Vài năm qua, trong chuyến du xuân của các bạn trẻ, chiếc áo dài tân thời không còn là trang phục truyền thống duy nhất được lựa chọn.
Phong trào mặc cổ phục đang ngày càng lan rộng trong giới trẻ, cho thấy trang phục của người Việt xưa đang hiện diện nhiều hơn trong đời sống hôm nay.
Cổ phục không chỉ có áo dài
Nhắc đến trang phục truyền thống, người Việt thường nhớ đến chiếc áo dài tân thời. Song, lịch sử trang phục Việt Nam phong phú hơn nhiều. Thực tế từng nổ ra không ít những tranh luận trên các diễn đàn về trang phục Việt cổ trong một số bộ phim: Trang phục đã thể hiện đúng giai đoạn lịch sử? Đâu là bản sắc của cổ phục Việt? Trang phục nào giống Trung Quốc, “lai” Ấn Độ? Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng, văn hóa trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu tích sâu đậm nhất khi nền văn hóa Tây phương do người Pháp đưa vào được áp đặt triệt để lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay về ý thức hệ. Những biến động xã hội ấy khiến không mấy ai còn biết người xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào. Và, khi cần tái hiện lối ăn mặc của người Việt trong quá khứ, người ta “sáng tác” một cách tùy tiện.
Để lấp khoảng trống trong hiểu biết của người dân về nếp mặc của tiền nhân, năm 2013, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã cho ra mắt công trình nghiên cứu công phu “Ngàn năm áo mũ”. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Sau đó, tiếp tục có những cuộc triển lãm tranh, ảnh, hiện vật được đề cập trong cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” nhằm phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin đầy đủ, sâu rộng hơn.
Cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” đã dựng lại bức tranh trang phục Việt trong khoảng một nghìn năm, từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945), bao gồm cả trang phục cung đình, trang phục dân gian, trang phục quân đội. Tất cả được mô tả khá tỉ mỉ, kèm theo đó là phần minh họa với chú thích chi tiết. Đọc “Ngàn năm áo mũ”, độc giả như lạc vào thế giới y phục phong phú của tiền nhân. Ngay cả mục tiểu từ điển trong cuốn sách đã đưa ra hơn 130 tên gọi của các loại trang phục cổ.
“Ngàn năm áo mũ” góp phần tạo cảm hứng đưa nhiều bạn trẻ Việt đến với công việc nghiên cứu và sáng tạo từ cổ phục Việt. Tác giả Trần Quang Đức cũng trở thành cố vấn cho nhiều dự án liên quan tới Việt phục.
“Start-up cổ phục” - tại sao không?
Những năm gần đây, cùng với sự nở rộ về không gian sáng tạo đã xuất hiện không ít không gian thiết kế thời trang, trong đó có cổ phục. Đại Việt Cổ Phong có lẽ là hội nhóm về cổ phục đầu tiên được thành lập vào năm 2014. Nhóm gồm các bạn trẻ đam mê tìm hiểu về văn hóa cổ Việt Nam, mong ước tái hiện văn vật của nước Việt xưa một cách chuẩn xác qua tranh vẽ, mô hình, phim ảnh... để người nay có thể hình dung, cảm nhận được cảm quan thẩm mỹ của người Việt xưa. Cho đến nay, số lượng thành viên Đại Việt Cổ Phong đã lên tới hơn 151.000 người. Điều đó cho thấy sự quan tâm “không hề nhẹ” của giới trẻ với cổ phục nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung.
Nhóm Đại Việt Cổ Phong đã “chạy” nhiều hoạt động, trong đó có những dự án về trang phục như dự án chiếc áo Giao Lĩnh thời Lê, dự án áo dài thời Nguyễn, dự án Việt Nam cổ phục... Nguyễn Thị Ngọc Huyền, thành viên Ban cán sự của nhóm Đại Việt Cổ Phong cho biết: “Quan niệm của công chúng về trang phục cổ đã có sự thay đổi lớn. Bên cạnh Đại Việt Cổ Phong, rất nhiều hội nhóm khác về văn hóa, lịch sử Việt Nam đã ra đời. Đã có những gameshow sử dụng trang phục cổ như “Kỳ án cung Diên Thọ”, đã có những bạn trẻ chọn Nhật Bình và áo tấc làm trang phục cưới, đã có những dự án phim cổ trang chỉn chu từ trang phục cho tới họa tiết hoa văn được khởi động... Văn hóa cổ đã không còn “mù mờ” mà thực sự trở thành thứ tài nguyên có thể làm giàu cho đất nước”.
