Định nghĩa
Haute Couture, là một thuật ngữ tiếng Pháp, trong đó "couture" nghĩa là "may vá", "thời trang" còn "haute" biểu thị sự thanh lịch, tinh xảo, cao cấp. Nói ngắn gọn đây là nghệ thuật may mặc dựa trên hai tiêu chí là sang trọng và sự công phu. Mọi chi tiết trên trang phục đều phải được làm bằng tay để đảm bảo độ hoàn hảo và độc nhất, không phải đồ thủ công mua sẵn ngoài chợ. Bên cạnh đó, nhà mốt cũng phải đảm bảo: chất liệu sử dụng trong sản phẩm là hàng cao cấp, quý hiếm, nhân công là những người có tay nghề cao và sở hữu nhà xưởng đạt tiêu chuẩn.
Lịch sử Haute Couture
Cuối Thế kỷ 18, thời trang haute couture được khởi xướng qua những trang phục xa hoa, cầu kỳ của Hoàng hậu nước Pháp Marie Antoinette.
Người có công xây dựng hình tượng cho bà chính là Rose Bertin, người may trang phục đồng thời là “stylist” riêng của hoàng hậu, có ảnh hưởng lớn đến mức khiến các hãng làm couture thời đó phải sáng tạo nên những bộ trang phục độc nhất vô nhị, phục vụ cho phụ nữ đi dự tiệc mà không lo mặc trang phục giống với bất kỳ quý cô nào. Có thể nói Rose Bertin là người có công khiến thời trang haute couture trở thành trào lưu lan tỏa mạnh mẽ trong nước Pháp và cả Châu Âu. Tuy nhiên yếu tố thương hiệu lúc này không được chú ý.
Cha đẻ của Haute couture
Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết cha đẻ của thế giới đáng tôn kính này lại là một người Anh, NTK Charles Frederick Worth, chứ không phải một nghệ nhân nào bước ra từ kinh đô thời trang Paris, nơi khởi nguồn của khái niệm về thời trang cao cấp.
Worth mở của hàng Haute Couture đầu tiên tại Paris năm 1858 dưới tên gọi The House of Worth và nhanh chóng tạo dựng một sự nghiệp đồ sộ như một gương mặt mới trong ngành, đồng thời là NTK đi theo phong cách thiết kế những mẫu váy “độc nhất vô nhị” dành cho cá nhân – người giàu có, tầng lớp quý tộc tại Paris. Bên cạnh đó, ông tự tay làm những bộ trang phục dựa trên ý tưởng riêng rồi cho người mẫu mặc để chào bán với khách hàng. Mua hay không là tùy ý các "thượng đế". Điều này tạo nên bước ngoặt lớn trong làng thời trang Pháp. Nếu Rose Bertin có công đặt nền móng cho ngành công nghiệp sản xuất Haute Couture thì Charles Worth mới là cha đẻ thực sự của thứ trang phục xa xỉ này. Cũng là cha đẻ của cụm từ “nhà thiết kế thời trang” thay cho từ thợ may đơn thuần. Ông thậm chí cấm những nhân viên của mình sử dụng từ “thợ may” và một mực khẳng định vị thế của mình là một nhà thiết kế thời trang.
Quy chuẩn để được công nhận là haute couture
Le Chambre Syndicale de la Haute Couture (tạm dịch là Nghiệp đoàn may đo cao cấp) được sáng lập vào năm 1868 với vai trò là nhà bảo vệ cho thời trang cao cấp. Các nhà thiết kế muốn được công nhận là một nhà thiết kế haute couture phải đáp ứng một số quy chuẩn nhất định ra đời sau này vào năm 1945. Đến năm 1908, cụm từ “Haute couture” lần đầu tiên được sử dụng chính thức.
Năm 1945, bộ quy chuẩn của Le Chambre Syndicale de la Haute Couture được thiết lập:
- Thiết kế theo đơn đặt hàng chuyên biệt.
