Chụp ảnh tĩnh vật (Still life photography) là gì?
Chụp ảnh tĩnh vật (Still life photography) là một loại hình nhiếp ảnh tập trung vào đối tượng chính là các đồ vật bất động, điển hình và phổ biến nhất là một nhóm các đồ vật nhỏ.
Nếu so với các hình thức khác như nhiếp ảnh phong cảnh hay chân dung, chụp ảnh tĩnh vật mở ra nhiều không gian sáng tạo hơn cho các nhiếp ảnh gia trong việc sắp đặt các đối tượng, các yếu tố thiết kế, nhiều tự do hơn trong việc xoay chuyển bố cục và các thành tố để thử nghiệm cấu trúc.
Chính đặc điểm đó đã khiến chụp ảnh tĩnh vật trở thành một loại hình nhiếp ảnh đa dạng, nhiều chiều, một mặt rất cụ thể, gần gũi trong mối quan hệ mật thiết với cuộc sống con người (Ta có thể bắt gặp các bức ảnh tĩnh ở bất kỳ đâu: các trang catalogue giới thiệu sản phẩm, các minh họa trên báo và tạp chí), một mặt lại có phần trừu tượng, đa nghĩa trong những thể nghiệm nghệ thuật.
Sự ra đời và phát triển của still life photography
1. Nguồn gốc
Như bản thân nghệ thuật nhiếp ảnh vốn có xuất phát điểm như một hình thức mới mẻ, hiện đại hơn của hội họa truyền thống trong nghệ thuật thị giác, nhiếp ảnh tĩnh vật cũng có nguồn gốc từ những bức tranh tĩnh vật.
Thuật ngữ “still life” được cho là bắt nguồn từ cụm từ “stilleven” trong tiếng Hà Lan để chỉ dòng tranh tĩnh vật đặc biệt nở rộ khắp Châu Âu suốt những thế kỷ XVI, XVII.
Mảng hội họa mang tên “stilleven” có đặc điểm khai thác một tổng thể phức tạp hơn so với những loại hình vẽ tranh tĩnh vật truyền thống đã có từ ngàn năm trước, với tập hợp đồ vật đa dạng và tự do hơn, được ghép lại với nhau. Động lực ẩn đằng sau những bức vẽ thuộc dòng tranh này là sự thể hiện một hình thức giao tiếp mới, nhiều ẩn ý ngụ ngôn thay vì đơn thuần là miêu tả sự vật nhằm mục đích trang trí. Nhiếp ảnh tĩnh vật có thể coi là sự tiếp nối cái nhìn và góc độ khai thác hiện thực đó của hội họa tĩnh vật.
2. Sự ra đời
Vào thế kỷ XIX, trong ngày đầu tiên của nhiếp ảnh, khi kỹ thuật của các máy ảnh còn rất sơ khai, thời gian phơi sáng (Exposure times) được tính bằng phút chứ không phải bằng giây, rất khó để máy ảnh có thể chụp được chính xác một khoảnh khắc chuyển động trong cảnh vật và con người. Bởi vậy mà các đối tượng bất động xuất hiện trong những bức ảnh đầu tiên của con người như một lẽ tất nhiên.
Ra đời từ những lý do khách quan, nhiếp ảnh tĩnh vật lại nhanh chóng tạo nên một môi trường sáng tạo mới cho những cá nhân muốn tiên phong trong thể nghiệm nghệ thuật. Trong suốt thế kỷ XIX, các bức ảnh tĩnh vật chủ yếu mang dáng dấp của những tác phẩm hội họa tĩnh vật.
3. Sự phát triển của still life photography như một loại hình nghệ thuật
Đến thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, nhiếp ảnh tĩnh vật mới có bước tiến lớn, vượt ra khỏi điểm xuất phát như là phương án thử nghiệm để thực sự sánh ngang với nhiếp ảnh phong cảnh và nhiếp ảnh chân dung như một loại hình nghệ thuật. Những nhiếp ảnh gia nghệ thuật đầu tiên như Baron Adolf de Meyer đã sử dụng ống kính tiêu điểm mềm (Soft focus lense) và kỹ thuật phòng họa tối để tạo nên những bức ảnh mang hiệu ứng của các bản vẽ hay bản in khắc. Trào lưu thịnh hành lúc bấy giờ là những bức ảnh phản ánh hình thức tiếp cận thủ công, cầu kỳ, nhiều ẩn ý nhằm khẳng định nhiếp ảnh như một phương tiện nghệ thuật riêng.
