Văn Hóa Hàn Quốc Và Những Nét Đặc Trưng Điển Hình
Văn Hóa Hàn Quốc Và Những Nét Đặc Trưng Điển Hình

Là quốc gia Á Đông có lịch sử phát triển lâu dài, Hàn Quốc có nền văn hóa truyền thống đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc. Những giá trị này được người dân xứ kim chi gìn giữ và bảo tồn đến tận ngày nay. Sự kết hợp hài hòa của văn hóa truyền thống với nền văn hóa hiện đại đem đến cho quốc gia này những đặc trưng riêng biệt, không pha trộn. Vậy văn hóa “xứ kim chi” có điểm gì đặc biệt?

văn hóa hàn quốc
văn hóa hàn quốc

1. Biểu tượng văn hóa Hàn Quốc – Nét đẹp văn hóa “xứ kim chi”

Hàn Quốc là quốc gia có bề dày văn hóa truyền thống, được thể hiện qua nhiều yếu tố và các biểu tượng văn hóa đặc sắc chỉ có tại xứ sở này. Dưới đây là một số biểu tượng làm nên nét đẹp văn hóa Hàn Quốc:

1.1 Hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc

Nếu như Việt Nam có áo dài thì Hàn Quốc nổi tiếng với áo Hanbok. Đây là quốc phục của “xứ kim chi”. Áo hanbok của phụ nữ gồm có một váy dài và một áo vét kiểu Bolero. Áo nam giới gồm có một áo khoác ngắn jeogori và quần baji.

Cả hai bộ hanbok này đều có thể mặc với một áo choàng dài theo kiểu tương tự gọi là durumagi. Ngày nay, người Hàn Quốc chủ yếu mặc hanbok vào các dịp lễ tết (Tết Trung thu, Tết Nguyên Đán) hoặc các lễ kỷ niệm như ngày cưới hoặc tang lễ.

1.2 Hangeul - Bảng chữ cái tiếng Hàn Quốc

Bảng chữ cái Hangeul được xây dựng từ thế kỷ 15 bởi hoàng đế Sejong, thời Joseon. Bảng chữ cái gồm 14 phụ âm và 10 nguyên âm. Sự kết hợp giữa phụ âm và nguyên âm hình thành nên âm tiết, do vậy bảng chữ cái hangeul có thể tạo thành hàng nghìn chữ và thể hiện bất kỳ âm điệu nào.

1.3 Jongmyo Jeryeak - Nhạc tế lễ Jongmyo

Vào ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Năm trong năm, hậu duệ của dòng tộc Jeonju Yi - hoàng tộc thời Joseon (1392-1910), làm lễ thờ cúng tổ tiên tại đền Jongmyo ở trung tâm thủ đô Seoul.

Hiện nay, nghi lễ này được tổ chức khá ngắn gọn và đơn giản so với trước đây, nhưng có tới 19 loại nhạc cụ cổ điển, bao gồm chùm chuông đá, chuông đồng, các loại trống, hòa nên âm thanh đặc biệt cho buổi lễ truyền thống.

1.4 Văn hóa múa mặt nạ Talchum

Hàn Quốc cũng nổi tiếng với văn hóa mặt nạ. Tại quốc gia này, mặt nạ thường dược gọi là tal (탈) trong tiếng Hàn Quốc, được làm từ giấy, gỗ, quả bầu khô, và lông.

Văn hóa múa mặt nạ Talchum
Văn hóa múa mặt nạ Talchum

Các loại mặt nạ thường phản ánh sắc thái và cấu trúc xương của gương mặt người Hàn, nhưng cũng có một số loại mặt nạ thể hiện khuôn mặt của các vị thần và con vật, bao gồm cả tả thực và tưởng tượng.

Múa mặt nạ về cơ bản là loại hình nghệ thuật dân gian phát triển tự nhiên trong thời Joseon, thời kỳ mà có ít sự phân biệt giữa giai cấp thống trị và thượng lưu trong xã hội với người dân thường. Các diễn viên và khán giả cùng hòa nhập vào các điệu múa tưng bừng ở cuối mỗi buổi biểu diễn.

1.5 Nhân sâm

Nhân sâm rất nổi tiếng tại Hàn Quốc. Có lẽ vì thế mà quốc gia này còn được gọi là “đất nước củ sâm”. Nhân sâm được trồng khá rộng rãi tại Hàn Quốc do điều kiện khí hậu với đất đai ở đây rất phù hợp.

