Văn hóa chào hỏi của người Nhật Bản là một trong những nét văn hóa giao tiếp đạt trưng, dễ gây ấn tượng. Đây là một nét văn hóa đặc thù mà không quốc gia nào có được. Đặc biệt trong giao tiếp và ứng xử, người Nhật rất coi trọng nghi thức và lễ nghĩa, người Nhật không chỉ đánh giá người đối diện qua vẻ bề ngoài mà còn qua từng ứng xử, cử chỉ, thái độ. Cùng tìm hiểu về những nét đặc trung trong văn hóa này nhé.
1. Những khác biệt trong cách chào hỏi của người Nhật so với các nước khác
Đối với người Việt Nam, khi chào hỏi người lớn tuổi, cha mẹ, thầy cô giáo… người nhỏ tuổi hơn thường có hành động khoanh tay, khép nhẹ tay và cúi nhẹ chào. Nếu là đối tác, hoặc bạn bè thì thường chào nhau bằng những cái bắt tay, vẫy tay, hoặc nắm nhẹ và không có những nguyên tắc cụ thể. Trong khi đó, văn hóa phương Tây lại chào nhau bằng những cái ôm, hôn nhẹ ngay má khi gặp bạn bè, người thân. Nếu là đối tác thì cũng bắt tay, hoặc gật đầu chào.
Hoàn toàn khác biệt với các nước khác, văn hóa nước Nhật luôn có cách chào hỏi rất nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng người đối diện, đặc biệt với những người lớn tuổi, cha mẹ, cấp trên… Với cách chào thẳng lưng, cúi người 1 góc 30-45 độ, hai tay thẳng sát với mép quần (đối với nam) hoặc chắp nhẹ 2 tay phía trước (đối với nữ).
2. Những kiểu chào hỏi của người Nhật
Để có cái nhìn cụ thể hơn về cách chào của người Nhật, có thể thấy cách chào hỏi của người Nhật sẽ được chia thành 3 kiểu chính và được sử dụng tùy theo từng trường hợp.
– Kiểu Eshaku (khẽ cúi chào): Đây là kiểu chào cơ bản được người Nhật sử dụng nhiều trong ngày khi gặp người thân quen, chào cha mẹ, đồng nghiệp. Đây cũng là kiểu chào thường được áp dụng khi gặp đồng nghiệp, người cùng cấp bậc ở nơi công sở. Khi chào nhau, người Nhật sẽ cúi một góc từ 10-15 độ và chào nhau cùng lúc, cùng những câu chào hỏi như “Ohaiyo gozaimasu – chào buổi sáng”, “Konichiwa – chào buổi trưa” hoặc “Konbanwa – chào buổi tối”…
– Kiểu Keirei (cúi chào thông thường): Với kiểu cúi chào này, người chào cần đứng thẳng, đầu ngẩng cao sau đó cúi lưng hướng về phía trước theo một góc khoảng 20-30 độ và giữ tư thế này 2-3 giây. Đối với nam, hai bên tay duỗi thẳng, chạm nhẹ mép quần. Trong khi nữ để tay phải lên tay trái, đặt trước phần bụng hoặc hông tạo thành hình chữ V.
Hoặc nếu ngồi chào thì sẽ đặt 2 tay xuống sàn, đầu ngón tay hướng vào nhau, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10-20 cm, đầu cúi thấp sàn nhà trong khoản từ 15-20 cm. Kiểu keirei thường áp dụng để chào cấp trên, người lớn tuổi nhằm thể hiện sự kính trọng, khiêm nhường.
– Kiểu Saikeirei: Đây là kiểu chào trang trọng nhất trong văn hóa chào hỏi của người Nhật, thường dùng để cảm ơn hoặc xin lỗi, nhờ vả người đối diện, thể hiện thành ý của người chào. Để thể hiện sự trang trọng và cảm kích của người chào, khi thực hiện cần cúi đầu nhưng lưng vẫn giữ thẳng một góc từ 45-60 độ, chân thẳng không chùng gối đồng thời hai tay áp dụng tư thế giống với kiểu Keirei.
Kiểu chào này cũng được áp dụng khi người Nhật thực hiện các lễ cúng bái Thần đạo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng, khấn cái ở Chùa.
Văn hóa chào hỏi là một trong những lễ nghĩa từ khi lọt lòng người Nhật đã được dạy. Bên cạnh đó, áp dụng các kiểu chào Keirei hoặc Saikeirei là những yêu cầu ứng xử tối thiểu mà người Nhật cần biết để tạo mối quan hệ với đồng nghiệp và cấp trên.
3. Những lưu ý khi chào hỏi của người Nhật
– Giao tiếp mắt: Khác với phương Tây, người Nhật thường tránh nhìn trực diện khi giao tiếp mà thường tập trung vào những điểm khác ở phía người giao tiếp. Đặc biệt khi giao tiếp với cấp trên, người lớn tuổi hơn thì tuyệt đối không được nhìn thằng mà thường cúi nhẹ và nhìn xuống dưới.
– Không nói quá nhiều: Người Nhật thường rất lưu ý về những ứng xử và hành động của người đối diện, họ cũng thường không nói quá nhiều hay dùng những lời lẽ hoa mỹ mà thường thể hiện bằng hành động. Trong các cuộc họp kinh doanh, người có chức vụ cao nhất cũng thường im lặng và lắng nghe các ý kiến của nhân viên, sau cùng mới đưa ra những quyết định mấu chốt.
– Thường nói giảm nói tránh: Người Nhật không có tính cách thẳng thắn khi giao tiếp, họ cũng thường hạn chế từ chối khi được yêu cầu, đưa ra lời mời… và thường từ chối khéo léo bằng nhiều cách. Cử chỉ của người Nhật cũng rất lịch thiệp, nhã nhặn, đúng mực và không bao giờ to tiếng nơi công cộng.
– Cách vẫy tay: Khi gọi ai đó bằng cách vẫy tay, nên để bàn tay thẳng, các đốt ngón tay chạm nhau chứ không thả lỏng, cử chỉ này nếu sơ suất có thể coi là tục tĩu, vô văn hóa.
– Biếu quà: Người Nhật khi mới chuyển đến sinh sống ở khu vực mới cũng thường chuẩn bị món quà nhỏ như cafe, bột giặt, bánh quy… để biếu hàng xóm khu vực lân cận, như một cách chào hỏi làm quen.
Học cách chào hỏi của người Nhật sẽ giúp sinh viên có thể hòa nhập dễ dàng khi đi du học, cũng như tạo được thiện cảm khi gặp người bản xứ. Văn hóa chào hỏi của người Nhật còn rất nhiều nguyên tắc quan trọng khác, bạn cũng có thể học hỏi và tìm hiểu thêm khi du học để có được những chuẩn mực trong hành vị của bản thân. Nếu có dự định làm việc tại Nhật Bản, thì những hiểu biết về văn hóa chào hỏi của người Nhật cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn để gây ấn tượng cho cấp trên và đồng nghiệp.
bởi Lương Đình Bảo vào | 2143 lượt xem