Các chương trình mua trước - trả sau có thể là một công cụ hữu ích, nhưng chúng đi kèm với rủi ro. Và bạn không thể bất cẩn được.
Hình thức mua trước trả sau bắt nguồn từ các chương trình đặt hàng cao cấp trước đây.
Trong đó những nhà bán lẻ sẽ cho phép người mua những món hàng có giá trị "khủng" một đặc quyền là trả góp thay vì trả 1 lần như trước. Nhưng hiện tại, hình thức mua sắm này đã được áp dụng đại trà hơn, cho toàn bộ các sản phẩm từ giá trị vừa đến nhỏ. Bạn có thể mua trước trả sau cho một chiếc nồi cơm điện, áo sơ mi, thậm chí là đôi dép...
Tuy nhiên, việc sử dụng hình thức này một cách "bừa bãi" có thể làm ảnh hưởng lớn tới tài chính. Các giao dịch mua sắm bốc đồng hấp dẫn bạn chi tiêu và trả sau chỉ để chiều chuộng cảm xúc. Những cám dỗ về sự sở hữu món đồ yêu thích một cách dễ dàng khiến bạn đưa ra những quyết định trong chốc lát và hối hận ngay sau đó.
Bạn có đủ khả năng để "mua trước - trả sau" hay không?
Sử dụng hình thức mua trước - trả sau không nên là một quyết định ngẫu nhiên, chỉ đưa ra vì nó được cung cấp trên trang thanh toán bạn thường mua sắm. Bạn nên xem xét cẩn thận bức tranh tài chính tổng thể của mình và nghĩ: "Liệu tôi có thực sự đủ khả năng tiền bạc để thanh toán toàn bộ số tiền này hay không?".
Nhiều quyết định mua trước - trả sau được đưa ra dễ dẫn tới hệ quả bội chi. Nếu không trả được số tiền như trong cam kết khi mua hàng, bạn sẽ phải đối mặt với khoản phí phát sinh đáng sợ, thậm chí lãi kép từ số nợ còn khiến bạn đau đầu hơn.
Biết chính xác bạn đang đồng ý với điều gì?
Hãy tuân thủ "hạn chót" trả nợ, nếu bạn không muốn bị phát sinh thêm phí phạt vì mua trước - trả sau (Ảnh minh họa)
Quyết định với việc mua trước - trả sau là bạn nên biết mình đồng ý điều khoản gì, áp dụng dưới hình thức ra sao, nếu chậm trả tiền theo quy định sẽ phải chịu lãi suất như thế nào. Bởi mỗi công ty hoặc bên bán hàng, việc quy định cho mua trước - trả sau thường khác nhau. Nhiều người thường có thói quen mua sắm bốc đồng, nhanh chóng nên chưa thực sự hiểu các điều khoản và điều kiện cụ thể.
Vậy nên bạn cần xem xét kỹ các yêu cầu hai bên phải đáp ứng, các khoản phí, lãi suất và tác động tiềm ẩn đối với điểm tín dụng. Cũng nên kiểm tra kỹ các thời điểm được quy định mà bạn cần thanh toán tiền để tránh thâm hụt tài chính, hoặc không đủ tiền bạc chi trả.
Mua trước - trả sau có thể khiến bạn nợ tiêu dùng nhiều hơn?
Mặc dù các hình thức mua trước - trả sau được các nhà bán hàng quảng cáo là sản phẩm tài chính thân thiện với người tiêu dùng nhưng từ nhiều trường hợp thực tiễn đã xảy ra thì các chuyên gia tài chính vẫn đánh giá đây là công cụ tài chính khiến người tiêu dùng đang vay nhiều và nợ nhiều hơn mức họ cần.
Điều này đúng với việc mua trước - trả sau khuyến khích người tiêu dùng quyết định quẹt thẻ tín dụng với bên thứ ba ngay cả khi họ có đủ khả năng thanh toán cho sản phẩm muốn mua bằng tiền mình đang có.
Điều này dẫn tới việc "mang nợ" các khoản nợ tiêu dùng nhiều hơn. Đặc biệt, phần lớn các dịch vụ mua trước trả sau đều sẽ tính phần trăm phí phạt mỗi khi bạn chậm trễ thanh toán so với kỳ hạn. Mức phạt này thường rơi vào khoảng 0,5% - 0,8% tính trên tổng chi phí sản phẩm, dịch vụ.
Vậy, khi nào bạn nên sử dụng hình thức: Mua trước - trả tiền sau?
Nếu đã đọc 3 điều trên và vẫn có câu trả lời: Có. Vậy thì bạn đã có thể quyết định mua trước - trả sau với món hàng đang phân vân, suy nghĩ rồi. Hiểu rõ quyền lợi, rủi ro khi quyết định mua trước - trả sau sẽ khiến bạn làm chủ được tình hình.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 925 lượt xem