Áo giáp được thiết kế với hình dáng dựa trên bầu ngực phụ nữ? Liệu có nhất thiết phải rèn ra một lớp giáp có hình dáng bao vào bầu ngực? Với vai trò bảo vệ người mặc, kiểu dáng thiết kế này có thực sự hữu dụng? Những bộ giáp này còn được thiết kế để ôm sát vào cơ thể liệu có phải là ý hay? Để trả lời những nghi vấn trên, ta cần dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau…
1. Về mặt lịch sử.
Đúng là trong lịch sử, đã có những loại áo giáp được thiết kế có hình dáng của ngực phụ nữ, nhưng nó không giống như những gì chúng ta tưởng tượng... Những bộ giáp ngực phụ nữ tồn tại trong khoảng thời kỳ Cổ đại cho tới Trung đại có thể được tìm thấy ở Ấn Độ. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng không được dùng cho mục đích chiến sự mà chỉ được dùng cho các nghi lễ hay phong tục bản địa. Do vậy, cấu tạo của những loại giáp này thường rất sặc sỡ và bắt mắt. Tương tự, những bộ giáp như này cũng không có vết tích va chạm hay bị huỷ hoại bởi vũ khí, cho thấy chúng đã không được sử dụng trên chiến trường.Hai kiểu giáp ngực cho phụ nữ ở bảo tàng Kangra, Ấn Độ.Khả năng tồn tại của những loại giáp bảo vệ với công dụng như nâng đỡ bầu ngực phụ nữ có thể sẽ khó mà khả thi trên chiến trường bởi vai trò trên chiến trường Trung Cổ thường không có chỗ đứng cho phụ nữ. Như chúng ta đã biết, phụ nữ trong xã hội cũ không được khuyến khích cầm vũ khí xung trận và thường được "mặc định" với vai trò yếu thế hơn trong xã hội "trọng nam khinh nữ" xưa kia! Ở một số thời kỳ khu vực có thể khấm khá hơn khi họ có một số đặc quyền rất bình đẳng với đàn ông, nhưng việc để có thể đứng trên tiền tuyến ngang hàng với đàn ông lại là một chuyện khác. Hơn nữa, với những tư tưởng cổ hủ và tôn giáo cũ áp đặt lên những người phụ nữ, chúng sẽ không thể nào chấp nhận một thứ “trông gợi dục” có thể tồn tại được!Mặc dù vậy, những nữ chiến binh nổi tiếng trong lịch sử không phải là hiếm, ta có thể kể ra như: nữ Hiệp sĩ ( Dame ) người Pháp Jeanne d'Arc ("Thánh" Gioanna xứ Arc); Tomyris - nữ hoàng của Massaegetae từng chống lại vua Ba Tư - Cyrus Đại đế; nữ hoàng cướp biển khét tiếng Teuta; Phụ Hảo - phi tần vua Vũ Đinh nhà Thương, nữ tướng của quân đội Triều Thương; Triệu Thị Trinh (Bà Triệu) và Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị)…; đôi khi không chỉ một người mà còn là cả một tập thể như: những Samurai nữ Nhật Bản Onna-bugeisha hay những nữ chiến binh Amazons...
Bức ảnh chụp Samurai nữ (bên trái là Nakano Takeko ).Những cá nhân hay tập thể nữ chiến binh kể trên có thể rất nổi tiếng, nhưng theo như những mô tả thường thấy rằng khi ra trận họ đều mặc những bộ giáp bình thường như bao loại áo giáp của đàn ông. Không những không có thiết kế dành riêng phù hợp cho nữ giới chứ đừng nói đến một thiết kế tạo khuôn cho ngực! Nữ Hiệp sĩ Jeanne d'Arc theo nhiều tài liệu đã phải mặc loại giáp tấm cỡ nhỏ cho những thanh thiếu niên trẻ tuổi. Áo giáp của Samurai nữ cũng không có cấu tạo quá khác biệt so với những loại giáp gusoku của Samurai nam... Lý do cho việc này là vì họ không có lựa chọn cho riêng mình, có thể bản thân họ muốn được đối xử ngang hàng với đàn ông hay tình thế đưa đẩy giống như truyền thuyết Hoa Mộc Lan - họ buộc phải giả trai...
Nếu kể đến những bộ giáp được thiết kế dựa trên hình dáng cơ thể con người, ta có thể dựa trên những bộ giáp cuirass bằng đồng của Hy Lạp. Chúng nổi tiếng là những bộ giáp được rèn dựa trên hình dáng con người với cơ ngực và múi bụng của đàn ông. Mục đích cho áo giáp có tạo hình múi cơ đàn ông dựa trên lý tưởng về chiến binh dũng mãnh, chúng sẽ thúc đẩy tinh thần hiếu chiến của người lính. Còn đối với lớp giáp có hình dạng ngực của phụ nữ? “Không dũng mãnh đàn ông cũng chẳng có mùi hiếu chiến”, có lẽ chúng cũng có khả năng thúc đẩy binh lính đàn ông, nhưng là “cái khác”...
