Văn Hóa Ẩm Thực Nhật Bản Đa Dạng Và Đặc Sắc Thế Nào?
Văn Hóa Ẩm Thực Nhật Bản Đa Dạng Và Đặc Sắc Thế Nào?

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản hình thành và phát triển phù hợp với khí hậu từng vùng và thay đổi theo từng thời đại. Vì thế, cho tới nay nền ẩm thực của Nhật được nhận xét là rất đa dạng, thậm chí được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

văn hóa ẩm thực nhật bản
văn hóa ẩm thực nhật bản

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản Washoku (和食) là nền văn hóa ẩm thực truyền thống, được hình thành dựa trên điều kiện khí hậu của từng vùng. Bằng cách tuân theo quy tắc tôn trọng thiên nhiên, tận dụng nguyên liệu tươi ngon mỗi mùa, hướng đến sự thanh tao và đẹp đẽ trong ẩm thực, kết hợp với vị umami để tạo ra món ăn tinh tế nhất. Năm 2013, Washoku vinh dự trở thành nền văn hóa ẩm thực thứ 5 được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Vị umami trong ẩm thực Nhật Bản được khám phá vào năm 1908 bởi giáo sư Kikunae Ikeda. Sau đó được cả thế giới công nhận là vị cơ bản thứ năm trong ẩm thực, trở thành niềm tự hào của người dân xứ Phù Tang. Vị này được tạo ra bởi glutamate, một axit amin có mặt trong hầu hết các cơ thể sống.

Trong tiếng Việt, có thể hiểu umami là vị ngọt từ thịt và vị ngọt từ rau, củ, hải sản. Chính vị này đã tạo nên nền tảng độc đáo cho văn hóa ẩm thực Nhật Bản Washoku nhờ khả năng kết hợp các vị cơ bản khác nhau, đem tới cảm giác thỏa mãn cho người dùng món.

Đặc điểm văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Đất nước Nhật trải dài từ Bắc tới Nam, nhờ vậy mà mỗi vùng miền lại có khí hậu và đặc điểm địa hình khác nhau, tạo ra nền ẩm thực độc đáo. Mỗi sự khác biệt ấy lại là một nét riêng không thể lẫn lộn trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Ẩm thực lên men tự nhiên

Đặc điểm chính của đồ ăn Nhật Bản là sử dụng nhiều loại thực phẩm lên men như sữa chua, phô mai, tương tự nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản đã thúc đẩy sự phong phú của các loại thực phẩm này, ví dụ như nước tương miso (味噌), xì dầu, natto (納豆) và dưa chua. Sở dĩ ở Nhật có nhiều thực phẩm lên men là do độ ẩm cao và điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật lên men tự nhiên.

Mỗi vùng lại có đặc điểm ẩm thực riêng

Mỗi vùng lại có đặc điểm ẩm thực riêng
Mỗi vùng lại có đặc điểm ẩm thực riêng

Địa hình của Nhật Bản có đặc điểm là dài và hẹp từ Bắc tới Nam, khí hậu thay đổi tùy thuộc vị trí nên rất đa dạng và phong phú các loại cây trồng, hải sản. Sự đa dạng về vị trí địa lý và khí hậu đã góp phần tạo nên văn hóa ẩm thực Nhật Bản hấp dẫn. Các món ăn truyền thống của Nhật chỉ có thể tìm thấy ở một vùng cụ thể, vì thế luôn được gắn kèm cụm từ “ẩm thực địa phương”.

Sự khác biệt giữa ẩm thực các vùng tại Nhật còn thể hiện ở cách nêm nếm gia vị, ví dụ người dân vùng Kanto ( 関東) thích hương vị đậm đà, còn người dân vùng Kansai (関西) lại thích hương vị thanh tao, nhẹ nhàng hơn.

Tận dụng nguyên liệu tươi ngon theo mùa

Tại Nhật, sự thay đổi mùa rõ rệt hơn so với nhiều quốc gia khác, vì thế đây cũng là yếu tố quan trọng trong việc hình thành văn hóa ẩm thực Nhật Bản. Bằng cách sử dụng linh hoạt các nguyên liệu theo mùa trong món ăn, người dân Nhật trải nghiệm đủ các món ăn theo mùa, làm phong phú thực đơn hàng ngày. Không chỉ ở nguyên liệu, nét thú vị của ẩm thực xứ sở hoa anh đào còn thể hiện ở cách trang trí món ăn nữa.

Các món ăn du nhập từ nước ngoài

Ẩm thực Nhật Bản cũng du nhập từ bên ngoài
Ẩm thực Nhật Bản cũng du nhập từ bên ngoài

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản không chỉ gói gọn các món ăn truyền thống mà còn du nhập văn hóa của nước ngoài, nhưng tất nhiên sẽ điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của người dân bản địa. Ví dụ như mì ramen (ラーメン ), gyoza (餃子) rất được người nước ngoài ưa chuộng thực ra có nguồn gốc từ Trung Quốc và người Nhật đã điều chỉnh lại để tạo nên món ăn nổi tiếng như hiện nay.

Spaghetti Napolitan, cơm trứng tráng và thịt lợn cốt lết cũng là những món ăn lấy cảm hứng từ châu Âu và được điều chỉnh bởi người dân Nhật. Việc tiếp nhận văn hóa từ các nước khác cũng là một trong những yếu tố hình thành văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Đồ ăn tốt cho sức khỏe

Đặc trưng của ẩm thực Nhật là luôn quan tâm tới giá trị dinh dưỡng và sức khỏe của người thưởng thức. Các món ăn truyền thống chế biến từ rau và hải sản theo mùa không chỉ ngon mà còn đảm bảo sức khỏe vì ít chất béo, giàu protein và khoáng chất.

Những gia vị giúp món ăn trở nên ngon miệng hơn như miso, nước tương đều là gia vị lên men tự nhiên, có tác dụng hỗ trợ đường ruột và tăng khả năng miễn dịch. Nền văn hóa ẩm thực đặc sắc chính là một trong các lý do mà Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ cao thuộc top thế giới.

Đồ ăn Nhật Bản chú trọng dinh dưỡng và sức khỏe
Đồ ăn Nhật Bản chú trọng dinh dưỡng và sức khỏe

Khám phá các loại hình văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Bên cạnh sự khác biệt giữa ẩm thực các vùng miền thì người Nhật còn có 4 loại hình văn hóa ẩm thực được hình thành bởi yếu tố tiếp đãi, khách mời, cách sắp xếp, nguyên liệu sử dụng trong bữa ăn.

Daikyo ryori (大饗料理)

Daikyo ryori là bữa tiệc hoành tráng được nấu để chiêu thức thực khách trong các bữa tiệc “daiban” (大饗) của giới quý tộc thời Heian (平安). Điểm đặc biệt của bữa ăn là tất cả các món ăn đặt lên bàn đều là số chẵn. Theo lời kể, có hai loại tiệc lớn là “Nigu no daikyo”  (にぐうのだいきょう) và “Daijin no daikyo” (だいじんのだいきょう).

Bữa tiệc Daikyo ryori luôn long trọng
Bữa tiệc Daikyo ryori luôn long trọng

Trong đó, “Nigu no daikyo” là món ăn phục vụ những vị khách đến gặp Thái tử và Hoàng hậu để chúc mừng năm mới, “Daijin no daikyo” là món ăn phục vụ các thành viên hoàng gia khi đến thăm nơi ở của người đứng đầu các bộ. Bữa ăn Daikyo ryori tùy thuộc vào số lượng người tham dự, bao gồm các món ăn là cơm, thịt sống, cá, kẹo và trái cây.

Shojin ryori (精進料理)

Shojin ryori hay còn gọi là ẩm thực Phật giáo, là ẩm thực chay truyền thống của văn hóa Nhật Bản được các thiền sư dùng bữa từ thời Heain đến thời Kamakura (鎌倉) cho tới nay.  “Shojin” là một thuật ngữ Phật giáo có nghĩa là kiêng ăn đồ ngon và ăn đồ ăn thô để rèn luyện trí óc.

Vì cấm thịt nên bữa ăn Shojin ryori chỉ có thể sử dụng các nguyên liệu như rau, ngũ cốc, rong biển. Thậm chí, các gia vị như hành, tỏi, lá, hẹ cũng bị cấm. Ngày nay, bữa ăn này không chỉ phổ biến với những tín đồ Phật giáo mà cả những người ăn chay.

