Những phù thủy sân khấu… lúc nửa đêm
Dù khá nổi tiếng trong cộng LGBT+ nói riêng và cộng đồng những người yêu nghệ thuật, thời trang nói chung. Nhưng có lẽ với nhiều người “ngoại đạo” Drag Queen vẫn là thứ gì đó mơ hồ và bí ẩn.
Drag Queen là một thuật ngữ dành cho những người ăn mặc hoán giới thành nữ, đi kèm với đó là lối trang điểm dày và đậm với mục đích để biểu diễn và giải trí. Drag được xem là một nét văn hóa độc đáo, xu hướng dành cho tất cả mọi người, đặc biệt Drag Queen còn đi cùng với sự phát triển lịch sử cộng đồng. Phong cách hoá trang này đang là một xu hướng rất đặc sắc để bất kỳ ai cũng thể hiện được cá tính, sự phóng khoáng và đặc biệt là phong cách thời trang táo bạo của mình.
Drag Queen là một loại hình nghệ thuật
Bên cạnh đó, Drag Queen còn là một loại hình nghệ thuật trình diễn rất phổ biến trong cộng đồng LGBT+ trên thế giới. Sân khấu của Drag Queen trở thành “thánh địa” để người biểu diễn thách thức khuôn mẫu giới tính cứng nhắc cũng như khám phá bản thân mình. Không nhất thiết phải thuộc cộng đồng LGBT+, bất kì cá nhân nào cũng có thể trở thành Drag Queen và không có giới hạn cho những điều họ thể hiện.
Drag Queen có nguồn gốc từ đâu?
Drag Queen có nguồn gốc từ phương Tây. “Drag” trong Drag Queen được viết tắt từ cụm từ “Dressed Resembling A Girl”, được hiểu là ăn mặc giống con gái. Nghĩa là trong môn nghệ thuật này những nghệ sĩ nam sẽ trang điểm và mặc trang phục của phụ nữ để lên sân khấu biểu diễn.
Nếu như ngày trước, nghệ thuật Drag Queen phổ biến với các bạn gay (đồng tính luyến ái nam) thì hiện tại trên thế giới Drag Queen còn phổ biến với người đồng tính, song tính, chuyển giới hoặc các xu hướng tính dục khác trong cộng đồng LGBT+, hoặc cũng có thể họ là trai/gái “thẳng”. Đối với các bạn nữ hóa trang thành những người đàn ông thì được gọi là Drag King.
Theo dòng lịch sử, những Drag Queen đầu tiên xuất hiện khá sớm ở một số nước như Nhật Bản, Anh, Mỹ,… Vào thế kỷ thứ 16 các nhân vật nữ trong tác phẩm của Shakespeare đều là hiện thân của Drag Queen. Tại Nhật Bản, việc nam giới cải trang thành nữ có khởi nguồn từ sân khấu trình diễn loại hình kịch truyền thống mang tên Kabuki. Dưới thời tướng quân Tokugawa, phụ nữ không được phép diễn những vở kịch có điệu múa mang tính gợi dục, diễn viên nam sẽ thay thế họ trong vai trò này.
Hay tại Anh, những Drag Queen đầu tiên xuất hiện vào năm 1870. Thời điểm đó các sân khấu kịch tại nước Anh xuất hiện tình trạng thiếu hụt diễn viên nữ, để giải quyết vấn đề này, các diễn viên nam đã phải hóa trang thành nữ để thế vai.
Còn tại Mỹ, khoảng đầu thế kỷ 20, “cơn sốt” Drag Queen nổi lên rầm rộ, đó là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các câu lạc bộ đồng tính và chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nhưng đến những năm của thập niên 1970, nghệ thuật Drag mới thật sự trở thành một cuộc cách mạng khi xuất hiện dày đặc những vũ hội Drag bắt nguồn từ New York.
Drag Queen có tồn tại ở Việt Nam hay không?
tại Việt Nam, loại hình Drag Queen có tồn tại? Câu trả lời là có, không chỉ tồn tại mà Drag Queen còn có xuất thân lâu đời từ những sân khấu kịch. Nghệ thuật Drag Queen được du nhập vào Việt Nam từ những năm 90. Tuy nhiên, thời điểm đó những tụ điểm biểu diễn loại hình này không nhiều, định kiến về giới tính ở Việt Nam khá khắt khe, khiến nghệ sĩ không có điều kiện phát triển.
Trong khi những nước láng giềng như Thái Lan hay Malaysia đã nở rộ thì mãi đến những năm gần đây ở một số thành phố lớn tại Việt Nam mới bắt đầu cởi mở hơn. Hiện nay, Drag Queen đã trở nên phổ biến và được công chúng đón nhận nhiều hơn bởi những yếu tố thời trang và nghệ thuật nó đem lại. Những nghệ sĩ tên tuổi theo đuổi loại hình Drag Queen có thể kể đến như BB Trần, Hải Triều, Duy Khánh, Huỳnh Lập,…
Cộng đồng Drag Queen đông đảo và phát triển lớn mạnh nhất có lẽ ở TP HCM, vô số show diễn lớn nhỏ cùng một lượng lớn nghệ sĩ Drag Queen hoạt động tại các quán bar. TP HCM vốn là nơi nhộn nhịp và năng động nên đây chính là “cái nôi” phù hợp nhất cho cộng đồng Drag Queen được phát triển đúng nghĩa. Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị của vẻ đẹp và nghệ thuật tiềm ẩn bên trong loại hình này như có một ma lực thu hút mọi người đến và tìm hiểu về nó. Chả vậy mà, một hai năm trở lại đây Drag Queen đã xuất hiện tại Hà Nội. Dù chỉ là một cộng đồng nhỏ nhưng đã cho thấy sự tồn tại mạnh mẽ của nét văn hóa đặc biệt này ở nơi mà những giá trị văn hóa Á Đông vẫn còn đậm nét.