Sau “làn gió mới” Đại Việt Cổ Phong, nhiều hội nhóm, thương hiệu cổ phục nối tiếp ra đời như Nguyên Phong Đoạn Lĩnh, Thủ Phất Thanh Đài, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Đại Nam Hội Quán, Ỷ Vân Hiên, Đại Việt Fancy, Nam Phong Viện, V'style - Việt Cổ Phục Cách Tân, Vietnam Centre, Phượng Điển... Vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị lịch sử của trang phục nhưng đưa thêm các sáng tạo mới dựa trên nền tảng có sẵn, cổ phục Việt được thổi làn sinh khí mới trong sự sắp đặt ngẫu hứng của hoa văn, phối màu sắc hay thay thế nguyên liệu và hiện đại hóa công nghệ may, thêu để giảm giá thành sản phẩm.
Việc phỏng dựng trang phục cổ không đơn thuần để trưng bày, mà quan trọng hơn là đưa những tác phẩm tái sinh ấy vào đời sống đương đại qua hoạt động trình diễn sân khấu, quay phim, MV, chụp ảnh, bán và cho thuê trang phục. Mỗi thương hiệu cổ phục chọn một lối đi riêng nhưng điểm chung hướng đến là mang những giá trị xưa đến gần với giới trẻ, để văn hóa trang phục truyền thống được nối dài từ quá khứ đến hiện tại và trong cả tương lai.
Hoạt động của các hội nhóm, thương hiệu cổ phục khá liên tục và đa dạng. Ngoài việc cung cấp thêm thông tin về cổ phục, đăng tải các mẫu thiết kế mới phục vụ khách hàng thì đã có sự liên kết tổ chức chương trình để Việt phục được biết đến nhiều hơn. Cổ phục xuất hiện trong buổi ra mắt tuyển tập thơ “Cổ vận tân phong”, phim “Phượng Khấu”, MV ca nhạc “Hết thương cạn nhớ” của Đức Phúc, sách trang phục “Dệt nên triều đại”, triển lãm “Vàng son vương dấu”, hay video clip "Người Việt xa lạ - 1000 năm Việt phục" thu hút tới 377 nghìn lượt xem trên YouTube...
Ngay trong tháng 3 này, một số hoạt động về cổ phục cũng được đông đảo bạn trẻ quan tâm, hưởng ứng. Ở phía Bắc là triển lãm một số trang phục người Việt dưới thời Nguyễn - hiện đang diễn ra tại không gian Mu Lala Art Space (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) của Thủy Trung Nguyệt và Đại Nam Chân Ảnh; tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có sự đồng hành của thương hiệu V'style - Việt Cổ Phục cách tân. Ở phía Nam là Ngày hội Việt phục “Tóc xanh - Vạt áo” diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, còn có sự kiện “Vui Xuân Tân Sửu - Tháng Cổ Phục” do Việt Phục Hội phối hợp tổ chức để những người tham gia có thể gửi tranh vẽ hoặc ảnh chụp về Việt phục.
Đừng chỉ dừng ở trào lưu
Cổ phục Việt không chỉ hồi sinh trong đời sống văn hóa nghệ thuật khi việc may hoặc thuê cổ phục để chụp ảnh cho lễ cưới, kỷ yếu tốt nghiệp, ảnh nghệ thuật hay “check-in” tại các di tích, danh lam thắng cảnh đã và đang là “trend” của giới trẻ. Không chỉ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mà tại một số địa phương nổi tiếng về du lịch di sản như Ninh Bình, Huế, Hội An, các tiệm may đo và cho thuê cổ phục “mọc” lên khá nhiều.
Những áo tấc, áo ngũ thân, áo Giao Lĩnh, áo Nhật Bình... tưởng như đã mất dấu trong đời sống người Việt thì nay đã dần xuất hiện trở lại với màu sắc, hoa văn tươi tắn, sinh động, hiện đại mà vẫn rất truyền thống. Trên các trang mạng xã hội, mỗi tấm ảnh đẹp về cổ phục được đăng tải kéo theo câu hỏi về tên gọi, về thời đại của trang phục trong tấm ảnh. Đó chính là một trong những “con đường” kéo bạn trẻ đến với truyền thống, lịch sử nước nhà.
Thực tế, nhìn sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, cổ phục đã được phát triển nhờ chính sách khuyến khích người dân mặc trang phục cổ truyền. Gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã triển khai dự án "Đồng phục Hanbok trong trường học" để hồi sinh trang phục truyền thống thông qua hoạt động thường ngày... Bài học ở đây là đừng để cổ phục chỉ dừng ở một trào lưu. Trang phục cổ, văn hóa truyền thống Việt Nam cần được ứng dụng rộng rãi, được hồi sinh trong đời sống đương đại một cách sâu rộng và thường xuyên hơn. Để làm được điều đó, cần có nhiều hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng, mà đơn giản nhất là tất cả cùng tham gia, hưởng ứng hoạt động của các bạn trẻ.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 674 lượt xem