Shojin ryori là ẩm thực chay của Nhật
Shojin ryori là ẩm thực chay của Nhật

Ẩm thực Honzen

Honzen ryori (本膳料理/ほんぜんりょうり) hình thành từ thời Muromachi (室町) để các gia đình samurai chiêu đãi khách của họ. Phong cách ẩm thực Nhật Bản Honzen là một trong những lễ nghi do giới võ sĩ sáng lập vào thế kỉ 14 và được cho là khởi nguồn của ẩm thực Nhật Bản ngày nay. Từ trang phục, vị trí của vật dụng đến thứ tự ăn đều phải theo quy định, rất cầu kỳ và kiểu cách.

Món ăn được phục vụ bởi samurai

Các món ăn được ăn theo phong cách trang trọng của bữa tiệc, được gọi là “shikisankon” (しきさんこん) và hiếm khi được phục vụ ở thời nay. Tuy nhiên, bữa ăn theo văn hóa này vẫn được nhìn thấy trong các bộ phim truyền hình cổ trang nơi các lãnh chúa Sengoku và samurai dùng bữa.

Ẩm thực Kaiseki (懐石料理)

Kaiseki ryori được cho là có nguồn gốc từ thời kỳ Sengoku (戦国) khi Sen no Rikyu, một bậc thầy trà đạo phục vụ món trà này để chiêu đãi các vị khách của mình. Bữa ăn nhẹ trước khi thưởng trà sẽ gồm có  cơm, súp, ba món ăn kèm và rau muối. Ba món phụ được quy định là món ngâm dấm, món luộc và món nướng.

Bữa ăn Kaiseki trước khi thưởng trà
Bữa ăn Kaiseki trước khi thưởng trà

Ngày nay, Kaiseki-ryori không chỉ có trong tiệc trà mà còn được phục vụ ở những nơi cao cấp với số lượng món ăn kèm đa dạng hơn.

Có gì thú vị ở nghi thức ăn uống của người Nhật

Cách người dùng ăn uống cũng là một phần trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Phong tục húp mì

Người Nhật có cách ăn mì ramen, udon và soba bằng cách húp thật nhiều sợi mì với nước dùng, tạo ra tiếng ồn khi ăn. Ở nhiều quốc gia, đây được coi là hành vi kém tinh tế khi ăn và gây khó chịu đến mọi người xung quanh. Nhưng ở Nhật, hành động ăn mì này lại thể hiện sự sảng khoái và tựa như một lời khen dành cho món ăn ngon.

Cầm cả bát để ăn

Ở các nước phương Tây và một số quốc gia khác, việc cầm cả bát để ăn cơm hoặc uống nước dùng bị đánh giá là sai phong tục. Nhưng đối với văn hóa ẩm thực Nhật Bản, việc cầm một bát cơm hoặc một bát súp miso trên tay khi ăn lại được coi là nghi thức. Người Nhật có thói quen ngồi ăn trên sàn nhà có lót chiếu hoặc nệm ngồi. Khi đó, thức ăn để trên bàn và người dùng sẽ cầm bát trên tay để lấy thức ăn, tránh làm vung vãi đồ ăn xuống đất.

Không nên để thừa thức ăn

Với văn hóa ẩm thực Nhật Bản, mọi người rất trân trọng đồ ăn, có lòng biết ơn đối với những phước lành của thiên nhiên và người chế biến món ăn cho họ.  Vì thế mà việc không để thừa đồ ăn cũng được coi là hành động lịch sự khi ăn uống tại quốc gia này.

Lời chào trước và sau bữa ăn

Khi dùng bữa ở Nhật Bản, người Nhật sẽ chào nhau bằng `itadakimasu” trước bữa ăn và “gochisousama deshita” sau bữa ăn. Lời chào này thể hiện lòng biết ơn những thực phẩm tươi ngon được sử dụng và người đã nấu bữa ăn ấy.  Khi dùng bữa ở Nhật Bản, hãy chắp hai tay trước ngực và nói “itadakimasu” để nói cảm ơn vì bữa ăn.

Kết luận

Sức hấp dẫn của văn hóa ẩm thực Nhật Bản đã và đang thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Nếu có cơ hội đặt chân tới đây, hãy dành thời gian trong ngày để thưởng thức tinh hoa ẩm thực truyền đời này nhé!

bởi Quốc Cường vào | 21 lượt xem

Có thể bạn muốn xem