Cuộc Cách Tân Trong Giới Kimono Của Nam Hiện Đại
Cuộc Cách Tân Trong Giới Kimono Của Nam Hiện Đại

Các thành viên trẻ trong một doanh nghiệp kinh doanh kimono do gia đình điều hành hàng thế kỷ đang mang đến cho loại trang phục này một luồng gió mới, trong nỗ lực bảo tồn truyền thống mặc kimono của nam giới.

Ở Nhật Bản hiện đại, kimono thường được sử dụng cho các sự kiện đặc biệt như đám cưới, lễ hội hoặc nghi lễ trưởng thành, đặc biệt là ở nam giới. Loại trang phục này, với ý nghĩa đơn giản là “thứ để mặc” trong tiếng Nhật, đã được cả hai giới sử dụng từ thế kỷ thứ sáu, trong thời Edo. Nhưng ngày nay, kimono dành cho phụ nữ chiếm phần lớn trong hoạt động kinh doanh của các nhà may.

kimono của nam
kimono của nam

“Trong ngành kimono, hơn 99% hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào khách hàng nữ. Không có nhiều kimono dành cho nam giới” – Takayuki Yajima, thế hệ thứ ba của Yamato, một doanh nghiệp kinh doanh kimono do gia đình điều hành hàng thế kỷ cho biết “mặc dù số lượng nam giới muốn mặc kimono ngày càng tăng nhưng đây không phải là một lĩnh vực bền vững”.

Anh ấy hy vọng tình thế sẽ đảo ngược khi Y & Sons – một xưởng may lấy cảm hứng từ những thợ may đặt riêng ở London – được thành lập. Anh chia sẻ: “Chúng tôi bắt đầu dự án này vì sợ rằng các quý ông sẽ ngừng mặc kimono nếu không ai cải thiện được tình hình. Chúng tôi muốn truyền đạt thông điệp rằng kimono không chỉ dành cho những dịp đặc biệt hay là trang phục nghi lễ. Chúng có thể được mặc hàng ngày, ngay cả trong thời hiện đại.”

 

 

kimono của nam
kimono của nam

 

Ở tuổi 31, anh gia nhập công ty gia đình do ông nội thành lập vào năm 1917. Cho đến tận lúc đó, anh vẫn chưa coi đây là một lựa chọn nghề nghiệp nghiêm túc. “Tôi không nghĩ nhiều về kimono mặc dù cha tôi điều hành công việc kinh doanh. Tôi biết ở đó có kimono và một cửa hàng, thế nhưng tôi không được dạy về cách cắt may nên chúng. Cha tôi là người nghiện công việc và hiếm khi ở nhà, đồng thời không có dấu vết của bất kỳ chiếc kimono trong nhà tôi. Điều đó thật kỳ lạ, phải không?”

 

Nhưng khi cha anh dần già yếu và bày tỏ rằng ông muốn anh tham gia công việc kinh doanh, anh đã chấp nhận thử thách. Yajima nói: “Đó là lần đầu tiên tôi biết được rằng ông rất muốn tôi gia nhập Yamato. Ngày nay, Yamato có sáu dòng sản phẩm khác nhau và Y & Sons là dòng sản phẩm mới nhất được bổ sung vào. Nằm trên con phố chính Kanda ở phía đông bắc Tokyo, xưởng may này chuyên tạo ra những bộ kimono nam hiện đại phù hợp để mặc hàng ngày.

 

 

kimono của nam
kimono của nam

Xưởng may đầy phong cách này trưng bày nhiều loại sợi vải có tông màu xám, xanh lam, đen, be và xanh lá cây; kết hợp với nhiều chất liệu khác nhau bao gồm lụa, len và cotton – tương tự như một cửa hàng may đo cao cấp của Anh. Ngoài ra, khách hàng còn có thể tìm thấy các họa tiết và sọc cổ điển, cũng như các loại vải thời thượng hơn với nhiều màu sắc nổi bật.

 

Giám đốc thương hiệu Gen Hiramatsu cho biết thêm: “Màu sắc của chúng tôi chủ yếu thiên về phong cách đơn giản. Thay vì thực hiện những bộ kimono có màu sắc tươi sáng, chúng tôi tạo ra thứ gì đó có thiết kế tương tự như trang phục phương Tây. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản thì sẽ không thú vị nên chúng tôi thêm vào một đường sọc hoặc sử dụng nhiều màu sắc khác nhau. Chúng tôi chú ý đến sự tinh tế trong khi vẫn làm nổi bật màu sắc và đồng thời cũng chú trọng đến kết cấu của vật liệu”.

 

Tạo kiểu cho kimono cũng đóng một vai trò quan trọng. Tại Y & Sons, kimono được trưng bày bên cạnh những phụ kiện cổ điển dành cho nam giới như mũ rộng vành, cặp da và giày để mang đến vẻ hiện đại hơn. Mục đích của hãng là để giới thiệu cách mặc kimono trong bối cảnh hiện đại, chẳng hạn như với áo phông cổ tròn để tạo vẻ ngoài giản dị hoặc với ô và mũ dành cho quý ông bảnh bao.

 

“Ý tưởng kết hợp kimono với quần áo có sẵn trong tủ được sinh ra do tôi không biết nhiều và không sở hữu bất kỳ bộ kimono nào. Vì tôi không có kiến thức nào về kimono nên tôi không ngại tạo kiểu khác biệt cho nó với áo sơ mi, giày, túi xách và cả mũ mà tôi đã có sẵn” – Yajima nói.

 

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng Y & Sons luôn tuân thủ truyền thống ở những tiêu chí quan trọng nhất. Ví dụ, một bộ kimono đặt làm riêng phải mất khoảng ba tuần để sản xuất do yêu cầu phải có quy trình tỉ mỉ theo từng đơn đặt hàng.

 

“Mặc dù phong cách của chúng tôi còn mới nhưng kimono và obi (thắt lưng) đều được sản xuất tại những khu vực sản xuất kimono lâu đời. Chất liệu và phương pháp làm kimono đều thuộc hàng cao cấp. Chúng tôi cũng sử dụng một số loại vải kiểu phương Tây khi hợp tác với các nhà thiết kế nước ngoài, nhưng hầu hết hàng dệt may kimono của chúng tôi đều đến từ những khu vực sản xuất kimono truyền thống” Anh giải thích.

 

Anh cũng tin rằng chính vì lý do này mà thương hiệu đã được toàn bộ ngành cũng như các nghệ nhân công nhận và chấp nhận. Cuối cùng, anh ấy hy vọng những nỗ lực của mình sẽ cho công chúng thấy loại trang phục này linh hoạt đến mức nào, từ đó nhiều quý ông sẽ yêu thích nó như một phần cuộc sống.

bởi Quốc Cường vào | 25 lượt xem

Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem