Trào Lưu Nghệ Thuật Vị Niệm Conceptual Art Là Gì?
Trào Lưu Nghệ Thuật Vị Niệm Conceptual Art Là Gì?

Nghệ thuật ý niệm/vị niệm là gì?

1. Khái niệm

Nghệ thuật vị niệm conceptual art là một trào lưu nghệ thuật, trong đó những khái niệm hay ý tưởng giấu trong tác phẩm được đặt lên cao hơn những vấn đề truyền thống về thẩm mỹ hay chất liệu, tạo hình.

Người lần đầu tiên đưa ra khái niệm hoàn chỉnh về nghệ thuật vị niệm, nghệ sỹ người Mỹ Sol LeWitt, đã tổng kết những khía cạnh làm nên nghệ thuật vị niệm như sau: “Trong nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art), ý tưởng dùng để tạo nên ý niệm (the idea of concept) là khía cạnh quan trọng nhất của tác phẩm. Một nghệ sỹ sử dụng hình thái nghệ thuật ý niệm, có nghĩa là khi đó với anh ta, việc lên kế hoạch cũng như mọi quyết định (cho tác phẩm ấy) đều phải được hoàn thành sẵn từ trước, còn việc thực hiện (tác phẩm) chỉ là chuyện thứ yếu mà thôi. Ý tưởng trở nên một cái máy sản xuất ra nghệ thuật.”

nghệ thuật vị niệm conceptual art
Nghệ sỹ người Pháp Yves Klein với một phương thức hội họa chưa từng có: “Anthropometrics” (nhân trắc họa). Ông dùng sơn xanh phủ lên người mẫu rồi in các cô lên tấm toan trắng. Ở đây, kết quả, thành phẩm cuối cùng là những bức tranh in có đường nét, màu sắc ra sao không phải là điều người họa sỹ quan tâm. Thay vào đó, quá trình thực hiện hay màn trình diễn của ông khi đổ màu, giữa một không gian đầy toan trắng, với âm nhạc du dương từ dàn nhạc mới chính là cái hồn thực sự của tác phẩm.
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
2. Bản chất

Không thiên về hình thức hay chất liệu mà là về những ý tưởng và ý nghĩa, nghệ thuật vị niệm thực chất là cách đặt vấn đề nghệ thuật là gì mà thôi. Căn rễ của trào lưu nghệ thuật vị niệm nằm ở chỗ: các nghệ sỹ chối bỏ quan niệm Nghệ thuật như vật thể (Art as Object) để chú trọng tới tính tiến trình (process) của tác phẩm. Từ đó, các nghệ sỹ ý niệm đi tìm một cách lý giải cấu trúc nghệ thuật tạo hình mới: thông qua việc đưa vào đó các tính chất thời gian, sân khấu và ngôn ngữ thay thế cho các tính chất không gian và thị giác vốn là lõi cốt duy nhất của nghệ thuật tạo hình từ trước tới nay.

Ý niệm (ý đồ) của tác phẩm quan trọng hơn là sự thực hiện vật chất của tác phẩm. Vì vậy, không nhất thiết tác phẩm phải hoàn hảo, không nhất thiết tác giả phải tự tay đẽo gọt hay chụp, vẽ mà có thể người khác làm hộ. Nghệ thuật ý niệm nói cho cùng là để nghệ sĩ tự khám phá mình. Nó quay lưng lại với mỹ học và mọi quy tắc nghệ thuật. Người ta có thể sử dụng ngôn ngữ, toán học, tín hiệu học, triết học, xã hội học, có khi thực hiện một hành động cụ thể (thí dụ: ném một quả bóng vào thác Niagara).

Đặc điểm

Cảm xúc hay Trí tuệ

Đây không hề là dạng nghệ thuật “nói suông” hay dùng để minh họa cho lý thuyết, trái lại, nó đầy ắp trực giác và thu trọn vào lòng mọi kiểu dạng tiến trình trí tuệ. Nó thường xuyên giải phóng bản thân khỏi việc phải phụ thuộc vào các kỹ năng thủ công của nghệ sỹ trong vai trò là nghệ nhân. Với nghệ thuật ý niệm, mục đích chính của nghệ sỹ là làm sao gây được hứng thú trí tuệ cho công chúng. Chính vì thế,  anh ta luôn cố tạo ra cho tác phẩm của mình một không khí cằn khô về cảm xúc.

