Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism (1950 – 1980) là gì?
Brutalism – Chủ Nghĩa Thô Mộc là một phong trào kiến trúc phát triển mạnh trong giai đoạn từ thập niên 1950 đến giữa những năm 1970. Brutalism (ban đầu là New Brutalism) không xuất phát từ nghĩa tàn bạo – brutal trong Tiếng Anh mà có nguồn gốc từ béton brut – nghĩa Tiếng Pháp là bê tông thô – một thuộc tính vật liệu đặc biệt của Chủ Nghĩa Thô Mộc. Đây cũng là thuật ngữ đã được sử dụng bởi Le Corbusier khi mô tả sự lựa chọn của ông về vật liệu xây dựng.
Le Corbusier (1887 – 1965) là kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy Sĩ nổi tiếng thế giới, cũng là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của Trào Lưu Kiến Trúc Hiện Đại (Modernist Architectural Movement) thế kỉ XX, bên cạnh những cái tên như Ludwig Mies van der Rohe, Walter Gropius và Theo van Doesburg. Le Corbusier gắn bó với Chủ Nghĩa Thô Mộc với hai công trình đình nổi bật nhất là Unité d’Habitation (Tạm dịch: Nhà ở Đơn vị) được xây dựng năm 1962 và Tòa nhà Ủy ban (Palace of Assembly) tại Chandigarh, Ấn Độ năm 1953.
Brutalism – Chủ Nghĩa Thô Mộc được sản sinh từ Phong Trào Kiến Trúc Hiện Đại (về Chủ Nghĩa Hiện Đại, mời độc giả đón đọc tại chuyên đề kế tiếp chỉ có trên Wiki.Designs.vn). Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism phát triển đáng kể tại Vương quốc Anh trong khoảng thời gian giữa thế kỷ XX, khi kinh tế rơi vào suy thoái và những hậu quả tàn phá từ Thế chiến II buộc cộng đồng phải tìm kiếm các giải pháp thiết kế và phương pháp xây dựng nhà ở chi phí thấp. Khái niệm Brutalism được áp dụng tại Anh, đi đầu là vợ chồng kiến trúc sư Alison và Peter Smithson. Họ chú ý đến logic công năng và logic kết cấu, coi đó là yếu tố chủ đạo trong tổ hợp kiến trúc, đồng thời nhấn mạnh những biện pháp cấu trúc đơn giản cùng sự biểu hiện mộc mạc về chất liệu của đá thiên nhiên, gạch và gỗ. Những người theo Chủ Nghĩa Thô Mộc tại Anh còn đưa ra những quan niệm về sự chân thực, sự mạnh dạn và tính khách quan trong việc sử dụng vật liệu trần.
Công trình kiến trúc Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism là những tòa nhà chính phủ, nhà ở cao tầng, các trung tâm mua sắm và trường đại học…xuất hiện không chỉ ở Anh mà còn lan sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Philippines và Úc. Một số kiến trúc sư lựa chọn Brutalism – ngay cả khi họ có nguồn vốn ngân sách lớn – vì đánh giá cao “tính trung thực”, tính chất nghệ thuật điêu khắc và cấu trúc rất giàu tính tạo hình của chủ nghĩa này. Tuy nhiên, Chủ Nghĩa Thô Mộc khi đi ra quốc tế chỉ thiên về việc sự dụng vật liệu mộc như một phương tiện trang trí thẩm mĩ chủ đạo. Mời độc giả cùng Designs.vn chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc lạ mắt từ Brutalism – Chủ Nghĩa Thô Mộc!
Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism phần lớn đã kết thúc vào giữa những năm 1980. Mặc dù vậy, nhiều khía cạnh của Chủ Nghĩa Thô Mộc vẫn còn được tìm thấy ở một số công trình xây dựng sau này, với mặt tiền bê tông thường được phun cát để tạo ra bề mặt giống như đá tự nhiên hoặc sử dụng trong hoa văn và các yếu tố bê tông đúc sẵn. Một ví dụ khác về phong cách thiết tương tự Chủ Nghĩa Thô Mộc là khi so sánh công trình tòa nhà chọc trời 56 Phố Leonard (56 Leonard Street) ở New York được hoàn thành vào năm 2017 và tổ hợp Habitat 67 tại Montreal, Canada. Một số tòa nhà Brutalism ngày nay vẫn được lưu giữ và bảo tồn như một di tích lịch sử.
Đặc tính kiến trúc của Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism
Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism cho rằng: tòa nhà như một tổ hợp khối được hình thành bởi những khối công năng nhỏ hơn mà mỗi bộ phận công năng nhỏ đó là đồng nhất, thẩm mỹ và bố cục phù hợp với toàn thể công trình. Quan niệm này tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động công năng, bên cạnh đó, tiện lợi cho việc tách biệt kết cấu và dễ dàng hoàn thiện hơn trong quá trình xây dựng. Toà nhà của Chủ Nghĩa Thô Mộc phải bộc lộ rõ tính chất công năng của nó trên giải pháp cấu trúc xây dựng. Trong các công trình kiến trúc Brutalism, người ta thường thấy sự tách biệt giữa các khu vực có công năng khác nhau như cầu thang, lối đi, không gian làm việc, không gian phụ và không gian giao thông. Chủ Nghĩa Thô Mộc nhấn mạnh tính chân thật của ngôi nhà với vật liệu xây dựng thường thấy như: bê tông, gạch, kính, thép, đá thô, rọ đất đá…Bề mặt bê tông để lộ bản chất cơ bản – thô sơ và khiêm nhượng – của nó khi xây dựng và cũng không hề che giấu kết cấu hoặc các khớp nối.
– Hình dạng và bề mặt thô, cấu trúc công năng và kết cấu được thể hiện rõ ràng.
– Quần thể được tạo nên dưới hình thức mô-đun; những đơn thể giống nhau có tính chất lặp lại tạo thành các khối đại diện cho chức năng của từng khu vực cụ thể.
– Vật liệu xây dựng thường thấy là bê tông, gạch, kính, thép, đá thô, rọ đất đá…
– Về hình thức thẩm mĩ: xuất hiện nhiều các yếu tố cong chéo và dốc hoặc yếu tố ngang và dọc tương phản mạnh.
– Có khu vực rộng lớn của các bức tường trống, cửa sổ nhỏ liên kết hình thức giữa các khối bộ phận khác nhau.
bởi Quốc Cường vào | 542 lượt xem