- Có ít nhất một xưởng may đặt tại Paris, mỗi xưởng may phải có ít nhất 20 nhân công.
- Vào mỗi mùa, hãng thiết kế phải trình diễn một bộ sưu tập với ít nhất 35 mẫu thiết kế dành cho ban ngày và ban đêm đến giới báo chí Pháp.
Các quy chuẩn này vẫn được duy trì cho đến ngày nay.
Giá trị của những thiết kế Haute Couture
Chất liệu
Thiết kế Haute Couture được làm nên bởi những chất liệu tuyệt bậc từ những chi tiết nhỏ nhất: vải lụa thượng hạng, vải cashmere hiếm có, chất liệu da tốt nhất, lông thú (lông Lema), chỉ thêu Lesage, vải Massaro cho giày và Causse cho găng tay... ngay cả những loại hạt đính kèm cũng phải được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu điển hình là Swarovski.
Chất liệu càng tốt, độc và quý, trang phục càng được chú ý.
Quy trình
Haute Couture đòi hỏi nguồn nhân lực ít nhất là 20 nghệ nhân và đốn 100 giờ đến 700 giờ lao động để hoàn thành. Vì tất cả các chi tiết may đo, cắt ghép hay đính kết, tạo hình cho các chi tiết trang trí đều được thực hiện hoàn toàn thủ công, theo số đo chính xác của người sẽ mặc nó. Do đó, hầu hết các nhà mốt trước khi bắt đầu cho ra đời một bộ váy Haute Couture đều phải “bắt mặt gửi vàng” người mẫu sẽ trình diễn thiết kế đó của họ trước khi bắt đầu tạo nên sản phẩm.
Giá bán
Đối với Haute Couture mặc ban ngày, giá bán sẽ ở khoảng 8.000 bảng Anh (hơn 290 triệu đồng). Trong khi đó, đồ mặc ban đêm sẽ đắt hơn nữa. Nếu nhà mốt sử dụng vải hiếm cùng các loại trang trí làm từ vật liệu quý, giá bán của Haute Couture có thể bị đội lên vài triệu bảng.
Ngôi sao sáng đầu tiên của Haute Couture
Trong ngành thời trang cao cấp, một nhà thiết kế chỉ có thể trở nên tài giỏi và thành công nếu như anh ta sở hữu tư duy phá cách, sẵn sàng mạo hiểm cùng gout thời trang tinh tế. Sau Thế chiến thứ II, một gương mặt đã vụt sáng trên bầu trời ảm đảm, làm sống dậy ngành công nghiệp thời trang lúc bấy giờ không ai khác chính là Christian Dior .
Với BST “New Look” thành công vang dội, được ví như “huyền thoại” trong lịch sử Haute Couture, Christian Dior đã chứng minh được sự thông minh, cái nhìn tinh tế độc nhất của mình dành cho phụ nữ. Con mắt thẩm mỹ của ông quá độc đáo và sáng tạo. BST gồm những thiết kế váy dáng dài, áo vest đệm vai với những đường cắt cúp ôm lấy eo tôn lên vẻ quyến rũ tuyệt đối ở người phụ nữ.
Thành viên chủ chốt
Danh sách những nhà mốt Haute Couture chính thức tại Paris gồm có những cái tên vô cùng quen thuộc trong làng thời trang quốc tế: Chanel, Christian Dior, Givenchy, Maurizio Galante, Atelier Gustavolins, Bouchra Jarrar, Alexis Mabille, Alexandre Vauthier, Frank Sorbier, Jean Paul Gaultier, Stéphane Rolland, Adeline André. Ngoài ra có các thành viên khách mời từ các nước ngoài đình đám tham dự Tuần lễ Haute Couture như Elie Saab, Giorgio Armani, Valentino, Alexandre Vauthier, và Iris Van Herpen.
bởi Quốc Cường vào | 448 lượt xem