Nhân sâm Hàn Quốc được sử dụng như là liều thuốc tăng cường sinh lực và phục hồi sức khỏe. Người ta tin rằng nhân sâm giúp tăng cường chức năng của các cơ quan quan trọng trong cơ thể, ổn định tim, bảo vệ dạ dầy, tăng cường chịu đựng và sự ổn định của hệ thần kinh.

1.6 Di sản in trên phiến gỗ

Nghệ thuật in trên phiến gỗ  bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 ở Hàn Quốc. Bộ chữ in kim loại đầu tiên của thế giới được người Hàn Quốc phát triển trước phát minh của Gutengerg (người Đức) hơn 200 năm.

Người dân triều đại Goryeo (918-1392) đã làm ra Bộ kinh Phật Koreana từ thế kỷ 13 và được công nhận là bản khắc gỗ kinh Phật còn tồn tại lâu đời nhất. Hiện bộ kinh Phật này được lưu giữ tại chùa Haeinsa và được xếp hạng di sản văn hóa thế giới của UNESCO năm 1995.

1.7 Nhạc cụ truyền thống

Xứ kim chi cũng nổi tiếng với những loại nhạc cụ truyền thống. Có đến khoảng 50 nhạc cụ truyền thống của người Hàn Quốc đã được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Bao gồm loại đàn 12 dây gayageum và đàn 6 dây geomungo. Cả hai loại nhạc cụ này đều được xác định là xuất hiện từ thế kỷ thứ 5.

1.8 Văn hóa Dancheong - Hình trang trí trên các tòa nhà

Dancheong là hình trang trí màu sắc theo kiểu Hàn Quốc trên nóc các tòa nhà và những hình trang trí thể hiện vẻ đẹp và giá trị nghệ thuật đích thực. Dancheong gồm có năm màu: đỏ, xanh, vàng, đen và trắng. Bên cạnh chức năng trang trí, Dancheong còn được dùng vào những mục đích thực tế.

Hình trang trí được sử dụng để bảo vệ bề mặt tòa nhà và che đi những vết thô ráp trong chất liệu được sử dụng đồng thời nhấn mạnh đặc điểm và thể hiện phẩm cấp của tòa nhà hay đối tượng nào đó.

1.9 Văn hóa thêu thùa Jasu

Thêu được thực hiện trên vật liệu vải và các đồ trang trí như bình phong gấp. Thêu cung được dùng để trang trí nhiều vật phẩm trong nhà, như gối, bao đựng kính, rèm và túi đựng thuốc lá, thìa và đũa, bàn chải đánh răng…

Thời xưa, thường dân Hàn Quốc không được mặc vài có hình thêu thùa, trừ các bộ lễ phục mặc vào ngày thành hôn. Không giống như nghệ thuật thêu phục vụ mục đích trang trí đơn thuần, các đồ thêu trang trí đền chùa, tượng, chỉ dành riêng cho Phật giáo.

1.10 Văn hóa gói bọc Bojagi

Văn hóa gói bọc Bojagi
Văn hóa gói bọc Bojagi

Bojagi là mảnh vải hình vuông có viền xung quanh với các kích cỡ, màu sắc và họa tiết trang trí khác nhau. Người Hàn Quốc thường dùng bojagi để bọc, gói các đồ vật. Bojagi ngày nay vẫn được sử dụng, mặc dù không phổ biến như trước đây.

Trong cuộc sống thường nhật, bojagi làm tăng tính độc đáo và kiểu cách của các nghi lễ.

1.11 Nghệ thuật gấp giấy thủ công

Người Hàn Quốc có truyền thống lâu đời trong nghệ thuật gấp giấy thủ công và cũng đã từ lâu sử dụng những loại giấy chất lượng tốt để gấp nên những chiếc hộp, chiếc bát có nắp đậy, những chiếc bát lớn, giỏ, túi lưới, bình và gạt tàn.

Hầu hết các sản phẩm làm từ giấy đều được sơn bóng trên bề mặt nhằm làm tăng tính thẩm mỹ và độ bền, đồng thời làm cho chúng có khả năng chống thấm. Loại sơn phủ thường được dùng là hỗn hợp làm từ nước quả hồng xanh, hồ gạo, và dầu tía tô.

