Xu Hướng Đi Làm Chỉ Bỏ Công Sức Đúng Với Số Lương Được Nhận

Xu hướng “làm việc theo đúng mức lương” đang ngày càng trở nên phổ biến nhưng cũng có không ít người phản đối cách làm việc này.

Việc các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển là cơ hội để nhiều người trẻ được tự do, thoải mái bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề trong cuộc sống. Hầu hết các chủ đề như gia đình, mối quan hệ hay những câu chuyện liên quan đến môi trường làm việc, chốn công sở đều nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Cũng từ đó, nhiều xu hướng, thuật ngữ mới trong công việc đã được sinh ra. Chẳng hạn, gần đây nhất là trào lưu “quiet quitting” (nghỉ việc trong im lặng) đang ngày càng phổ biến. Hay một làn sóng mới cũng được chú ý không kém đến từ những người lao động là “acting your wage” (làm việc theo mức lương) hoặc nói nôm na là lương bao nhiêu, làm việc bấy nhiêu.

Chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận

Giống như thời kì đầu của xu hướng nghỉ việc trong im lặng, làm việc theo đúng mức lương đang là xu hướng bùng nổ trên các nền tảng mạng xã hội, điển hình là TikTok. Theo đó, xu hướng này đề cập đến việc nếu sếp chỉ trả cho bạn mức lương tối thiểu, bạn cũng chỉ nên làm việc ở mức tối thiểu.

Hay cụ thể hơn, nếu công ty và người quản lý không đồng cảm, động viên hay trả bạn một mức lương xứng đáng để bạn làm việc mà không sợ bị la mắng hoặc lạm dụng, thì không có lý do gì để bạn làm việc thêm giờ hay đặt công việc lên hàng đầu.

Xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận - Ảnh 1.

Chia sẻ với Insider, Soto - một người dùng TikTok nổi tiếng với các video ví dụ về xu hướng này cho biết: “Khi áp dụng cách làm việc này, bạn sẽ không cần cố gắng hoàn tất cả mọi việc được giao. Tại sao bạn lại phải đảm nhận khối lượng công việc của 2-3 người khi bạn chỉ được trả mức lương đủ sống”.

Trên thực tế, đây không phải điều khó bắt gặp bởi có rất nhiều công ty trả lương cố định cho nhân sự. Tức là, nếu bạn hoàn thành công việc trong vòng 8 tiếng giờ hành chính, bạn sẽ nhận một mức lương cụ thể. Và đương nhiên, nếu bạn “ôm” việc về nhà, hay làm nhiều hơn định mức, con số này cũng sẽ không tăng lên.

Có thể nói, đó chính là một phần lý do khiến hội làm công ăn lương không muốn cống hiến hay nỗ lực trong công việc. Họ chỉ làm đúng và đủ, hết giờ làm việc sẽ không nhận bất cứ cuộc gọi hay tin nhắn nào từ sếp và đồng nghiệp.

Nếu muốn thăng tiến nhanh, đừng phàn nàn về khối lượng công việc

Với những người ủng hộ phong cách làm việc này, họ đều cho rằng không có lý do gì để tiếp tục làm việc sau giờ hành chính hoặc ngày nghỉ cuối tuần. Hơn nữa, họ cũng sẽ không đảm nhận những đầu việc nằm ngoài nghĩa vụ của bản thân.

Thế nhưng, nhiều người khác lại không đồng tình với xu hướng này. Họ cho rằng làm việc theo đúng mức lương chỉ dành cho những ai thích ổn định, không có nhu cầu thăng tiến hay tăng thu nhập.

Xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận - Ảnh 2.

Jack Delosa, người sáng lập nhà cung cấp dịch vụ The Entourage bày tỏ: “Làm việc theo đúng mức lương là một xu hướng cho những người không có ý định muốn thăng tiến nhanh chóng trong công việc. Nếu đi theo phong cách làm việc như vậy vì muốn ưu tiên đảm bảo cân bằng công việc và cuộc sống thì bạn cần tìm một công ty có văn hóa phù hợp. Tuy nhiên, đừng ngồi ở vị trí cao, yêu cầu sự nghiệp phải thăng tiến nhưng lại phàn nàn về khối lượng công việc mà vị trí đó phải đảm nhận”.

Thật vậy, theo một cuộc thăm dò của Gallup, chỉ có 33% người lao động tại Mỹ đang thực sự làm công việc của họ. Hơn 50% tự nhận định rằng họ "chỉ xuất hiện tại công ty” và 17% mô tả bản thân là kiểu làm việc "tích cực thảnh thơi".

Những người này thiếu sự kết nối thực sự chặt chẽ với công việc của họ. Họ có thể sẽ nói xấu sau lưng người quản lý, ngồi lê đôi mách, tung tin đồn và đối xử thô lỗ với khách hàng. Đương nhiên, thái độ độc hại này có thể lây nhiễm cho những người đồng nghiệp khác và gây bất lợi cho công ty.

Khi đề cập đến những xu hướng mới tại nơi làm việc như thế này, Wendy Syfret, tác giả của The Sunny Nihilist thừa nhận rằng những thuật ngữ gây tranh cãi này thực chất chỉ là “sự cô đọng các quyền của người lao động”. Wendy cho biết, hành vi “làm việc theo mức lương” không phải quá mới mẻ hay chỉ xuất hiện ở thế hệ trẻ. Bản thân Wendy cũng đã từng yêu cầu nhân viên hoàn thành một số việc và nhận được phản hồi từ họ đại loại như: “Tôi rất muốn giúp bạn làm điều này nhưng những việc này không nằm trong khung lương mà tôi được nhận nên tôi sẽ làm nếu nó được tính thêm vào lương của mình”.

Về xu hướng làm việc này, Wendy cho rằng những người lãnh đạo sẽ không vui nếu nhân viên từ chối làm việc mà họ giao. Nhưng nhìn chung, dù không đồng ý với quan điểm làm việc của một ai đó, Wendy cho rằng cô vẫn sẽ tôn trọng quyền đứng lên và đấu tranh vì lợi ích bản thân của những người này.

Xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận - Ảnh 3.

Thẳng thắn nêu vấn đề là cách tốt nhất trong môi trường làm việc

Theo Forbes, cách giải quyết vấn đề tốt nhất là nhân viên nên trình bày suy nghĩ và cho lãnh đạo biết họ cảm thấy "bị coi thường, không được trọng dụng". Qua đó, sếp và nhân viên có thể cùng nhau tìm ra giải pháp cải thiện tình hình.

Ngoài ra, thay vì than vãn và làm chậm lại quá trình hoàn thành công việc, hãy chứng minh cho sếp của mình thấy được trách nhiệm trong công việc, nhiệt huyết và hoàn thành nó một cách chỉn chu nhất.

Khi đó, năng lực của bạn sẽ được chú ý, các nhà tuyển dụng sẽ nghe về bạn và săn lùng bạn cho những vị trí được trả lương cao hơn tại các công ty khác. Sự tự tin và các kỹ năng của bạn cũng sẽ được nâng cấp. Cách “trả thù” tốt nhất đối với sếp và công ty của bạn là thành công và kiếm được nhiều tiền hơn họ kiếm được.

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 996 lượt xem

Có thể bạn muốn xem