Sol Lewitt, trong những lý thuyết đầu tiên của mình về nghệ thuật vị niệm đã chỉ rõ, đặc trưng quan trọng nhất của nó chính là là thao tác giải huỷ triệt để các yếu tố gây cảm xúc thị giác để tập trung vào tính khái niệm của tác phẩm. Tác phẩm phải cất lên tiếng nói, phải kích gợi được tư duy của người xem, phải bẻ hướng sự tri giác của người xem khỏi các tập quán thưởng thức đơn thuần thị giác để bắt họ khởi hoạt tâm trí theo một diễn trình sử dụng tới trí tuệ. Giờ đây, tác phẩm đã không còn là một vật thể tạo hình đơn tĩnh, mà trở thành một máy tạo nghĩa thông qua tư duy của người xem. Tác phẩm- như một sắp đặt hay dàn dựng tổng thể của các đơn vị-bộ phận- phải trở nên một hành trình luôn luôn động chứ không còn là một vật thể trưng bày tĩnh. Ở đây, hành trình ( của tư duy) mới là điều quan trọng chứ không phải vẻ xa hoa của những trạm dừng ( vật thể).

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_

Tính logic. Phức tạp hay đơn giản

Nghệ thuật ý niệm không cần thiết phải mang tính logic. Logic của một hay một loạt tác phẩm là một tạo vật đôi khi được sử dụng chỉ để phá đi. Logic có lẽ được sử dụng để ngụy trang ý định thực của nghệ sỹ, để ru người xem vào cơn mê tin rằng anh ta đã thấu hiểu tác phẩm, hay để tạo dựng một tình thế mâu thuẫn làm nảy sinh câu hỏi, từ đó đánh bật tư duy trong người xem.

Các ý tưởng không cần thiết phải phức tạp. Hầu hết các ý tưởng thành công nhất đều có vẻ thô sơ đến mức ngớ ngẩn. Nhìn chung, các ý tưởng thành công thường mang theo hình tướng giản dị bởi chúng luôn có vẻ tự nhiên sẵn thế.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
“An Oak Tree”, Michael Crag Martin,có thể coi là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật vị niệm. Tác phẩm gồm: một cốc nước được đặt trên một khay thủy tinh gắn vào tường, giống như những khay thông thường trong các nhà tắm, phía dưới là những câu hỏi và câu trả lời mà Martin tự sáng tác. Trong đó, ông khẳng định rằng cốc nước ở phía trên đã bị biến thành một cây sồi. Đó là hàm ý về quá trình tư duy ý niệm, khả năng tin vào những điều vượt xa vẻ bề ngoài tưởng không thể nhầm lẫn được.

Cảm thụ hay ý niệm (Perceptual – conceptual)

Chẳng quan trọng gì việc tác phẩm sau cuối trông sẽ ra sao, mà điều quan trọng là – tác phẩm phải được khởi đầu với một ý tưởng. Tiến trình của ý niệm và nhận thức mới chính là những gì nghệ sỹ quan tâm. Sau khi được nghệ sỹ hoàn tất – tác phẩm sẽ mở ra với tất cả các sự cảm thụ từ mọi người, bao gồm chính nghệ sỹ. Sự cảm thụ (perception) ở đây được hiểu là sự nắm bắt những dữ liệu một cách trực quan từ tác phẩm, bao gồm hai quá trình: sự tri hiểu ý tưởng của tác phẩm một cách khách quan, cùng lúc ấy là sự diễn giải tác phẩm một cách chủ quan, và đến đây thì cảm xúc xuất hiện như hệ quả của hai quá trình trên và sẽ là tùy thuộc vào cách thức chủ quan của mỗi người, chứ hoàn toàn không nằm trong chủ ý của tác giả.

Dạng nghệ thuật với mục đích chủ yếu gây xúc cảm thị giác sẽ đuợc gọi là nghệ thuật cảm thụ (perceptual) chứ không phải nghệ thuật ý niệm (conceptual). Những dạng nghệ thuật ấy bao gồm Optical art (nghệ thuật ảo thị), Kinetic art (nghệ thuật động lực), Light art & Color art (nghệ thuật duy sắc và nghệ thuật vị quang).

