Trang Phục Việt Nam Qua Các Thời Kỳ Có Gì Đặc Sắc Và Hấp Dẫn

Lịch sử và văn hóa trang phục Việt Nam qua các thời kỳ

Trải qua hơn 3000 năm từ nhà nước Văn Lang đến thời hiện đại, Việt phục đã nhiều lần biến đổi, thích ứng với hoàn cảnh và sự phát triển tiến bộ của các ngành nghề dệt thủ công. Bên cạnh đó, những quy chế của triều đình cũng góp phần phân biệt rõ rệt giữa trang phục của thường dân và hoàng tộc, khiến cho cổ phục Việt Nam thêm phần đặc sắc.

Trang phục Việt Nam qua các thời kỳ

1. Trang phục thời Hùng Vương

Cách đây hơn hai nghìn năm, khi nhà nước Văn Lang hình thành, người Việt cổ đã bắt đầu sinh sống theo các thị tộc nhỏ, chuyển mình từ săn bắt hái lượm sang chăn nuôi trồng trọt, đặt nền móng cho nông nghiệp. Thời kỳ này, người Việt cổ không còn dùng vỏ cây để làm quần áo nữa, họ biết trồng đay, gai, dâu tằm để ươm tơ dệt vải. Nhìn chung, kỹ thuật dệt vẫn còn thô sơ nhưng vải vóc làm trang phục đã xuất hiện. Các phẩm nhuộm vải đa phần là màu vàng, vàng đất, nâu, đỏ, nâu đỏ…

Theo các tài liệu khảo cổ được tìm thấy trên cán dao găm và mặt trống đồng, cổ phục Việt Nam thời Hùng Vương nhìn chung còn thô sơ nhưng kiểu dáng thì đa dạng. Với nam thì ở trần, để tóc dài và đóng khố. Khố là một thước vải dài, người mặc sẽ quấn nhiều vòng quanh bụng, rồi luồn vải thành một khuôn vải để che hạ bộ rồi nhét phần thừa vào vòng vải quanh bụng. Ngoài ra, cũng có tranh vẽ người nam mặc áo chui đầu, hoặc khoác các loại áo choàng không tay có trang trí bằng lông thú.

Trang phục Việt Nam qua các thời kỳ
Trang phục Việt Nam qua các thời kỳ 

Đối với nữ giới thì phức tạp hơn, vì họ có kiểu váy khác nhau, nhưng nhìn chung Việt phục của phụ nữ Văn Lang là loại váy dài. Kiểu áo nổi bật nhất là áo ngắn trên bụng, với cổ áo khoét vào ngực và tay áo hẹp, bên trong còn mặc yếm. Đối với váy thì có váy quấn quanh thân (váy mở), và váy chui (váy đóng), độ dài có thể đến đầu gối hoặc đến mắt cá tùy vào giai cấp và công việc.

Ngoài ra, Việt phục thời Hùng Vương cũng có sử dụng những họa tiết trang trí cho váy áo, khiến cho trang phục thêm phần đa dạng. Các họa tiết quen thuộc như hình chim, hình người, hình muông thú cũng thể hiện được tư duy thẩm mỹ hài hòa của con người Việt cổ.

Ở thời gian này, sự phân biệt giữa Hoàng tộc và thường dân vẫn chưa rõ nét, vậy nên cổ phục Việt Nam thời kỳ này không có sự phân biệt rạch ròi như các giai đoạn sau này.

2. Trang phục thời Lý-Trần

Bước sang giai đoạn nhà nước độc lập, nhà Lý vô cùng chú trọng đến việc phân biệt rạch ròi giữa hoàng tộc và thường dân, vì lẽ đó mà kiểu áo cũng có sự khác biệt nhất định. Rõ rệt nhất là việc thường dân chỉ được sử dụng vải tối màu để may áo, tuyệt đối không được dùng vải vàng để may áo hay dùng chỉ để thêu kết. Vào năm 1178, trong cuốn Lĩnh Ngoại Đại Đáp, Chu Khứ Phi đã quan sát thấy điều này và viết rằng “..người nước ấy áo thâm răng đen, búi tóc chuy kế, đi đất, sang hèn đều như vậy…”. Bên cạnh đó, thời nhà Lý cũng chứng kiến sự bùng nổ của kiểu áo Giao Lĩnh, với phần cổ đan chéo nhau mặc như kiểu áo khoác ngoài.

Tượng công chúa thời Lý và tượng Phật A Di Đà được điêu khắc thời Lý
Tượng công chúa thời Lý và tượng Phật A Di Đà được điêu khắc thời Lý

Đối với nam giới, trang phục thường ngày của họ là hai chiếc áo cổ tròn mặc lồng ghép. Chiếc áo ngoài là áo xẻ bốn vạt cổ tròn, có lẽ là áo Viên Lĩnh, dưới lớp áo ngoài là xiêm màu đen, dài hơn phần áo khoác ngoài, gọi là thường. Bên trong cùng là chiếc quần lụa trắng, thường cài trâm bạc hoặc sắt, đi dép da và đội nón ốc. Đối với nông dân lao động, nhân dân vẫn sử dụng khố, có từ thời vua Hùng. Nhìn chung Việt phục của nam giới khá đơn giản, không có nhiều màu sắc và cũng không có nhiều kiểu dáng.

