Nghệ thuật thư pháp hay còn gọi là thư đạo (Shodo), là một trong những nét văn hóa của Nhật Bản. Loại hình nghệ thuật này bao hàm trong nó cả tính tâm linh lẫn tinh thần. Nhờ chú trọng vào nét đẹp đến từ sự đơn giản mà thư pháp Nhật Bản được nhiều người cả trong và ngoài nước yêu thích.
Hôm nay chúng ta hãy cùng Kaizen khám phá nét đặc sắc của thư pháp Nhật Bản nào!
Vậy thư pháp chính xác là gì? Bằng những dụng cụ chuyên dụng là bút lông và mực đen, thông qua những con chữ mà những tâm tư, suy nghĩ hay cả tính cách của người viết sẽ được thể hiện lên những trang giấy. Đó chính là thư pháp. Không đơn thuần chỉ là viết chữ, mà những con chữ đó phải thể hiện được bản thân người viết nên còn được gọi là thư đạo hay nghệ thuật thư pháp.
Thư pháp được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc. Thư pháp phát triển tại Trung Quốc, nơi có nền văn hóa chữ Hán và đã du nhập sang Nhật Bản từ thế kỷ 6 đến khoảng thế kỷ 7 (từ thời đại Asuka đến thời đại Nara) cùng với Phật giáo thông qua việc chép lại kinh Phật. Việc có thể viết chữ bằng bút lông và mực đen được cho là một trong những sự giáo dục quan trọng đối với giới quý tộc và võ sĩ đương thời. Sau này, cùng với sự thay đổi của thời đại thì những thú vui giải trí, văn hóa, nghệ thuật không còn dành riêng cho giới quý tộc nữa mà đã lan rộng ra cả những người dân bình thường.
Tư thế khi viết thư pháp:
- Cách ngồi: Tư thế cơ bản là ngồi quỳ thẳng lưng trên đệm. Nếu bạn không quen với việc ngồi quỳ, hoặc bị đau lưng, đau khớp thì bạn có thể ngồi trên ghế hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ, nhưng quan trọng là không được nghiêng vào bàn làm việc.
- Tư thế và cách cầm bút lông: giữ lưng thẳng, chú ý không khom lưng hay tựa tay lên bàn khi viết. Khi mài mực, hãy cho một ít nước vào nghiên rồi mài một cách nhẹ nhàng, thật tập trung, sau một lúc mực sẽ hòa với nước thành dung dịch mực. Tiếp theo, lấy bút lông chấm vào mực, chú ý cầm ở khoảng giữa cây bút và giữ bút bằng 3 ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Khi viết bằng bút chì nên nghiêng bút một chút nhưng khi sử dụng bút lông phải giữ bút luôn thẳng đứng.
Về trang phục khi viết thư pháp: Bạn có thể mặc bất cứ trang phục nào mà mình thích, tuy nhiên nên hạn chế quần áo trắng hoặc quần áo mới vì mực có thể bay ra và làm bẩn quần áo. Những loại áo có cổ tay rộng cũng không được khuyến khích vì dễ dính vào nghiên mực. Tốt nhất bạn nên sử dụng quần áo đen hoặc những bộ đồ cũ khi viết thư pháp.
5 phong cách viết chính trong nghệ thuật thư pháp Nhật Bản:
- Tensho (triện thư): là phong cách được viết trên con dấu hoặc hộ chiếu của công dân Nhật Bản. Đặc điểm của phong cách viết này là các chữ có dạng vuông như chữ Điền (田) hay Nhật (日) sẽ được viết bo cong lại.
- Reisho (lệ thư): là phong cách dùng để viết các chữ như “một vạn yên” hay “tiền giấy Nhật Bản” trên tờ tiền Nhật Bản. Đặc điểm là có các nét lượn sóng bên trái và bên phải.
- Sousho (thảo thư): là phong cách viết chữ thảo trôi chảy trong thư pháp Nhật. Với kiểu thư pháp này, rất khó để đọc được chữ vì các nhà thư pháp hiếm khi để cho bút lông của mình rời khỏi giấy với mục đích làm cho nét chữ thanh nhã và viết nhanh hơn. Chỉ những người có kiến thức nhất định về kiểu viết này mới có thể đọc được.
- Kaisho (khải thư): là phong cách viết cơ bản của thư pháp mà những người nhập môn thư pháp đều phải tập luyện mỗi ngày, tạo nền tảng trong việc sử dụng bút lông để viết thư pháp. Đặc trưng với các nét chữ rõ ràng và cân đối, và cách viết cũng rất dễ học.
- Gyosho (hành thư): cũng là phong cách viết được sinh ra từ Reisho. Đặc trưng của kiểu viết này là khi viết sẽ viết theo một nét liên tục ít bị dừng lại hay đứt đoạn, và có thể lược bỏ bớt một số phần của chữ. Chữ viết theo kiểu này phổ thông và dễ đọc với đại đa số tầng lớp tri thức ở Nhật.
Hiện nay, thư pháp được coi như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội Nhật Bản. Tại đất nước mặt trời mọc không chỉ có những cuộc thi viết thư pháp được tổ chức hằng năm, mà thư pháp còn được đưa vào chương trình giáo dục cho học sinh tại Nhật.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 1072 lượt xem