Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến một trong những nền văn hóa hưng thịnh nhất thế giới. Sự đậm đà trong bản sắc văn hóa xứ kim chi thể hiện trong nhiều phương diện, từ cách chào hỏi, ăn mặc, tặng quà cho nhau đến cách họ truyền bá văn hóa của mình. Hãy cùng tìm hiểu văn hóa truyền thống của Hàn Quốc qua bài viết dưới đây.
1. Con người Hàn Quốc
Đối với người Hàn Quốc, gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là giá trị không thể thay đổi trong tâm thức của họ. Các thành viên trong gia đình sống cùng một nhà hoặc sống khá gần nhau. Người đàn ông lớn tuổi nhất là chủ gia đình, được mọi người tôn trọng và nghe theo. Các dịp lễ có ý nghĩa với mọi gia đình Hàn Quốc là Chusok (lễ Trung thu), lễ cưới hay hay Tol (lễ thôi nôi).
Người Hàn Quốc nổi tiếng thân thiện và dễ gần. Đó cũng là một lý do khiến văn hóa du lịch Hàn Quốc được yêu mến đến vậy. Hầu như ở bất cứ nơi nào, bạn cũng thấy mọi người đang trò chuyện với nhau, đôi khi họ còn trò chuyện với những người họ vừa gặp. Điều này thể hiện ý thức cộng đồng của họ đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình.
Những lúc rảnh rỗi, người Hàn Quốc thích đi du lịch. Đối với những người lớn tuổi, các cung điện nổi tiếng và các công viên quốc gia là những điểm được yêu thích. Còn với người trẻ, họ cùng nhau đi ăn ngoài phố, gặp gỡ nhau ở những quán café, cửa hàng hay rạp chiếu phim
2. Ứng xử giao tiếp của người Hàn Quốc
Văn hóa giao tiếp ứng xử của người dân Hàn Quốc là một trong những điều “ghi điểm” với khách du lịch. Người Hàn nói chuyện rất nhỏ nhẹ, họ cũng đánh giá cao những người có thái độ khiêm tốn, nhã nhặn. Một cái gật đầu nhẹ hay nói “vâng” thường rất phổ biến trong các cuộc giao tiếp.
Trong các bữa tiệc, người Hàn Quốc không tự giới thiệu mình với mọi người mà sẽ có một người đại diện giới thiệu. Người Hàn đặc biệt coi trọng tuổi tác và sự tôn trọng giữa tiền bối – hậu bối là không thể thiếu. Đừng quên dành ra vài phút để hỏi thăm người lớn tuổi nếu bạn trò chuyện với họ.
3. Đặc trưng gia đình Hàn Quốc
Người Hàn thường sống theo kiểu gia đình gồm nhiều thế hệ trong một nhà. Người đàn ông là người trụ cột, người phụ nữ ở nhà nội trợ. Vì vậy tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ít nhiều trong xã hội Hàn Quốc hiện đại. Để giảm thiểu điều này, chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều bộ luật về bình đẳng giới và họ có một bộ riêng về quản lý hoạt động này là “Bộ bình đẳng giới và gia đình”.
4. Văn hóa ẩm thực của người Hàn Quốc
Văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc khá cầu kỳ, họ có câu ‘Thực vĩ ngũ phúc chi nhất”, nghĩa là ăn uống là điều phúc lớn nhất trong năm điều phúc. Vì vậy mà bữa ăn của họ rất phong phú. Cơm, kim chi, tương đen, tương ớt, rau cải muối, rau bát trân và canh tương đen là những món thường thấy trong bữa ăn hàng ngày của người dân Hàn Quốc. Cùng với hải sản, thịt bò, thịt gà hay thịt lợn cũng là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của họ.
Người Hàn thường ngồi bệt trên sàn để ăn. Họ rất ít khi ngồi trên ghế. Do đó mà các nhà hàng Hàn Quốc thường chuẩn bị các loại bàn ghế ăn khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của thực khách. Khác với người Việt, người Hàn ăn cơm bằng thìa và dùng đũa để ăn mỳ hoặc rau. Họ cũng ăn bằng bát và đũa riêng. Bên cạnh các món ăn thì rượu soju cũng thường xuất hiện trên mâm cơm của người Hàn. Cũng giống như người Việt, người Hàn rất thích chia sẻ thức ăn với mọi người, điều này mang ý nghĩa "đồng cam cộng khổ". Việc rót và uống rượu cũng thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trong văn hóa ăn uống của họ.
5. Trang phục truyền thống của Hàn Quốc
Nếu như Việt Nam có áo dài, Trung Quốc có sườn xám, Nhật Bản có kimono thì trang phục truyền thống của người Hàn Quốc là Hanbok. Hanbok có màu sắc sặc sỡ, các đường kẻ trơn và không có túi. Đây vốn là trang phục của người dân từ thời Joseon, trải qua thời gian, bộ trang phục này đã có nhiều đường nét thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại và trở thành quốc phục của Hàn Quốc.