Đến nửa sau thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những trào lưu và xu hướng nghệ thuật của chủ nghĩa hiện đại như: Surrealism (Siêu thực), Da da, Cubism (Lập thể),…. những bức ảnh tĩnh vật đã đơn giản hóa cách tiếp cận, đi theo sự lột tả tự nhiên, chân thực, tập trung vào bản thân đối tượng để truyền tải thông điệp hơn là các lớp hiệu ứng bên ngoài.
Cho đến nay, cùng với những bước nhảy vọt không ngừng của kỹ thuật công nghệ, nhiếp ảnh tĩnh vật càng khẳng định tiếng nói nghệ thuật của mình với một giọng điệu rất riêng, chiếm lĩnh một vị trí ngày càng nổi bật trong nghệ thuật đương đại.
Những thành tố nổi bật của nhiếp ảnh tĩnh vật
Nếu đặc trưng của bộ môn nhiếp ảnh nói chung thường được nhìn nhận là sự nắm bắt và giữ lại chuẩn xác một khoảnh khắc, một thời điểm thì nhiếp ảnh tĩnh vật thực sự là một loại hình độc đáo, khác biệt so với xuất phát điểm của nó. Bởi lẽ, nói một cách chính xác thì các nhiếp ảnh gia tĩnh vật đúng ra là “tạo” ra các bức ảnh hơn là “chụp” được nó. Một bức ảnh tĩnh hoàn hảo phải là một cấu trúc thú vị, hài hòa của các yếu tố: cách sắp đặt, xây dựng bố cục, bề mặt chất liệu, màu sắc, mảng sáng và tối, thủ pháp xử lý ánh sáng, sự cân bằng, mức độ hòa điệu của tổng thể tập hợp “nhân vật chính”.
Sau đây là những thành tố quan trọng làm nên những đặc điểm khác biệt của nhiếp ảnh tĩnh vật:
1. Đối tượng
Đa dạng và bất tận
Không có giới hạn cho các “nhân vật chính” của nhiếp ảnh tĩnh vật: từ tạo vật của tự nhiên như trái cây, hoa lá cho đến vật dụng sinh hoạt của con người, từ những vật thể rất bình thường nhỏ bé như một nhánh tỏi khô, một que diêm cho đến những đối tượng kỳ dị và khó tìm hơn như đầu lâu, xác thuyền đắm,…
Ngẫu nhiên và sắp đặt
Trái với lầm tưởng phổ biến về chụp ảnh tĩnh vật như một quá trình mà nhiếp ảnh gia luôn luôn phải cẩn thận lựa chọn đối tượng và chủ ý sắp xếp trong bối cảnh và không gian cho phù hợp, một bộ phận không nhỏ của nhiếp ảnh tĩnh vật hướng theo con đường ngẫu hứng khi tìm các đối tượng ngoài tự nhiên.
Cách thức lựa chọn và làm việc với đối tượng theo hai phong cách khác nhau đó hình thành nên hai loại hình của nhiếp ảnh tĩnh vật : Created still life (Tĩnh vật sắp đặt) và Found still life (Tĩnh vật được phát hiện). Nếu như trong Created still life, nhiếp ảnh gia sắp đặt từ đầu đến cuối mọi thành tố của tác phẩm: chẳng hạn như từ bước lựa chọn chiếc bát kích thước và hình dạng như thế nào, bề mặt bắt sáng ra sao, loại quả nào nên bày, cho đến sắp đặt bát hoa quả ở đâu, trên dưới, góc độ như thế nào, ánh sáng chiếu từ đâu thì tạo hiệu ứng và chiều sâu,….; thì trong Found still life, nhiếp ảnh gia lại vác ống kính và tìm kiếm những góc độ bất ngờ trong những sự vật nhỏ bé bên ngoài.
Tĩnh mà động
Với những cải tiến mạnh mẽ của công nghệ, kỹ thuật, sự sáng tạo trong nghệ thuật nhiếp ảnh tĩnh vật đã vượt ra khỏi giới hạn ban đầu của nó (Đối tượng dừng lại ở vật thể hoàn toàn bất động) mà khám phá nguồn cảm hứng mới trong sự vận động của các vật thể trong không gian. Sự xuất hiện của các yếu tố như chất lỏng, lửa, khói, bụi trong nhiếp ảnh tĩnh vật vừa đóng vai trò như đối tượng riêng, vừa tạo ra môi trường vận động cho các đối tượng tĩnh vật khác. Tiếp tục nới rộng không gian thể nghiệm cho những người mê nhiếp ảnh còn là những cải tiến đột phá về công nghệ cho phép ghi lại được những khoảnh khắc chuyển động và thay đổi trạng thái của vật thể như: rơi, vỡ,….
