Vào thời Edo, tại Edo (Tokyo ngày nay) chỉ có tầng lớp Samurai mới được sở hữu kiếm Katana. Chúng đa dạng về kích thước, là báu vật hiện thân cho tinh thần Võ sĩ đạo. Do vậy, Nghệ thuật rèn kiếm của các nghệ nhân làm kiếm vô cùng được trọng vọng, thậm chí còn có cả bảng xếp hạng thợ rèn kiếm toàn quốc với danh hiệu cao nhất là Yokozuna giống với các võ sĩ Sumo.
Lịch sử nghề rèn kiếm Edo Katana
Vào nửa sau thời Edo (1603 - 1868), đô thị Edo là một trong những thành phố lớn nhất thế giới, ngôi nhà của hơn một triệu người. Bấy giờ, không chỉ là chốn kinh kỳ, nơi sinh sống của chính quyền Mạc phủ Tokugawa, Edo còn là một đô thị độc đáo khi phân nửa dân số là chiến binh Samurai và các lực lượng quân sự khác.
Điều này bắt nguồn từ chính sách của Tướng quân (Shogun) yêu cầu các lãnh chúa phong kiến trên khắp nước Nhật phải sống ở Edo trong một khoảng thời gian, xen kẽ giữa Edo và nơi họ cai quản.
Với việc nhiều chiến binh sống tập trung tại Edo, kiếm Katana với nhiều kích thước khác nhau đã trở thành món đồ giá trị đại diện cho tinh thần Samurai.
Dù chỉ có tầng lớp võ sĩ mới được dùng kiếm, một số quý tộc và người giàu cũng sở hữu các thanh Katana được trang trí đẹp mắt để dùng trong các nghi lễ, hoặc dao găm nhằm mục đích phòng vệ.
Xưởng rèn kiếm hàng đầu và nỗ lực bảo tồn Edo Katana
Cho đén ngày nay nghệ thuật rèn kiếm bất chấp thời gian và các thợ rèn tại Nhật vẫn còn gìn giữ nghề rèn kiếm Edo Katana để bảo tồn một phần quan trọng của lịch sử. Trong số các nghệ nhân, không thể không nhắc đến ông Yoshindo Yoshihara, 79 tuổi, thế hệ thừa kế thứ ba của xưởng rèn Yoshihara tại phường Katsushika, Tokyo.
Tổ tiên của ông Yoshindo ban đầu là thợ rèn làm việc tại một ngôi làng nông nghiệp của tỉnh Ibaraki. Tuy nhiên, ông nội của ông đã đến Tokyo để bắt đầu rèn kiếm vào đầu thời Taisho (1912 – 1926) và lấy tên là Kuniie Yoshihara.
Trong bảng xếp hạng thợ rèn kiếm quốc gia vào năm 1942, ông Kuniie đã được trao danh hiệu cao nhất - Yokozuna của phía Đông. Yoshindo đã học hỏi phần lớn kỹ thuật rèn kiếm từ ông nội và hiện đang cố gắng phát triển nghề truyền thống của gia đình. Những thanh kiếm do ông rèn được khắc chính tên của ông là “Yoshindo”.
Quản lý xưởng rèn của gia đình, nghệ nhân Yoshindo cùng 5 người học trò tạo nên những thanh kiếm Katana bằng phương pháp truyền lại từ thời Edo.
Một thanh kiếm Katana dài khoảng 72cm và nặng hơn 1kg được ông lấy ra từ bao kiếm. Dọc theo các cạnh của lưỡi kiếm sáng lấp lánh là các họa tiết sóng Hamon đầy bí ẩn. Kiếm tương đối nặng dù cầm bằng cả hai tay.
Trong phim điện ảnh và phim truyền hình lịch sử, các cảnh chiến đấu không thể thiếu kiếm Katana, nhưng ông Yoshindo cho biết: “Thời Edo khá bình yên, vì vậy tôi nghĩ các trận chiến sử dụng những thanh Katana thật cũng không nhiều”.
