"Nghỉ việc trong im lặng" không chỉ là một xu hướng.
"Nghỉ việc trong im lặng" là cụm từ phổ biến trên MXH toàn cầu gần đây. Theo Metro, thuật ngữ này có thể hiểu đơn giản rằng, bạn không làm những dự án hay nhiệm vụ hàng ngày không nằm trong mô tả công việc hoặc chỉ đơn giản là không thích làm. Bạn rời văn phòng đúng giờ, từ chối trả lời email hoặc những tin nhắn công việc ngoài giờ hành chính. Nó như một điều thay đổi trong tư duy, cho phép bạn bớt đầu tư về mặt tinh thần và cảm xúc cho công việc của mình.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người có những góc nhìn khác biệt đối với cụm từ này. Họ phê bình rằng những người trẻ đang dùng nó như là một cái cớ để cho rằng làm việc chăm chỉ là điều hoàn toàn bình thường.
Song, trên thực tế, rất nhiều lý do khiến người trẻ "nghỉ việc trong im lặng" có thể đến từ văn hoá hối hả độc hại hoặc sự không công nhận của lãnh đạo.
Làm việc đến mức kiệt sức
Natalie Pearce, sống ở London, đã "nghỉ việc trong yên lặng" sau khi kiệt sức với công việc tư vấn. Cô đã có một thời gian dài cảm thấy mình đang cố gắng sắp xếp quá nhiều nhiệm vụ cùng 1 lúc. Điều đáng sợ hơn đó là nỗi lo không hoàn thành được nhiệm vụ cá nhân, có nghĩa là đồng nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng. Natalie Pearce mô tả cảm giác đó giống như thể não của cô bị chia thành nhiều mảnh, song toàn bộ chỉ dành cho công việc.
"Tôi không nghĩ rằng bất kỳ vị trí công việc nào cần phải làm việc đến mức kiệt sức, ai cũng cần rời bỏ công việc một thời gian để nghỉ ngơi. Vì vậy, tôi biết rằng bản thân phải thay đổi. Điều thú vị là không nhiều người có thể nhận thấy sự thay đổi đó, khi mà tôi không còn làm việc ngoài giờ và ôm việc vào cuối tuần, ngoại trừ những người thân thiết nhất. Tôi vẫn có thể làm tốt công việc của mình, đồng thời giải phóng bản thân khỏi áp lực làm việc ngoài giờ".
Giai đoạn "nghỉ việc trong im lặng" này diễn ra trong khoảng 1 năm trước khi Pearce từ chức. Các cuộc khảo sát về sức khỏe tại nơi làm việc cho thấy cuộc đấu tranh của Pearce - từ cảm giác làm việc quá sức đến kiệt sức và nghỉ việc trong im lặng - không phải là cuộc đấu tranh cá biệt. Wintemp, một công ty trong lĩnh vực nhân sự chuyên khảo sát tình trạng sức khỏe của nhân viên và đo lường mức độ hài lòng trong công việc của người lao động, cho biết từ năm 2021, nhân viên ngày càng cảm thấy bản thân đang làm việc quá sức và thường xuyên căng thẳng.
Sara Holmberg, trưởng bộ phận nhân sự của Wintemp, cho biết đây là điều không nên xem nhẹ. Các công ty cần bắt đầu đặt những câu hỏi phù hợp, "Cần có những cuộc trò chuyện cởi mở về mức độ căng thẳng, về phạm vi công việc, ranh giới,... với nhân viên. Và đó không phải là cuộc trò chuyện mỗi năm một lần. Đây là cuộc trò chuyện liên tục mà công ty cần có hàng ngày".
Mâu thuẫn với sếp kích hoạt "nghỉ việc trong im lặng"
Giao tiếp không tốt với quản lý có thể dễ dàng khiến nhân viên cảm thấy bị đánh giá thấp và cuối cùng dẫn đến "nghỉ việc trong im lặng". Đây là điều đã xảy ra với August Gawen, làm việc trong lĩnh vực từ thiện được 13 năm. Anh luôn cảm thấy quá tải khi phải làm quá nhiều việc với khoảng thời gian cũng như nguồn lực ít ỏi.
"Khi tôi nói rằng bản thân cảm thấy thực sự áp lực, và căng thẳng ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi vì có quá nhiều việc phải làm, sếp đã không hiểu và nói "đúng là bạn không thể đi nghỉ được", Gawen chia sẻ.
Thế là Gawen bắt đầu một "hành trình đòi lại", chỉ làm việc đã được phân công trong giờ hành chính, nói không với những công việc ngoài giờ vô lý và tận dụng mọi thời gian để nghỉ ngơi. Điều đó thực sự giúp sức khỏe tinh thần của anh được cải thiện tốt hơn.
Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn trong thời điểm mọi người được khuyến khích nỗ lực hết mình để có một cuộc sống tốt hơn. Và việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc là rất khó.
"Cuối cùng, tôi nhận ra rằng ngay cả việc cố gắng 'nghỉ việc trong im lặng' trong một môi trường quá áp lực cũng thực sự là điều không thể". Giai đoạn này kéo dài khoảng 6 tháng trước khi Gawen thực sự nghỉ việc.
Hành động theo mức lương - nhưng hãy biết bạn đáng giá bao nhiêu
Đối với Lauren Schneider, 29 tuổi, đã chuyển từ công việc phát thanh truyền hình sang quan hệ công chúng cách đây vài năm. Điều khiến cô "nghỉ việc trong im lặng" là do bị từ chối mức tăng lương mà cô đã kỳ vọng và cố gắng hết sức để đạt được.
Cô đã làm thêm 3 thứ ngoài bản mô tả công việc khi bắt đầu nhận việc. Lauren Schneider đã trình bày đầy đủ về năng suất làm việc cũng như chi phí công ty phải bỏ ra nếu thuê người làm ngoài trong 1 buổi đánh giá hiệu suất.
"Tôi đã tiết kiệm cho công ty hàng trăm nghìn đô la bằng cách làm những việc đó 1 mình và hoàn thành đúng yêu cầu. Khi tôi đề nghị cân nhắc tăng lương nhiều hơn mức giới hạn 3%, họ nói 'Lauren, bạn quá khôn khéo và nhiều mưu mẹo. Những người xứng đáng được thăng chức và tăng lương phải làm tốt hơn nữa'".
Cô đã lập tức dừng lại và nhận thấy lãnh đạo không công nhận cũng như trân trọng những gì cô đã cố gắng trong thời gian qua. Lauren quyết định "nghỉ việc trong im lặng" và nhận ra rằng bản thân chỉ cần làm đúng nhiệm vụ tương xứng mức lương nhận được.
Hai tháng sau, cô nghỉ thai sản và không bao giờ quay lại. Sau đó, cô làm việc với tư cách là một nhà thầu độc lập trong vài tháng trước khi làm trong lĩnh vực quan hệ công chúng tại một công ty công nghệ, nơi cô kiếm được thêm 30.000 euro (hơn 770 triệu đồng) mỗi năm so với trước đây.
"Bây giờ tôi nhận ra ý nghĩa của việc mọi người quan tâm và công nhận những đóng góp của bản thân là mức thưởng xứng đáng. Và điều đó thôi thúc tôi muốn vượt lên trên tất cả, tiến xa hơn trong sự nghiệp", Lauren chia sẻ.
Bản chất của "nghỉ việc trong im lặng" đối với Lauren là yêu cầu sự công bằng trong công việc. Cô không hiểu tại sao văn hoá làm việc đến kiệt sức lại được đánh giá cao đến vậy. Chúng ta tôn vinh những người làm việc chăm chỉ đến mức khốn khổ, không có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều đó trở thành tiêu chuẩn. Bất kỳ ai làm điều ngược lại và cố gắng lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống bỗng chốc được coi là mâu thuẫn với đường lối của các công ty.
Có nên thử "nghỉ việc trong im lặng" không?
Pearce đề nghị những người lao động cân nhắc "nghỉ việc trong yên lặng" nên đánh giá cẩn thận tình hình của bản thân. "Bạn đã cân nhắc khía cạnh tinh thần và không còn thích vai trò của mình hoặc làm việc với lãnh đạo hiện tại nữa? Hay bạn đang làm việc quá sức và muốn đảm bảo rằng đây chỉ là tạm thời? Nếu là vế đầu tiên, có lẽ tốt nhất là bắt đầu tìm kiếm một công việc mới giúp bạn tái tạo năng lượng. Nhưng nếu bạn đang làm việc vượt quá ngưỡng của mình và cần cân bằng lại, tôi khuyên bạn nên xem lại ranh giới công việc và trao đổi những điều này với người quản lý để giúp họ hiểu cách bạn làm việc hiệu quả nhất".
Gawen, cựu nhân viên từ thiện, khuyến khích mọi người giành lại thời gian và "đòi lại" cuộc sống của họ, bởi vì công việc không phải là tất cả. Công việc sẽ đến rồi đi, nhưng không có gì quan trọng hơn sự tỉnh táo, sức khỏe tinh thần, thời gian bạn dành cho gia đình và bạn bè. Đó là mới là điều thực sự quan trọng.
bởi Cam ✧ ⋆。˚ ୨୧ vào | 557 lượt xem