Kodo - Nghệ Thuật Hương Trà Đạo Nhật Bản

Nhật Bản nổi tiếng là quốc gia có nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng riêng biệt, không thể lẫn vào đâu được. So với trà đạo, thư đạo hay nghệ thuật cắm hoa thì hương đạo ít được người biết tới.

Thế nhưng, hương đạo được coi là một trong những loại hình văn hóa truyền thống của Nhật Bản đã tồn tại trong suốt hơn 500 năm qua. Hương đạo như một minh chứng cho vẻ đẹp, thước đo chiều sâu văn hóa của xứ Phù Tang.

Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức hương trầm hay còn có tên Kodo (香道) - một trong những nét văn hóa độc đáo chỉ có riêng tại Nhật Bản. Đây cũng là môn nghệ thuật được đánh giá cao về sự tao nhã, thanh lịch, kiên nhẫn của những người thưởng thức. Bởi không phải ai cũng có đủ các tố chất để cảm nhận được hương đạo vì nó đòi hỏi một khứu giác tinh tế, sự tập trung cao độ cũng như khả năng phân tích và trí nhớ nhạy bén.

Source photo | Nakagawa Masashichi

Mặc dù đến thế kỷ 15, hương đạo mới dần định hình nhưng trên thực tế nghệ thuật này đã gắn liền từ lâu với quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở Nhật Bản. Khởi thủy của hương đạo cách đây khoảng 500 năm thuộc thời kỳ Asuka (592 - 710). Đến thời kỳ Edo (1603 - 1868) khi những dụng cụ để phục vụ cho hương đạo được chế tác hết sức tinh xảo, cầu kỳ thì nghệ thuật hương đạo phát triển hơn cả. Đây được xem là thời kỳ vàng son của hương đạo.

Hương đạo không chỉ đơn thuần là thưởng thức mùi hương mà quan trọng nhất chính là “nghe hương” bằng cả tâm hồn, thả hồn mình vào trong làn hương thơm thanh tao. Để thưởng thức trọn vẹn hương đạo, người thưởng thức phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế.

Source photo | Nakagawa Masashichi

Trước hết chọn không gian yên tĩnh để tránh bị xáo động bởi những thứ xung quanh. Tư thế ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, thả lỏng cơ thể, tay trái giữ chén hương trầm, từ từ nâng chén lên ngang mũi, dùng tay phải che phần miệng chén để làn khói đưa hương thơm một cách nhẹ nhàng qua từng kẽ ngón tay và đi vào mũi; hít từ từ và thật sâu để cảm nhận làn hương đang lan tỏa trong khắp các bộ phận cơ thể, đặc biệt đi đến tim và rồi chạm vào tâm hồn, làm tâm hồn ta trở nên dịu nhẹ, thoải mái và dễ chịu.

Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại sẽ nghe ra chất hương và gọi thành tên hương đó. Hương trầm được chia thành 6 loại bao gồm 5 vị: đắng, ngọt, mặn, chua, cay và không có vị. Để có thể phân biệt được, người thưởng hương phải mất nhiều năm rèn luyện và có một khứu giác nhạy bén. Hương đạo không đơn giản là thú vui tao nhã của giới quý tộc hay sự dâng hương trọng vọng của tôn giáo, mà vượt lên tất cả nó chính là một liệu pháp tốt cho tâm hồn: Tăng khả năng cảm giác; Thanh tẩy cơ thể và tâm hồn; Thanh lọc cơ thể; Xua tan cơn buồn ngủ; Xóa tan nỗi cô đơn; Giúp tinh thần minh mẫn và ổn định.

Hương đạo không đơn giản là thưởng thức mùi hương mà hơn hết là giá trị văn hóa sâu sắc của việc thưởng hương mang lại, không chỉ là liệu pháp tối ưu cho tâm hồn mà còn thể hiện được chiều sâu của nền văn hóa xứ Phù Tang. Vì vậy, ngày nay những lớp học về nghệ thuật này đang được mở dần trở lại trên khắp nước Nhật và được nhiều người đón nhận. Hơn thế nữa, nghệ thuật hương đạo Kodo cũng được nhiều người trên toàn thế giới biết đến và áp dụng như một liều thuốc dưỡng tâm an hồn.

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 585 lượt xem

Có thể bạn muốn xem