Nhà thiết kế Christian Dior (21 tháng 1 năm 1905 – 23 tháng 10 năm 1957) người được công nhận là một trong những nhân vật thời trang lớn nhất trong lịch sử.
Tiểu sử
Christian Dior được sinh ra tại bờ biển Normandy, Pháp - một thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng về thời trang; là người con thứ hai trong năm anh chị em. Cha của ông là một trong những nhà sản xuất phân bón giàu có nhất vùng. Christian Dior được cha mẹ kì vọng sẽ trở thành một cử nhân tại một trường học danh tiếng. Ông đã đỗ vào viện Ecole de Sciences Politiques danh tiếng tại Paris theo chuyên ngành chính trị (từ năm 1920 đến 1925). Tuy nhiên ông đã sớm nhận ra đây không phải hoài bão cũng như đam mê của mình. Ông đã đi theo tiếng gọi của nghệ thuật, bỏ dở giấc mơ của cha, quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình.
Sau khi tốt nghiệp, ông nhận được tiền từ cha mình và đã mở một phòng trưng bày nghệ thuật nhỏ, với một điều kiện không đề tên họ của gia đình trên bất kì một cánh cửa nào. Phòng tranh của Dior mang tên Jacques Bonjean, trưng bày và bán các tác phẩm của Jean Cocteau, Georges Braque và của cả Pablo Picasso. Vào năm 1931, Dior buộc phải đóng cửa phòng tranh của mình do tình hình kinh doanh của gia đình gặp khó khăn.
Dior đã phải kiếm sống bằng cách bán các bức vẽ phác họa của mình với giá 10 xu.
Năm 1942, Christian Dior cùng với Pierre Balmain làm việc cho một nhà thời trang cao cấp - Lucien Lelong .
Dior đã thành lập cửa hiệu thời trang riêng của mình vào ngày 16–12–1946 tại tư gia ở số 30 đại lộ Montaigne, Paris, với sự giúp đỡ của ông trùm ngành sản xuất chất liệu cotton. Tuy nhiên ông lại lấy năm 1947 là năm khai trương thương hiệu chính thức vì đó là năm ra mắt bộ sưu tập đầu tiên. Được Marcel Boussac giúp đỡ về mặt tài chính,ông đã trở thành một phần của doanh nghiệp dệt may do Marcel Boussac điều hành. Với mức vốn ban đầu vào khoảng 6 triệu franc cùng 85 nhân viên, đây là một dự án hão huyền đối với Boussac và là công ty con của Boussac Saint-Freres S.A. Tuy Boussac nổi tiếng là một ông chủ khắc nghiệt, nhưng Christian Dior bằng tài năng thiết kế xuất chúng của mình đã thương lượng được một mức lương đáng mơ ước và một số quyền lợi khác như được trở thành người quản lý trên pháp lý, 1/3 lợi nhuận trước thuế của công ty.
Bộ sưu tập thời trang đầu tay – “NEW LOOK”
Năm 1947, Dior cho ra mắt BST đầu tiên của mình – BST được nhận định đã tác động rất lớn đến toàn ngành công nghiệp thời trang thế giới tại điểm đó. Ban đầu, tên gọi chính thức của “đứa con đầu lòng” mang họ Dior là “Corolle” và “Huit”, nhưng sau đó BTV tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ – Carmel Snow đã gọi những thiết kế này là “New Look” (Diện mạo mới) và từ đó, nó chính là cái tên giới hâm mộ Dior nhớ đến khi nhắc đến BST đầu tiên của ông.
New Look được đặc trưng bởi những bộ đầm xòe bồng, tôn đường cong rất mềm mại khác xa với những trang phục thô cứng, thiếu nữ tính của thời kỳ trước đó. Giữa lúc phụ nữ thế giới đang hướng tới một cơ thể “hình đồng hồ cát” nóng bỏng thì sự ra đời của New Look đã thỏa mãn được đam mê và khao khát hướng tới cái đẹp của nữ giới. Chúng phô diễn đường cong với phần eo chiết, chân váy xòe rộng và đẩy vòng 1 lên cao, mang đến cho phái đẹp một bờ vai tròn, mềm mại và rất đỗi tự nhiên. Như một cơn mưa rào sau những tháng 'khô cằn' của thời trang, New Look nhanh chóng trở thành biểu tượng của sắc đẹp và tuổi trẻ, như một 'sứ giả' cho tương lai thời trang đầy hứa hẹn. Giữa lúc nền kinh tế gặp nhiều khó nhưng thời điểm đó những phụ nữ tầng lớp thượng lưu vẫn không ngần ngại bỏ ra 300 đến 2400 đô để sở hữu một thiết kế lộng lẫy của Dior.
