SỰ KHÁC BIỆT VỀ CÁCH MAY GIỮA ÁO CỔ ĐỨNG XƯA VÀ ÁO DÀI TÂN THỜI
Qua vài nghìn năm tiến hoá, y phục phổ biến ở Đông Á đã biến đổi khá nhiều, từ chiếc áo giao lĩnh 6 thân thời Hán đến chiếc áo cổ đứng 5 thân thời Nguyễn. Song công thức may không thay đổi nhiều, dẫn đến 1 sự nhất quán dễ nhận biết về phong thái và kiểu cách.
Những ảnh hưởng từ phương Tây ở giữa thế kỷ 20 đã mang lại 1 sự bức phá lớn cho chiếc áo truyền thống của Việt Nam. Lần này, không chỉ kiểu dáng chiếc áo biến đổi, mà cả công thức may cũng thay đổi. Sự thay đổi về kết cấu căn bản đã mang lại 1 phong thái hoàn toàn khác cho y phục truyền thống Việt Nam. Hãy điểm qua 1 số điểm khác biệt dễ nhận thấy khi so sánh chiếc áo giao lĩnh / viên lĩnh / lập lĩnh truyền thống với áo dài tân thời.
Công thức may
Những ảnh trên cho thấy công thức may những chiếc áo giao lĩnh / viên lĩnh / lập lĩnh (6 thân hoặc 5 thân) thời xưa. Kể cả áo đối khâm 4 thân cũng áp dụng công thức tương tự: Hai mảnh vải khâu lại làm nên thân áo, độ rộng kéo dài đến nửa cánh tay, hai mảnh vải nữa chắp vào làm nên hai nửa ống tay áo.
Vì công thức may này mà y phục phương Đông xưa có kiểu dáng khá giống nhau: 1) Khi trải ra, ống tay áo và vai tạo thành 1 đường thẳng; 2) Phần nách áo khá rộng dù ống tay áo có rộng hay hẹp; 3) Thân áo khá rộng, càng xuống dưới thì càng rộng (do được ghép từ hai mảnh vải).
Ngược lại vì sự bức phá trong công thức may mà áo dài tân thời có những điểm khác biệt dễ nhận thấy như sau: 1) Khi trải ra, ống tay áo và thân áo tạo thành 1 đường gấp khúc chứ không thẳng như áo dài truyền thống; 2) Nách áo hẹp, dẫn đến thân áo ôm sát người; 3) Thân áo hẹp do chỉ được may từ 1 mảnh vải; 4) Ống tay áo được nối vào thân áo theo kiểu Raglan như áo thể thao của phương Tây chứ không như cách thức truyền thống.
bởi Quốc Cường vào | 396 lượt xem