Kimono văn hóa Nhật Bản tạo nên những câu chuyện thú vị bởi kiểu dáng độc đáo, cách mặc đồ và công đoạn tạo nên bộ trang phục truyền thống cầu kỳ. Người Nhật có những kiểu Kimono nào và ý nghĩa từng kiểu dáng là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Nói về Kimono văn hóa Nhật Bản
Về trang phục truyền thống của Nhật Bản có Yukata (浴衣), Jinbei (甚平), Hakama (袴) và Kimono (着物), trong đó Kimono được biết đến nhiều hơn. Kimono văn hóa Nhật Bản là trang phục truyền thống có từ thời xa xưa, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, hình ảnh Kimono hiện tại đã có sự khác biệt so với thời trước.
Theo như một số sách cổ ghi nhận, Kimono có nguồn gốc từ thời kỳ Jomon (縄文). Khi ấy, đàn ông mặc “Kanpui” (かんぷい) gồm một mảnh vải quấn quanh người, phụ nữ mặc “Kantoi” (かんとうい) gồm một chiếc áo choàng không tay trùm qua đầu. Tới thời kỳ Kofun (古墳), trang phục giữa nam và nữ đã có sự khác biệt. Đàn ông mặc quần dài và áo khoác, phụ nữ mặc váy dài cùng áo khoác. Tới thời kỳ Asuka/Nara, do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc đại lục mà người dân bắt đầu mặc áo có cổ và tay áo.
Dẫu vậy, Kimono văn hóa Nhật Bản vẫn được xác nhận chính thức có từ thời Heian, đây là khoảng thời gian kiểu cách trang phục Kimono giống với thời hiện đại nhất. Điều này chứng tỏ rằng không có quá nhiều sự biến đổi của trang phục truyền thống so với quá khứ cội nguồn.
Kimono xuất phát từ thời Heian
Cách may Kimono hình thành từ thời Heian (794-1192), áp dụng phương pháp “một đường may thẳng”, theo đó vải được cắt theo đường thẳng và khâu lại với nhau. Với kỹ thuật may đơn giản, bất cứ ai cũng có thể mặc Kimono, không hề có sự phân biệt về vóc dáng cơ thể. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống Kimono rất tiện lợi khi người dân Nhật có thể mặc thêm lớp nếu thời tiết trở nên lạnh giá hoặc chọn chất liệu vải lanh mát mẻ trong thời tiết nóng nực.
Kimono văn hóa Nhật Bản thời Edo
Trong thời kỳ Edo (1603-1868), Nhật Bản bị chia cắt thành nhiều vùng do các lãnh chúa phong kiến cai trị. Do đó mà hoa văn và kiểu dáng của Kimono cũng có sự khác biệt theo từng khu vực. Ngoài ra, trang phục truyền thống của Nhật khi ấy cũng có sự phân cấp dựa vào địa vị xã hội của người mặc. Ví dụ như Edo Komon là trang phục được kết hợp giữa Kimono và Samurai để trở thành “đồng phục” của các chiến binh Nhật.
Kimono ở thời Minh Trị
Ở thời Minh Trị (1868-1912), Kimono văn hóa Nhật Bản bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa nước ngoài, chính phủ đã ra lệnh cho quan chức và binh lính mặc quần áo phương Tây trong những dịp trang trọng. Ngay cả người dân thường cũng bắt đầu làm quen với trang phục phương Tây, điều này làm giảm đi số lượng người mặc Kimono truyền thống.
Ngày nay, Kimono đã trở thành trang phục truyền thống và nét văn hoá của Nhật Bản trong các dịp lễ quan trọng như đám cưới, lễ trưởng thành,… Mặc dù ít mặc thường xuyên hơn nhưng Kimono vẫn là trang phục được yêu thích, không chỉ đối với người dân Nhật mà những người yêu quý và tò mò về văn hóa Nhật Bản cũng rất thích thú.
Muôn vàn kiểu dáng của Kimono văn hóa Nhật Bản
Mỗi kiểu dáng Kimono lại có ý nghĩa và cách sử dụng trong những dịp riêng biệt.
- Furisode (振袖): Trang phục dành cho thiếu nữ và những cô gái chưa kết hôn. Kimono có vạt áo dài từ 100 đến 110 cm, trang trí với các hoa văn sặc sỡ và bắt mắt. Furisode thường được mặc tại lễ trưởng thành Seijin Shiki hoặc trong đám cưới.
- Shiromaku (白無垢): Trang phục váy cưới truyền thống của người Nhật, được thiết kế rực rỡ và vô cùng hoành tráng. Vì vậy mà hầu như mọi người sẽ thuê Shiromaku thay vì mua một bộ. Dẫu vậy thì giá thuê cũng khoảng 5.000 USD (tương đương 122 triệu đồng), đây là mức giá khá đắt cho một bộ váy cưới truyền thống.
- Tomesode (留袖): Đây là mẫu trang phục truyền thống Nhật Bản dành cho phụ nữ đã kết hôn. Theo Kimono văn hóa Nhật Bản thì các bà mẹ sẽ mặc Tomesode đen trong đám cưới của con mình. Ngoài ra, cũng có Tomesode màu, đôi khi được mặc bởi những người phụ nữ độc thân.