Trang phục Việt Nam thời kì lý - trần
Trang phục Việt Nam thời kì lý - trần

Đối với nữ giới, áo Giao Lĩnh/Trực Lĩnh màu lục là loại áo được ưa chuộng bậc nhất, với phần cổ áo xếp chồng giao nhau, hoặc thẳng đứng xuống, cùng tay áo rộng, thụng và thắt lại bằng váy trong màu đen. Khi lao động, nữ giới sẽ mặc áo cánh cộc tay và áo yếm bên trong để che ngực cùng với váy ngắn.

Tiếp nối những quy tắc từ thời nhà Lý, trang phục nhà Trần tiếp tục duy trì những luật lệ về Việt phục ở thời kỳ này. Thường dân vẫn bị cấm sử dụng các màu tím, vàng, đỏ để may áo. Như vậy, tuy trang phục thời Trần có nét tương đồng nhất định với kiểu cổ phục thời nhà Lý, nhà Trần đã biết sử dụng kỹ thuật thêu thùa để trang trí, điểm nét cho bộ trang phục thêm phần đặc sắc. Ngoài ra, trang phục thời Trần còn nổi bật nhờ kỹ thuật pha sợi vải của người dệt vải, biến hóa ra nhiều chất liệu mới lạ, phù hợp với tiết trời ở miền Bắc bấy giờ.

3. Trang phục thời Hậu Lê

Sang đến thời Hậu Lê, kinh tế phát triển vượt bậc tạo điều kiện cho cổ phục Việt Nam phát triển, bổ sung vào nhiều loại phục sức phụ kiện như mũ nón, giày dép. Nghề dệt càng lúc càng phát triển, vừa tiếp thu những kỹ thuật dệt hiện đại từ phương Bắc, vừa duy trì những truyền thống để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp. Lụa và vải vóc thời kỳ này không chỉ để may Việt phục, mà còn được dùng để làm quà mang đi ngoại giao.

Tranh vẽ trang phục Việt Nam vào thế kỷ XVIII, với nhiều kiểu áo Giao Lĩnh khác nhau
Tranh vẽ trang phục Việt Nam vào thế kỷ XVIII, với nhiều kiểu áo Giao Lĩnh khác nhau

Cổ phục Việt Nam của nhân dân thời Hậu Lê nhìn chung vẫn dùng kiểu áo Giao Lĩnh- tràng vạt quen thuộc, tuy nhiên ở thời Hậu Lê, Việt phục còn sử dụng thêm đai quấn bên ngoài, nhìn khá giống kiểu áo Kimono của Nhật Bản. Mặc dù cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn đã chia đôi Đại Việt thành hai Đàng, song cách ăn mặc vẫn có những nét giống nhau, với áo trực lĩnh tay hẹp, chiều dài đến cổ tay và không được để hở tà, chiết eo như áo Khách (tiền thân của áo ngũ thân) mà phải may khép từ nách xuống. Vì vậy nam giới ở Đàng Trong, Gia Định vẫn thường đóng khố ở trong và khoác áo trực lĩnh ở ngoài, trong khi phụ nữ vẫn mặc áo yếm, khoác áo cánh cộc tay khi lao động và sử dụng áo dài tứ thân khi có dịp trang trọng.

trang phục được mặc ở thời hậu lê
trang phục được mặc ở thời hậu lê

4. Trang phục thời Nguyễn

Một trong những sự thay đổi vượt bậc của trang phục thời Nguyễn, chính là việc ban bố lệnh cấm áo giao lĩnh trên toàn bờ cõi Việt Nam. Năm 1818, vua Minh Mạng chính thức bắt đầu làm cải cách trang phục Việt Nam trên toàn bờ cõi, cố gắng loại bỏ kiểu áo Giao Lĩnh ra khỏi danh sách trang phục Việt Nam, thay đổi hoàn toàn Việt phục.

Thay thế cho áo giao lĩnh, áo ngũ thân dần trở thành trang phục Việt Nam chính thức dưới triều Nguyễn-Pháp thuộc. Kiểu áo này có phần cổ đứng, cùng bốn tà trước sau và 1 tà úp vào bên trong, mặc cùng quần dài màu trắng. Đây là kiểu áo mà vua Minh Mạng đã cố gắng ép buộc nhân dân phải theo mặc, để phân biệt với kiểu áo Giao Lĩnh của người làm quan trong triều đình.

Miền Trung-Nam:

Ở miền Trung và miền Nam, người phụ nữ vẫn mặc áo ngũ thân cùng quần màu đỏ hoặc màu hơi thâm đen. Sau một giai đoạn tranh đấu, các bà miền Trung, gia cảnh khá giả đều chọn áo ngũ thân cùng quần trắng và các loại phục sức phụ kiện khác. Các bà miền Trung cũng chuộng kiểu chải tóc búi ở phía sau, đầu cài trâm và cổ đeo vòng kiềng.