1.12 Tranh dân gian

Tranh dân gian là những tác phẩm mà người dân Hàn Quốc thời xưa thường dùng để trang trí nhà ở hoặc để thể hiện những mong ước của họ về đời sống hạnh phúc.

Đây là những sáng tác của các họa sĩ thuộc tầng lớp hạ lưu trong xã hội cũ, nhưng các bức tranh của họ lại được tất cả mọi giai cấp trong xã hội, từ hoàng gia, đền thờ cho đến nông dân ở những làng quê hẻo lánh trưng bày.

1.13 Các nghi lễ trưởng thành

Ở Hàn Quốc, những giai đoạn mà mỗi người phải trải qua trong cuộc đời và đánh dấu những thay đổi cơ bản thường được gọi chung là Gwanhonsangje - nghĩa là Quan-Hôn-Tang-Tế, bao gồm lễ trưởng thành, lễ thành hôn, tang lễ và tế lễ tổ tiên.

Lễ trưởng thành thường rất đơn giản. Các chàng trai trưởng thành cuộn mái tóc dài thành búi trên đỉnh đầu và được tặng một chiếc mũ truyền thống của dân tộc Hàn Quốc làm từ đuôi ngựa. Các cô gái tết tóc 2 bím rồi thả xõa, sau đó lại vấn tóc lên đằng sau rồi dùng trâm  để cài lên tóc.

1.14 Văn hóa vườn cảnh

Những ý niệm chủ yếu phía sau nghệ thuật vườn Hàn Quốc là làm cho khung cảnh khu vườn tự nhiên hơn cả chính bản thân nó lúc ban đầu. Trong nhiều trường hợp, nhiều khu vườn trông hoàn toàn giống như một tác phẩm của tự nhiên, đó là nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ.

Một trong những cảnh quan vườn được bảo tồn tốt nhất trong các khu vườn thượng uyển là hồ Anapji ở Gyeongju, tỉnh Gyeongbuk.

Vườn thượng uyển của Cung điện Changdeokgung rộng 300.000m2. Khu vườn được bố trí nhiều vườn, sảnh, ao sen, cầu đá, bậc tam cấp, máng nước và những dòng suối nhỏ uốn lượn giữa khu rừng cây rậm rạp làm nổi bật kiến trúc vườn truyền thống của Hàn Quốc.

2. Đặc điểm nổi bật trong đời sống văn hóa của người Hàn

Cùng với những biểu tượng văn hóa thì đời sống văn hóa của người Hàn cũng rất đa dạng và độc đáo với nhiều nét văn hóa đặc trưng. Có thể kể đến như:

2.1 Văn hóa chào hỏi

Việc cúi đầu chào hỏi là thói quen của người Hàn Quốc. Chào hỏi không chỉ thay lời hỏi thăm mà còn thể hiện sự thân thiện, lòng kính trọng mà người Hàn Quốc dành cho bạn.

Khi chào hỏi người Hàn thường cúi đầu kết hợp nói những câu nói quen thuộc như “Annyeonghaseyo” hay “annyeonghashimnika” với ý nghĩa “Xin chào, bạn có khỏe không?” hay “gamsahamnida” là “Xin cám ơn”. Người Hàn Quốc thường nói sau khi kết thúc việc cúi đầu chào.

Bạn cần lưu ý là bạn cũng cần cúi đầu đáp lễ khi một người khác cúi đầu chào bạn, đó là phép lịch sự trừ khi vị trí của bạn thật sự cao hoặc bạn là bậc trưởng bối.

2.2 Văn hóa ẩm thực

Văn hóa ẩm thực
Văn hóa ẩm thực

Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến những con phố ẩm thực nổi tiếng khắp thế giới như Galchi Jorim, Gongdeok hay phố nướng BBQ.

Những con phố ẩm thực đã trở thành điểm đến không thể thiếu khi ghé thăm Hàn Quốc. Từ cháo gà Hàn Quốc Dakjuk, cơm trộn Bibimbap cho đến kim chi - quốc hồn quốc túy của người Hàn.

2.3 Văn hóa E-sports

Hàn Quốc được biết đến như kinh đô thê thao điện tử trên thế giới. Tại đây người ta thành lập cả Liên đoàn thể thao điện tử, có những kênh truyền hình riêng, những sân vận động riêng và có cả ngành học riêng về thể Trung ương Hàn Quốc.

