Theo GS. Trần Lâm Biền - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền.
Hiện có gia đình đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại iPhone giấy, xe ôtô giấy, sắm cá chép quý, đắt tiền với hy vọng lễ vật càng nhiều thì càng thiêng. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống. Theo ông, khi cúng ông Công ông Táo, quan trọng nhất là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ.
Trước khi làm cỗ cúng, các gia đình nên dọn dẹp nhà cửa, ban thờ cho gọn gàng, sạch sẽ.
Dưới đây là gợi ý lễ vật và mâm cỗ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp (ngày 23/12 âm lịch):
Lễ vật
Lễ vật cúng ông Công ông Táo ở các miền có khác nhau một chút.
Ngoài bộ mũ áo và đôi hia bằng giấy người miền Bắc thường cúng cá chép sống, người miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ.
Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người dân thường chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.
Mâm cỗ
Mâm cỗ mặn:
- Một đĩa gạo
- Một đĩa muối
- Một đĩa thịt lợn luộc (để nguyên miếng) hoặc gà luộc cả con ngậm hoa hồng
- Món canh: canh măng, canh khoai hoặc canh mọc
- Món xào: Các gia đình có thể tuỳ ý lựa chọn các món rau xào thịt (không cho tỏi khi xào)
- Một đĩa giò
- Một đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- Mâm cỗ ngọt:
- Một đĩa chè kho
- Một đĩa hoa quả
- Một đĩa trầu cau
- Một đĩa chè thuốc, rượu
- Một bình hoa
Thời gian, cách thức cúng ông Công ông Táo
Lễ cúng tiễn ông Công ông Táo thường được cúng vào ngày 22 hoặc sáng 23 tháng Chạp.
Gia chủ dù vướng bận công việc quan trọng cũng phải hoàn thành lễ cúng trước 12 giờ trưa 23 tháng Chạp vì người Việt quan niệm phải kịp giờ để ông Táo lên thiên đình
bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 327 lượt xem