Khắc gỗ là gì? Công cụ và phương pháp in ấn?
Khắc gỗ/Woodcut là một kĩ thuật in ấn trong nghệ thuật tranh in đồ họa, sử dụng chế bản in gỗ và phương pháp khắc nổi. Có nghĩa là, các thành phần không in trên tranh (mảng trắng) được khắc bỏ khỏi bề mặt của khối gỗ, phần được in (mảng đen) là phần ở lại.
Gần như tất cả các loại gỗ thông dụng đều có thể tạo chế bản khắc gỗ (một trong số ít loại gỗ không thích hợp là gỗ thông), phổ biến hiện nay còn sử dụng ván ép gỗ công nghiệp. Bề mặt gỗ phải được mài phẳng và làm nhẵn hoàn toàn. Để loại bỏ gỗ ở những phần không in, người ta dùng dao khắc gỗ. Một bộ dao khắc gỗ cung cấp các đầu dao khắc khác nhau, gồm: dao mỏng dùng để khắc các đường viền (A), dao trổ dùng để tạo rãnh chữ V (B), dao khắc dùng để khắc các đường thẳng và đường song song (C), cây đục bán nguyệt để cắt bỏ đi những phần lớn không phải in (D). Tùy theo kĩ thuật sử dụng dao khắc sáng tạo của nghệ sĩ, những nét khắc hay bề mặt khắc đẹp chính là đặc trưng của tranh khắc gỗ.
Một số công nghệ hiện đại như máy phay, máy cưa, khắc laser, khắc CNC…ngày nay cũng được áp dụng để tạo chế bản khắc gỗ.
Sau khi đã khắc xong chế bản in, mực in được phủ đều bằng con lăn. Tranh in (giấy có khả năng hút nước) được in bằng cách ép lên bản khắc gỗ. Lực ép cần phải phân bổ đều trên mặt giấy bằng cách xoa đều bằng tay hay đi qua máy ép.
Sáng tạo một tác phẩm khắc gỗ cơ bản qua 7 bước.
Vậy là chúng ta đã nắm được qui trình sáng tạo tranh khắc gỗ. Designs.vn tiếp tục mời độc giả dành chút thời gian chiêm ngưỡng bộ sưu tập một số tác phẩm khắc gỗ hiện đại tuyệt đẹp!
Đôi điều về lịch sử tranh khắc gỗ
Kỹ thuật in bằng chế bản khắc gỗ nổi là phương pháp in ấn có lịch sử lâu đời nhất. Tại Châu Âu, các tác phẩm nghệ thuật khắc gỗ đầu tiên ra đời khoảng thời gian từ năm 1400 đến năm 1500, trong các tu viện ở Bayern và vùng núi Alpes. Đây đều là các bản in một mặt từng trang rời, dưới dạng như tờ truyền đơn hay sách mỏng được dùng để truyền bá tư tưởng về nghệ thuật, thế giới quan và tôn giáo…Khắc gỗ Châu Âu đạt đến đỉnh cao vào thời kỳ Phục Hưng, khi các nhà nghệ thuật như Albrecht Dürer và Hans Baldung tạo ra được những tác phẩm khắc gỗ có giá trị cao. Đặc biệt, Albrecht Dürer đã giải phóng tranh khắc gỗ ra khỏi tính năng chỉ để minh họa cho sách, đồng thời mang lại một định nghĩa mới về tranh khắc gỗ tại thời điểm đó: một phương tiện truyền đạt nghệ thuật.
Kỹ thuật đồ họa này phát triển trong khu vực Đông Á độc lập với Châu Âu và có lịch sử sớm hơn. Ở Trung Quốc, khắc gỗ trở nên phổ biến là vào thời nhà Tống (960-1279), đó là lúc các nhà nghệ thuật liên hợp lại với nhau thành lập các xưởng khắc gỗ. Sản xuất khắc gỗ màu Trung Quốc đạt đến trình độ hoàn hảo cao. Tại Nhật Bản, khắc gỗ phát triển như một hình thức nghệ thuật bắt đầu từ khi kỹ thuật này được lan truyền từ Trung Quốc ở cuối thế kỷ thứ 8. Khắc gỗ tại Nhật Bản cực thịnh trong khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Các bản khắc gỗ Nhật đầu tiên đều là các hình ảnh mang chủ đề tôn giáo, được sáng tác trong xưởng khắc gỗ của chùa và mang nhiều chức năng như các tờ in khắc gỗ rời tại Châu Âu thế kỷ 15.
Tranh khắc gỗ là một chất liệu sáng tác mỹ thuật đồ họa truyền thống của Việt Nam, chia hai loại chính là tranh tết và tranh thờ – xuất hiện gần như cùng lúc với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và việc thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên của người Việt. Những phường thợ chuyên khắc tranh và những làng khắc tranh mang tính chuyên môn hóa cao: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ Huế thịnh hành trong các thế kỷ từ 16 đến đầu thế kỷ 20. Nét riêng của mỗi dòng tranh được thể hiện ngay từ quy trình làm tranh cũng như trong mỗi đường nét của tranh. Đó là sự khác biệt giữa kỹ thuật khắc ván in, kỹ thuật vẽ, nguyên liệu làm tranh, cách pha chế tạo màu sắc riêng…Tuy nhiên, tranh khắc gỗ dân gian Việt nhìn chung đều được dựng hình theo kiểu lấy các nét khoanh, lấy các mảng màu và bao lại toàn hình. Tranh khắc gỗ dân gian là di sản văn hóa to lớn của dân tộc Việt.
bởi Quốc Cường vào | 670 lượt xem