Bởi các chức năng của ý niệm và cảm thụ tương phản với nhau (một cái gây tác động trong lúc tiếp cận – còn cái kia gây tác động sau khi tiếp cận đối vật). Do đó, trong nghệ thuật vị niệm, những yếu tố thuộc về thiên hướng nghệ sỹ thông thường như khiếu thẩm mỹ, sự đồng bóng hay các tính chất bất thường đều phải được loại bỏ. Dáng vẻ trông không hay ho gì của tác phẩm không nhất thiết là lý do để quẳng nó đi. Đôi khi những gì mới đầu trông có vẻ ngô nghê thì lại chính là sự mãn nhãn sau này.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Một tác phẩm của Giulio Paolini, sự tổng hòa kỳ lạ giữa ngô nghê và bình thản

Nghi vấn về kỹ năng nghệ thuật

Điểm khác biệt quan trọng nhất của nghệ thuật vị niệm so với những dạng làm nghệ thuật “truyền thống hơn” chính là ở câu hỏi về kỹ năng nghệ thuật (hay có thể nói một cách khác là những đòi hỏi về hàm lượng/tính chất kỹ nghệ riêng biệt trong mỗi tác phẩm).

Với nghệ thuật vị niệm, ý đồ ẩn giấu trong tác phẩm quan trọng hơn sự thực hiện vật chất của tác phẩm. Vì vậy, không nhất thiết tác phẩm phải hoàn hảo, không nhất thiết tác giả phải tự tay đẽo gọt hay chụp, vẽ mà có thể người khác làm hộ, thậm chí chỉ cần tập hợp một số tư liệu (vật linh tinh, giấy đã đánh máy, ảnh không chuyên nghiệp, áp phích…) cốt làm rõ ý niệm ra cũng đủ làm nên một tác phẩm.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_

Đôi khi, (điển hình như tác phẩm của Robert Barry, Yoko Ono hay Weiner) nghệ thuật ý niệm được tối giản đến mức chỉ gói gọn trong một bộ hướng dẫn mô tả tác phẩm, và dừng lại ở những ý tưởng trên giấy mà thiếu hẳn đi bước thực hiện nó. Cách thức ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng nghệ thuật, bản thân ý tưởng đã có một đời sống riêng độc lập mà không cần phải được xử lý thông quan một số kỹ thuật để hiện diện trong một tạo tác nhất định.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Tác phẩm trang trí tường của Sol Lewitt chỉ dừng lại ở bản thiết kế trên giấy tờ như thế này thôi!

Tuy vậy, nếu không có những kỹ năng nghệ thuật đặc biệt (chẳng hạn như khả năng sử dụng màu sắc như một dấu hiệu chuyên nghiệp trong thiết kế quảng cáo, hay khả năng trình vận dụng cơ thể điêu luyện) thì những tác phẩm ý niệm như các bức ảnh của John Baldessari, hay những tác phẩm nghệ thuật trình diễn (performance art) của Stelarc M. Abramovic sẽ không thể tồn tại.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Những tác phẩm ấn tượng trên tạp chí của John Baldessari

Như vậy, mặc dù tồn tại một thực tế là những kỹ năng (thường xuyên được các nghệ sỹ trước đây rèn giũa, nhằm điều khiển, khai thác những phương pháp sáng tác nghệ thuật truyền thống) giữ một vai trò rất nhỏ trong nghệ thuật vị niệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là các tác phẩm vị niệm không đòi hỏi bất cứ một kỹ năng cụ thể nào. Chỉ đơn thuần là sự nhấn mạnh vào quá trình tư duy đã vô tình đem lại cho loại hình này một dáng vẻ coi thường với những quan niệm hiện đại thông thường về sự hiện diện của tác giả và những bộc lộ nghệ thuật cá nhân.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_

“One and Three Chairs” của Joseph Kosuth là một ví dụ về tư liệu bằng chứng (document), nhưng sự can thiệp của tác giả chỉ dừng ở mức ý tưởng mà thôi. Tác phẩm cũng ‘thật’ là ý niệm ‘Một cái ghế là gì?’ ‘Chúng ta biểu đạt một cái ghế như thế nào?’ và vì vậy ‘Mỹ thuật là gì?’ và ‘Sự biểu đạt là gì?’ Ba thành tố mà chúng ta có thể thật sự trông thấy trong tác phẩm : một bức ảnh của cái ghế, một cái ghế thực và định nghĩa về một cái ghế được treo bên cạnh. Chúng nói về chính chúng: nó là một cái ghế rất đỗi bình thường, định nghĩa đó là một sao chụp từ một tự điển, và tấm ảnh thậm chí cũng không được chụp bởi Kosuth nữa- chẳng hề có bàn tay của người nghệ sĩ trong tác phẩm này.

