ĐIỂM GIỐNG-KHÁC GIỮA SƠN LĂNG NHÀ LÊ SƠ Ở LAM KINH VÀ SƠN LĂNG TRIỀU TIÊN
Cả 2 hệ thống sơn lăng đều đắp gò mộ lộ thiên và có để án thờ đá phía trước chứ không để ở trong bửu thành như nhà Nguyễn hay trong hầm mộ như của nhà Minh Thanh ở Trung quốc. Đều xây nhà bia bên cạnh, đều có 1 cổng duy nhất dẫn thẳng đến khu lăng, như Nghi môn ở Việt Nam và Hongsan-mul ở Hàn quốc, chứ không nhiều lớp cổng như sơn lăng nhà Nguyễn và Trung quốc, riêng ở hệ thống Lam Kinh dường như đã có hệ thống toàn cửu miếu để phối thờ các tiên vương nhà Lê, còn ở hệ thống lăng Joseon thì được xây thêm 1 ngôi đền hình chữ T. Đều có hệ thống tượng linh vật và quan hầu ngay cạnh gò mộ. Tuy nhiên cách thức xây gò mộ của nhà Joseon rất cầu kỳ và phức tạp, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. Ngày nay Lam Kinh chỉ còn là phế tích nên chỉ còn dấu tích nền móng cung điện, tuy nhiên qua khảo cổ cũng có thê thấy xưa nơi này từng rất rộng lớn với quần thể hơn 200 héc ta bao gồm cung điện, thành quách, miếu thờ và hệ thống sơn lăng của các vua nhà Lê Sơ. Qua các cuộc hành quân và tàn phá của nhà Tây Sơn khi tiến quân ra bắc hồi cuối thế kỷ 18, và việc Gia Long cho gỡ hành cung ở đây để xây dựng thái miếu nhà Lê ở Đông Sơn thì khu vực này càng hoang vắng.
Trích nguồn từ Internet: Khu thành điện Lam Kinh có hình chữ nhật, với chiều dài theo hướng đông – tây, với kích thước 341x254m, tường thành dày khoảng 1m; có cổng chính quay về hướng nam. Qua cổng thành khoảng 10 m có sông Ngọc bao quanh khu miếu điện. Trên trục chính có Bạch Kiều (cầu trắng, hay còn gọi là cầu sông Ngọc), bắc qua sông Ngọc để đi vào trung tâm khu miếu điện, sau Bạch Kiều khoảng 50m là tới một giếng cổ có tên là giếng Ngọc phía trước Nghi môn, nằm chếch về phía trái trục chính. Nghi Môn là cổng vào sân Rồng, có 3 cửa; trong đó cửa giữa rộng 3,5m, 2 cửa hai bên rộng 2,7m. Trước Nghi môn có 2 con nghê đá đứng canh. Qua Nghi môn là sân Rồng (sân chầu) có chiều rộng trải hết bề ngang chính điện, tới sát nhà tả vu, hữu vu hai bên; sân Rồng có kích thước rộng 57m, sâu 55m. Từ sân Rồng đi qua thềm Rồng 9 bậc bằng đá là tới nền điện. Thềm Rồng có 3 lối, lối giữa rộng 1,8m, 2 lối bên rộng 1,2m. Rồng phía biên được tạc cách điệu hình mây. Nền điện cao hơn nền sân rồng khoảng 1,8m. Các điện (3 điện) có bố cục hình chữ “công”, là các điện Quang Đức (phía trước, 9 gian), Sùng Hiếu (giữa, 4 gian) và Diên Khánh (phía sau, 9 gian). Tổng cộng có 22 gian liên hoàn với tổng diện tích khoảng 1.650m2.
Phía sau điện Lam Kinh là Cửu Miếu (9 tòa miếu); cửu miếu có bố cục hình cánh cung ôm ra phía trước. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu, cùng một số người trong gia tộc. Sau khu vực này 50m là tường hậu của khu miếu điện. Đây cũng là phạm vi kết thúc thành nội (khu miếu điện). Thành nội có công năng là thờ cúng và là nơi diễn ra các lễ nghi khi vua từ Đông Đô về. Phía ngoài thành nội là các công trình của bộ máy thường trực trông coi miếu điện (khu thành ngoại). Các lăng mộ vua và hoàng thái hậu được xây tập trung nhiều về phía đông bắc trung tâm thành điện Lam Kinh.. Riêng lăng mộ vua Lê Thái Tổ nằm trên trục chính, phía sau thành nội…
Rất tiếc hầu như toàn bộ kiến trúc thành điện Lam Kinh đã bị phá hủy, số ít ỏi còn lại cũng không còn nguyên vẹn. 600 năm với bao sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai, của khói lửa chiến tranh đã làm cho một quần thể công trình từng đẹp huy hoàng trở thành phế tích. Tường thành đã bằng phẳng, nghi môn bị phá hủy, nhà tả vu, hữu vu cũng vậy; các điện chỉ còn những chân tảng trên mặt đất, cửu miếu cũng chỉ còn dấu vết của nền móng… Một số kiến trúc đã và đang được phục dựng lại như cầu sông Ngọc, nghi môn, cửu miếu… Một trong những dấu tích còn lại là thềm rồng, cũng bị hư hại nặng nề.”.
Hình ảnh minh hoạ:
bởi Quốc Cường vào | 321 lượt xem