Tết Không Nhạt Mà Tết Chỉ Lớn Lên!

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người than rằng Tết đang nhạt dần, không còn những niềm vui ấp ủ như xưa, đặc biệt, khi càng lớn, cảm nhận ấy dường như càng trở nên rõ rệt.

Nhưng nếu ngẫm lại, cảm nhận ấy liệu có phải do bản thân chúng ta đã khác ngày xưa?

https://store.bbcosplay.com/news/2023/01/03/tet-khong-nhat-ma-tet-chi-lon-len.jpg

Nhiều người vẫn hay “hờn trách” Tết nay chẳng còn vui giống Tết xưa, mà quên mất rằng, điều thay đổi lớn nhất khi Tết đến, chính là chúng ta đã lớn lên.

Ta lớn lên, những lo toan bộn bề của cuộc sống dần chen qua những tháng ngày vô tư, hồn nhiên, không phải lo nghĩ gì. Trước kia, ở cái thời “ông bà anh”, người lớn thường trăn trở chuyện ăn no, mặc ấm; còn thời nay, sẽ được thay bằng ăn ngon mặc đẹp.

Ta lớn lên, những nỗi lo vun vén cho gia đình, công việc dần khỏa lấp hết khoảng thời gian tận hưởng của Tết. Ngày bé mong kỳ nghỉ Tết để được rong chơi, “ngủ nướng”, “trốn” bài tập về nhà và nhận lì xì; còn bây giờ, trước khi có thời gian nuông chiều bản thân, ta thường miệt mài với những bận rộn cho tương lai.

Ta lớn lên, những lời chúc Tết không còn đơn thuần chỉ là “hay ăn, chóng lớn”, “chăm ngoan, học giỏi”,... mà đính kèm lời chúc sẽ là những câu hỏi được cho là “kém duyên”. Những anh chàng, cô nàng thường cảm thấy “căng thẳng” khi bị hỏi chuyện dựng vợ gả chồng, chuyện sinh con đẻ cái, chuyện tiền lương, thưởng Tết... Nói chung, đủ thứ chuyện!

Tất cả những mảnh ghép đó dường như đều có sự thay đổi “đột ngột”, khiến ta khó “thích nghi” và vô tình khó chịu với không khí Tết. Cũng chính vì lẽ đó, khiến nhiều người xuất hiện tâm lý “sợ” Tết, muốn “trốn” Tết và “mượn cớ” rằng do Tết nhạt.

Nhưng ngẫm lại thì, Tết vẫn đong đầy cảm xúc, Tết vẫn là dịp để những thành viên trong gia đình sum họp, chuyện trò và gắn kết, Tết vẫn vẹn nguyên những giá trị tinh thần không gì có thể đong đếm được... Phải chăng, do trong lòng chúng ta đã khác, nên cảm nhận tết cũng khác theo.

Những câu hỏi được cho là “kém duyên” từ họ hàng, người thân, đôi khi chỉ là cách người lớn mở đầu câu chuyện. Thay vì phiền lòng, tại sao ta không gửi một chiếc ôm, hay một nụ cười rồi thăm hỏi sức khỏe, công việc và cuộc sống. Chỉ cần lắng nghe một chút, cởi mở một chút là có thể kết nối khoảng cách các thế hệ.

Chuyện dành thời gian để tập trung vào công việc, cuộc sống gia đình một cách tối ưu, cũng chính là cách để bản thân hưởng thụ. Tất nhiên, ta cũng nên dành thời gian để yêu bản thân!

Dẫu biết, trong nhịp đập của 365 ngày, nếu chỉ chăm chăm lo “cơm, áo, gạo, tiền” thì không thiếu những áp lực bủa vây. Tuy nhiên, đó cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, như một động lực để ta không ngừng phấn đấu, để ta hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày...

Có ai chợt nhận ra, ngày còn nhỏ, ở nhà với bố mẹ quanh năm, nhưng chỉ có Tết là ta được vui trọn vẹn với đại gia đình; mà đến nay, khi đã rời khỏi vòng tay bố mẹ, bước chân ra cuộc đơi, lại chỉ có Tết là dịp có đông đủ anh em họ hàng sum họp, chỉ có Tết là mắt ai cũng biếc, môi ai cũng cười... Vui đến vậy, sao có người lại chê Tết nhạt?!

Cách lý giải duy nhất, đó là, do ta lớn lên, Tết cũng “lớn lên”, nên không thể dùng cảm quan khi còn nhỏ để “ứng xử” với Tết nay. Một cái Tết đang “lớn lên” từng ngày, đòi hỏi thái độ của ta cũng phải trưởng thành, chững chạc, điềm đạm và dung dị hơn đối với Tết.

Một khóm hoa khi lớn lên cũng cần cách chăm sóc khác so với khi còn là một khóm hoa nhỏ. “Muôn sự bất biến, vạn sự khó thành”... Điều dễ dàng nhất mà ta có thể làm, đó là thay đổi góc nhìn và thái độ cảm quan để thấy Tết vẫn đậm sắc hương như thuở nào.

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 531 lượt xem

Có thể bạn muốn xem