Trang phục truyền thống của Thái Lan là một trong những giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia này. Cũng giống như áo dài của Việt Nam, Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc, trang phục truyền thống của Thái Lan không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn góp phần tôn lên hương sắc riêng của con người và đất nước này.
Tổng quan về trang phục truyền thống Thái Lan
Trang phục truyền thống Thái Lan được chia ra làm 2 tầng lớp, đó là trang phục bình dân dành cho dân thường và trang phục cung đình quý phái. Những bộ trang phục truyền thống Thái Lan cũng có những đường nét may theo kiểu dáng giống như những trang phục của nhà Phật với mục đích thể hiện sự tôn thờ theo truyền thống của đạo Phật.
Vật liệu chính để có thể tạo ra những bộ trang phục truyền thống Thái Lan tuyệt đẹp là từ các mảnh vải lụa mịn màng hay vải bông hẹp được nối, gấp hoặc cuộn thành nhiều loại trang phục đa dạng. Trang phục truyền thống Thái Lan không chỉ được thiết kế riêng dành cho nữ giới mà nam giới cũng có những bộ trang phục truyền thống độc đáo dành riêng cho mình.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan
Trang phục truyền thống của phụ nữ Thái Lan được chia ra thành 8 nhóm. Thai Chakkri, Thai Boromphiman, Thai Siwalai là 3 loại phổ biến nhất, còn 5 loại còn lại là Thai Chakkraphat, Thai Ruean Ton, Thai Chitlada, Thai Amarin và Thai Dusit sẽ ít được nhìn thấy hơn.
Thai Chakkri
Đây là loại trang phục chính thức được hầu hết phụ nữ Thái đặc biệt sử dụng trong các dịp quan trọng. Mục đích và ý nghĩa của bộ trang phục này là thể hiện sự thanh lịch và sang trọng cho phái nữ. Trang phục gồm một chiếc váy dài được quấn quanh người gọi là Phasin, kết hợp với một chiếc khăn dệt được vắt qua vai với điểm nhấn trông vừa kín đáo, lại vừa hờ hững. Trang phục truyền thống Thai Chakkri rực rỡ về màu sắc, tinh tế về đường nét, mang tới vẻ đẹp vừa thanh lịch vừa lộng lẫy cho người phụ nữ Thái Lan.
Thai Boromphiman
Trang phục này lại có phần giản dị hơn so với Thai Chakkri khi được thiết kế đơn giản với một chiếc áo dài tay với nút cài phía trước hoặc sau cổ, chân váy được thiết kế cùng với tông màu, trang trí bằng các họa tiết thêu bắt mắt và dài đến mắt cá chân.
Đơn giản lại là điểm nhấn cuốn hút được rất nhiều chị em phụ nữ Thái lựa chọn nhằm giúp tôn lên dáng cũng như thể hiện được sự hòa nhã nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần quý phái. Chính vì vậy phụ nữ Thái thường mặc Boromphiman trong những bữa tiệc tối.
Thai Siwalai
Một chút nữ tính thêm một chút nhẹ nhàng là điều mà nhiều người hay nhắc tới khi trông thấy phụ nữ Thái khoác lên mình bộ trang phục Thai Siwalai. Thai Siwalai cực kì đa dạng về màu sắc, với thiết kế khá giống với Thai Borompiman gồm có phần áo dài tay, chân váy dài, ngoại trừ kết hợp thêm chiếc khăn vắt qua vai. Cả hai loại trang phục truyền thống đều mang những nét đẹp riêng. Trang phục truyền thống Thái Lan dành cho phụ nữ không chỉ mang lại vẻ đẹp quyến rũ và duyên dáng kiểu truyền thống, mà còn tôn lên những đường cong quyến rũ của phụ nữ Thái Lan.
Trang phục truyền thống của đàn ông Thái Lan
Không đa dạng như trang phục của phụ nữ, trang phục truyền thống của đàn ông Thái Lan lại đơn giản hơn nhiều. Và không có quá đa dạng như trang phục dành cho nữ giới. Điểm đặc biệt trong các trang phục của đàn ông đó chính là Phá khảo. Phá khảo là trang phục mặc bằng một mảnh vải, khổ 70cm, chiều dài khoảng 1m60 và được ghép bởi những mảnh vải vuông có màu sắc khác nhau được đan xen trông rất đẹp mắt.
Trang phục Phá khảo có thể dễ dàng cuốn vào người như đóng khố được dùng khi tắm, mặc như một chiếc quần đùi khi sinh hoạt tại nhà, đánh cá, làm ruộng hay cũng có khi người ta cuốn nó trên đầu thành cái khăn xếp rằn. Ngoài ra, trong một số trường hợp cấp thiết, người ta cũng dùng nó như một sợi dây thừng. Vì vậy đây thật sự là một loại trang phục mang đến nhiều sự tiện lợi.
Trang phục truyền thống Thái Lan luôn là nét cuốn hút rất riêng biệt. Tìm hiểu trang phục truyền thống Thái Lan không chỉ giúp bạn hiểu hơn về văn hóa của đất nước xứ chùa vàng mà còn giúp bạn tạo được thiện cảm với người bản địa khi đi du học tại đất nước xinh đẹp này nữa đấy.
bởi Quốc Cường vào | 185 lượt xem