Người dân xứ kim chi thường mặc Hanbok trong những ngày lễ đặc biệt như Tết âm lịch, Lễ hội Chuseok. Khách du lịch nào đến Hàn Quốc dường như cũng không quên thuê cho mình một bộ hanbok để được trải nghiệm một nét văn hóa truyền thống đẹp của người bản xứ. Nếu bạn có dịp mua vé máy bay đi Hàn Quốc du lịch, đừng quên trải nghiệm với bộ quốc phục này nhé.
6. Lưu ý 10 điều cấm kỵ trong văn hóa Hàn Quốc
Dù bạn sang Hàn Quốc với mục đích du lịch hay học tập, làm việc thì việc tìm hiểu những điều cấm kỵ trong văn hóa của họ cũng vô cùng cần thiết. Dưới đây là một số điều không nên làm để có chuyến đi Hàn suôn sẻ và hoàn hảo nhất cho bạn.
6.1. Tránh số 4
Người Hàn Quốc cho rằng số 4 sẽ đem lại những điều không may mắn, Trong tiếng Hàn phát âm số 4 giống như từ chết nên trong thang máy, thay vì để tầng 4 thì họ để chữ F (four). Số 4 tại Hàn Quốc là một điềm xấu giống như số 13 trong văn hóa phương Tây.
6.2. Không để miệng chai chạm ly
Khi rót rượu cho ai đó, bạn nên tránh để miệng chai chạm vào miệng ly. Hành động đó theo quan niệm của người Hàn chỉ để cúng rượu cho người chết. Bạn nên đặc biệt chú ý điều này để tránh gây mất thiện cảm với người Hàn Quốc.
6.3. Viết tên bằng mực đỏ
Người Hàn Quốc không bao giờ viết tên bằng mực đỏ. Họ quan niệm đây là điều không hay và đem lại điềm xấu. Người Hàn Quốc cho rằng chỉ có người chết mới viết tên bằng mực đỏ. Đây vì thế là điều tối kỵ bạn nên tránh khi đến xứ sở kim chi.
6.4. Cắm đũa trên bát cơm
Điều này khá giống với quan niệm của người Việt và một số nước phương Đông khác. Người Hàn kỵ cắm đũa trên bát cơm vì làm như vậy trông giống như thắp nhang. Vì vậy, nếu bạn đưa bát cơm cho ai cần tránh cắm đũa trên bát để không gây ra những hiểu lầm.
6.5. Không cười đùa trên xe buýt và tàu điện ngầm
Xe buýt và tàu điện ngầm là hai phương tiện công cộng phổ biến nhất ở Hàn Quốc. Vì vậy bạn nên tránh nói chuyện quá to hay gọi điện thoại quá lâu nếu không muốn nhận những ánh nhìn thiếu thiện cảm của những người xung quanh. Hàng ghế đầu thường cấm nói chuyện riêng vì sẽ ảnh hưởng đến tài xế lái xe. Đặc biệt, bạn phải xếp hàng mọi lúc, mọi nơi và tránh nhìn chằm chằm hoặc chỉ chỏ vào người khác.
6.6. Không nói về phẫu thuật thẩm mỹ
Có thể bạn sẽ khá ngạc nhiên bởi phẫu thuật thẩm mỹ rất phổ biến ở xứ củ sâm. Tuy nhiên, phụ nữ Hàn Quốc lại không thích nói về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ của họ. Có lẽ bởi trong nho giáo Hàn Quốc luôn coi trọng vẻ đẹp tự nhiên của người phụ nữ.
6.7. Không đi cửa chính vào chùa
Một điều khá lạ khác là người Hàn QUốc sẽ đi vào chùa qua cửa phụ chứ không đi thẳng vào cửa chính. Giày dép bạn nên để bên ngoài điện. Không ngồi hay đứng ngay trước tượng phật chính mà phải ngồi chếch phía bên. Trang phục đi chùa phải lịch sự, kín đáo, gọn gàng.
6.8. Không rời khỏi bàn ăn trước người lớn tuổi
Người Hàn Quốc đặc biệt coi trọng những người lớn tuổi. Vì thế, trong bữa ăn, bạn nên chú ý tốc độ ăn uống của mình. Bởi nếu bạn kết thúc bữa ăn quá sớm và rời khỏi bàn ăn trước những người lớn tuổi hơn, bạn sẽ bị đánh giá là thiếu lễ độ. Nếu bạn đã ăn xong, hã xếp đũa và ngồi tại bàn chờ những người khác hoàn thành bữa ăn của họ.
6.9. Không ngồi ghế dành cho người già
Người già là đối tượng được đặc biệt quan tâm ở Hàn Quốc. Vì vậy bạn phải lưu ý nhường chỗ khi gặp người lớn tuổi. Trên tàu điện ngầm của Hàn Quốc luôn có chỗ dành rineeg cho người già, phụ nữ có thai. Bạn nên chú ý quan sát để không ngồi nhầm và nhận những ánh mắt thiếu thiện cảm của người xung quanh.
6.10. Không đi giày vào nhà
Người Hàn Quốc thường có nhiều hoạt động ngay trên sàn nhà, theo lối sống truyền thống. Do đó việc giữ sàn nhà sạch sẽ là rất quan trọng. Bạn cần lưu ý để lại giày, dép trước khi vào nhà của các gia đình Hàn Quốc nhé.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 573 lượt xem