Bộ sưu tập cũng tái khẳng định "chủ quyền" của Paris rằng đây thực sự là kinh đô thời trang. Trong ấn phẩm tháng 4/1947, Vogue viết: "Tân nhà mốt cao cấp Paris - Christian Dior - không chỉ trình làng bộ sưu tập đẹp lạ thường, mà còn mang tới cho làng mốt Pháp cao cấp một sự đảm bảo mới về năng lực riêng. Vì giao dịch cao cấp là thứ thiết yếu trong kinh tế nước Pháp. Thành công nhanh chóng của Dior ở Paris không chỉ có ý nghĩa về mặt thời trang mà còn về kinh tế và chính trị".
Video Dior Story - The New Look
Nước hoa Miss Dior
Đồng ra mắt “đứa con” thời trang đầu tiên, Dior cũng cho ra mắt công chúng dòng sản phẩm nước hoa của mình mang tên Miss Dior. Ít ai biết sản phẩm tinh tế mang họ Dior này được ông lấy cảm hứng từ người chị gái ông rất mực yêu mến.
Chritian Dior – một con người duy tâm
Christian Dior rất quan tâm đến các vấn đề tín ngưỡng và đặc biệt điều này càng thể hiện rõ những năm ông về già. Mọi BST của ông bao giờ cũng có một thiết kế áo khoác mang tên địa danh quê hương ông – Grandville và tại mỗi buổi trình diễn, ít nhất phải có một người mẫu trình diễn trang phục có loài hoa ông yêu thích - hoa lan chuông. Các cộng sự của ông còn cho rằng, ông sẽ không bắt đầu bất cứ một buổi trình diễn thời trang nào mà không tham khảo ý kiến của người giải bài tarot cho ông.
Trợ lý Yves Saint Laurent
Ít ai biết năm 1955, khi mới bước sang tuổi 19, Yves Saint Laurent chính là trợ lý thiết kế cho Christian Dior. Tại đây, Yves Saint Laurent đã tích lũy cho mình được rất nhiều kinh nghiệm và trở thành một NTK lừng danh. Khi Yves Saint Laurent 21 tuổi, ông trở thành Giám đốc Nghệ thuật cho dòng thời trang cao cấp của Dior và liên tục trên cương vị đó cho tới khi gia nhập quân ngũ năm 1960.
Chính Dior đã bổ nhiệm Yves Saint Laurent kế nhiệm mình trong cuộc thảo luận với mẹ của nhà thiết kế Saint Laurent năm 1957, một sự thật được nhà báo Fury chia sẻ.
Christian Dior giới thiệu BST với hoàng gia Anh
Christian Dior đã từng được gia đình hoàng gia Anh mời riêng để giới thiệu BST thời trang của mình. Có tin đồn rằng vua George đệ 5 ngăn cấm công chúa Elizabeth và Margaret không được mặc những trang phục trong BST New Look của Dior với lý do có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh gia đình hoàng gia. Tới tận sau thế chiến thứ 2, sự ngăn cản này vẫn còn tồn tại bởi những thiết kế của Dior đều rất xa hoa, lộng lẫy.
Sự qua đời của Christian Dior
"Có lẽ Christian đã nghĩ đến việc rời khỏi vị trí ở nhà mốt. Christian hiểu rõ rằng Dior sẽ tiếp tục phát triển mà không cần có ông. Trong cuốn tự truyện của mình, ông từng nói rằng có tới hai Christian Dior - một người đàn ông và một thương hiệu. Christian nhận ra rằng Dior đã trở thành cái gì đó lớn hơn nhiều so với bản thân ông", Fury nói.Ông qua đời trong khi đang đi nghỉ tại Montecatini, Ý vào ngày 23, tháng 10 năm 1957. Một số báo cáo nói rằng ông chết vì đau tim sau khi nghẹt thở do hóc xương cá. Tạp chí Time nói rằng ông chết vì một cơn đau tim sau khi chơi bài. Tuy nhiên, người quen của ông tại Paris và Alexis von Rosenberg, Baron de Rédé ghi trong hồi ký của mình là nhà thiết kế này chết sau một cuộc sinh hoạt tình dục. Một số người còn chi rằng ông chết vì động kinh. Cho đến bây giờ vẫn không ai biết nguyên nhân cái chết của ông.
Tuy đã qua đời nhưng những thành công mà ông để lại cho cả thế giới thực sự xứng đáng được công nhận là 1 nhân vật thời trang lớn nhất lịch sử.
Ngày nay, bạn có thể tới bảo tàng Nghệ thuật trang trí (Museum of Decorative Arts) ở Pháp để chiêm ngưỡng các tác phẩm vượt thời gian của DIOR
bởi Quốc Cường vào | 920 lượt xem