Cận cảnh quá trình rèn kiếm Edo Katana
Ông Yoshindo tiết lộ, việc rèn kiếm cần dùng loại thép mang tên Tamahagane, được sản xuất ở thị trấn Okuizumo, tỉnh Shimane trong khoảng 1.400 năm qua.
Ông Yoshindo trưng bày một mẫu thép Tamahagane ngay giữa phòng và hãnh diện cho rằng đây chính là chìa khóa để làm ra Katana có độ tinh khiết cao. Bên cạnh vật liệu đặc biệt, ông cũng tự hào về phương pháp rèn kiếm Katana truyền thống của xưởng.
Bước 1: Tạo ra “Heshitetsu”
Tại trung tâm của lò rèn có một hệ thống ống khí bằng gỗ truyền thống gọi là Hako Fuigo, cho phép thợ rèn kiếm đưa khí vào lò nung Hodo bằng cách kéo và đẩy tay cầm nhẹ nhàng.
Một người thợ dùng búa sắt đập vào cục thép nóng chảy, tiếng chan chát vang vọng khắp xưởng. Chúng được đập thành những miếng mỏng hơn, từ đó, các tạp chất được loại bỏ khỏi thép.
Bước 2: Kowari
Độ cứng của các miếng thép được phân chia thành thép cứng và thép mềm dựa vào cách chúng bị vỡ ra. Thép mềm dùng làm lõi kiếm, trong khi thép cứng được dùng làm lưỡi kiếm. Việc sử dụng hai loại ở những phần khác nhau của kiếm giúp làm tăng khả năng chém, cắt và tăng độ bền, giúp kiếm không dễ bị hư hỏng hay sứt mẻ.
Bước 3: Tsumiwakashi
Ở công đoạn này, thợ rèn tính toán phần nào của kiếm cần dùng loại thép gì rồi sắp xếp và rèn chúng thành một khối.
Bước 4: Orikaeshi-tanren
Các miếng thép Tamahagane xếp chồng lên nhau tiếp tục được rèn thành một phôi thép, thông qua quá trình đập, kéo dãn, gấp được lặp đi lặp lại. Đây là một trong những công đoạn vô cùng quan trọng của quá trình rèn Katana, bởi thép được nung đến nhiệt độ cao nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo không bị nung chảy hoàn toàn, đồng thời các tạp chất cũng phải được loại bỏ hết bằng cách đập búa.
Tại xưởng, một thợ học việc dùng lực của cả cơ thể để nện búa xuống thanh thép được ông Yoshindo kẹp chặt bằng một dụng cụ kim loại. Công đoạn này diễn ra trong khoảng 30 giây và lặp lại nhiều lần dựa vào kinh nghiệm của thợ rèn. Ở bước này, thép có thể bị nứt và điều này xảy ra đồng nghĩa với việc buộc phải bỏ đi để làm lại từ đầu.
Yoshindo nói rằng một thanh kiếm Katana cũng có thể được tạo ra nếu không tuân thủ đúng theo bước Orikaeshi tanren truyền thống. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, trong trường hợp này, tạp chất vẫn còn và lưỡi kiếm Katana sẽ không đảm bảo độ sắc bén.
Bước 5: Tsukurikomi
Thép Tamahagane mỏng dùng để định hình nên Shinage, tức lõi của kiếm, trong khi thép cứng được dùng để làm nên Kawagane bao quanh Shinage, trở thành lưỡi kiếm. Hai phần được liên kết với nhau thông qua quá trình rèn liên tục.
Bước 6: Rèn nên hình dạng cuối cùng của kiếm
Sau khi phần thép cứng và mềm đã hợp nhất, thanh thép có chiều dài khoảng 20cm được tạo thành. Nó tiếp tục được kéo mỏng và đập thành hình một thanh kiếm Katana.
Bước 7: Arashiage (Hoàn thiện thô)
Bề mặt của lưỡi kiếm được làm nhẵn và các phần cong được làm cho thẳng ra.
Bước 8: Tsuchioki (Thêm đất sét vào)
Bùn đất sét là một hỗn hợp gồm đá mài, bột than, đất sét và một số nguyên liệu khác, được dùng để phủ lên thanh kiếm. Trong khi lưỡi kiếm được bôi một lớp bùn mỏng thì phần sống kiếm được phủ dày hơn.