Nói không ngoa khi cho rằng Drag Queen chính là những phù thủy sân khấu… lúc nửa đêm. Những màn trình diễn của họ “hớp hồn” người xem bởi sự pha trộn hoàn hảo giữa thời trang và nghệ thuật cùng với sự duyên dáng và hài hước vốn có. Vẻ lộng lẫy của họ không chỉ ở bề ngoài mà còn đến từ bên trong con người và được thể hiện qua phong cách trình diễn.
Việt Nam suy nghĩ như thế nào về Drag Queen
Mặc dù đã có những thay đổi nhất định khi nhìn nhận cộng đồng LGBT+ nói chung và Drag Queen nói riêng. Nhưng Việt Nam vẫn còn là một đất nước khá bảo thủ đối với những người làm nghệ thuật “giả gái”.
Là một đất nước phương Đông điển hình, Việt Nam chưa thực sự cởi mở đón nhận loại hình nghệ thuật này, đâu đó vẫn còn sự kỳ thị và xem đó là trò vô bổ trái ngược với tự nhiên.
Đa số mọi người không công nhận Drag Queen là một loại hình nghệ thuật hay một nghề, mà chỉ đơn thuần là một trò đùa vui ở các tụ điểm giải trí và dễ dàng thay mới. Do đó, mà sự đãi ngộ ở nghề này hầu như không có hay còn nhiều hạn chế.
Trong khi, sự đầu tư về trang phục, đồ trang điểm của nghề này rất đắt đỏ. Mỗi lần xuất hiện, từ quần áo, giày dép phụ kiện cho đến đồ trang điểm, tóc giả đều cần sự chỉn chu, trau chuốt trong từng tiểu tiết. Bên cạnh đó họ phải tự lên ý tưởng về phần trình diễn, học cả cách trình diễn, nhìn chung phải đảm nhiệm từ A đến Z. Chính vì việc không có nhiều lợi nhuận đã gây ảnh hưởng đến tinh thần và sự sáng tạo của người làm nghề Drag Queen.
Không chỉ dừng lại ở hiểu nhầm, hiểu sai mà những Drag Queen còn bị hứng chịu nhiều sự ác cảm, dè bỉu. Đối với họ, nam giới ăn mặc lộng lẫy, đánh phấn dày cộp là một trò lố lăng, nhí nhố và “không ra thể thống gì” hay thậm chí là bệnh hoạn.
Bạn có tự tin nói với mọi người rằng "Tôi là một Drag Queen"
Những rào cản, “xiềng xích” đã ngăn những người nghệ sĩ được sống thật với đam mê của mình. Ngăn họ được trở thành con người mà họ mong muốn. Vì cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền, vì những lời dị nghị không bao giờ ngừng mà họ đành lựa chọn từ bỏ bản thân, từ bỏ dòng máu nghệ thuật chảy trong con người mình.
Nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều người đã và đang sẵn sàng theo đuổi, đấu tranh hết mình cho bản thân, giành lại quyền và tiếng nói cho cộng đồng Drag Queen nói riêng và cộng đồng LGBT+ nói chung.
Bạn Đ.Bảo (SN 1996, Hà Nội), nghệ sĩ trong cộng đồng Drag Queen chia sẻ: “Để trở thành một nghệ sĩ Drag Queen, tôi đã từng trải qua khoảng thời gian thử thách của cuộc đời. Khi mà mọi thứ đều giống như đang chống lại mình, từ gia đình, bạn bè cho đến chính bản thân đều đặt ra câu hỏi liệu tôi có làm được không? Sống đúng với đam mê liệu tôi có thể? Và để trả lời cho câu hỏi đó tôi đã thử, vì không thử thì sao biết.
Càng thử, càng trải nghiệm tôi càng thấy lựa chọn này là đúng đắn. Tôi yêu cảm giác được chuẩn bị đồ hóa trang, yêu cảm giác hóa thân thành một Drag Queen và yêu cả cảm giác khi được đứng trên sân khấu, phô diễn tất thảy tài năng cho khán giả. Drag Queen không chỉ mang cho tôi cái nghề mà còn giúp tôi hiểu được mình là ai. Giờ đây tôi tự hào khi khẳng định, tôi là một Drag Queen!”.
Có lẽ nếu không vì đam mê, không vì khát vọng được là chính mình thì chắc chẳng ai đủ mạnh mẽ bước chân vào nghề. Khi đã đủ đam mê và hiểu bản thân muốn gì cũng như quyết tâm theo đuổi thì mọi sự ngăn cản, khó khăn hay thị phi của những người không chung tư tưởng sẽ không thể làm khó bạn.
Nếu dùng ba từ để nói về Drag Queen có lẽ là: rực rỡ, mới lạ và cá tính. Đó là những từ để nói về những người nghệ sĩ đặc biệt, những người dám đứng dậy và đấu tranh cho cộng đồng, cho chính mình. Để từ đó những chiếc kén sâu “lột xác” thành những con bướm lộng lẫy được sống trọn với giới tính.
bởi Lê Thị Kim Trúc vào | 414 lượt xem