Giới trẻ Trung Quốc ngày càng ưa chuộng trang phục truyền thống hanfu, biểu tượng của bản sắc văn hóa và thời trang.
Truyền cảm hứng văn hóa từ trang phục truyền thống cho giới trẻ
Khi còn là một cậu bé, Zhao Bo thích đi du lịch với cha mình. Cha ông là một thợ may và thường xuyên đến thăm các thị trấn và làng mạc cổ khắp Trung Quốc để thu thập quần áo truyền thống Trung Quốc từ xa xưa.
Ông Zhao sinh ra trong một gia đình thợ may ở miền bắc Trung Quốc và giờ đây đang kế thừa đam mê từ thời cha của ông là một thợ may trang phục truyền thống. Ông đã thu thập được hơn 2000 bộ quần áo truyền thống và thiết kế lại hàng chục bộ trang phục khác từ thời xa xưa sau khi nghiên cứu cổ vật và sách cũ.
Theo SCMP, ông Zhao hiện đang quản lý một bảo tàng ở Yongqing, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Bảo tàng trưng bày nhiều sản phẩm may mặc cổ, trong đó một số trang phục xuất hiện từ cách đây 500 năm và một số bản sao thủ công khác của trang phục có niên đại cách đây 2000 năm trước. Là người kế thừa văn hóa phi vật thể được chính quyền tỉnh Hà Bắc tín nhiệm nhằm quảng bá văn hóa Trung Quốc, ông Zhao là người đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến giới trẻ Trung Quốc, giúp hồi sinh phong cách thời trang cổ xưa (hay còn gọi là trang phục của người Hán cổ đại - hanfu).
Hanfu bao gồm trang phục được mặc trong một số giai đoạn lịch sử của Trung Quốc. Các phong cách phổ biến nhất là ở triều đại nhà Đường, nhà Tống và nhà Minh. Trang phục Hanfu thường bao gồm một áo choàng có màu sắc bắt mắt và một chiếc váy có những đường thêu tinh xảo.
Theo công ty phân tích dữ liệu iiMedia Research của Trung Quốc, doanh thu hàng năm của trang phục hanfu đã tăng mạnh từ khoảng 190 triệu nhân dân tệ vào năm 2015 lên hơn 10 tỷ nhân dân tệ (1,45 tỷ USD) vào năm ngoái. Công ty này dự báo thị trường hanfu sẽ tiếp tục tăng lên 12,5 tỷ nhân dân tệ trong năm nay, ước tính tăng lên 65 lần kể từ năm 2015 bất chấp sự suy thoái kinh tế tổng thể của Trung Quốc.
"Mọi người hiếm khi nói về hanfu khi tôi bắt đầu mở bảo tàng vào năm 2014. Họ thậm chí còn không biết ý nghĩa của những trang phục truyền thống của người Hán trong lịch sử", ông Zhao nhấn mạnh. "Tuy nhiên, cách đây ba năm, tôi bắt đầu chứng kiến làn sóng mới, đặc biệt là trong giới trẻ bắt đầu thích hanfu. Không giống với trước đây, chỉ người nhiều tuổi mới thích thú với trang phục này ", ông Zhao nói.
Lan tỏa trang phục truyền thống hanfu
Trong những năm gần đây, theo SCMP, người dân Trung Quốc có xu hướng mặc trang phục theo phong cách hanfu phổ biến trên đường phố, đặc biệt các thành phố lớn của Trung Quốc. Ngày càng nhiều thanh thiếu niên chuyển sang mặc trang phục như một tuyên bố về thời trang và bản sắc văn hóa của Trung Quốc lục địa.
Ông Zhao nói rằng trang phục hanfu đang thịnh hành trên đường phố Trung Quốc ngày nay không chính xác hoàn toàn giống với trang phục người Hán cổ đại từng mặc. Tuy nhiên, thấp thoáng bóng dáng người dân mặc hanfu được xem là một sự quảng bá tích cực cho những bộ quần áo hanfu truyền thống được trừng bày ở bảo tàng của ông.
"Chỉ khi người dân thực sự quan tâm thì sẽ có thêm người muốn tìm hiểu về hanfu và hiểu đúng hơn về lịch sử", ông nói thêm.
Khi Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy người dân ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc dân tộc và truyền cảm hứng xây dựng niềm tin văn hóa trong những năm gần đây, hanfu đã trở thành một biểu tượng hình ảnh cho phong trào phục hưng Hán phục của Trung Quốc.
Giới trẻ có ý thức về thời trang ở Trung Quốc đại lục đã thích thú với sự quảng bá này và đưa hanfu trở thành một xu hướng thời trang để thể hiện bản thân, kết nối lịch sử và truyền thống. Lisa Zhou, một học sinh ở Thượng Hải nói rằng rất thích thú với hanfu sau khi xem các video trên truyền thông xã hội về những cô gái trông như tiên nữ" trong trang phục lịch sử.
Lisa Zhou cũng được truyền cảm hứng từ bạn bè ở trường. Họ thành lập câu lạc bộ hanfu, điều mà không trường nào có cách đây vài năm.
"Em thực sự thích trang phục hanfu không chỉ vì đẹp mà còn đại diện cho di sản văn hóa của đất nước", Lisa Zhou nói.
"Khi khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, chúng ta vẫn nên giữ gìn văn hóa truyền thống. Đại diện cho thế hệ trẻ, em hy vọng chúng ta có thể làm sống lại văn hóa truyền thống trong cuộc sống hàng ngày", Lisa khẳng định.
Lisa nói thường xuyên mặc trang phục hanfu đến các buổi họp mặt gia đình gần đây.
Giới trẻ Trung Quốc thích hanfu
Theo báo cáo của iiMedia, quan điểm của Zhou giống với suy nghĩ của giới trẻ Trung Quốc gần đây. Khoảng 70% những người đam mê hanfu nói rằng lý do hàng đầu để họ mặc trang phục truyền thống là để quảng bá văn hóa Trung Quốc và sau đó là bởi trang phục đẹp mắt.
Báo cáo cũng ghi nhận bất chấp sự nổi tiếng ngày càng gia tăng, hầu hết người hâm mộ hanfu có xu hướng chỉ mặc trang phục để chụp ảnh với bạn bè và ở các lễ hội truyền thống. Khoảng 20% trong số họ cũng mặc hanfu trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Zhao, người thường mặc hanfu trong cuộc sống hàng ngày nói rằng cách tốt nhất để bảo tồn trang phục truyền thống là đưa trang phục vào cuộc sống hiện đại.
"Chính phủ đã cam kết sẽ đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc văn hóa lớn vào năm 2035. Trong hơn 10 năm tới, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy nhiều người thích mặc trang phục truyền thống hơn. Một điều chắc chắn, chúng ta sẽ không thể tự gọi là cường quốc văn hóa khi chỉ mặc vest hay thắt cà vạt", ông Zhao khẳng định.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 600 lượt xem