Đây là công đoạn đòi hỏi sự thành thạo và trực giác nhạy bén vì nó ảnh hưởng rất lớn đến lưỡi kiếm, vẻ đẹp của hoa văn Hamon chạy dọc theo lưỡi kiếm. Tất cả định hình nên chất lượng của một thanh Katana.
Bước 9: Yaki-ire (Xử lý nhiệt)
Sau khi được bọc bởi đất sét rồi đem nung đến nhiệt độ khoảng 800°C, thanh Katana ngay lập tức được cho vào nước lạnh. Lưỡi kiếm phủ lớp đất sét mỏng nên nhanh chóng cứng lại.
Tại thời điểm này, thép đã chuyển thành vật liệu có khả năng cắt tốt nếu được đánh bóng. Phần sống kiếm co lại khi được làm nguội từ từ và điều này tạo nên hình dạng cong độc đáo của thanh Katana. Đồng thời, hoa văn Hamon cũng xuất hiện trên lưỡi kiếm ở giai đoạn này.
Bước 10: Hoàn thiện
Ngay sau khi thanh Katana được mài và điều chỉnh, tên của kiếm (thường bao gồm tên của người thợ) được khắc lên, tạo nên thân kiếm hoàn chỉnh. Chuôi kiếm và Tsuba - kiếm cách hay phần ngăn cách giữa chuôi với lưỡi kiếm, cùng những phần khác cũng được tạo ra. Sau cùng, một thanh Katana hoàn chỉnh ra đời.
Ngày nay, không còn được sử dụng như vũ khí, Katana được trưng bày như một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, ông Yoshindo cho rằng không chỉ vậy, “không thể là một thanh Katana thực thụ nếu nó không thể cắt đồ vật tốt”.
Thật vậy, khi kiếm được tháo ra khỏi bao, từ một vật trang trí hòa cùng các đồ nội thất khác, nó bỗng biến thành thứ vũ khí vừa lấp lánh vừa mang lại cảm giác "lạnh xương sống”.
Ông Yoshindo thoa dầu lên thanh kiếm trước khi cất giữ cẩn thận và nói: “Các yếu tố quan trọng của một thanh Katana là vẻ đẹp của nó và chất lượng của thép, thứ được chúng tôi tạo ra bằng chính đôi bàn tay của mình”.
Katana trong văn hóa đại chúng
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của anime và game mà kiếm Katana trở nên phổ biến trở lại. Đáng ngạc nhiên là Katana còn thu hút nhiều fan nữ trẻ tuổi, họ được gọi là “Touken Joshi – Cô gái kiếm”.
Trong bộ manga và anime “Kimetsu no Yaiba” (Thanh gươm diệt quỷ) cũng có một bậc thầy rèn kiếm tên Hotaru Haganezuka, ông là người tạo ra loại Katana đặc biệt Nichirin được sử dụng bởi đội Diệt Quỷ. Nichirin được rèn từ cát sắt và quặng màu đỏ thẫm trên núi Youkou. Đây là ngọn núi gần Mặt trời nhất và quanh năm đều được chiếu sáng nên kiếm có thể dùng để diệt quỷ. Kiếm Nichirin còn thay đổi màu sắc dựa vào việc chủ nhân của nó là ai.
Trước sự lên ngôi của kiếm Katana, Kei Tsujimura, 31 tuổi, một thợ rèn kiếm đã học việc được bảy năm với thầy Yoshindo, bày tỏ sự háo hức: “Miễn là mọi người không hiểu sai cách giữ một thanh Katana, tôi nghĩ nó là một cơ hội tốt để người trẻ giữ niềm đam mê dành cho kiếm Nhật”.
Không chỉ được yêu thích bởi người Nhật, Katana còn được các nhà sưu tập trên thế giới xem là một món đồ nghệ thuật quý giá. Mỗi thanh Katana được Yoshindo làm theo yêu cầu của khách có giá lên đến 5 triệu yên (khoảng 900 triệu đồng).
Nguồn: kilala.vn | 701 lượt xem