2. Trên phương diện thực tế.
Thực tế có tồn tại loại "giáp" được thiết kế hoàn toàn để bảo vệ và nâng đỡ cho bầu ngực phụ nữ trong chiến đấu hoặc va chạm. Nhưng vấn đề là loại "giáp" này không phải áo giáp Trung Cổ mà lại là những bộ đồ bảo hộ hiện đại. Một số có thể kể ra như tấm bảo vệ ngực cho môn đấu kiếm fencing nữ hay áo bảo hộ cho xe phân khối lớn...
Miếng bảo hộ ngực cho các fencer - kiếm sĩ nữ.Đối với loại giáp tạo khuôn cho ngực phụ nữ như cách các tác phẩm giả tưởng fantasy mô tả, dựa trên bối cảnh phục vụ cho chiến tranh Trung Cổ, chúng không có xu hướng thực hiện chức năng bảo vệ và nhiều khả năng chúng còn gây ra những bất lợi tệ hại cho người mặc. Để hiểu tại sao, ta có thể nhìn qua những thiết kế cho lớp giáp tấm ngực thông thường điển hình nhất trong lịch sử:
Giáp tấm ngực tosei-dō của Samurai từ thế kỷ 16.Như chúng ta có thể thấy, phần giáp tấm ngực vốn đã được thiết kế cầu bao như vậy khó có thể gây “vướng víu” tới bộ ngực phụ nữ được! Mục đích của thiết kế này chủ yếu có hai tác dụng chính nhưng cực kỳ quan trọng: một là thiết kế cầu giúp ngăn những đòn đánh trực diện đâm sâu vào giáp khiến chúng bị đẩy ra khỏi trung tâm, dạng cầu bao này cũng phân tán lực tác động tốt hơn; hai là tạo khoảng trống giúp người mặc có thể cử động và hít thở dễ dàng hơn trong tình huống phải liên tục di chuyển và chiến đấu (tham khảo tại đây).Vậy so với loại giáp tấm tạo khuôn ngực cho phụ nữ thì sao?
Một kiểu giáp ngực khác cho các sơ chiến binh Sister of Battle trong vũ trụ giả tưởng grimdark: Warhammer 40k.Với thiết kế này, tưởng chừng phần khuôn giáp cầu bao vào ngực sẽ có tác dụng như thiết kế cầu của giáp ngực breastplate thông thường? Nhưng không! Phần cầu lồi tạo khuôn ngực sẽ có xu hướng đẩy lực đánh trượt vào trong trung tâm giáp, điều đó khiến mũi nhọn vũ khí có thể đánh trúng vào nơi có mật độ thép mỏng hơn xung quanh của khuôn ngực (như đoạn khe giữa hai bầu ngực). Hơn nữa, thiết kế ở phần hông và bụng tương đối bó sát, gây cản trở hô hấp hít thở khi di chuyển, lại không thể nào gập người cúi hay xoay mình. Nói chung thiết kế giáp cầu riêng cho bầu ngực và bó sát ở phần hông eo sẽ khiến rủi ro và chấn thương mà người mặc nhận phải cao hơn rất nhiều!Thiết kế cầu tạo khuôn riêng cho bộ ngực phụ nữ cũng khiến chúng dễ trở thành mục tiêu của những vũ khí cùn phang đập như chuỳ mace hoặc búa chiến warhammer do khi bị đánh trúng, phần giáp ngực này sẽ hấp thụ hoàn toàn 100% lực đánh gây ra. Thử tưởng tượng phần giáp lõm vào sẽ khó chịu và đau đớn nhường nào cho một bộ phận nhiều dây thần kinh như phần núm của ngực?Không biết phần giáp cho ngực phụ nữ có thể trụ lại những cú đập từ chuỳ mace không? Ý tưởng cho thiết kế áo giáp cho khuôn ngực phụ nữ có thể là vì cấu tạo bầu ngực mềm mại, đàn hồi dễ lắc lư và “nảy lên” khi hoạt động mạnh, cứ như là bước ra từ anime? Cơ mà không ai lại chỉ mặc mỗi lớp giáp tấm không như vậy! Áo giáp không phải là áo ngực, chúng không có tác dụng giúp nâng đỡ bộ ngực! Thường thì người lính sẽ mặc một lớp áo vải độn dày đệm dưới lớp giáp tấm như loại áo vải gambeson thời Trung Cổ. Bởi một khi lớp đệm này được thêm vào, hình dáng của người mặc trên thực tế đã được "trung hoà một khối" . Trường hợp người có bộ ngực ngoại cỡ quá khổ sẽ phải bó cố định chúng lại, cũng giống như những chiếc bra thể thao cho phụ nữ khi chạy bộ hay tập thể dục mạnh để bộ ngực không "lồng lộn" lên khi di chuyển.Vậy thì người ta chỉ cần tăng mật độ thép cho giáp ngực, nhất là cho phần khuôn của bầu ngực? Điều đó khiến trọng tâm dồn phần lớn vào ngực và vai! Các bộ giáp trên chiến trường thực tế có trọng lượng nhẹ hơn rất nhiều so với tưởng tượng, quan trọng nhất là trọng lượng phải phân tán đều ra toàn cơ thể. Đặc biệt là khi sống lưng của người có bộ ngực ngoại cỡ vốn phải chịu "áp lực" từ bộ ngực lớn của mình, nay lại thêm một tấm sắt nặng hơn nữa thì khó mà chịu nổi.