Ở nông thôn miền Nam xuất hiện loại phục sức khác, du nhập từ Singapore và Mã Lai, gọi là kiểu áo bà ba. Kiểu áo này có phần cài nút giữa, lại thoáng mát dễ dàng lao động. Thông thường khi ở nhà, họ sẽ mặc áo bà ba màu trắng, đi cùng bộ với quần lĩnh. Các gia đình khá giả đều mặc áo bà ba may bằng lụa, lụa in hoa mờ, có việc thì mới mặc thêm áo dài bên ngoài. Còn đối với nông dân nghèo, áo bà ba làm bằng vải bông mỏng nhẹ với màu nâu thâm lại nổi bật hơn cả. Người miền Nam cũng thích đeo trang sức, làm bằng vàng và mỏng nhẹ hơn kiềng ở miền Trung.

Áo bà ba – nét đẹp văn hóa của những con người miền Tây

Miền Bắc:

Ở miền Bắc, nam giới tiếp tục mặc áo ngũ thân hoặc áo cánh ngắn tứ thân cài cúc ở giữa để đi làm việc. Sự thống nhất của trang phục nam giới nhìn chung diễn ra từ Bắc chí Nam, trong khi nữ giới lại mặc áo tứ thân, cùng áo cộc tay và yếm với váy dài rồi dùng đai cố định phía trước, khi làm ruộng thì buộc tà lại với nhau cho gọn gàng. Bên ngoài mặc áo bông làm áo khoác. Chỉ khi có lễ hội, các cô gái Kinh Bắc mới lấy áo ngũ thân mặc chồng nhiều lớp, gọi là áo mớ ba, với lớp áo ngoài màu trầm tối và các lớp trong màu tươi sáng, như màu mỡ gà, hồng cánh sen, màu lục tươi… Cổ áo tròn, vạt thẳng, chỉ cài cúc cạnh sườn để lật chéo các lớp áo bên trong cho rõ màu sắc.

Nguồn gốc của Áo dài Việt Nam (phần 1)

5. Trang phục hiện đại (từ đầu thế kỷ XX)

Nhìn chung từ đầu thế kỷ XX, Việt phục bị Âu hóa khá nhanh dưới sự đô hộ nặng nề của người Pháp và người Mỹ. Nam giới là con của các gia đình khá giả bắt đầu mặc áo Vest, áo khoác ba đờ xuy (Áo khoác bằng vải lông dài qua gối), thậm chí phối quần âu và áo sơ mi. Sau đó, trang phục của nam giới cũng đi theo xu hướng của thế giới, vào thập kỷ 60 thì mặc áo cánh rộng, cổ tròn trễ xuống ngực thêu họa tiết theo phong trào Hippy; hay là mặc quần ống loe ở thập kỷ 70 theo trào lưu Disco. Dưới sự ảnh hưởng của Đế Quốc Mỹ, trang phục Việt Nam của nam giới khá thời thượng, đi cùng với xu hướng thế giới. Chỉ còn số ít gia đình Nho Giáo truyền thống mới dùng kiểu áo ngũ thân mặc cùng quần dài mà thôi.

Hình ảnh nam giới mặc veston, áo sơ mi Âu phục vào thập niên 50 thế kỷ XX
Hình ảnh nam giới mặc veston, áo sơ mi Âu phục vào thập niên 50 thế kỷ XX

Tuy nhiên, áo dài ở nữ giới lại có nhiều sự thay đổi, hợp với thời cuộc đến lạ thường. Năm 1930, áo dài Lemur lần đầu tiên được họa sĩ Cát Tường giới thiệu trên báo Phong Hóa, là một kiểu áo tôn lên nét đẹp và đường cong của người phụ nữ. Ông cho rằng, áo ngũ thân quá lùng thùng, quần đũng thấp nhìn khá luộm thuộm, trong khi phụ nữ được sinh ra với đường nét chỗ cong chỗ lượn, cần một bộ trang phục tôn lên dáng người của họ. Họa sĩ Cát Tường bắt đầu thiết kế phần áo bỏ đi phần cổ đứng cao, thêm phần độn ngực và chiết tà ở eo làm rõ hông với ngực; ở quần thì lại may ôm với phần eo và rộng xuống phần dưới, bỏ đi kiểu thắt lưng của áo Giao Lĩnh xưa. Áo dài trở nên hợp thời, tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ khiến cho áo dài trở thành quốc phục mới, thay thế cho áo ngũ thân và áo Nhật Bình.

Kiểu áo dài Lemur cách tân chiết tà ở hông và ôm ngực làm nổi bật dáng vẻ của người phụ nữ
Kiểu áo dài Lemur cách tân chiết tà ở hông và ôm ngực làm nổi bật dáng vẻ của người phụ nữ

 

bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 884 lượt xem

Có thể bạn muốn xem