Các game thủ ở xứ này được đối xử như những vận động viên thể thao thực thụ, họ được coi trọng, có fans hâm mộ, có tiền thưởng và thậm chí những gamers có thành tích xuất sắc được coi như niềm tự hào quốc gia.

2.4 Văn hóa tặng quà

Văn hóa tặng quà là một trong những nét văn hóa đặc trưng trong đời sống của người dân Hàn Quốc. Khi tặng quà cho người Hàn Quốc bạn chắc chắn sẽ được đáp lại bởi quà tặng thể hiện tình thân hữu, kính trọng giữa người với người.

Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng giấy gòi có màu đỏ và vàng, tránh sử dụng màu xanh lá cây, trắng, đen vì đây là những màu không may mắn. Tương tự số 7 là con số may mắn ở Hàn, hãy ưu tiên tặng quà có bội số là 7 và tránh tặng quà có bội số là 4.

2.5 Văn hóa uống rượu

Uống rượu là đặc trưng, cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Hàn Quốc. Người Hàn Quốc uống rượu hàng ngày, rượu Soju của họ là thứ rượu được tiêu thụ nhiều nhất trong 11 năm liên tục. Đến Hàn Quốc bạn sẽ thấy Soju được bán ở mọi nơi, từ siêu thị, nhà hàng cho đến máy bán hàng tự động. Đặc biệt trong các bộ phim điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc nếu có cảnh các nhân vật ngồi uống rượu thì tất nhiên thứ rượu đó chính là Soju.

 2.6 Hàn Quốc và sự ảnh hưởng của văn hóa Hallyu

 Làn sóng Hallyu với những bộ phim truyền hình, những nhóm nhạc thần tượng ngày càng vượt xa khỏi biên giới Hàn Quốc, vươn đến châu Á, châu Âu mở rộng tới Mỹ. Giới trẻ trên thế giới phát cuồng vì những oppa, unnie xứ Hàn. Rất nhiều khách du lịch đã thừa nhận rằng họ đến Hàn Quốc chính vì làn sóng Hallyu đã ảnh hưởng quá mạnh mẽ đến cuộc sống của chính bản thân họ.

3. “Mẹo hay” giúp bạn nhanh chóng thích nghi với văn hóa Hàn Quốc

Để nhanh chóng hòa nhập với người Hàn Quốc và thích nghi với nền văn hóa xứ Kim Chi, trước hết bạn phải hiểu được tính cách người Hàn Quốc, sau đó bạn phải nắm được các quy tắc giao tiếp của người Hàn Quốc và một số kiêng kỵ trong văn hóa ứng xử Hàn Quốc.

3.1 Hiểu tính cách người Hàn Quốc

Người Hàn Quốc đương nhiên là mỗi người một tính cách nhưng tựu chung lại, họ có những điểm chung nhất định làm thành tính cách “quốc gia”. Người ta thường nhắc đến tính cách một dân tộc là những đặc điểm chung tiêu biểu nhất của người dân nước đó. Người Hàn Quốc tính cách nổi bật như thế nào, bạn hãy tìm hiểu những đặc điểm đó để nhận ra giá trị và có sự nhìn nhận đúng đắn hơn, hiểu sâu hơn về người Hàn Quốc.

Người Hàn Quốc nổi tiếng thế giới là người coi trọng bề ngoài. Bạn dễ hiểu điều này khi không chỉ phụ nữ Hàn Quốc mà cả nam giới cũng rất lịch sự, chu đáo khi đi ra ngoài. Không phải họ coi trọng bề ngoài là coi thường những người nghèo, sính hàng hiệu mà coi trọng vẻ ngoài là sự ý thức tự chăm sóc bản thân cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người đối diện. Và quả thực nếu bạn có vẻ bề ngoài tươm tất hơn thì bạn sẽ được tin tưởng hơn tại Hàn Quốc.

Hiểu tính cách người Hàn Quốc
Hiểu tính cách người Hàn Quốc

Người Hàn Quốc là những người năng động và trọng tình cảm. Họ thường sẽ nói nhiều và nói to, thích các hoạt động mang tính phong trào. Vì sống tình cảm nên người Hàn Quốc cũng dễ bị kích động.