- Houmongi (訪問着): Theo nghĩa đen là “Kimono đến thăm”, kiêu trang phục phù hợp với mọi lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Nếu không thể phân biệt từng kiểu Kimono, hãy để ý họa tiết chạy trên vai và thắt lưng eo, bạn cũng có thể nhận ra Houmongi trong các buổi tiệc trà và tiệc tùng.
- Yukata (浴衣): Kiểu Kimono văn hóa Nhật Bản thường thấy tại các lễ hội mùa hè. Với chất liệu mỏng cùng chi tiết đơn giản, dù nam hay nữ thì cũng đều có thể mặc loại trang phục này. Tuy nhiên, Yukata của nam giới sẽ ít sặc sỡ hơn so với nữ giới.
- Komon (小紋): Đây là một loại Kimono thông thường được thiết kế với họa tiết trang trí giống nhau. Những bộ Kimono này phù hợp với các hoạt động thường ngày như đi dạo hoặc tham dự lễ kỷ niệm nhỏ.
- Iromuji (色無地): Thiết kế Kimono trơn, đồng màu, không có hoa văn và thường được mặc bởi những người phụ nữ đã kết hôn hoặc chưa lập gia đình. Bất cứ màu vải nào cũng có thể dùng làm Iromuji, ngoại trừ màu trắng hoặc đen. Thiết kế của trang phục này nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại khá cầu kỳ trong cách làm và cách mặc
- Mofuku (喪服): Trang phục Kimono màu đen mặc trong lễ tang, lễ tưởng niệm. Mofuku được người thân, người đưa tang chính (Moshu) và các thành viên trong gia đình mặc.
Khám phá họa tiết Kimono văn hóa Nhật
Những bộ Kimono Nhật Bản được trang trí với nhiều hoa văn đa dạng, nhưng có lẽ bạn chưa biết rằng mỗi cách kết hợp lại có ý nghĩa riêng.
Shochiku-bai
Họa tiết này được truyền lại từ thời Muromachi và không chỉ sử dụng trên Kimono mà còn để trang trí các sự kiện tốt lành như tiệc cưới, trang trí cây thông năm mới. Shochiku-bai là tập hợp sự xuất hiện của ba yếu tố: cây thông, cây tre và hoa mận.
- Cây thông: Biểu tượng của sự trường thọ vì ngay cả trong mùa đông nó vẫn xanh tươi, không có dấu hiệu của sự héo mòn.
- Cây tre: Đại diện cho sức sống vì tre mọc thẳng và tốc độ phát triển rất nhanh.
- Hoa mận: Loài hoa nở đẹp nhất, mang ý nghĩa cao quý trường thọ.
Họa tiết Mari
Có thể hiểu rằng đây là họa tiết hình tròn được tạo nên từ những sợi dây dài trên áo Kimono văn hóa Nhật Bản. Điều này có ý nghĩa “buộc chặt mối liên kết” và được coi là “biểu tượng của một cô gái hạnh phúc”. Họa tiết Mari trên áo Kimono thường xuất hiện trên những trang phục đám cưới bởi nó chứa đựng những lời chúc như “Chúc bạn gặp may mắn’” và “Chúc bạn xây dựng được gia đình hòa thuận”.
Ngày xưa, khi sinh con gái hoặc đám cưới, người Nhật có phong tục mang theo một quả bóng như bùa hộ mệnh. Chính vì ý nghĩa đó mà họa tiết Mari tựa như lời chúc hỷ trong các đám cưới truyền thống của người Nhật.
Hoa anh đào
Hoa anh đào không chỉ xuất hiện ở mọi vùng đất tại Nhật Bản mà còn là họa tiết được thấy nhiều trên áo Kimono. Hoa anh đào nở đẹp bất chấp mùa đông lạnh giá, tượng trưng cho sự khởi đầu của một điều gì đó tốt lành .
Ngoài ra, trước đây hoa anh đào nở được dùng để báo trước mùa thu hoạch ngũ cốc trong năm nên họa tiết hoa anh đào còn mang ý nghĩa cầu mong một mùa màng bội thu.
Chim hạc
Đối với người Nhật Bản, chim hạc là giống loài tốt lành, tượng trưng cho sức sống và trường thọ. Ngoài ra, hình ảnh chim hạc giao phối cũng rất đẹp mắt nên được cho là thích hợp với đám cưới và các dịp lễ nghi có ý nghĩa hạnh phúc trọn đời, viên mãn trăm năm.
Kết luận
Xưa kia, bất cứ người dân Nhật Bản nào đều sử dụng Kimono như trang phục hàng ngày. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và sự tác động của văn hóa phương Tây, Kimono văn hóa Nhật Bản thường chỉ được phụ nữ Nhật diện như nghi phục chính thức, còn đàn ông chỉ mặc trong đám cưới hoặc dịp lễ truyền thống. Dẫu vậy, văn hóa mặc Kimono của Nhật vẫn rất phổ biến và được yêu thích bởi những người du lịch ngoại quốc.
bởi Quốc Cường vào | 226 lượt xem