Lịch sử

1. Hoàn cảnh ra đời

Nghệ thuật vị niệm nổi lên như một trào lưu từ những năm 1960, ban đầu xuất hiện như một phần của phản ứng đối với chủ nghĩa hình thức (formalism) và xu hướng thương mại hóa của nghệ thuật hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.

Chủ nghĩa hình thức quan niệm rằng: Nghệ thuật hiện đại đã và đang thẳng tiến trong một quá trình liên tục tối giản và chắt lọc, nhằm tiệm cận mục tiêu: ấy là định vị được bản chất cốt lõi và chính thức cho mỗi phương thức sáng tác. Những yếu tố đi ngược lại bản chất đó sẽ phải được cắt giảm.

 Ví dụ như sáng tác hội họa, chủ nghĩa hiện thực khẳng định bản chất cốt lõi của hội họa chỉ là những vật thể phẳng đặt trên bề mặt canvas, được áp dụng các sắc tố màu, còn các yếu tố như biểu tượng hóa, phối cảnh tạo ảo giác 3D,……đều không liên quan đến bản chất của loại hình hội họa, do đó cần được gỡ bỏ.

Chính biểu hiện có vẻ như phi vật chất hóa đó trong chủ nghĩa hình thức đã từng khiến nghệ thuật vị niệm khi mới hình thành bị đánh giá đơn thuần chỉ là một sự tiếp tục ý tưởng của chủ nghĩa hình thức trong cách thức xóa bỏ sự cần thiết của yếu tố vật chất. Tuy nhiên, sự xem nhẹ yếu tố vật chất trong nghệ thuật vị niệm không phải là cách để diễn giải, sắp xếp nghệ thuật, mà là để phân ranh giới giữa nghệ thuật đích thực (với nhiều nội dung được ẩn giấu) và sản phẩm thủ công nghiệp (art & craft) (những sản phẩm để ngắm nhìn nhiều hơn là suy ngẫm, chỉ đơn thuần là kết quả của kỹ thuật thủ công tinh tế thay vì sự lao động trí óc cần mẫn của nghệ sỹ).

Nghệ thuật vị niệm cũng phản kháng lại sự thương mại hóa đang phát triển ngày càng có hệ thống lúc bấy giờ. Cho đến giữa thế kỷ XX, bảo tàng mỹ thuật đảm nhiệm những vai trò như một ngôi nhà thờ hay một ngôi đền vậy: sự thinh lặng cung kính, sự sùng bái những vật thiêng liêng mà nó gìn giữ và bảo tồn. Trào lưu nghệ thuật này như một nỗ lực lật đổ các gallery hay viện bảo tàng khỏi vị trí là địa điểm hay người quyết định nghệ thuật, cũng như đẩy thị trường buôn bán nghệ thuật ra khỏi vị trí của người làm chủ và nhà phân phối nghệ thuật.

Lawrence Weiner thuộc thế hệ tiên phong của nghệ thuật vị niệm đã phát biểu như sau: “Một khi bạn đã biết đến một tác phẩm của tôi, sẽ không còn cách nào cho tôi có thể trèo vào trong đầu bạn mà xóa bỏ đi định hình bạn đã có về nó.” Những ý niệm nảy sinh trong tư duy của công chúng trước một tác phẩm nghệ thuật mới chính là nơi lưu giữ, là yếu tố quyết định, làm chủ và phân phối tác phẩm nghệ thuật đó.

2. Sự hình thành và phát triển

Nghệ thuật vị niệm có thể được xem là đạt đến tột đỉnh cũng như cơn khủng hoảng của nó vào những năm 1966 – 1972. Thuật ngữ “conceptual art” được sử dụng phổ biến đầu tiên khoảng năm 1967, nhưng thực sự có thể xem một số hình thức nghệ thuật khái niệm đã tồn tại suốt thế kỷ 20. Những biểu hiện sớm nhất của nó thường được cho là những ‘readymade object’ (các vật thể được làm sẵn hàng loạt) của nghệ sĩ Pháp Marcel Duchamp. Nổi tiếng nhất là cái bồn tiểu mang tên ‘Fountain’ được đặt nằm mặt lưng trên một cái bệ và ký tên R Mutt, Duchamp đã mang nó đến triển lãm của Hiệp hội Nghệ sĩ Độc Lập ở New York như một tác phẩm mỹ thuật vào năm 1917. Trước Fountain người ta dường như chẳng hề bận tâm tác phẩm mỹ thuật là gì, hay nó có thể thể hiện theo cách như thế nào; họ chỉ cho rằng mỹ thuật hoặc là tranh vẽ hoặc là tượng điêu khắc mà thôi. Nhưng chẳng ai xem Fountain như là một tác phẩm điêu khắc.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Fountain, Marcel Duchamp,(1917).

Một tác phẩm mỹ thuật thường hành xử như thể nó là một lời tuyên bố: ‘Đây là một bức tượng của anh hùng David trong kinh Cựu ước của Michelangelo’; hay ‘Đây là bức chân dung của Mona Lisa’. Dĩ nhiên chúng ta có thể đặt câu hỏi ‘Tại sao Michelangelo lại tạc tượng David gấp đôi kích thước thật?’ hay ‘Mona Lisa là ai?’. Ngược lại, ready-made được giới thiệu: ‘Đây là một cái bồn tiểu’, không như một tuyên bố mà như một câu hỏi hay một sự thách thức: ‘Phải chăng cái bồn tiểu này là một tác phẩm mỹ thuật? Hãy hình dung nó như là một tác phẩm mỹ thuật!’

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
LHOOQ của Duchamp: ‘Cố gắng hình dung bản sao của Mona Lisa với hàng ria mép này như một tác phẩm mỹ thuật, đừng chỉ như bản sao bôi nhọ của một tác phẩm mỹ thuật mà như một tác phẩm mỹ thuật đúng nghĩa của nó.’

Cách thức liên tưởng với một nền tảng lý thuyết khác thường của Duchamp, tiếp nối sau là những hành động phản mỹ thuật của Phái Dada đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nhà nghệ thuật vị niệm tương lai, cụ thể Joseph Kosuth – nghệ sỹ vị niệm tiêu biểu của Mỹ đã viết rằng: “Toàn bộ nghệ thuật (kể từ sau thời của Duchamp) đều mang tính chất ý niệm (như là bản chất sáng tạo) bởi nghệ thuật đã được tìm ra vị trí hiện hữu đích thực cho nó: nghệ thuật chỉ có thể tồn tại một cách ý niệm mà thôi.”

Nghệ thuật vị niệm đã thực sự trở thành một hiện tượng quốc tế. Trong những năm 1960 có vẻ như người ta có thể tìm thấy nó được tạo ra ở San Diego, Prague và Buenos Aires cũng như New York, với vô vàn những hình thái: từ hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc, sắp đặt, cho đến những dạng thức chưa từng có trong những tác phẩm trình diễn mang tính chất ngẫu nhiên, sự cố (happening) hay nhất thời.

Những phương thức thể hiện tiêu biểu

Khác với những trào lưu nghệ thuật đi trước, trong nghệ thuật vị niệm không có bất kỳ một phong cách cụ thể và cố định nào. Một tác phẩm ý niệm có thể là bất cứ thứ gì, có thể trông như bất cứ hình tướng nào. Nhưng gói gọn lại, những xu hướng biểu hiện tiêu biểu nhất của nghệ thuật vị niệm và vẫn còn tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật đương đại ngày nay có thể kể đến như sau:

1. Ngôn ngữ

Cho đến thập niên 60, việc sử dụng chữ trong nghệ thuật đã không còn gì mới lạ, những dòng chữ đã thường xuyên xuất hiện như một yếu tố thị giác trong các bức tranh của trường phái Lập thể. Tuy vậy, không giống với những tiền bối đi trước chỉ tận dụng hình thức của chữ viết, các nghệ sỹ vị niệm thực sự đã khai thác “ngôn ngữ” một cách toàn bộ (không chỉ biểu hiện, mà còn là ý nghĩa, lịch sử của từng con chữ). Họ chính xác là những nhà ngôn ngữ học. Ngôn ngữ vẫn là biểu thị của chính nó, bên cạnh một ý tưởng nghệ thuật. Những tác phẩm nghệ thuật dựa trên chất liệu văn bản thường sử dụng những hình thức trừu tượng, ví dụ như dưới dạng một mệnh lệnh đột ngột, một tuyên bố mập mờ hay thậm chí chỉ là một từ đơn lẻ.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Benjamin Vautier – một đại diện ưu tú của nghệ thuật ý niệm từ nước Pháp. Ông ngồi đàng hoàng trước mặt khán giả , tay cầm tấm bảng viết mấy chữ : Cứ nhìn tôi là đủ. Đối với Ben, không nói gì cả cũng là tác phẩm.
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Ảnh chụp tác phẩm “Bits & Pieces Put Together to Present a Semblance of a Whole”, Lawrence Weiner (2005), typography trên tường, chất liệu nhôm cắt bằng laser.
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
John Baldessari , “The pencil story” (Câu chuyện một bút chì) : “Từ lâu, tôi đã có chiếc bút chì cũ này trên bảng điều khiển ở xe ô tô. Mỗi lần nhìn nó, tôi đều cảm thấy khó chịu bởi đầu bút quá nhàm tẻ và bẩn thỉu. Tôi đã luôn có ý định gọt nhọn nó, và cuối cùng khi không thể chịu đựng được thêm nữa, tôi đã gọt cái bút ấy. Tôi không chắc, nhưng tôi nghĩ rằng điều này có một mối liên hệ nào đó với nghệ thuật.”
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
“One Hundred Live and Die” (1984) của nghệ sĩ người California Bruce Nauman là một ví dụ điển hình cho mỹ thuật được biểu đạt bằng những ngôn từ. Người xem, giống như một đứa trẻ đang học đọc, được yêu cầu luyện đọc một bảng những cặp từ mà càng lúc càng chói tai và cảm giác bất an. Nó được làm bằng đèn neon, một phương tiện mà chúng ta thường thấy làm bảng hiệu cửa hàng và được sử dụng với kích thước tương tự, lắp đầy phòng triển lãm cùng với một âm thanh phát ra rất khó chịu.
2. Sự can thiệp (Intervention)

Phương tiện biểu hiện này được thể hiện ở chỗ: một hình ảnh, một câu chữ hay một vật gì đó được đặt vào một ngữ cảnh không được mong đợi, vì thế lôi kéo sự chú ý cũng như làm nảy sinh chất vấn về ngữ cảnh đó.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Untitled (Bed), Felix Gonzalez-Torres, 1991.

Một ví dụ về sự can thiệp là dự án pa-nô quảng cáo của nghệ sĩ Mỹ Felix Gonzalez-Torres, mà trong đó anh ta đã dùng bức ảnh chụp một cái giường đôi không người với tấm trải giường nhàu nát để làm thành 24 tấm pa-nô quảng cáo bày ở những địa điểm khác nhau khắp nơi ở New York. Điều này có ý nghĩa gì? Chẳng có ngôn từ hay chú giải gì kèm theo cả. Với người qua đường nó có thể mang nhiều ý nghĩa, lệ thuộc vào chính những hoàn cảnh của họ. Nó nói về tình yêu và sự xa vắng: giường đôi thường để cho những người tình chia sẻ cùng nhau. Đó là những gì mà nhiều người chúng ta thường nhìn thấy trước khi đi làm vào buổi sáng. Đây là một hình ảnh riêng tư một cách khác thường khi được trưng bày ở mọi nơi như chúng ta đã thấy nó và dĩ nhiên cái môi trường hay ngữ cảnh đó đã trở thành một phần trọng yếu trong ý nghĩa của nó. Có lẽ một vài người qua đường nhận ra rằng nó là tác phẩm của Gonzalez-Torres và đoán rằng đó là hình ảnh cái giường của anh ta và người tình Ross, người mà gần đây đã qua đời vì bệnh AIDS. Nhưng những ý nghĩa đặc biệt riêng tư đó chẳng cần phải thuận theo: ý nghĩa là những gì mà mỗi chúng ta tự khám phá về nó.

3. Tư liệu bằng chứng (document)

Ở loại hình này, tác phẩm được kiến tạo với một dáng vẻ vô cùng khách quan, chân thực trong sự tồn tại hữu hình cả không gian và thời gian. Ở đây, ý niệm hay hành động được giới thiệu thông qua những bằng chứng cụ thể : ghi chú, bản đồ, biểu đồ, tranh, ảnh, dưới dạng tổng hợp, sưu tầm trong cả một quá trình không hề ngắn.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
“Post-Partum Document” (1975), Mary Kell, ghi lại mối quan hệ của Kelly và con trai của cô trong khoảng thời gian là 6 năm. Được vẽ dựa trên tư tưởng nữ quyền đương đại và đặc biệt là nền tảng phân tâm học, tác phẩm là cuộc khám phá của một nữ nghệ sỹ trong những mâu thuẫn giữa vai trò sáng tạo và thiên chức sinh nở. Theo Kelly, tác phẩm đã lần ra những khác biệt  giữa “chính kinh nghiệm làm mẹ của bản thân với những phân tích của cô về trải nghiệm đó”. Để làm nên những “tấm tư liệu” này, Kelly đã ghi chép và nghiền ngẫm một số cuộc đối thoại của mình với con trai, để rồi sau cùng con trai cô lại vẽ nguệch ngoạc lên những bản ghi chép cẩn thận ấy.
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
One and Three Tables (1965), Joseph Kosuth, thuộc một chuỗi tác phẩm của ông với các đối tượng quen thuộc là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như bàn, ghế, đèn, chổi,…. Mỗi tác phẩm đều gồm một vật thể thực, đặt bên cạnh tấm ảnh chụp và bản in định nghĩa vật dụng ấy theo từ điển.
4. Nghệ thuật trình diễn

Người nghệ sỹ sẽ sử dụng chính những hành động của mình để bộc lộ ý tưởng và các chất vấn, và đó có thể là trình diễn kết hợp với cả một quá trình tương tác trực tiếp hay chỉ là vài khoảnh khắc được lưu giữ bởi chụp ảnh hay quay lại video.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Ewa Partrum đã sử dụng nghệ thuật trình diễn như một phương tiện để sáng tác thơ. Bà đã cắt những chữ cái rời rạc từ những tờ giấy, rồi rải chúng trong thành phố và một số khu vực nông thôn, trước khi thu nhặt lại những mảnh ghép và kiến tạo lại thành một bài thơ hoàn chỉnh. Mở đầu bằng việc gỡ bỏ, bẻ nhỏ ngôn ngữ đến từng con chữ như vậy, người nghệ sỹ đã ám chỉ tác phẩm của mình là quá trình tái khám phá cấu trúc thật sự của ngôn ngữ.
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Còn với McLee, ông lại sử dụng nghệ thuật hình thể trong màn trình diễn của mình như sự chất vấn với chuẩn mực kiến trúc và điêu khắc truyền thống. Các tư thế của ông như những lời bình luận hóm hỉnh nhưng mỉa mai về những gì ông cho là hoành tráng rình rang trong các tác phẩm điêu khắc với chân cột trụ lớn kinh điển.
5. Nhiếp ảnh ý niệm

Sự biến hóa đa dạng từ đối tượng, góc tiếp cận cho đến kỹ thuật xử lý ảnh hậu kỳ là những yếu tố đặc biệt của thể loại nhiếp ảnh khiến loại hình này trở thành “miền đất hứa” với các nghệ sỹ vị niệm.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_

Ảnh hưởng của nghệ thuật ý niệm

Không chỉ mỗi cấu trúc của thế giới nghệ thuật đã bị các nghệ sỹ vị niệm đặt câu hỏi, trong phần lớn các tác phẩm ý niệm tồn tại một chiều sâu chính trị xã hội, thông thường là sự bất mãn với những thoái hóa của xã hội hay chế độ chính trị đương thời, giữa một thời kỳ có thể coi là sự trở mình mạnh mẽ, khốc liệt nhất của lịch sử loài người (thế kỷ XX). Chính bởi đặc điểm lịch sử đó mà một điều rất quan trọng khi đánh giá nghệ thuật vị niệm đó là ta phải hiểu nó trong một chuỗi các trào lưu “avant-garde” (ý tưởng nghệ thuật tân tiến, hiện đại) bao gồm : Chủ nghĩa lập thể, Da –da, Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, Pop art,…, của thế kỷ XX, chuỗi trào lưu đã luôn tự ý thức để mở rộng ranh giới của nghệ thuật. Những nghệ sỹ ý niệm có thể coi là những đại diện cuối cùng vươn đến điểm cuối của truyền thống tiên phong trong chuỗi trào lưu “avant-garde”.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_

“The Coca-Cola Project”, Cildo Meireles. Tác phẩm đi sâu khám phá khái niệm về lưu thông, trao đổi hàng hóa, của cải và thông tin như những tuyên ngôn của chủ nghĩa thống trị. Cách thức triển khai dự án của Meieles như sau: ông lấy những chai Coca-Cola ra khỏi quá trình lưu thông bình thường, biến đổi chúng bằng cách viết thêm những tuyên bố chính trị, hay thậm chí là những hướng dẫn để biến chai thủy tinh đó thành ‘Molotov cocktail’ (bom xăng), rồi sau đó lại trả tác phẩm của mình trở lại mạch lưu thông của nó, tiếp tục là một phương tiện của thông tin đại chúng. Khi thứ chất lỏng màu nâu sẫm dần dần rút bớt khỏi chai (được tiêu dùng) thì những câu lệnh in bằng chữ trắng trên nền nhãn trong suốt ở thân chai sẽ theo đó mà dần biến mất. Và chúng sẽ chỉ rõ ràng trở lại khi chiếc chai được làm đầy lại quá trình tái lưu thông. Meireles muốn chỉ ra rằng: Coca-Cola không chỉ là một thương hiệu hàng đầu toàn cầu, mà trên phương diện chính trị, nó còn là biểu tượng của chủ nghĩa tiêu dùng tư bản.

Những ý tưởng đột phá xoay quanh chất liệu, phương thức, vai trò của nghệ sỹ và khán giả đã nhen nhóm, định hình những tư tưởng đầu tiên cho nghệ thuật đương đại (contemporary art). Bên cạnh đó, phương thức biểu đạt từ nền tảng conceptual art là sắp đặt (installation art) , trình diễn (performance art) và đặc biệt là nhiếp ảnh ý niệm cũng nhanh chóng phát triển cho mình một đời sống riêng, trở thành những bộ phận độc lập của nghệ thuật thị giác đương đại.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Minh họa bìa album của nhóm nhạc Maroon 5 mang đậm ảnh hưởng của trào lưu vị niệm
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Phong cách thiết kế lấy cảm hứng từ trào lưu nghệ thuật vị niệm của Kevin Azzopardi đã từng gây sốt mùa mốt thu đông 2013, đặc biệt là với những mẫu giày nam.

Trong nền nghệ thuật đương đại ngày nay, đã tồn tại một khuynh hướng hiểu về các tác phẩm nghệ thuật từ khía cạnh ý tưởng, khái niệm. Do đó rất khó để có thể định rõ đâu đích xác là nghệ thuật vị niệm, còn đâu thì không phải. Sự phát triển của công nghệ trong sáng tạo nghệ thuật càng xóa nhòa ranh giới của những ý tưởng và sự thực hành, và thông qua đó sự giao thoa giữa nghệ thuật vị niệm và những vùng nghệ thuật khác càng mở rộng.

Điển hình cho new art media mang đậm tính chất ý niệm phải kể đến các tác phẩm của Jenny Holzer.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Sự kết hợp của video installation art và chất liệu ngôn ngữ mang đậm đặc trưng của nghệ thuật ý niệm

Computer Codes Art (Nghệ thuật code lập trình máy tính) cũng được cho nhìn nhận như một phương thức sáng tạo kế thừa trào lưu nghệ thuật vị niệm trong thời đại công nghệ số.

nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Ok Cupid Compatibility Calculation, Chris Coyne, Max Krohn, Sam Yagan, Christian Rudder (2003)
nghe-thuat-vi-niem-conceptual-art-la-gi_
Hypothetical Beats, Anthony Ferraro (2015)

Kết luận

Bất chấp sự thật rằng những nghệ sỹ conceptual art mãi mãi là những kẻ khác biệt và cô độc, và rằng trào lưu vị niệm chưa bao giờ có được đời sống hào quang trong công chúng bên ngoài giới nghệ thuật, nhưng những tư tưởng cách tân mang đầy tính thách thức và chất vấn của trào lưu vị niệm đang và sẽ là mạch ngầm trong những đột phá mới của nghệ thuật đương đại.

bởi Quốc Cường vào | 390 lượt xem

Có thể bạn muốn xem