Áo vải đệm gambeson (xanh) mặc dưới lớp giáp tấm!Nếu phụ nữ thực sự cần phải có bộ giáp thiết kế riêng để có thể tham chiến trên chiến trường Trung Cổ, không nhất thiết họ phải trang bị những bộ giáp tấm! Hãy nhìn vào những bộ giáp có trong lịch sử, ta có thể nhận ra các nữ chiến binh sẽ có nhiều sự lựa chọn thoải mái hơn rất nhiều. Cần loại giáp linh hoạt lại vừa vặn phù hợp với hình dáng người phụ nữ? Những loại giáp brigandine hay lamellar hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chí đó.Đó cũng là những lý do tại sao áo giáp có tạo khuôn cho bầu ngực phụ nữ về mặt thực tiễn là không cần thiết. Nếu thực sự có thiết kế áo giáp tấm chiến đấu cho phụ nữ, thợ rèn sẽ chỉ cần thiết kế phần cầu bao cho giáp tấm cao hơn một chút ngang so với ngực và trọng lượng của chúng sẽ nhẹ hơn so với những bộ giáp tiêu chuẩn của đàn ông.
Giáp tấm cho phụ nữ? Ví dụ như này chẳng hạn!Những quân phục chiến đấu thiết kế dành riêng cho nữ chỉ thực sự xuất hiện gần đây khi phụ nữ tham gia nhập ngũ ở nhiều quốc gia trở nên phổ biến hơn! Chẳng hạn, quân đội Mỹ đã thiết kế những mũ bảo hiểm dành cho những người có mái tóc dài hay áo chống đạn dã chiến có trọng lượng nhẹ lại vừa vặn phù hợp với phụ nữ… Đặc biệt FUDD - thiết bị giúp nữ quân nhân có thể tiểu tiện tiện lợi hơn do những hạn chế về trang bị và quân phục trước đây buộc các nữ quân nhân phải hạn chế uống nước và nhịn tiểu tới mức bị viêm nhiễm hệ bài tiết khi họ tham chiến hoặc thực hiện chiến dịch...
3. Xét tới tính thẩm mỹ.
Áo giáp ngực phụ nữ từ thiết kế giáp tấm tạo khuôn ngực cho tới những bộ cực kỳ hở hang trông như bikini dường như chỉ để phục vụ mục đích “thời trang" hơn là "bảo vệ" người mặc. Có thể hiểu rằng, lý do cho việc áo giáp với khuôn ngực phụ nữ trở nên phổ biến trong phim ảnh, anime hay game chủ yếu là để phô ra đường nét nữ tính, tăng tính gợi cảm cho nhân vật hay giúp phân biệt đặc điểm giới khi che mặt...
Nhìn vào 2 nhân vật người Mandalore này, nhờ có những đặc điểm riêng của 2 giới mà ta có thể nhận biết ai là nam hay ai là nữ? (ảnh từ phim The Mandalorian).Thực ra không phải tất cả các bộ phận của áo giáp đều được trang bị chỉ để phục vụ cho chiến đấu! Thật vậy, hầu hết những bộ giáp bạn nhìn thấy trong viện bảo tàng đều không bao giờ được mặc khi ra trận, đó là lý do tại sao chúng trông rất đẹp và sáng bóng. Như mình đề cập về mặt lịch sử, những bộ giáp ngực cho phụ nữ thực sự ở Ấn Độ đều được làm cực kỳ tinh xảo với nhiều hoạ tiết dát vàng và chỉ phục vụ cho các nghi lễ bản địa mà thôi. Như đã đề cập về vai trò của một áo giáp, rằng thời trang và gợi cảm khi ra trận là thừa thãi, có thì chúng chỉ nên dừng lại ở một số mặt nhất định mà không gây ảnh hưởng xấu ngược lại cho người mặc giáp. Chẳng hạn codpiece - nắp bảo vệ cho dương vật đàn ông vào thế kỷ 15-16 ngoài vai trò thẩm mỹ “nâng cao sự hấp dẫn giới tính của phái mạnh”, tác dụng chính vẫn là bảo vệ cho dương vật đàn ông khi mặc giáp cưỡi ngựa.
Codpiece trên một bộ giáp tấm thời kỳ đầu Phục Hưng (khoe "súng ống" dữ dội thật)!Trang bị giáp vốn đã nặng và không thoải mái, thời tiết xấu cũng khiến tinh thần dễ rơi vào tình trạng kiệt quệ, làm bạn đổ mồ hôi nhiều hơn! Có thể bạn sẽ phải mặc chúng cả ngày, có khi tới cả tuần và tệ hơn là cả tháng trời! Bạn sẽ nhanh chóng bốc mùi (và “nóng bỏng”) nên sexy không phải là một ý tưởng hay cho lắm.
bởi Quốc Cường vào | 305 lượt xem