Tắm Rừng Để Chữa Lành Như Người Nhật

Nếu ai đang phải bận rộn với công việc, hay đau đầu với những vấn đề trong cuộc sống, thì hãy tạm gác mọi thứ và trải nghiệm cảm giác đi vào trong rừng.

Hãy nhắm mắt lại để rồi nghe tiếng chim hót cùng âm thanh xào xạc của lá cây, hít thở tận hưởng không khí núi rừng dưới ánh nắng mặt trời dịu nhẹ, thì chắc hẳn các bạn sẽ cảm thấy vô cùng dễ chịu, thoải mái và tâm hồn như được tưới mát trở lại.

Các bác sĩ người Nhật cho rằng đây là một trải nghiệm vô cùng tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy tại Nhật sớm đã phát triển một hình thức y học mới được gọi là “Tắm rừng” hay còn gọi là “Shinrin-yoku”.

“Shinrin-yoku” được dịch là “Tắm rừng”, là một liệu pháp chữa bệnh ở Xứ sở mặt trời mọc từ những năm 1980 khi Chính phủ nhận thấy người dân phải chịu những tác động tiêu cực từ sự bùng nổ công nghệ tại quốc gia này như chứng đau đầu, mất ngủ trầm trọng. Sau đó vào năm 1982, thuật ngữ này bắt đầu được phổ biến hơn bởi Bộ Lâm nghiệp mong muốn khuyến khích lối sống lành mạnh song song với việc phát triển và bảo vệ môi trường tự nhiên rộng lớn và đẹp đẽ của đất nước. Liệu pháp “Tắm rừng” không phải là bài tập thể dục đi bộ, chạy bộ đường dài hay leo núi mà đơn giản chỉ là đón nhận, hòa mình và kết nối với thiên nhiên bằng các giác quan. Tuy không quá phức tạp, thế nhưng giá trị thực sự của “Tắm rừng” khiến người ta phải kinh ngạc, bởi hiệu quả của liệu pháp này không thua gì Thiền hay Chánh niệm.

Theo nghiên cứu, liệu pháp “Tắm rừng” có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư. Nhật Bản đã chi khoảng 4 triệu USD để nghiên cứu về các lợi ích của liệu pháp này. Theo đó giáo sư Qing Li, trường Y khoa Nippon ở Tokyo đã tiến hành đo hoạt động của những tế bào sát thủ tự nhiên NK trong hệ miễn dịch trước và sau khi tiếp xúc với rừng. NK là một loại tế bào Lympho thực hiện công việc quan trọng của hệ miễn dịch là phát hiện và phá hủy các tế bào khối u và vi khuẩn, virus trước khi chúng sinh sản và phát tán, qua đó bảo vệ cơ thể không bị các bệnh mãn tính và thoái hóa, cũng như các khối u. Trong thí nghiệm vào năm 2006 và năm 2007, các đối tượng của giáo sư Qing Li cho thấy sau chuyến đi rừng, hoạt động của các tế bào NK trong cơ thể họ có sự gia tăng đáng kể, điều này có nghĩa rằng các tế bào NK nhiều hơn tức là khả năng chống lại khối u cùng các vi khuẩn càng cao. Khi tìm hiểu nguyên nhân, họ nhận ra rằng đó là nhờ thực vật, cây cối tiết ra các hợp chất thơm gọi là phytoncides. Khi được hít vào, hợp chất thơm này có thể thúc đẩy các thay đổi về sinh học và sức khỏe theo cách thức liệu pháp mùi hương. Chính vì vậy, giúp cho hệ miễn dịch của con người ngày càng tốt, từ đó giúp chống lại bệnh tật.

Bên cạnh đó, liệu pháp này còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, giảm huyết áp và ổn định nhịp tim. Chuyên gia về liệu pháp rừng cây tại Đại học Chiba, Nhật Bản - Yoshifumi Miyazaki đã nghiên cứu ra rằng nồng độ hormone gây stress cortisol trong cơ thể những người dành 40 phút đi bộ trong một khu rừng thấp hơn so với khi họ dành 40 phút đi bộ trong phòng thí nghiệm. Vào năm 2007 tại trung tâm ScienceDirect, một nghiên cứu khác đã khảo sát trên 498 người cho ra kết quả: Sau khi họ tiếp xúc với thiên nhiên thì các chứng trầm cảm hay đau đầu cũng giảm đáng kể, thậm chí nhịp tim và huyết áp cũng đều ở trạng thái ổn định. Nguyên nhân chính đó là do mùi hương của thiên nhiên, cây cối hòa cùng tiếng chim, tiếng suối chảy róc rách khiến cho tâm hồn con người cảm thấy khoan khoái, thoải mái hơn.

Tại Xứ sở mặt trời mọc, liệu pháp “Tắm rừng” ngày càng phổ biến, vì vậy ngày càng có nhiều các trung tâm chuyên về liệu pháp này đồng thời cung cấp các tour du lịch để du khách có thể dễ dàng trải nghiệm. Một trong số địa điểm mà vô cùng thu hút du khách là dãy núi Alps Nhật Bản; hay bán đảo Kii - bán đảo lớn nhất trên đảo Honshu của Nhật Bản, nằm về phía nam Osaka. Ngày nay, không chỉ Nhật Bản mà các quốc gia như Đài Loan, Mỹ, Hàn Quốc, … cũng bắt đầu ưa chuộng và áp dụng đưa vào y học để chăm sóc sức khỏe. 

bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 661 lượt xem

Có thể bạn muốn xem