Người Hàn Quốc khi làm việc với người Việt Nam thường bị người Việt Nam cho là nóng tính, cục cằn, nhưng thực chất đó là do sự không hiểu ý và tương thích về quan điểm. Thực chất người Hàn Quốc thẳng tính, bộc trực, thoải mái và cũng có một nét tương tự người Nhật là sự nghiêm khắc, kỷ luật rất cao.

Hàn Quốc nổi tiếng thế giới với nhịp sống nhanh, mạnh mẽ. Nếu xem phim Hàn Quốc thì bạn thường xuyên thấy cảnh những người đi làm công sở, hoặc đi học vội vã, hấp tấp thậm chí chạy bộ thật nhanh vì không muốn bị muộn giờ. Người Hàn cũng rất tối kị để xảy ra trễ giờ. Họ luôn đặt tốc độ và hiệu quả làm việc lên hàng đầu.

3.2 Nắm chắc một số quy tắc ứng xử trong văn hóa của người Hàn Quốc

Tìm hiểu về quy tắc ứng xử của người Hàn Quốc, bạn nhất định phải biết về nguyên tắc tính thứ bậc trong xã hội Hàn Quốc. Cũng như ở Việt Nam, một gia đình như một mô hình thu nhỏ của xã hội mà trong đó người dưới luôn phải kính nhường người trên. Ở trong một công ty, một phòng ban cũng vậy.

Người Hàn Quốc rất lịch sự, trong khi ứng xử cần sự trang trọng thì họ thường xuyên sử dụng kính ngữ một cách trân trọng nhất. Luôn thể hiện sự tôn trọng người khác. Ngoài tuổi tác thì người Hàn Quốc rất coi trọng địa vị xã hội. Người Hàn Quốc đặc biệt coi trọng những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Nhiều người mới tiếp xúc có thể thấy văn hóa ứng xử Hàn Quốc khô khan, cứng nhắc, người Hàn Quốc nóng tính, nhiều quy tắc rườm rà nhưng đó là vì bạn chưa hiểu hết những nghĩa nghĩa tích cực của những quy tắc đó.

Một khi bạn đã hiểu và hòa nhập rồi thì bạn sẽ thấy văn hóa của Hàn Quốc rất sâu sắc và đáng để học hỏi.

3.3 Một số kiêng kỵ trong văn hóa Hàn Quốc

Người Hàn Quốc rất kỵ số 4, nên họ hay thay vì đánh số tầng 4 thì là tầng Four trong tiếng Anh. Ngoài ra, người Hàn Quốc kỵ ghi tên người bằng mực màu đỏ, kiêng cầm đũa đứng, kiêng sử dụng tay trái trong giao tiếp.

Ngoài ra, khi tiếp rượu người Hàn Quốc bạn cần lưu ý là rót rượu phải rót đầy, khi rót thì phải cầm chai rượu bằng 2 tay, người được rót rượu cũng nâng ly bằng 2 tay, không được để miệng chai chạm vào miệng ly không phải vì vấn đề vệ sinh mà vì liên quan đến nghi thức rượu cúng.

Du học Hàn Quốc hay là người nước ngoài định cư ở Hàn Quốc thì việc đầu tiên bạn phải trang bị cho mình là những hành trang về kiến thức văn hóa. Cùng với tiếng Hàn thì những kiến thức về văn hóa cũng vô cùng quan trọng. Một kiến thức nền tảng về văn hóa đủ dày sẽ khiến bạn thêm yêu đất nước Hàn Quốc và dễ dàng thích nghi, hòa nhập hơn.

Đến Hàn Quốc tức là bạn sẽ phải hòa nhập với văn hóa Hàn như câu thành ngữ của người Việt “nhập gia tùy tục”. Việc tìm hiểu và yêu thích văn hóa Hàn Quốc nên được thực hiện trước khi bạn có ý định đến du học tại Hàn Quốc. Những hiểu biết về văn hóa Hàn Quốc mặt khác cũng giúp cho việc học tập và làm việc tại Hàn Quốc hiệu quả hơn.

Trên đây là một số nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa Hàn Quốc. Nếu bạn là du học sinh chuẩn bị đến với “xứ kim chi”, hãy tìm hiểu những nét văn hóa này để có thể ứng xử phù hợp. Đồng thời, việc tìm hiểu về văn hóa Hàn cũng giúp bạn cảm nhận thêm một phần độc đáo của quốc gia này.

bởi Quốc Cường vào | 137 lượt xem

Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem