Thầy trò Đường Tăng mỗi người một tính cách, biểu tượng cho tất cả những tâm tính bên trong mỗi con người. 5 người đại diện cho Thân, Tâm, Tình, Tính, Ý. Họ cùng nhau tu tâm dưỡng tính, chăm chỉ tu hành, không ngại gian khổ đi lấy kinh, nhưng kết quả có được lại khác nhau. Sau khi đưa được chân kinh về Đông Thổ, mỗi người lại có một cái kết khác nhau.
Bạch Long Mã
Dù không có nhiều đất diễn nhưng Bạch Long Mã vẫn là một trong những nhân vật quan trọng trong hành trình đi lấy chân kinh. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Bạch Long Mã được phong là Bát Bộ Thiên Long. Dù cùng thầy trò Đường Tăng chịu khổ, vượt mọi khó khăn nhưng gần như Bạch Long Mã không cần phải tu hành quá nhiều về tâm tính. Con ngựa này như những người già, chỉ có thể cam chịu cực khổ, chấp nhận gian lao mà từ từ tích lũy, tu lên. Họ tu luyện chậm rãi, kết quả cũng không cao, đến cuối vẫn khó thoát khỏi tam giới.
Sa Tăng
Sa Tăng sau khi lấy được kinh được phong làm La Hán Chính Quả. Đây là nhân vật để lại nhiều nuối tiếc nhất cho khán giả khi không được thành Phật. Bởi lẽ người này siêng năng, cần cù, không ngại khó khăn, vất vả. Suốt cả hành trình, chỉ có Sa Tăng mang vác hành lý, cũng chẳng bao giờ khiến sư phụ phật lòng. Nhưng khuyết điểm của Sa Tăng chính là tính cách không có chính kiến, không dám đứng lên chống lại những thói hư tật xấu của Trư Bát Giới, cũng không dám đứng lên bảo vệ cái đúng. Ví dụ rõ nhất là khi Tôn Ngộ Không bị trách mắng rồi đuổi đi, dù biết sư huynh không sai nhưng Sa Tăng vẫn im lặng.
Trư Bát Giới
Bát Giới là nhân vật biểu tượng cho dục vọng, ham muốn của con người. Hắn hội tụ nhiều thói xấu như ham ăn, ham ngủ, lười biếng... Dù có cơ hội để tu tâm tu tính nhưng Bát Giơi lại lười biếng, u mê mãi không thoát ra nổi. Không chỉ vậy, hắn còn thường xuyên đố kỵ với Tôn Ngộ Không. Vì thế mà việc Bát Giới không tu được kết quả cao không có gì lạ. Sau cùng, Bát Giới chỉ có thể là Tịnh Đàn Sứ Giả.
Tôn Ngộ Không
Tôn Ngộ Không sở hữu 72 phép thần thông biến hóa. Nhưng tính khí lại cao ngạo, ngang bướng và luôn ngỗ ngược. Sau khi gặp Đường Tăng, Ngộ Không dần cởi bỏ được sự hiếu thắng, ngông cuồng của mình. Ngộ Không không ba phải, nhu nhược như Đường Tăng, không ham muốn sân si như Bát Giới. Nhân vật này một lòng hướng về Tây Thiên.
Tôn Ngộ Không chính là đại diện cho cái tâm của người tu hành. Sau khi khổ luyện, trải qua đủ mọi kiếp nạn, Ngộ Không đã thay đổi hoàn toàn và được làm Đấu Chiến Thắng Phật.
Đường Tăng
Đường Tăng đứng đầu trong Ngũ vụ nhất thể là Thân. Cũng bởi vì Tam Tạng là Thân nên chính kiến của người này còn phụ thuộc vào sự tranh đấu giữa Tâm (Tôn Ngộ Không) và Tình (Trư Bát Giới). Thực tế thì Đường Tăng nhiều lần vì cái tâm lương thiện, không phân biệt được thật giả thiện ác của mình mà làm hại đệ tử. Đường Tăng cái gì cũng ngờ nghệch, chỉ có thể chuyên chú vào tu hành. Trong quá trình lấy chân kinh, cùng học trò trải qua được hết 81 kiếp nạn là đã viên mãn với quá trình tu hành, được phong quả vị là Chiên Đàn Công Đức Phật.
bởi Quốc Cường vào | 337 lượt xem