Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không là nhân vật sở hữu pháp lực hàng đầu, đến cả thần tiên cũng phải nể vài phần. Không chỉ vậy, 3 thân phận đặc biệt khiến cho vị thế của đại đồ đệ Đường Tăng càng "cao cao tại thượng" hơn.
1. Tề Thiên Đại Thánh
Sau khi được sinh ra từ tảng đá, Tôn Ngộ Không bái Bồ Đề Tổ Sư làm thầy và được truyền dạy 72 phép thần thông. Sức mạnh tăng cao, lại có sự bổ trợ từ pháp bảo gậy Như Ý cướp được ở dưới Long cung nên y bắt đầu quấy nhiễu khắp nơi. Ngọc Hoàng phong cho Ngộ Không làm Bật Mã Ôn (trông coi ngựa cho Thiên Đình) rồi Tề Thiên Đại Thánh (nghĩa là "Thánh lớn bằng trời", chức vụ trông coi vườn đào).
Với tính cách ương bướng, nổi loạn, Tề Thiên Đại Thánh trong một lần uống rượu say đã phá hỏng tiệc bàn đào của Vương Mẫu nương nương, ăn trộm linh đơn của Thái Thượng lão quân khiến Ngọc Hoàng nổi giận, sai thiên binh vạn mã đến thu phục nhưng không thành. Ngay cả Nhị Lang Thần và Na Tra hay lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân cũng không thể khắc chế được y.
2. Đấu Chiến Thắng Phật
Trải qua hành trình đi lấy kinh, giúp Đường Tăng vượt qua 81 kiếp nạn, Ngộ Không đã đến được Tây Trúc, diện kiến Phật Tổ Như Lai và được Ngài phong làm Đấu Chiến Thắng Phật (chiến thần đại diện cho Phật Giới). Sở hữu pháp lực vô song, lại tu thành chính quả, Ngộ Không nghiễm nhiên trở thành vị Phật mạnh hàng đầu trong Phật giới.
3. Đại Thánh Xá Lợi Tôn Vương Phật
Đại Thánh Xá Lợi Tôn Vương Phật là thân phận được đề cập trong tác phẩm Hậu Tây Du Ký. Theo đó, khi Nhiên Đăng Cổ Phật và Phật Tổ Như Lai viên tịch sau 300 năm kể từ ngày thầy trò Đường Tăng lấy được kinh thì Đại ma đầu Vô Thiên phá vỡ phong ấn, chiếm lĩnh hoàn toàn Linh Sơn, dẫn đầu yêu ma làm loạn tam giới.
33 năm sau khi viên tịch, Như Lai chuyển thế Linh Đồng nhưng phải cần có 17 Xá Lợi Tử thì mới khôi phục được pháp lực vô biên để cứu rỗi tam giới. Vô Thiên hay tin tìm mọi cách phá rối nên Tôn Ngộ Không đã hi sinh bản thân để tiêu diệt Đại ma đầu, giúp Như Lai chuyển sinh thành công. Phật Tổ sau đó đã phong Ngộ Không làm Vạn Phật Chi Tổ - Đại Thánh Xá Lợi Tôn Vương Phật, trở thành người kế nhiệm của Nhiên Đăng Cổ Phật, ngang hàng với Phật Tổ Nư Lai (Nhiên Đăng Cổ Phật, Phật Tổ Như Lai và Phật Di Lặc vốn là Tam thế Phật, lần lượt đại diện cho các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai). Do đó việc Phật Tổ Như Lai kiêng nể Ngộ Không cũng là điều dễ hiểu.
bởi Quốc Cường vào | 387 lượt xem