Sẵn sàng cho tâm lý chuẩn bị dọn nhà ngày Tết
Dọn nhà ngày Tết sẽ trở thành một trải nghiệm khủng khiếp nếu như chúng ta không chuẩn bị tâm lý trước. Hay nói cách khác, lúc nào chúng ta còn nghĩ dọn nhà không phải là chuyện nhỏ như con thỏ mà không cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, thì ngày đó chúng ta còn "khổ".
Theo các chuyên gia (dọn nhà cũng có chuyên gia đàng hoàng đấy nhé), sau khi chúng ta đã thấm cái giá của sự bề bộn, thì đừng vội bắt tay vào dọn liền. Thay vào đó hãy lên kế hoạch tỉ mỉ và cẩn thận, như bước vào một trận chiến lớn. Cụ thể, trận chiến dọn nhà ngày Tết sẽ phải bắt đầu bằng 3 bước theo thứ tự như sau.
Hãy tưởng tượng về chuyện dọn dẹp nhà cửa
Đây là bước đầu tiên, rất quan trọng của chuyện dọn nhà. Theo đó, thay vì ngồi liệt kê ra một danh sách dài cả trang những việc cần trong trải nghiệm dọn nhà thì hãy tự trả lời câu hỏi rằng: Rốt cuộc, mình muốn ngôi nhà ngày Tết của mình sạch đẹp như thế nào? Đây là một câu hỏi khoa học hẳn hoi, vì nó là tiêu chuẩn cần thiết để mỗi hộ gia đình biết khi dọn nhà nên giữ lại cái gì và cái gì đáng vứt đi, khỏi tốn thêm thời gian ngồi hoài công tiếc của không cần thiết.
Ví dụ cụ thể, nếu bạn muốn nhà mình ngày Tết thật rộng rãi để có thể chiêu đãi những bữa ăn đông vui thì phải chấp nhận dọn bớt một số đồ đạc đi - bắt buộc phải có sự đánh đổi như vậy. Trong khi đó, nếu bạn muốn nhà mình ngày Tết sang trọng thì phải chấp nhận bỏ những đồ cũ, thay thế đồ mới…Điều này cũng nhất định phải quyết liệt như thế.
Cứ thế, mỗi nhà sẽ có một “tướng lĩnh” đứng ra “chịu trách nhiệm dọn nhà ngày Tết”, người này có thể là bố hoặc mẹ, hay ông bà đều được. Và phải là một người biết hình dung ra căn nhà của mình sau khi dọn dẹp sẽ trông như thế nào. Tốt nhất, đừng để con cái nhỏ chịu trách nhiệm dọn nhà đón Tết nhé, vì “tầm nhìn xa” các con thường rất hẹp, các con thường làm đến đâu hay đến đó, lại kèm bệnh “dễ chán”, dễ bỏ cuộc, đôi khi dọn xong còn mệt hơn khi chưa dọn.
Biết cách phân loại khi dọn nhà đón Tết
Cũng theo các chuyên gia, khi dọn nhà trong những ngày sắp Tết, bạn phải sắm trước 3 hộp ghi tên rõ ràng rằng: Hộp giữ lại - Hộp vứt đi - Hộp giữ tạm.
Đây là một trong những bí quyết cực kỳ cần thiết, bởi chúng ta thường rất khó phân định rạch ròi rằng đâu là thứ mình thực sự cần. Nhất là vào thời điểm cuối năm, nhìn nhà thì bề bộn thật đấy nhưng rồi khi quyết định vứt đi ai cũng thấy tiêng tiếc. Đặc biệt những đồ vật gắn với một kỷ niệm nào đó thường khiến chúng ta sống trong nghi vấn “biết đâu có lúc cần” rồi nấn ná cất, giữ khiến vừa mệt óc vừa mệt người.
Khi đã chuẩn bị xong 3 hộp giữ, vứt, tạm ở trên, việc dọn nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn hẳn (không tin bạn cứ thử đi). Lúc này bạn bắt tay vào phân loại đồ vật bằng 3 hộp, sau khi đã phân loại xong hết thì có thể cân nhắc những đồ vật thuộc Hộp giữ tạm có thực sự cần không? Đa phần, những đồ vật ở hộp này sẽ được chuyển qua Hộp vứt đi trong tương lai gần (bạn lại không tin ư - là có thật đấy nhé - thật 100%).
Dọn nhà ngày Tết cần từ từ
Bạn thử nhớ về những ngày Tết trước, khi cả nhà quyết định dọn dẹp nhà cửa đón Tết và kết quả thế nào? Có mỹ mãn hay có những “xung đột” giữa các thành viên? Nhà cửa có sạch đẹp hay được chăng hay chớ? Và liệu có trường hợp đến mồng 1 Tết mới ngỡ ra rằng có một vài nơi mình quên dọn dẹp?
Đó là chuyện thường ngày ở huyện, vì tâm lý dọn nhà đón Tết chung của tất cả chúng ta là muốn làm cho nhanh nhất có thể. Nhưng theo các chuyên gia, đây lại là điều sai lầm. Bởi tích góp thì lâu, bỏ đi thì nhanh, nếu càng cố dọn nhà nhanh, gọn thì càng kéo theo nhiều sai lầm.
Vì thế, trong kế hoạch dọn nhà ngày Tết phải tiến hành từ từ, từng công việc một. Ví dụ, hôm nay quét sân, dọn vườn, đốt rác thì cứ tập trung làm việc đó. Ngày mai lau sàn, quét màng nhện thì cứ tập trung trong một ngày. Tránh trường hợp đang dọn vườn lại nổi hứng vào dọn nhà, cuối cùng chẳng việc nào trọn vẹn cả.
Một triết lý khá hay rút ra từ chuyện dọn nhà rằng: Dọn này cũng như dọn dẹp những bộn bề trong lòng mình, muốn nhanh thì phải… từ từ, cần có thứ tự. Tránh lam nham từ phòng bếp sang phòng khách rồi cuối cùng chẳng nhớ mình dọn ở đâu rồi.
bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 472 lượt xem