Chính phạm vi đối tượng rộng lớn với cách thức tiếp cận không ràng buộc giúp nhiếp ảnh tĩnh vật trở nên linh hoạt, biến hóa hơn, có khi tự nhiên, chân thật, lúc lại đầy những mâu thuẫn hữu ý, đa nghĩa; có thể cực giản dị, đời thường nhưng lại cũng đôi lúc cầu kỳ, siêu thực.
2. Background – phông nền
Đặt đối tượng trong một bối cảnh phù hợp cũng quyết định một phần không nhỏ kết quả cuối cùng. Phương án tối ưu nhất luôn là những phông nền trang nhã và đơn giản, bởi càng phông nền càng tối giản càng đảm bảo được sự nổi bật của đối tượng chính. Thông thường có hai cách lên ý tưởng cho sắp đặt phông nền cho tác phẩm: thứ nhất là dựa trên sự tương phản (phông nền thường trơn, không chú trọng bề mặt mà tập trung khai thác màu sắc và ánh sáng nhằm tạo sự đối lập với tông màu chủ đạo của đối tượng); cách thứ hai là dựa trên sự bổ trợ (Phông nền có màu sắc trùng gam màu của đối tượng, bề mặt chất liệu cũng như họa tiết gợi mối liên hệ với đối tượng).
Một số phông nền phổ biến của chụp ảnh tĩnh vật:
Phông đen
Không khó để nhận ra một phương án được sử dụng rộng rãi trong nhiều tác phẩm nhiếp ảnh tĩnh là áp dụng bức phông nền trơn, đen một cách hoàn hảo. Tấm phông nền đen hoàn toàn không bắt sáng tạo nên hiệu ứng “lơ lửng giữa vùng tối” cực kỳ nổi bật cho đối tượng. Thêm vào đó, phông đen còn giúp triệt tiêu đi những vùng bóng đổ không mong muốn do góc chiếu sáng, giúp kiểm soát chặt chẽ bố cục, tạo sự tập trung tuyệt đối cho người xem, từ đó dễ dàng tạo sự tĩnh lặng và chiều sâu cho tác phẩm.
Ngoài áp dụng màu đen tuyệt đối như một không gian duy nhất bao quanh đối tượng, phông đen chỉ dừng lại ở đằng sau vật thể, kết hợp với hiệu ứng từ bề mặt đặt vật thể, thường gợi lại hơi hướng quen thuộc của những bức tranh hội họa tĩnh vật kinh điển thế kỷ XVII, XVIII.
Bên cạnh những tác phẩm nhiếp ảnh theo xu hướng thể nghiệm nghệ thuật, những đối tượng mang tính chất ứng dụng của nhiếp ảnh tĩnh vật để tạo nét trang trọng, quý phái cho sản phẩm quảng cáo.
Không cần phải có một studio chuyên nghiệp mới chụp được những tấm ảnh tĩnh trên phông đen. Có nhiều cách thức đơn giản để dựng phông nhưng cần nhiều sự luyện tập và kinh nghiệm để ứng dụng thành thạo và tạo hiệu ứng chính xác. Hai cách phổ biến là : đặt trực tiếp vật trên nhung đen chụp cận cảnh và sử dụng đèn flash chụp vật thể được đặt cách nền đen một quảng đủ xa để không bắt sáng từ máy ảnh.
Phông trắng
Được áp dụng phổ biến không kém phông nền màu đen, phông nền trắng xuất hiện rất nhiều trong những ứng dụng minh họa sản phẩm cũng như những tác phẩm nghệ thuật. Nếu màu đen tối giản phông nền bằng cách lợi dụng sự hấp thụ hoàn toàn ánh sáng để tạo sự tương phản thì màu trắng lại tạo ra bức nền cực bắt sáng và đưa ra hai lựa chọn: cũng tối giản cực đại và loại bỏ bóng khi chụp chính diện hoặc theo hướng chiếu sáng, hoặc sắp đặt khéo léo để bóng đổ của vật thể trở thành nhân vật thứ hai của tác phẩm.
