể mộ của nhà họ Bao, giới khảo cổ Trung Quốc đã tốn không ít công sức. Chỉ đến khi chính quyền địa phương có chỉ thị di dời mộ thật của Bao Công để phục vụ cho quá trình quy hoạch, hậu thế mới biết được vị trí an táng chính xác của Bao Thanh Thiên.

Từ lâu, dân chúng trong vùng đều tin rằng mộ của Bao Công nằm ở vị trí nổi bật nhất trong quần thể các ngôi mộ gia tộc họ Bao. Đến khi khai quật quần thể mộ này, các nhà khảo cổ không bắt đầu từ ngôi mộ lớn nhất mà tiến hành từ ngôi mộ nhỏ nằm lẻ phía ngoài cùng.

bao cong 2

Ngôi mộ ngoài rìa được cất táng hết sức thô sơ, còn nhiều dấu vết lộ ra sự vội vàng trong quá trình chôn cất. Không ngờ rằng tại đây, đội khảo cổ đã phát hiện một quan tài làm bằng gỗ mộc tơ vàng vô cùng quý giá. Chất liệu quan tài phần nào nói lên vị thế không tầm thường của chủ nhân ngôi mộ. Nhưng di cốt phía bên trong chỉ có một bộ xương không đầy đủ, cũng không có kèm theo vật tùy táng nào để xác nhận thân phận. Không ngờ rằng, lớp đất phía đầu trên quan tài lại phát hiện 2 tấm bia đá khắc kín hai mặt nhưng có một số chỗ bị thiếu do vỡ. Thông qua việc xác minh bằng văn tự khắc trên bia đá, các chuyên gia khẳng định một tấm là của Bao Công, một là của Đổng thị - vị phu nhân thứ hai của ông. Tấm mộ chí của Bao Công đã bị đập vỡ 5 miếng, nhưng khi ghép lại vẫn tương đối hoàn chỉnh. Trên đó có khắc đến gần 3000 chữ về cuộc đời Bao Chửng, hơn nhiều so với những tư liệu lưu lại trong chính sử.

Dù phát hiện có hai tấm bia, nhưng nơi đây lại chỉ có một bộ di cốt. Khi cả giới khảo cổ đang hoang mang trước sự việc này, thì sự chỉ điểm của một người xuất thân từ gia đình có nhiều đời trông coi nghĩa trang đã giúp họ tìm được hướng khai quật tiếp đó.

bao cong 1

Công tác khai quật được tiến hành tại ngôi mộ lớn nhất. Đây mới chính xác là nơi hợp táng Bao Công và phu nhân Đổng thị với phần địa cung, hầm mộ được xây dựng bề thế. Bên trong địa cung chỉ còn lưu lại một quan tài với hài cốt đã mục hoàn toàn. Bên trên có tìm thấy một góc bia đá vừa khớp với miếng còn thiếu trên bia đá của Đổng thị. Kết quả giám định sau đó cũng đã cho thấy, di cốt lưu lại ở trong quan tài gỗ quý thuộc về ngôi mộ phía ngoài rìa chính xác là của Bao Thanh Thiên.

Thì ra, trước những cuộc binh biến liên miên không dứt, người trong gia tộc họ Bao đã bí mật chuyển quan tài an táng Bao Công rời khỏi địa cung nguyên táng để chôn tại vị trí bí mật hơn, cũng chính là ngôi mộ nằm lẻ loi phía ngoài rìa nghĩa trang gia tộc.

Có thể thấy, tất cả những việc làm có phần phức tạp, liên quan đến công tác an táng di thể Bao Công đều nhằm hướng tới một mục đích duy nhất, đó là giúp vị quan họ Bao được yên giấc ngàn thu sau khi đã dành cả cuộc đời để bảo vệ lẽ phải.

BAO CÔNG - VỊ QUAN THANH LIÊM TỪNG BỊ XẾP VÀO LOẠI "NGƯU QUỶ XÀ THẦN" PHẢI QUÉT SẠCH

Sinh thời, Bao Công nổi tiếng là vị quan liêm chính, công tư phân minh và không nể nang ai, thậm chí cả hoàng thân quốc thích. Với dân thường, ông đúng là "trời xanh". Thế nhưng, trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Hoa, phong trào “Phá tứ cựu, lập tứ tân” lan rộng năm 1966, Bao Chửng bị xem là "ngưu quỷ xà thần", còn tồi tệ hơn cả tham quan bởi ông ủng hộ và duy trì chế độ phong kiến.

bao cong 7

Những thứ liên quan đến cuộc đời Bao Công nhẽ ra được trưng bày lại bị đập phá. Từ đường nằm trong khu Bao Hà trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã; bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng Vương Triều, Mã Hán đều bị phá nát; thậm chí tượng của Bao Thanh Thiên còn bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát và bức họa truyền thần Bao Công được truyền qua nhiều đời bị treo lên cây đốt cháy thành tro.

Khu lăng mộ Bao Công được đổi tên thành "Vạn tuế quán" cũng bị Hồng vệ binh thiêu hủy nhiều thư tịch cổ. Phần mộ của vị quan thanh liêm một thời không thể duy trì vẹn toàn. Trước đó, nơi đây cũng bị đào trộm, về sau bị lấn chiếm để làm đất canh tác.

Theo sử sách, sau khi Bao Công qua đời, các cận vệ bên cạnh ông đều lang bạt giang hồ, chỉ còn lại duy nhất Vương Triều ở lại chăm mộ chủ. Về sau, khi Vương Triều qua đời, hậu duệ của Bao Công thờ ông như người nhà.

Trung Hoa nổi tiếng với chiều dài lịch sử nhiều biến cố cùng những triều đại thay phiên nhau và những câu chuyện thâm cung bí sử ít người biết đến. Chính những câu chuyện về lịch sử lại trở thành "liều thuốc" kích thích bất cứ ai muốn tò mò về lịch sử triều đại của một quốc gia đông dân nhất thế giới này.

 

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 553 lượt xem

Có thể bạn muốn xem