Phông trắng được áp dụng rộng rãi trong chụp ảnh thức ăn, giới thiệu bao bì hay sản phẩm mới,….
Phông nền “tone sur tone” với đối tượng
Phông đen và trắng cung cấp cho nhiếp ảnh gia một cách thức đơn giản để tạo điểm nhấn nhờ vào hiệu ứng đối lập, tương phản thì một phương pháp dựng phông khác vẫn duy trì tiêu chí tối giản nhưng đòi hỏi nhiều đầu tư, thử nghiệm hơn cả về chất liệu và điều chỉnh ánh sáng, ấy chính là cách dựng phông dựa theo màu của đối tượng được chụp.
Glitter (Phông nền lấp lánh)
Những nguồn sáng nhỏ và có cường độ thấp khi nằm ngoài vùng focus sẽ tạo nên hiệu ứng bokeh vô cùng ấn tượng. Chỉ cần vẩy một vài hạt nhũ phản quang, bột kim tuyến trên phông nền khi set up hay đặt ánh đèn nhỏ như đèn nhấp nháy trang trí ở xa, khi bạn lấy nét cận cảnh đối tượng đặt ở phía trước, bạn sẽ dễ dàng có một phông nền mờ ảo, mềm mịn vô cùng ấn tượng.
Giấy dán tường
Đa dạng về màu sắc, họa tiết, bề mặt chất liệu, giấy dán tường cung cấp nhiều sự lựa chọn để thể nghiệm các hiệu ứng khác biệt, từ hài hòa bổ trợ đến đối lập.
Ảnh lồng ảnh
Một phương án khác vô cùng sáng tạo mở ra vô vàn thử nghiệm theo hướng mixed media dành cho các nhiếp ảnh gia tĩnh vật chính là sử dụng các bức ảnh hoặc bức tranh làm phông nền đằng sau của đối tượng.
Bề mặt nhỏ, hiệu quả lớn
Một trong những điều làm nên thú vị và khác biệt của nhiếp ảnh tĩnh vật chính là quá trình tìm kiếm và thử nghiệm các bề mặt và cấu trúc khác nhau cho phông nền. Một mảng tường lở, thô ráp, một tấm vải sờn rách hay đến cả bề mặt của vải bao bố bình thường cũng có thể tạo nên những hiệu ứng cực kỳ bất ngờ.
3. Ánh sáng và bóng
Bên cạnh phông nền, ánh sáng và bóng cũng là hai thành tố đặc biệt quan trọng, cần được làm chủ trong nhiếp ảnh tĩnh vật. Đây là công cụ khắc họa và làm nổi bật kết cấu bề mặt, đường nét cũng như khối lượng của tổng thể đối tượng. Qua đó mà chủ ý về không khí và tâm trạng của nhiếp ảnh gia được lan tỏa đến người xem.
Các nhiếp ảnh gia tĩnh vật chuyên nghiệp thường sử dụng soft box hoặc light box cho những sắp đặt ánh sáng. Nhiệm vụ chính của hai thiết bị này là kiểm soát, đảm bảo độ đồng nhất của mọi yếu tố ánh sáng xuất hiện trong khung hình, từ đó “cô lập vật thể” một cách chính xác nhất, nhờ vậy mà bức ảnh như có một môi trường riêng, một câu chuyện riêng.
Ánh sáng trong studio chuyên nghiệp đương nhiên rất hiệu quả và dễ dàng điều chỉnh nhưng ánh sáng ban ngày tự nhiên cũng có thể tạo nên những hiệu ứng như ý nếu khai thác đúng cách. Sử dụng không gian ngoài trời có thể đem lại kết quả tích cực, bởi dù là bầu trời phủ đầy mây hay quang đãng, sáng rực đều có thể tạo nên một soft box tự nhiên, giúp tránh những khoảng bóng quá đậm. Ánh sáng ban ngày chiếu từ cửa sổ cũng vô cùng hiệu quả khi có sự hỗ trợ của tấm hắt sáng.
Tuy rất khó để kiểm soát nhưng bóng là một phần quan trọng của nghệ thuật sắp đặt trong nhiếp ảnh tĩnh vật. Một hướng sáng chính chiếu thẳng từ phía trước có thể giúp lột tả chi tiết, rõ nét đối tượng nhưng lại rất dễ đánh mất yếu tố ba chiều. Bởi vậy góc chiếu từ phía sau và chiếu xiên cũng cần được khai thác. Những góc chiếu thấp hoặc chiếu xiên thẳng từ một phía sẽ nhấn mạnh được bề mặt vật thể và đường viền, tạo nên hiệu ứng đổ bóng dài, nhờ vậy mà đối tượng hiện lên có phần sống động hơn.
Sử dụng ánh sáng từ một phía mà không áp dụng các biện pháp tán sáng thông thường cũng có thể đem lại những kết quả thú vị. Những vệt bóng đổ đậm, sắc nét sẽ chiếm lấy những khoảng trống giữa các vật thể. Khoảng cách giữa các yếu tố khác nhau của toàn bộ cấu trúc cũng quan trọng không kém gì từng đối tượng cụ thể, bởi vậy cách chiếu sáng này cho phép tạo dựng bóng đổ như một chất liệu kết dính làm nên hiệu ứng thị giác liền mạnh cho bức ảnh.
Sức hấp dẫn của still life photography
1. Tự do với chủ đề và ý tưởng
Với phạm vi đối tượng rộng và sự làm chủ tương đối lớn, những chủ đề xuất hiện trong nhiếp ảnh tĩnh vật dường như là vô tận: từ những suy ngẫm về chu trình tự nhiên, sự tàn phai của thời gian, cho đến những khoảnh khắc cá nhân, những gói gọn cảm xúc riêng tư, một góc nhìn mới mẻ với sự vật thường ngày hay thậm chí là cả sự phê phán, lên tiếng về các vấn đề đạo đức,…. tất cả đều có thể được lột tả qua những cấu trúc vật thể bất động.
Cổ điển với cảm hứng từ hội họa
Thú vị trong góc nhìn mới lạ
Sâu lắng với những ý tưởng mang tính biểu tượng và khái quát hóa cao
Hiện đại và đầy biến hóa với kỹ thuật collage và mix media
2. Đòi hỏi và thách thức cao
Các nhiếp ảnh gia có thể được trao quyền làm chủ tuyệt đối với toàn bộ các thành phần trong bức ảnh, đó là lợi thế nhưng cũng là một thử thách không nhỏ. Không chỉ cần sự tổng hòa nhiều kỹ năng về xử lý bố cục, ánh sáng, sức sáng tạo cũng như sự bền bỉ, dẻo dai, đức tính kiên trì, nhẫn nại cũng là yếu tố rất quan trọng nếu bạn muốn có được những bức ảnh thành công. Chính đặc tính nhiều thử thách vừa tạo ra môi trường hoàn hảo cho các nhiếp ảnh gia hoàn thiện kỹ năng chụp hình, vừa tạo ra “chất gây nghiện” đặc biệt cho nhiếp ảnh tĩnh vật.
3. Nhu cầu lớn của thị trường
Thách thức rất lớn nhưng bù lại sự đa dạng, đặc tính bao trùm của nhiếp ảnh tĩnh vật khiến loại hình nhiếp ảnh tĩnh vật có mối quan hệ mật thiết tới đời sống hàng ngày của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo, bởi vậy có thể được coi đây là loại hình có nhu cầu cao nhất trong ngành nhiếp ảnh.
Kết luận
Từ xuất phát điểm như một phương thức để thử nghiệm kỹ thuật vì những hạn chế khách quan, nhiếp ảnh tĩnh vật đã dần chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong toàn bộ ngành nhiếp ảnh, cả khía cạnh nghệ thuật cũng như ứng dụng, sánh ngang với thể loại chân dung và phong cảnh. Là sự hòa trộn tuyệt vời của hiện thực và tưởng tượng, của sắp đặt hữu ý và những tình cờ, ngẫu nhiên, của khoảnh khắc xuất thần và sự lao động miệt mài, nhiếp ảnh tĩnh vật đã và đang khẳng định mình như một hình thức nghệ thuật mạnh mẽ. Và giống như hàng thế kỷ của hội họa tĩnh vật đã chứng minh: sự thật giản đơn ẩn giấu trong những đồ vật hàng ngày luôn quyến rũ hơn bất kỳ một thế giới tưởng tượng kỳ ảo nào; nhiếp ảnh tĩnh vật sẽ còn tiếp tục phá vỡ những giới hạn hiện tại để soi chiếu những chân lý thì thầm quanh con người.
bởi Quốc Cường vào | 1201 lượt xem